Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 41

Những bài học từ hai lá thư của Phi-e-rơ

Những bài học từ hai lá thư của Phi-e-rơ

“Tôi có ý muốn là luôn nhắc nhở anh em về mọi điều tôi đã viết”.—2 PHI 1:12.

BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào

GIỚI THIỆU a

1. Không lâu trước khi qua đời, sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để làm gì?

 Sứ đồ Phi-e-rơ biết rằng không lâu nữa, ông sẽ qua đời. Trong suốt hàng thập kỷ phụng sự trung thành, ông đã bước đi cùng Chúa Giê-su, mở ra những cánh đồng rao giảng mới và làm thành viên hội đồng lãnh đạo. Nhưng việc phụng sự của Phi-e-rơ không dừng lại ở đó. Vào khoảng năm 62-64 CN, ông được soi dẫn để viết hai lá thư, đó là sách 1 và 2 Phi-e-rơ. Ông mong rằng những lá thư ấy sẽ giúp ích cho các tín đồ sau khi ông qua đời.—2 Phi 1:​12-15.

2. Tại sao những lá thư của Phi-e-rơ được viết rất đúng lúc?

2 Phi-e-rơ đã viết những lá thư của mình vào thời điểm mà anh em đồng đạo “phải chịu khốn khổ bởi mọi loại thử thách” (1 Phi 1:6). Những kẻ ác cố đưa sự dạy dỗ sai lầm và hành vi ô uế vào hội thánh (2 Phi 2:​1, 2, 14). Các tín đồ sống ở Giê-ru-sa-lem sắp phải đối mặt với “sự kết thúc của mọi sự”, tức là thành ấy và các hệ thống Do Thái sẽ bị quân La Mã hủy diệt (1 Phi 4:7). Chắc chắn những lá thư của Phi-e-rơ đã giúp các tín đồ biết mình cần làm gì để chịu đựng thử thách vào lúc ấy và chuẩn bị cho thử thách trong tương lai. b

3. Tại sao chúng ta nên xem xét các lá thư được soi dẫn của Phi-e-rơ?

3 Dù Phi-e-rơ viết những lá thư của mình cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, nhưng Đức Giê-hô-va đã cho lưu lại những lá thư ấy trong Lời ngài. Nhờ thế, chúng ta ngày nay nhận được lợi ích (Rô 15:4). Sống trong một thế gian cổ xúy hành vi ô uế, chúng ta cũng phải đối mặt với những thử thách có thể khiến mình khó phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta sắp đối mặt với một hoạn nạn lớn hơn nhiều so với hoạn nạn dẫn đến sự kết thúc của các hệ thống Do Thái. Hai lá thư của Phi-e-rơ đưa ra những lời nhắc nhở quan trọng. Những lời nhắc nhở ấy sẽ giúp chúng ta tiếp tục trông đợi ngày của Đức Giê-hô-va, vượt qua nỗi sợ loài người và yêu thương nhau tha thiết. Những lời nhắc nhở ấy cũng giúp các trưởng lão biết cách để chu toàn trách nhiệm chăm lo cho bầy.

TIẾP TỤC TRÔNG ĐỢI

4. Như được nói nơi 2 Phi-e-rơ 3:​3, 4, điều gì có thể khiến đức tin của chúng ta bị lung lay?

4 Đa số những người xung quanh chúng ta không tin vào các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Những người chống đối có thể chế nhạo vì chúng ta đã trông mong sự kết thúc của thế gian này trong nhiều năm. Một số người cho rằng ngày ấy sẽ không bao giờ đến. (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:​3, 4). Nếu người mình gặp trong thánh chức, đồng nghiệp hoặc người thân nói những lời như thế, thì đức tin của chúng ta có thể bị lung lay. Phi-e-rơ cho biết điều gì có thể giúp chúng ta.

5. Điều gì sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng về sự kết thúc của thế gian này? (2 Phi-e-rơ 3:​8, 9)

5 Đối với một số người thì dường như Đức Giê-hô-va chậm trễ trong việc kết thúc thế gian gian ác này. Những lời của Phi-e-rơ có thể giúp chúng ta có cái nhìn đúng vì nhắc chúng ta nhớ rằng cái nhìn của Đức Giê-hô-va về thời gian khác hẳn so với cái nhìn của con người. (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:​8, 9). Đối với ngài, ngàn năm như một ngày. Đức Giê-hô-va kiên nhẫn, không muốn bất cứ ai bị hủy diệt. Nhưng khi ngày của ngài đến thì thế gian này sẽ kết thúc. Quả là đặc ân khi chúng ta được dùng thời gian còn lại để làm chứng cho người thuộc muôn dân!

6. Làm thế nào để ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va? (2 Phi-e-rơ 3:​11, 12)

6 Phi-e-rơ khuyến giục chúng ta ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:​11, 12). Bằng cách nào? Đó là suy ngẫm về các ân phước trong thế giới mới, nếu được thì làm thế mỗi ngày. Hãy hình dung mình được hít thở không khí rất trong lành, ăn thức ăn bổ dưỡng, chào đón người thân yêu được sống lại và dạy những người sống cách đây hàng thế kỷ về sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Việc suy ngẫm như thế sẽ giúp chúng ta tiếp tục trông đợi thời kỳ ấy và tin chắc mình đang sống trong những ngày sau cùng. Nhờ “biết trước những điều đó” về tương lai, chúng ta sẽ không bị các thầy dạy giả “dẫn đi lạc lối”.—2 Phi 3:17.

VƯỢT QUA NỖI SỢ LOÀI NGƯỜI

7. Nỗi sợ loài người có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

7 Khi ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta được thúc đẩy để chia sẻ tin mừng với người khác. Dù vậy, đôi khi chúng ta thấy e ngại làm điều đó. Tại sao? Có thể chúng ta nhất thời bị khuất phục bởi nỗi sợ loài người. Điều đó đã xảy ra với Phi-e-rơ. Vào đêm Chúa Giê-su bị xét xử, ông đã không nhận mình là môn đồ của ngài và nhiều lần chối là không biết ngài (Mat 26:​69-75). Tuy nhiên, sau này chính ông đã nói với niềm tin chắc: “Đừng sợ những gì người ta sợ, cũng đừng hoang mang” (1 Phi 3:14). Những lời của Phi-e-rơ đảm bảo rằng chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ loài người.

8. Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ loài người? (1 Phi-e-rơ 3:15)

8 Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ loài người? Phi-e-rơ cho biết: “Trong lòng anh em hãy nhìn nhận Đấng Ki-tô là Chúa và là đấng thánh”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:15). Điều này bao gồm việc suy ngẫm về địa vị và quyền năng của Vua và Chúa chúng ta, là Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu cảm thấy hồi hộp hoặc sợ khi có cơ hội chia sẻ tin mừng với người khác, hãy nhớ đến Vua của chúng ta. Hãy hình dung ngài đang cai trị trên trời, xung quanh là vô số thiên sứ. Hãy nhớ rằng ngài đã được ban “mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất” và “sẽ luôn ở cùng [anh chị] cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:​18-20). Phi-e-rơ khuyến giục chúng ta hãy “luôn sẵn sàng” bênh vực niềm tin. Anh chị có muốn làm chứng bán chính thức tại chỗ làm, trường học hoặc nơi khác không? Hãy nghĩ trước xem khi nào mình có thể làm thế, rồi chuẩn bị điều mình sẽ nói. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự can đảm và tin rằng ngài sẽ giúp anh chị vượt qua nỗi sợ loài người.—Công 4:29.

“HÃY THA THIẾT YÊU THƯƠNG NHAU”

Phi-e-rơ chấp nhận sự sửa sai của Phao-lô. Hai lá thư của Phi-e-rơ dạy chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em (Xem đoạn 9)

9. Vào một dịp, hành động nào của Phi-e-rơ cho thấy ông không thể hiện tình yêu thương? (Cũng xem hình).

9 Phi-e-rơ đã học được cách để thể hiện tình yêu thương. Ông có mặt khi Chúa Giê-su nói: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thể nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau thể ấy” (Giăng 13:34). Dù vậy, sau này Phi-e-rơ đã chiều theo áp lực và không chịu ăn chung với các anh em gốc dân ngoại. Sứ đồ Phao-lô gọi điều Phi-e-rơ làm là “hành động giả tạo” (Ga 2:​11-14). Phi-e-rơ đã chấp nhận sự sửa sai ấy và rút ra bài học cho mình. Trong cả hai lá thư, ông nhấn mạnh rằng chúng ta không nên chỉ có cảm xúc yêu thương anh em nhưng cũng cần thể hiện tình yêu thương đó.

10. “Tình huynh đệ không giả tạo” có được nhờ điều gì? Hãy giải thích. (1 Phi-e-rơ 1:22)

10 Phi-e-rơ nói rằng chúng ta nên có “tình huynh đệ không giả tạo” với anh em đồng đạo. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:22). Tình huynh đệ như thế có được là nhờ “vâng theo chân lý”. Chân lý bao gồm sự dạy dỗ là “Đức Chúa Trời không hề thiên vị” (Công 10:​34, 35). Chúng ta không thể vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su về tình yêu thương nếu thể hiện tình yêu thương với một số anh chị trong hội thánh, nhưng lại không làm thế với một số anh chị khác. Dĩ nhiên, như Chúa Giê-su, chúng ta có thể thân với một số người hơn những người khác (Giăng 13:23; 20:2). Nhưng Phi-e-rơ nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta nên cố gắng có “tình huynh đệ”, tức sự gắn bó nồng ấm như gia đình, với mọi anh em.—1 Phi 2:17.

11. Việc ‘tha thiết yêu thương từ đáy lòng’ có nghĩa gì?

11 Phi-e-rơ khuyến giục chúng ta hãy “tha thiết yêu thương nhau từ đáy lòng”. Trong văn cảnh này, “tha thiết yêu thương” nghĩa là mở rộng giới hạn của khuynh hướng yêu thương tự nhiên của mình. Chẳng hạn, nếu một anh chị làm chúng ta phật lòng hoặc bị tổn thương, thì có thể khuynh hướng của chúng ta là trả đũa, thay vì thể hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, Phi-e-rơ đã học từ Chúa Giê-su rằng việc trả đũa không làm Đức Chúa Trời vui lòng (Giăng 18:​10, 11). Phi-e-rơ viết: “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy lời nhục mạ đáp trả lời nhục mạ. Thay vì thế, hãy đáp lại bằng lời chúc phước” (1 Phi 3:9). Hãy để cho tình yêu thương tha thiết thúc đẩy anh chị đối xử tử tế và nhân từ với ngay cả những người làm mình tổn thương.

12. (a) Tình yêu thương tha thiết sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì khác? (b) Anh chị muốn cố gắng làm gì như những gương trong video Gìn giữ món quà quý báu là sự hợp nhất?

12 Trong lá thư thứ nhất, Phi-e-rơ cũng dùng cụm từ “tha thiết yêu thương”. Tình yêu thương ấy “che lấp vô số tội lỗi”, chứ không chỉ vài tội lỗi (1 Phi 4:8). Có lẽ Phi-e-rơ nhớ đến bài học về sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã dạy ông nhiều năm về trước. Vào thời điểm đó, hẳn Phi-e-rơ tin rằng ông đã rộng lượng khi gợi ý là nên tha thứ cho một người “đến bảy lần”. Nhưng Chúa Giê-su dạy ông và cả chúng ta rằng nên tha thứ “đến 77 lần”, nghĩa là không giới hạn (Mat 18:​21, 22). Nếu anh chị thấy khó áp dụng lời khuyên này thì đừng nản lòng! Là người bất toàn, tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều có lúc thấy khó tha thứ. Điều quan trọng ngay bây giờ là làm những điều cần thiết để tha thứ và làm hòa với anh em. c

CÁC TRƯỞNG LÃO HÃY CHĂN BẦY

13. Điều gì có thể khiến trưởng lão thấy khó làm công việc chăn bầy?

13 Chắc chắn Phi-e-rơ không bao giờ quên những lời mà Chúa Giê-su nói với ông sau khi ngài sống lại: “Hãy chăn những con chiên bé bỏng của tôi” (Giăng 21:16). Nếu là một trưởng lão, anh biết chỉ dẫn này cũng áp dụng cho mình. Nhưng có lẽ các trưởng lão thấy khó để có thời gian chăm lo nhiệm vụ quan trọng này. Trước hết, họ cần chăm sóc cho gia đình về thể chất, tinh thần và thiêng liêng. Họ cũng dẫn đầu công việc rao giảng, cũng như chuẩn bị và trình bày các phần trong buổi nhóm họp và hội nghị. Một số trưởng lão còn trợ giúp Ủy ban Liên lạc Bệnh viện hoặc Ban Thiết kế/Xây dựng Địa phương. Các trưởng lão thật sự rất bận rộn!

Dù bận rộn, các trưởng lão đầy yêu thương hết lòng chăn bầy của Đức Chúa Trời (Xem đoạn 14, 15)

14. Điều gì thôi thúc các trưởng lão chăn bầy? (1 Phi-e-rơ 5:​1-4)

14 Phi-e-rơ khuyến giục các trưởng lão: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:​1-4). Nếu anh là trưởng lão, chúng tôi biết anh yêu thương anh em và muốn chăn dắt họ. Nhưng đôi khi anh có thể cảm thấy bận rộn và mệt mỏi đến mức không thể chu toàn trách nhiệm này. Anh có thể làm gì? Hãy dốc đổ mối lo lắng cho Đức Giê-hô-va. Phi-e-rơ viết: “Nếu ai phục vụ, hãy phục vụ nhờ sức ngài ban” (1 Phi 4:11). Có lẽ anh em chúng ta đương đầu với những vấn đề mà không thể giải quyết triệt để trong thế gian này. Nhưng hãy nhớ rằng “đấng chăn chiên chính” là Chúa Giê-su Ki-tô có thể giúp họ rất nhiều, hơn bất cứ người nào. Ngài có thể làm thế cả bây giờ lẫn trong thế giới mới. Đức Chúa Trời chỉ đòi hỏi các trưởng lão yêu thương anh em, chăn dắt họ và “nêu gương cho cả bầy”.

15. Một anh trưởng lão đã chăn bầy như thế nào? (Cũng xem hình).

15 Anh William, một trưởng lão lâu năm, hiểu tầm quan trọng của việc chăn bầy. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh và những trưởng lão khác đã ưu tiên cho việc liên lạc với từng anh chị trong nhóm của mình mỗi tuần. Anh giải thích lý do: “Nhiều anh chị ở một mình nên dễ suy nghĩ vẩn vơ và trở nên tiêu cực”. Khi một anh chị gặp vấn đề, anh William chăm chú lắng nghe để nhận ra nhu cầu và mối lo lắng của anh chị ấy. Rồi anh tìm những tài liệu cụ thể, thường là video từ trang web của chúng ta, để giúp anh chị ấy. Anh cho biết: “Việc chăn bầy là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta nỗ lực hết sức để giúp người ta học về Đức Giê-hô-va; chúng ta cũng cần nỗ lực như thế để chăn bầy, giúp cho chiên của ngài tiếp tục ở trong chân lý”.

HÃY ĐỂ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HOÀN TẤT VIỆC HUẤN LUYỆN ANH CHỊ

16. Chúng ta có thể áp dụng những bài học từ các lá thư của Phi-e-rơ qua những cách nào?

16 Chúng ta vừa thảo luận chỉ vài bài học từ hai lá thư được soi dẫn của Phi-e-rơ. Có lẽ anh chị nhận ra khía cạnh nào đó mình muốn cải thiện. Chẳng hạn, anh chị có thấy mình cần suy ngẫm thường xuyên hơn về những ân phước trong thế giới mới không? Anh chị có đặt mục tiêu làm chứng bán chính thức tại chỗ làm, trường học hoặc nơi khác không? Anh chị có nhận ra những cách để mình thể hiện tình yêu thương tha thiết với anh em một cách trọn vẹn hơn không? Nếu là trưởng lão, anh có quyết tâm chăn bầy của Đức Giê-hô-va một cách sẵn lòng và sốt sắng không? Khi thành thật xem xét bản thân, có thể anh chị nhận ra một số nhược điểm, nhưng đừng nản lòng. “[Chúa Giê-su] là nhân từ” và ngài sẽ giúp anh chị cải thiện (1 Phi 2:3). Phi-e-rơ đảm bảo rằng: “Đức Chúa Trời… sẽ hoàn tất việc huấn luyện anh em. Ngài sẽ làm anh em vững vàng, ngài sẽ làm anh em mạnh mẽ, ngài sẽ lập anh em trên nền vững chắc”.—1 Phi 5:10.

17. Nếu chúng ta kiên trì và để Đức Giê-hô-va huấn luyện mình, kết quả sẽ là gì?

17 Phi-e-rơ từng cảm thấy không xứng đáng để đồng hành cùng Con Đức Chúa Trời (Lu 5:8). Nhưng với sự trợ giúp đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, ông đã kiên trì đi theo Chúa Giê-su. Nhờ thế, Phi-e-rơ được chấp nhận để “vào Nước vĩnh cửu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta” (2 Phi 1:11). Thật là một phần thưởng tuyệt vời! Nếu kiên trì như Phi-e-rơ và để Đức Giê-hô-va huấn luyện mình, anh chị cũng sẽ nhận được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu. Anh chị sẽ “đạt đến mục tiêu của đức tin [mình], đó là sự cứu rỗi”.—1 Phi 1:9.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

a Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào những bài học từ hai lá thư của Phi-e-rơ có thể giúp mình chịu đựng thử thách. Cũng hãy xem những bài học ấy sẽ giúp các trưởng lão ra sao để chu toàn trách nhiệm chăn bầy.

b Rất có thể các tín đồ sống ở Pa-lét-tin nhận được cả hai lá thư của Phi-e-rơ trước khi quân La Mã tấn công Giê-ru-sa-lem lần đầu vào năm 66 CN.