BÀI HỌC 39
BÀI HÁT 125 ‘Hạnh phúc cho người có lòng thương xót!’
Cho đi giúp chúng ta hạnh phúc hơn
“Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—CÔNG 20:35.
TRỌNG TÂM
Những cách mà chúng ta có thể duy trì và thậm chí gia tăng niềm vui đến từ việc cho đi.
1, 2. Nhờ được tạo ra với khả năng tìm được nhiều hạnh phúc hơn khi cho đi so với khi nhận, chúng ta có lợi ích nào?
Khi tạo ra con người, Đức Giê-hô-va thiết kế chúng ta với khả năng tìm được nhiều hạnh phúc hơn khi cho đi so với khi nhận (Công 20:35). Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không hạnh phúc khi nhận quà? Không. Tất cả chúng ta đều vui khi nhận quà. Dù vậy, chúng ta hạnh phúc hơn khi cho đi. Thật ra, việc Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta theo cách này mang lại lợi ích cho chúng ta. Tại sao?
2 Khi tạo ra chúng ta theo cách này, Đức Giê-hô-va cho phép chúng ta tự gia tăng niềm hạnh phúc của mình. Chúng ta làm thế bằng cách tìm thêm cơ hội để cho đi. Thật tuyệt vời khi Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta như thế!—Thi 139:14.
3. Tại sao Đức Giê-hô-va được miêu tả là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”?
3 Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng việc cho đi mang lại hạnh phúc, vì thế không lạ gì khi sách này miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11). Ngài là Đấng Ban Cho đầu tiên và rộng rãi nhất. Như sứ đồ Phao-lô nói, nhờ ngài mà “chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại” (Công 17:28). Thật vậy, “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” đều đến từ Đức Giê-hô-va.—Gia 1:17.
4. Điều gì sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn?
4 Có lẽ tất cả chúng ta đều muốn cảm nhận nhiều hơn nữa niềm hạnh phúc đến từ việc cho đi. Chúng ta có thể làm thế bằng cách noi theo lòng rộng rãi của Đức Giê-hô-va (Ê-phê 5:1). Khi xem xét điều này, hãy để ý những gì chúng ta có thể làm nếu cảm thấy người khác không biết ơn điều mình làm cho họ. Nhờ thế, chúng ta sẽ duy trì và thậm chí gia tăng niềm vui đến từ việc cho đi.
NOI THEO LÒNG RỘNG RÃI CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
5. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những gì về vật chất?
5 Đức Giê-hô-va thể hiện lòng rộng rãi qua những cách nào? Hãy xem vài ví dụ. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta về khía cạnh vật chất. Có lẽ chúng ta không luôn có những thứ xa xỉ, nhưng nhờ ngài, hầu hết chúng ta đều có những gì mình cần. Chẳng hạn, ngài lo sao để chúng ta có thức ăn, áo mặc và chỗ ở (Thi 4:8; Mat 6:31-33; 1 Ti 6:6-8). Có phải Đức Giê-hô-va cung cấp những điều chúng ta cần về vật chất chỉ vì bổn phận không? Hoàn toàn không! Vậy tại sao ngài làm thế?
6. Chúng ta học được gì từ Ma-thi-ơ 6:25, 26?
6 Nói đơn giản, Đức Giê-hô-va cung cấp những gì chúng ta cần về vật chất vì yêu thương chúng ta. Hãy xem lời Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:25, 26. (Đọc). Ngài lấy ví dụ từ sự sáng tạo. Chúa Giê-su nói về loài chim: “Chúng không gieo, gặt hoặc thâu trữ vào kho”. Tuy nhiên, hãy lưu ý điều ngài nói tiếp: ‘Cha trên trời nuôi chúng’. Rồi ngài hỏi: “Chẳng phải anh em còn quý hơn chúng hay sao?”. Bài học là gì? Đức Giê-hô-va xem những người thờ phượng ngài quý giá hơn nhiều so với con vật. Nếu Đức Giê-hô-va chăm sóc cho nhu cầu của con vật, chúng ta có thể tin chắc ngài cũng sẽ cung cấp cho mình! Giống như một người cha đầy lòng quan tâm, Đức Giê-hô-va cung cấp cho gia đình ngài vì yêu thương họ.—Thi 145:16; Mat 6:32.
7. Một cách để noi theo lòng rộng rãi của Đức Giê-hô-va là gì? (Cũng xem hình).
7 Giống như Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể cho đi về khía cạnh vật chất vì yêu thương. Chẳng hạn, anh chị có biết một anh em đồng đạo đang cần thức ăn hoặc áo mặc không? Đức Giê-hô-va có thể dùng anh chị để đáp ứng nhu cầu đó. Dân của ngài được biết đến là có lòng rộng rãi, đặc biệt khi thảm họa xảy ra. Ví dụ, trong đại dịch COVID-19, các anh em chia sẻ thức ăn, áo mặc và nhu yếu phẩm khác cho những ai có nhu cầu. Nhiều anh chị cũng đóng góp rộng rãi cho công việc toàn cầu. Điều đó giúp có ngân quỹ cho công tác cứu trợ trên khắp thế giới. Họ đã áp dụng Hê-bơ-rơ 13:16: “Đừng quên làm điều tốt và chia sẻ với người khác những gì mình có, vì Đức Chúa Trời hài lòng với những vật tế lễ như thế”.
8. Sức mạnh của Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào? (Phi-líp 2:13)
8 Đức Giê-hô-va ban cho sức mạnh. Đức Giê-hô-va có sức mạnh vô hạn và sẵn sàng ban cho các tôi tớ trung thành. (Đọc Phi-líp 2:13). Có bao giờ anh chị cầu xin có sức mạnh để kháng cự cám dỗ hay chịu đựng một thử thách cam go chưa? Hoặc chỉ đơn giản cầu xin có đủ sức mạnh để chịu đựng thêm một ngày nữa? Khi cầu xin có thêm sức mạnh và được đáp lại, hẳn anh chị đồng ý với lời của sứ đồ Phao-lô: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.
9. Bằng cách nào chúng ta có thể noi theo Đức Giê-hô-va trong việc dùng sức mạnh? (Cũng xem hình).
9 Dù là người bất toàn, chúng ta có thể noi theo lòng rộng rãi của Đức Giê-hô-va trong việc dùng sức mạnh. Chúng ta không thể truyền sức mạnh cho người khác theo nghĩa đen. Nhưng chúng ta có thể dùng sức mạnh của mình để giúp họ. Chẳng hạn, chúng ta có thể đi chợ hay làm việc nhà cho một anh chị lớn tuổi hoặc bị bệnh. Nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể tình nguyện giúp dọn dẹp và bảo trì Phòng Nước Trời. Khi dùng sức mạnh theo những cách này, chúng ta mang lại nhiều lợi ích cho anh em đồng đạo.
10. Chúng ta có thể dùng sức mạnh của lời nói để giúp người khác như thế nào?
10 Đừng quên rằng lời nói cũng có sức mạnh. Anh chị có nghĩ đến ai sẽ nhận được lợi ích từ một lời khen chân thành không? Anh chị có biết ai đang cần được an ủi không? Nếu có, hãy chủ động tỏ lòng quan tâm đến người đó. Anh chị có thể đến thăm, gọi điện thoại hoặc gửi thiệp, email hay tin nhắn. Đừng quá lo về việc phải nói gì. Một vài lời đơn giản từ đáy lòng có thể chính là những gì người đó cần để tiếp tục trung thành thêm một ngày nữa hoặc cảm thấy tích cực hơn về hoàn cảnh của mình.—Châm 12:25; Ê-phê 4:29.
11. Đức Giê-hô-va dùng sự khôn ngoan của ngài như thế nào?
11 Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan. Môn đồ Gia-cơ viết: “Nếu ai trong anh em thiếu sự khôn ngoan thì hãy tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời, vì ngài rộng rãi ban cho mọi người mà không hề bắt lỗi” (Gia 1:5; chú thích). Như những lời này cho thấy, Đức Giê-hô-va không giữ sự khôn ngoan cho riêng mình mà rộng rãi chia sẻ. Cũng hãy lưu ý rằng khi Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan, ngài làm thế mà “không trách mắng gì”, hay “không hề bắt lỗi”. Ngài không bao giờ làm chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta xin sự hướng dẫn của ngài. Thật ra, ngài khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn ấy.—Châm 2:1-6.
12. Chúng ta có những cơ hội nào để chia sẻ sự khôn ngoan của mình?
12 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể noi theo Đức Giê-hô-va bằng cách chia sẻ sự khôn ngoan của mình không? (Thi 32:8). Dân ngài có nhiều cơ hội để chia sẻ những gì mình học. Chẳng hạn, chúng ta thường huấn luyện người mới trong thánh chức. Các trưởng lão kiên nhẫn giúp phụ tá hội thánh và các anh đã báp-têm biết cách thi hành nhiệm vụ trong hội thánh. Những anh chị có kinh nghiệm xây cất và bảo trì thì giúp huấn luyện những anh chị ít kinh nghiệm hơn để xây dựng và sửa chữa các cơ sở thần quyền.
13. Khi huấn luyện người khác, chúng ta có thể noi theo cách Đức Giê-hô-va chia sẻ sự khôn ngoan như thế nào?
13 Những anh chị huấn luyện người khác cần cố gắng noi theo Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng ngài ban cho sự khôn ngoan một cách rộng rãi. Tương tự, chúng ta rộng rãi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với những người đang được huấn luyện. Chúng ta không “giấu nghề” vì sợ rằng sau này người đó sẽ thay thế mình. Chúng ta cũng không nghĩ rằng: “Tôi có được ai huấn luyện đâu! Để anh ấy tự học đi”. Không ai trong dân Đức Giê-hô-va nên có thái độ đó. Thay vì thế, chúng ta sẵn sàng cho đi không chỉ kiến thức “mà cả mạng sống” cho những người mà mình huấn luyện (1 Tê 2:8). Chúng ta mong rằng “họ cũng hội đủ điều kiện dạy người khác” (2 Ti 2:1, 2). Theo nghĩa đó, chúng ta góp phần vào một quá trình không ngừng là truyền đi lòng rộng rãi và niềm hạnh phúc.
NẾU NGƯỜI KHÁC DƯỜNG NHƯ KHÔNG BIẾT ƠN
14. Đa số người ta phản ứng thế nào trước lòng rộng rãi của chúng ta?
14 Khi chúng ta rộng rãi, đặc biệt với anh em đồng đạo, họ thường tỏ lòng biết ơn. Có lẽ họ viết thiệp cảm ơn hoặc thể hiện lòng biết ơn qua cách khác (Cô 3:15). Những hành động thể hiện lòng biết ơn như thế giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
15. Chúng ta nên nhớ điều gì khi một số người không thể hiện lòng biết ơn?
15 Nhưng thực tế là không phải lúc nào người ta cũng thể hiện hoặc bày tỏ lòng biết ơn. Có khi chúng ta cho đi thời gian, năng lực và những gì mình có, nhưng rồi sau đó thắc mắc không biết người nhận có để ý đến những gì mình làm cho họ hay không. Nếu điều đó xảy ra, làm thế nào để không đánh mất niềm vui hoặc trở nên bực bội? Hãy nhớ những lời trong câu Kinh Thánh chủ đề của bài này, đó là Công vụ 20:35. Hạnh phúc của chúng ta trong việc cho đi không tùy thuộc vào phản ứng của người khác. Chúng ta có thể chọn vui mừng cho đi ngay cả khi người khác dường như không biết ơn. Như thế nào? Hãy xem vài cách.
16. Chúng ta nên tập trung vào điều gì khi cho đi?
16 Tập trung vào việc noi theo Đức Giê-hô-va. Ngài ban điều tốt lành cho người ta dù họ có biết ơn hay không (Mat 5:43-48). Đức Giê-hô-va hứa rằng khi chúng ta cũng cho đi “mà không mong nhận lại bất cứ điều gì” thì chúng ta “sẽ có phần thưởng rất lớn” (Lu 6:35). “Bất cứ điều gì” có thể bao hàm việc biểu lộ lòng biết ơn. Dù người ta có thể hiện lòng biết ơn hay không, Đức Giê-hô-va sẽ luôn báo đáp chúng ta vì những điều tốt chúng ta làm để giúp người khác và vì chúng ta là “người vui lòng ban tặng”.—Châm 19:17; 2 Cô 9:7.
17. Một cách khác để noi theo Đức Giê-hô-va trong việc cho đi là gì? (Lu-ca 14:12-14)
17 Một cách khác chúng ta có thể noi theo Đức Giê-hô-va trong việc cho đi là áp dụng nguyên tắc quan trọng nơi Lu-ca 14:12-14. (Đọc). Không có gì sai khi thể hiện lòng hiếu khách hoặc tỏ lòng rộng rãi qua cách khác với những người có thể làm thế cho mình. Tuy nhiên, nói sao nếu chúng ta nhận ra có khi mình cho đi là vì mong được báo đáp? Chúng ta nên cố gắng áp dụng điều Chúa Giê-su nói. Chúng ta có thể hiếu khách với những người mà mình biết là không có khả năng thể hiện lòng hiếu khách với mình. Khi làm thế, chúng ta sẽ hạnh phúc vì đang noi theo Đức Giê-hô-va. Việc không mong được báo đáp cũng sẽ giúp chúng ta duy trì niềm vui khi người khác không thể hiện lòng biết ơn.
18. Điều gì có thể giúp chúng ta không suy nghĩ tiêu cực về người khác?
18 Tránh suy nghĩ tiêu cực về người khác (1 Cô 13:7). Nếu một người không thể hiện lòng biết ơn, hãy tự hỏi: “Có thật là người đó không biết ơn, hay chỉ là người đó quên thể hiện lòng biết ơn?”. Có thể có nhiều lý do khác khiến họ không đáp lại như chúng ta mong đợi. Một số người có lẽ rất biết ơn nhưng thấy khó để bày tỏ điều đó. Có thể họ ngại nhận sự giúp đỡ, đặc biệt nếu trước đây họ là người giúp đỡ người khác. Dù trường hợp nào đi nữa, tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta không suy nghĩ tiêu cực về anh em và tiếp tục tìm niềm vui trong việc cho đi.—Ê-phê 4:2.
19, 20. Tại sao kiên nhẫn là điều hữu ích khi cho đi? (Cũng xem hình).
19 Kiên nhẫn. Về việc thể hiện lòng rộng rãi, vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Hãy rải bánh con trên mặt nước, bởi sau nhiều ngày con sẽ tìm lại được” (Truyền 11:1). Như những lời này cho thấy, một số người có thể đáp lại lòng rộng rãi của chúng ta một thời gian lâu sau đó, tức “sau nhiều ngày”. Hãy xem một kinh nghiệm cho thấy điều này.
20 Nhiều năm trước, vợ của một giám thị vòng quanh đã viết thư để khích lệ một chị mới báp-têm, khuyến khích chị tiếp tục trung thành. Khoảng tám năm sau, chị ấy đã viết thư hồi âm nói rằng: “Tôi cảm thấy mình phải viết thư để cho chị biết là trong những năm qua chị đã trợ giúp tôi rất nhiều mà chị không biết”. Chị ấy viết thêm: “Lá thư của chị chứa đựng những lời nồng ấm, nhưng câu Kinh Thánh trong thư mới là điều đã động đến lòng tôi, và tôi không bao giờ quên câu đó”. a Sau khi nhắc đến một số thử thách mà mình đương đầu, chị ấy viết: “Đôi khi tôi muốn từ bỏ tất cả, từ bỏ chân lý, từ bỏ các trách nhiệm. Nhưng câu Kinh Thánh mà chị chia sẻ đã nhắc nhở tôi và giúp tôi… bước tiếp”. Chị cho biết thêm: “Không điều gì trong suốt tám năm qua đã tác động đến tôi nhiều như thế”. Hãy hình dung vợ của giám thị vòng quanh đã hạnh phúc như thế nào khi nhận được lá thư ấy “sau nhiều ngày”! Chúng ta cũng có thể được người khác tỏ lòng biết ơn một thời gian lâu sau khi đã làm điều tốt cho họ.
21. Tại sao anh chị quyết tâm tiếp tục noi theo lòng rộng rãi của Đức Giê-hô-va?
21 Như đã đề cập, Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta với một khả năng đặc biệt. Dù chúng ta vui khi nhận, nhưng sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi cho đi. Chúng ta cảm thấy thỏa lòng khi có thể giúp đỡ anh em đồng đạo. Và chúng ta vui khi họ thể hiện lòng biết ơn. Nhưng dù họ có thể hiện lòng biết ơn hay không, chúng ta vẫn vui vì đã làm điều đúng. Đừng bao giờ quên rằng dù anh chị cho đi điều gì thì ‘Đức Giê-hô-va có khả năng ban cho anh chị nhiều hơn thế nữa’ (2 Sử 25:9). Chúng ta không thể nào cho đi nhiều hơn những gì Đức Giê-hô-va ban cho mình! Không có niềm vui nào sánh bằng việc được chính Đức Giê-hô-va báo đáp. Vậy, hãy quyết tâm tiếp tục noi theo Cha trên trời đầy lòng rộng rãi của chúng ta.
BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”
b HÌNH ẢNH: Trong cảnh diễn lại này, vợ của giám thị vòng quanh đã rộng rãi chia sẻ những điều khích lệ. Nhiều năm sau, chị nhận được một lá thư thể hiện lòng biết ơn.