Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu
“Lúc nào tôi cũng cảm thấy lo sợ, ngay cả khi ngồi một mình trong phòng”.
“Khi cảm thấy rất khỏe thì tôi lại sợ. Bản năng cho tôi biết rằng sau cảm giác ‘đi lên’ hứng khởi thì sẽ rơi vào tình trạng ‘tụt xuống’ chán nản”.
“Tôi cố gắng đối phó với vấn đề của từng ngày một, nhưng đôi khi nhiều mối lo lắng ập đến cùng một lúc”.
Đó là chia sẻ của một số người đang vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Bạn có thể thông cảm với họ không? Có phải bạn, hay một người mà bạn quan tâm, đang đương đầu với vấn đề tương tự không?
Hãy tin chắc rằng không chỉ riêng bạn mà nhiều người ngày nay bị ảnh hưởng bởi vấn đề sức khỏe tâm thần. Có thể là chính họ hoặc người thân của họ mắc bệnh.
Chúng ta quả đang sống trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”, gây ra biết bao nhiêu khốn khổ (2 Ti-mô-thê 3:1). Một cuộc nghiên cứu cho biết trên thế giới, cứ khoảng tám người thì có một người mắc bệnh rối loạn tâm thần. Vì đại dịch COVID-19, vào năm 2020, tỉ lệ người mắc chứng lo âu tăng khoảng 26% và người bị rối loạn trầm cảm nặng tăng khoảng 28% so với năm 2019.
Biết những con số thống kê này cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là biết làm thế nào bạn và người thân có thể đương đầu với vấn đề sức khỏe tâm thần theo cách tốt nhất.
Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần tốt là trạng thái khỏe mạnh về tinh thần mà bạn cảm thấy ổn định và sinh hoạt bình thường. Khi có sức khỏe tâm thần tốt, bạn có thể đối phó với những căng thẳng thường ngày, làm việc hiệu quả và hài lòng với cuộc sống.
Rối loạn tâm thần…
-
KHÔNG PHẢI LÀ do sự yếu đuối của bản thân.
-
LÀ một bệnh lý gây ra sự căng thẳng đáng kể và làm rối loạn suy nghĩ, khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi của một người.
-
Thường khiến cho một người khó có mối quan hệ tốt với người khác và khó làm những công việc thường ngày.
-
Có thể ảnh hưởng đến người thuộc mọi độ tuổi, văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế.
Tìm sự trợ giúp để đương đầu với vấn đề sức khỏe tâm thần
Nếu thấy mình hoặc người thân có những sự thay đổi rõ rệt trong tính cách, bị rối loạn giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống, hay bị căng thẳng, lo âu hoặc buồn nản kéo dài, có lẽ bạn cần sự trợ giúp về chuyên môn để xác định nguyên nhân và điều trị. Nhưng bạn có thể tìm sự trợ giúp ở đâu?
Người khôn ngoan nhất đã từng sống là Chúa Giê-su nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần” (Ma-thi-ơ 9:12). Những người đang có vấn đề về sức khỏe được điều trị về y khoa và uống loại thuốc phù hợp thì có thể giảm thiểu các triệu chứng. Họ có thể được giúp để sống vui vẻ và có ích. Điều khôn ngoan là không nên trì hoãn việc điều trị nếu có những triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài. a
Dù Kinh Thánh không phải là cẩm nang y khoa nhưng những điều được ghi lại trong sách này có thể giúp ích cho sức khỏe tâm thần. Mời bạn đọc những bài tiếp theo để biết Kinh Thánh có thể giúp chúng ta như thế nào khi đương đầu với vấn đề sức khỏe tâm thần.
a Tháp Canh không ủng hộ phương pháp điều trị nào. Mỗi cá nhân nên xem xét cẩn thận những cách điều trị rồi tự quyết định.