Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Sự tha thứ

Sự tha thứ

“SUỐT THỜI THƠ ẤU, TÔI ĐÃ NGHE RẤT NHIỀU LỜI SỈ NHỤC VÀ QUÁT THÁO”. Đó là tâm sự của một phụ nữ tên Patricia. Chị nói thêm: “Tôi đã không biết tha thứ. Ngay cả khi lớn lên, có nhiều ngày liền tôi cứ nghĩ tới việc bị xúc phạm, đến nỗi bị mất ngủ”. Thật vậy, nếu cứ oán giận thì một người sẽ không thể có đời sống hạnh phúc và lành mạnh. Các cuộc nghiên cứu cho thấy những người không biết tha thứ có thể...

  • Để cho sự giận dữ hoặc cay đắng hủy hoại các mối quan hệ, dẫn đến việc tự cô lập mình và cảm thấy cô đơn

  • Dễ bị xúc phạm, lo lắng hoặc thậm chí trầm cảm

  • Quá chú tâm đến lỗi lầm nên mất niềm vui trong cuộc sống

  • Bị lương tâm giày vò

  • Bị căng thẳng nhiều và có nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như cao huyết áp, tim mạch, viêm khớp hoặc đau đầu *

THA THỨ LÀ GÌ? Tha thứ nghĩa là bỏ qua lỗi lầm, không oán giận hay nghĩ đến việc trả thù. Tha thứ không có nghĩa là dung túng tội lỗi, giảm nhẹ hoặc giả vờ như không có gì xảy ra. Thay vì thế, tha thứ là lựa chọn cá nhân có suy xét, cho thấy mong muốn có bình an, muốn xây dựng hoặc duy trì mối quan hệ tốt với người khác.

Tha thứ cũng cho thấy một người có hiểu biết. Người tha thứ thì hiểu rằng tất cả chúng ta đều có những sai sót, hay phạm tội trong lời nói và hành động (Rô-ma 3:23). Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác”.—Cô-lô-se 3:13.

Vì thế, tha thứ chắc chắn là một khía cạnh quan trọng của tình yêu thương, tức “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô-lô-se 3:14). Theo trang web của tổ chức Mayo Clinic, tha thứ giúp...

  • Có mối quan hệ tốt hơn, bao gồm lòng thông cảm và thương xót người xúc phạm mình

  • Cải thiện sức khỏe tâm thần và tình trạng tâm linh

  • Giảm bớt lo lắng, căng thẳng và thù hận

  • Giảm bớt các triệu chứng trầm cảm

THA THỨ CHO BẢN THÂN. Tạp chí Disability & Rehabilitation cho biết việc tha thứ cho bản thân có thể “là điều khó làm nhất”, nhưng lại “quan trọng nhất đối với sức khỏe” tâm thần và thể chất. Điều gì có thể giúp bạn tha thứ cho chính mình?

  • Đừng mong đợi mình sẽ hoàn hảo, nhưng hãy thực tế nhìn nhận rằng ai trong chúng ta cũng có lúc sai sót.—Truyền đạo 7:20

  • Học từ lỗi lầm để tránh lặp lại

  • Kiên nhẫn với bản thân; một số lỗi lầm và thói xấu không thể khắc phục một sớm một chiều.—Ê-phê-sô 4:23, 24

  • Kết bạn với những người tích cực, khích lệ và tử tế nhưng cũng thành thật với bạn.—Châm ngôn 13:20

  • Nếu làm người khác đau lòng, hãy nhận trách nhiệm và nhanh chóng xin lỗi. Khi làm hòa với người khác, bạn sẽ có bình an nội tâm.—Ma-thi-ơ 5:23, 24

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH THẬT SỰ HỮU ÍCH!

Sau khi tìm hiểu Kinh Thánh, chị Patricia được đề cập ở đầu bài đã học cách tha thứ. Chị cho biết: “Tôi thấy được giải thoát khỏi sự tức giận từng đầu độc cuộc đời mình. Tôi không còn khổ sở, và cũng không làm người khác khổ sở. Nguyên tắc Kinh Thánh chứng tỏ Đức Chúa Trời là đấng yêu thương và muốn điều tốt nhất cho chúng ta”.

Một anh tên Ron nói: “Dù không thể kiểm soát suy nghĩ và hành động của người khác, nhưng tôi có thể kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình. Nếu muốn được bình an, tôi phải dẹp bỏ sự oán giận. Tôi bắt đầu xem bình an và oán giận như bắc với nam. Tôi không thể ở hai nơi cùng lúc. Lương tâm của tôi giờ đây được thanh thản”.

^ đ. 8 Nguồn: Trang web của tổ chức Mayo Clinic và Johns Hopkins Medicine và tạp chí về tâm thần học Social Psychiatry and Psychiatric Epidemiology.