THOÁT KHỎI CĂNG THẲNG
Đối phó với căng thẳng
Để đối phó đúng cách với căng thẳng, bạn cần xem lại tình trạng sức khỏe của mình, mối quan hệ với người khác, mục tiêu và điều ưu tiên trong đời sống, tức là những điều thật sự quan trọng đối với bạn. Bài này tổng hợp một số lời khuyên thiết thực giúp bạn đối phó tốt hơn với căng thẳng, ngay cả giảm bớt tình trạng này.
Sống ngày nào, lo ngày nấy
“Chớ bao giờ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai”.—MA-THI-Ơ 6:34.
Nghĩa là gì? Cuộc sống ngày nào cũng có những lo toan. Đừng chồng nỗi lo của ngày mai vào nỗi lo của hôm nay. Hãy cố gắng đối phó với từng ngày một.
-
Bạn có thể bị lo âu nếu căng thẳng quá mức. Vậy bạn nên làm gì? Thứ nhất, hãy ý thức rằng căng thẳng là một phần không thể tránh trong đời sống. Cứ lo nghĩ về những điều không tránh được sẽ khiến bạn càng thêm căng thẳng. Thứ hai, hãy nhớ là sự việc hiếm khi xảy ra như chúng ta tưởng tượng.
Có mong đợi hợp lý
‘Sự khôn ngoan từ trên là phải lẽ’.—GIA-CƠ 3:17.
Nghĩa là gì? Đừng cầu toàn và quá kỳ vọng ở mình hay người khác.
-
Hãy khiêm tốn, có mong đợi hợp lý, nhận biết giới hạn của chính mình và người khác. Làm thế, cả bạn lẫn người khác sẽ bớt căng thẳng, có khi còn gặt hái kết quả tốt hơn. Ngoài ra, cũng nên biết hài hước. Khi sự việc không suôn sẻ, một nụ cười sẽ xua tan căng thẳng và giúp bạn lên tinh thần.
Xác định nguyên nhân gây căng thẳng
“Người thông sáng sẽ giữ bình tĩnh”.—CHÂM NGÔN 17:27.
Nghĩa là gì? Khi có cảm xúc tiêu cực thì bạn sẽ thiếu sáng suốt, nên hãy cố gắng giữ bình tĩnh.
-
Hãy xác định điều gì khiến bạn căng thẳng và để ý phản ứng của bạn. Chẳng hạn, bạn nên để ý lúc đó mình suy nghĩ, cảm thấy, hành động thế nào, và có thể ghi lại những thông tin ấy. Khi hiểu rõ phản ứng của mình trước sự căng thẳng, bạn sẽ dễ đối phó hơn. Cũng hãy tìm cách loại bỏ những điều gây căng thẳng khỏi đời sống bạn. Nếu không thể làm thế, hãy cố gắng giảm bớt những điều ấy, có lẽ bằng cách sắp xếp lại công việc và thời gian.
-
Hãy thay đổi cách nhìn. Đôi khi bạn căng thẳng trước một tình huống nào đó mà người khác lại không. Có thể đó là do cảm nhận của mình. Hãy thử ba đề nghị sau:
-
Đừng vội cho rằng người khác có ý xấu. Chẳng hạn, có một người chen ngang khi bạn đang xếp hàng. Nếu cho rằng người đó không biết điều thì bạn sẽ bực bội. Sao không nghĩ là người đó hẳn có lý do riêng? Có khi nghĩ như vậy lại đúng!
-
Nhìn mặt tích cực. Nếu phải chờ lâu ở phòng khám bệnh hoặc sân bay, bạn sẽ thấy bớt căng thẳng khi dùng thời gian đó để đọc sách báo, xem thư điện tử hoặc hoàn tất những việc chưa kịp làm.
-
Nhìn xa hơn. Hãy tự hỏi: “Ngày mai hay tuần sau, mình có còn quan tâm đến việc đó không?”. Hãy phân biệt đâu là vấn đề nhỏ và tạm thời, đâu là vấn đề quan trọng hơn.
-
Sống có trật tự
“Hãy làm mọi việc một cách đúng đắn và theo trật tự”.—1 CÔ-RINH-TÔ 14:40.
Nghĩa là gì? Hãy cố gắng sống có nề nếp, trật tự.
-
Cuộc sống tương đối có nề nếp, trật tự hẳn dễ chịu hơn. Một yếu tố gây ra sự thiếu trật tự và căng thẳng là tính hay trì hoãn. Nếu cứ trì hoãn thì công việc sẽ bị chồng chất. Hãy thử hai đề nghị sau:
-
Lập kế hoạch thực tế và quyết tâm làm theo.
-
Nhận ra những thái độ khiến mình trì hoãn và cố gắng điều chỉnh.
-
Cân bằng cuộc sống
“Thà một nắm tay đầy sự nghỉ ngơi còn hơn hai nắm tay đầy việc khó nhọc và đuổi theo luồng gió”.—TRUYỀN ĐẠO 4:6.
Nghĩa là gì? Người tham công tiếc việc có thể đánh mất công lao từ việc khó nhọc của mình, vì họ không còn thời gian hoặc sức lực để hưởng gì cả.
-
Hãy có quan điểm thăng bằng về công việc và tiền bạc. Nhiều tiền hơn không đồng nghĩa với hạnh phúc hơn hoặc ít căng thẳng hơn. Thực tế thường ngược lại. Kinh Thánh nói: “Sự dư dả của người giàu chẳng để người ngủ yên” (Truyền đạo 5:12). Vì thế, hãy sống trong khả năng kinh tế của mình.
-
Hãy dành thời gian để thư giãn. Bạn sẽ bớt căng thẳng khi làm những điều mình thích. Tuy nhiên, hình thức giải trí thụ động như xem TV thường không giúp ích.
-
Hãy làm chủ thiết bị điện tử. Đừng liên tục xem tin nhắn, thư điện tử hoặc dùng mạng xã hội. Ngoài giờ làm việc, nếu không cần thiết thì tránh kiểm tra thư điện tử liên quan đến công việc.
Chăm sóc sức khỏe
“Việc rèn luyện thân thể có ích”.—1 TI-MÔ-THÊ 4:8.
Nghĩa là gì? Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe.
-
Hãy rèn luyện những thói quen tốt cho sức khỏe. Việc tập thể dục làm cho tinh thần sảng khoái và giúp cơ thể tăng khả năng chống chọi với căng thẳng. Bạn nên ăn thực phẩm bổ dưỡng, tránh bỏ bữa và nghỉ ngơi đầy đủ.
-
Hãy tránh cách giải khuây có hại như hút thuốc, dùng ma túy hoặc lạm dụng rượu bia. Về lâu về dài, những thứ đó gây thêm căng thẳng vì sẽ cướp đi sức khỏe và làm hao tốn hết tiền bạc mà bạn bỏ công sức mới kiếm được.
-
Hãy đi khám nếu bắt đầu cảm thấy căng thẳng quá mức. Tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn không có nghĩa là bạn thừa nhận mình thất bại.
Biết điều gì là quan trọng
“[Hãy] nhận biết những điều quan trọng hơn”.—PHI-LÍP 1:10.
Nghĩa là gì? Hãy xem kỹ lại thứ tự ưu tiên.
-
Hãy lập danh sách công việc theo thứ tự quan trọng. Nhờ thế, bạn sẽ nhận ra việc gì quan trọng hơn cần ưu tiên, và việc gì có thể để sang một bên hoặc ngay cả gạt bỏ.
-
Hãy theo dõi cách bạn sử dụng thì giờ trong một tuần, và rồi tìm cách quản lý hữu hiệu hơn. Càng kiểm soát được cách dùng thì giờ, bạn càng ít bị căng thẳng.
-
Hãy sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi. Nghỉ giải lao cũng có thể giúp bạn lấy lại sức và giảm căng thẳng.
Nhờ người khác giúp đỡ
“Nỗi lo trong lòng khiến lòng nặng trĩu, nhưng một lời lành khiến lòng phấn chấn”.—CHÂM NGÔN 12:25.
Nghĩa là gì? Lời tử tế, cảm thông của người khác có thể giúp bạn lên tinh thần.
-
Hãy tâm sự với một người biết cảm thông. Người bạn thân có thể giúp mình nhìn vấn đề khác đi hoặc thấy được giải pháp mà mình chưa nhận ra. Ngoài ra, chỉ việc trút bớt nỗi lòng thôi cũng có thể làm bạn nhẹ nhõm.
-
Hãy nhờ giúp đỡ. Bạn có thể giao hoặc san bớt việc cho người khác không?
-
Nếu một đồng nghiệp khiến bạn căng thẳng, hãy tìm cách cải thiện tình huống. Chẳng hạn, bạn có thể tử tế và khéo léo cho người đó biết mình cảm thấy thế nào không? (Châm ngôn 17:27). Nếu vẫn không hiệu quả, bạn có thể hạn chế tiếp xúc với người đó không?
Đáp ứng nhu cầu tâm linh
“Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình”.—MA-THI-Ơ 5:3.
Nghĩa là gì? Con người không chỉ có nhu cầu về thức ăn, áo mặc và chỗ ở mà còn có nhu cầu về tâm linh. Để có hạnh phúc, chúng ta cần ý thức và đáp ứng nhu cầu đó.
-
Cầu nguyện là sự trợ giúp lớn. Đấng Tối Cao mời bạn “trút hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến [bạn]” (1 Phi-e-rơ 5:7). Cầu nguyện với ngài và suy ngẫm về những điều tích cực mang lại sự bình an nội tâm.—Phi-líp 4:6, 7.
-
Hãy đọc sách báo giúp bạn đáp ứng nhu cầu tâm linh. Những lời khuyên trong tạp chí này đến từ Kinh Thánh, là cuốn sách viết ra để nuôi dưỡng chúng ta về tâm linh. Những lời khuyên ấy cũng giúp chúng ta có “sự khôn ngoan thiết thực và khả năng suy xét” (Châm ngôn 3:21). Hãy đặt mục tiêu đọc Kinh Thánh. Bạn có thể bắt đầu từ phần Châm ngôn.