NGƯỜI TRẺ
11: Siêng năng
ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ?
Người siêng năng không né tránh công việc mà thích làm việc để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác, cho dù đó là việc tầm thường.
TẠI SAO QUAN TRỌNG?
Dù muốn hay không, cuộc sống gắn liền với trách nhiệm. Trong xã hội mà nhiều người không thích công việc nặng nhọc, tính siêng năng là một lợi thế cho bạn.—Truyền đạo 3:13.
“Khi chăm chỉ làm việc, mình cảm thấy vui và tự hào. Chính niềm vui đó giúp mình tập yêu thích công việc. Hơn nữa, làm việc có nguyên tắc sẽ giúp mình tạo được danh tiếng tốt”.—Bạn Reyon.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Mọi loại việc khó nhọc đều đem lợi ích”.—Châm ngôn 14:23.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Hãy tập có cái nhìn tích cực về công việc bằng cách làm theo những bước sau:
Làm tốt công việc. Dù là việc nhà, học hành hay đi làm, hãy chú tâm vào những điều mình làm. Một khi đã quen với công việc, hãy tìm cách cải thiện để làm nhanh hơn hoặc tốt hơn. Càng khéo léo và thành thạo, bạn sẽ càng yêu thích công việc của mình.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Con có thấy người khéo léo làm việc không? Người sẽ đứng trước mặt các vua, chứ chẳng đứng trước mặt dân thường”.—Châm ngôn 22:29.
Nghĩ đến người khác. Trong hầu hết các trường hợp, khi chu toàn trách nhiệm, bạn sẽ mang lại lợi ích cho người khác. Chẳng hạn, nếu siêng năng làm việc nhà thì bạn sẽ giảm bớt gánh nặng cho các thành viên khác trong gia đình.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công vụ 20:35.
Chủ động làm thêm. Thay vì chỉ làm những gì cần làm, hãy cố gắng làm nhiều hơn. Khi làm thế một cách tự nguyện chứ không miễn cưỡng, bạn đang chủ động trong cuộc sống của mình.—Ma-thi-ơ 5:41.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Việc tốt lành anh làm chẳng phải do bị ép buộc mà là do tự nguyện”.—Phi-lê-môn 14.
Thăng bằng. Người siêng năng thì không lười biếng, nhưng cũng không tham công tiếc việc. Họ cố gắng thăng bằng, tìm niềm vui cả trong công việc lẫn những lúc nghỉ ngơi.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Thà một nắm tay đầy sự nghỉ ngơi còn hơn hai nắm tay đầy việc khó nhọc và đuổi theo luồng gió”.—Truyền đạo 4:6.