Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 5

Học từ người lớn

Học từ người lớn

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LỚN LÀ GÌ?

Trẻ cần người lớn dạy dỗ và hướng dẫn. Hẳn cha mẹ là người thầy tốt nhất có thể dạy dỗ và hướng dẫn trẻ. Đó không chỉ là vai trò mà còn là trách nhiệm của họ. Nhưng ngoài cha mẹ, những người lớn khác cũng có thể là người thầy cho trẻ.

TẠI SAO NÊN CHO CON HỌC TỪ NGƯỜI LỚN?

Ở nhiều nơi, trẻ ít có thời gian bên cạnh người lớn. Sau đây là một số nguyên nhân:

  • Hầu hết thời gian của trẻ là ở trường, mà ở trường thì các em đông hơn thầy cô và những người lớn khác.

  • Một số trẻ đi học về thì không có cha mẹ ở nhà vì họ bận đi làm.

  • Một cuộc nghiên cứu cho thấy ở Hoa Kỳ, thiếu niên từ 8 đến 12 tuổi dành trung bình khoảng sáu tiếng mỗi ngày để sử dụng thiết bị giải trí công nghệ. *

Một sách nói về việc quan tâm đến con cái cho biết: “Giới trẻ không còn tìm lời khuyên, tấm gương và sự hướng dẫn từ cha mẹ, thầy cô hoặc những người lớn khác... mà từ bạn cùng trang lứa”.—Hold On to Your Kids.

CÁCH HƯỚNG DẪN CON

Dành thời gian cho con.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy rèn luyện con trẻ trong đường nó phải đi, dù khi nó về già vẫn không lìa đường ấy”.—Châm ngôn 22:6.

Trẻ thường tự nhiên tìm đến cha mẹ để được hướng dẫn. Các chuyên gia cho biết ngay cả khi bước vào tuổi thiếu niên, trẻ vẫn quý trọng lời khuyên của cha mẹ hơn là của bạn cùng trang lứa. Trong một sách về tuổi dậy thì, giáo sư Laurence Steinberg viết: “Từ khi trẻ dậy thì cho đến lúc trưởng thành, cha mẹ vẫn là những người tác động mạnh nhất đến việc hình thành nhân cách của trẻ”. Ông cho biết thêm: “Các em ở tuổi dậy thì vẫn để ý đến những gì cha mẹ nghĩ và nói dù không phải lúc nào cũng thừa nhận điều đó hoặc đồng ý về mọi thứ”.—You and Your Adolescent.

Vì trẻ tự nhiên tìm đến cha mẹ để được hướng dẫn nên hãy tận dụng khuynh hướng này của trẻ. Hãy dành thời gian với con và cho con biết quan điểm, tiêu chuẩn đạo đức hay những kinh nghiệm trong đời sống mình.

Tìm cho con một người thầy.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan”.—Châm ngôn 13:20.

Hãy nghĩ đến một người lớn có thể là thầy tốt cho con. Đó phải là người đáng tin cậy mà bạn biết chắc sẽ không làm hại con. Hãy nhờ người ấy dành thời gian cho con. Dĩ nhiên người ấy sẽ không gánh trách nhiệm thay bạn nhưng có thể khích lệ con bạn và hỗ trợ trong việc dạy dỗ con. Kinh Thánh cho biết chàng trai Ti-mô-thê dù đã trưởng thành nhưng vẫn học hỏi được nhiều điều nhờ đồng hành với một tín đồ dày dạn kinh nghiệm là Phao-lô, còn Phao-lô cũng được lợi ích nhờ kết hợp với Ti-mô-thê.—Phi-líp 2:20, 22.

Trong thế kỷ qua, sự gắn kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo vì ông bà, chú bác và những người thân khác sống xa nhau. Nếu đó là hoàn cảnh của gia đình bạn, hãy tạo cơ hội để con học hỏi từ những người lớn khác có các đức tính mà bạn muốn con mình noi theo.

^ đ. 9 Cũng theo cuộc nghiên cứu đó, thanh thiếu niên dành trung bình gần chín tiếng mỗi ngày để sử dụng các thiết bị công nghệ ấy. Đó là chưa kể thời gian các em dùng mạng Internet để học tập ở trường hoặc làm bài về nhà.