Hệ thần kinh ruột—“Bộ não thứ hai” của cơ thể chăng?
Bạn có bao nhiêu bộ não? Nếu trả lời là “một” thì bạn nói đúng. Tuy nhiên, trong cơ thể bạn cũng có những hệ thần kinh khác. Có một mạng lưới tế bào thần kinh phức tạp đến nỗi một số nhà khoa học đã gọi nó là “bộ não thứ hai”. Đó là hệ thần kinh ruột (ENS) và nó không nằm trong đầu, mà phần lớn nằm trong bụng của bạn.
Để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, cơ thể cần phải phối hợp hài hòa và làm việc rất nhiều. Do đó, điều hợp lý là não được thiết kế để “ủy thác” gần như toàn bộ khả năng điều khiển việc tiêu hóa cho hệ thần kinh ruột.
Tuy đơn giản hơn nhiều so với não, nhưng hệ thần kinh ruột vẫn vô cùng phức tạp. Ở người, nó có khoảng 200 đến 600 triệu tế bào thần kinh. Mạng lưới tế bào thần kinh phức tạp này nằm trong hệ tiêu hóa. Các nhà khoa học tin rằng nếu não thực hiện chức năng của hệ thần kinh ruột thì lượng dây thần kinh cần thiết sẽ quá dày đặc. Sách Bộ não thứ hai (The Second Brain) cho biết: “Khi [hệ tiêu hóa] tự chăm lo cho nó thì an toàn và thuận tiện hơn nhiều”.
“MỘT XƯỞNG HÓA HỌC”
Việc tiêu hóa thức ăn đòi hỏi những hỗn hợp hóa học chính xác phải được tiết ra đúng lúc và chuyển đến đúng nơi. Giáo sư Gary Mawe đã khéo léo miêu tả hệ tiêu hóa như “một xưởng hóa học”. Cơ chế hoạt động tinh vi của “xưởng” này thật đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, khắp thành ruột có các tế bào chuyên biệt đóng vai trò như những máy dò hóa chất, tức những cảm thụ quan vị giác, giúp xác định các chất trong thức ăn của bạn. Thông tin này giúp hệ thần kinh ruột lập danh sách các enzym cần thiết để phân giải thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được. Ngoài ra, hệ thần kinh ruột đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện lượng a-xít và những thành phần hóa học khác của thức ăn, cũng như điều chỉnh enzym sao cho phù hợp.
Hãy hình dung đường tiêu hóa như một dây chuyền sản xuất được điều hành chủ yếu bởi hệ thần kinh ruột. “Bộ não thứ hai” của bạn đưa thức ăn đi qua hệ tiêu hóa bằng cách ra lệnh cho những cơ dọc theo thành của đường tiêu hóa co bóp. Hệ thần kinh ruột điều chỉnh cường độ và tần suất của sự co bóp này để hệ tiêu hóa hoạt động như một băng chuyền.
Hệ thần kinh ruột cũng giám sát chức năng đảm bảo an toàn. Những gì bạn ăn đều có khả năng chứa các hại khuẩn. Không ngạc nhiên khi khoảng 70% đến 80% tế bào bạch huyết của cơ thể, một thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch, trú ngụ trong bụng của bạn! Nếu thức ăn có nhiều độc tố, hệ thần kinh ruột sẽ bảo vệ cơ thể bằng cách khởi động
chức năng co mạnh để tống những chất độc ra ngoài qua việc nôn mửa hoặc tiêu chảy.MỐI LIÊN LẠC CHẶT CHẼ
Dù hệ thần kinh ruột dường như hoạt động độc lập với não, hai trung tâm thần kinh này không ngừng liên lạc với nhau. Chẳng hạn, hệ thần kinh ruột đóng vai trò điều hòa các nội tiết tố vốn có chức năng báo cho não biết bạn nên ăn khi nào và bao nhiêu. Các tế bào thần kinh của nó gửi tín hiệu cho não khi bạn đã no và có thể tạo cảm giác buồn nôn nếu bạn ăn quá nhiều.
Ngay cả trước khi đọc bài này, có lẽ bạn cũng đoán là có mối liên lạc nào đó giữa đường tiêu hóa và não của mình. Chẳng hạn, có bao giờ bạn để ý thấy tâm trạng của mình tốt hơn khi ăn một số thực phẩm béo? Theo nghiên cứu, điều này xảy ra khi hệ thần kinh ruột gửi “những tín hiệu hạnh phúc” đến não của bạn, bắt đầu chuỗi phản ứng làm bạn thấy vui hơn. Có lẽ vì thế mà người ta thường ăn những món yêu thích khi bị căng thẳng. Các nhà khoa học đang tìm cách để kích thích hệ thần kinh ruột như một liệu pháp cho bệnh trầm cảm.
Một ví dụ khác về mối liên lạc giữa não và hệ tiêu hóa là hiện tượng có cảm giác thắt ruột. Cảm giác này có thể là do hệ thần kinh ruột đưa máu đi khỏi dạ dày khi não bị căng thẳng hoặc lo lắng. Một cảm giác khác là buồn nôn, vì não tác động hệ thần kinh ruột để thay đổi sự co bóp bình thường của ruột khi bị căng thẳng.
Dù được gọi là “bộ não thứ hai”, hệ thần kinh ruột không thể suy nghĩ hoặc hướng dẫn bạn đưa ra quyết định. Nó không thể giúp bạn sáng tác nhạc, tính toán chi tiêu hoặc làm bài tập. Nói cách khác, nó không thật sự là một bộ não. Tuy nhiên, sự phức tạp của hệ thần kinh tuyệt vời này vẫn làm các nhà khoa học thán phục dù họ chưa thể hiểu hết về nó. Thế nên, lần tới trước khi ăn, hãy suy nghĩ một chút về quá trình nhận diện, xử lý thông tin, hợp tác và liên lạc sắp diễn ra trong hệ tiêu hóa của bạn!