Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | KINH THÁNH CÓ THẬT LÀ LỜI CHÚA?

Kinh Thánh chính xác về mọi phương diện

Kinh Thánh chính xác về mọi phương diện

Chính xác về khoa học

Dù không phải là sách khoa học, Kinh Thánh luôn chính xác khi nói về thế giới tự nhiên. Hãy xem một vài ví dụ về lĩnh vực khí tượng học và di truyền học.

KHÍ TƯỢNG HỌC—SỰ HÌNH THÀNH MƯA

KHÍ TƯỢNG

Kinh Thánh nói: “[Đức Chúa Trời] rút các giọt nước lên; từ màn sương mù của ngài, chúng đọng thành mưa; rồi mây đổ mưa xuống”.—Gióp 36:27, 28.

Trong các câu này, Kinh Thánh miêu tả ba bước chính của chu trình thủy văn. Đức Chúa Trời, đấng tạo ra sức nóng mặt trời, “rút các giọt nước lên” qua (1) quá trình bay hơi. Sau đó, nhờ (2) sự ngưng tụ, hơi nước bốc lên cao tạo thành mây, và mây đổ nước xuống thành mưa hoặc những dạng khác của (3) hiện tượng giáng thủy. Đến tận ngày nay, các nhà khí tượng học vẫn không hoàn toàn hiểu được mọi chi tiết của hiện tượng mưa. Thật thú vị khi Kinh Thánh hỏi: “Ai hiểu được các lớp mây?” (Gióp 36:29). Nhưng Đấng Tạo Hóa hiểu rõ vòng tuần hoàn mưa và cho con người ghi lại những chi tiết chính xác trong Kinh Thánh. Ngài đã làm thế rất lâu trước khi con người có thể giải thích những tiến trình cơ bản ấy một cách khoa học.

DI TRUYỀN HỌC—SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHÔI THAI NGƯỜI

DI TRUYỀN

Người viết Kinh Thánh là vua Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời: “Mắt ngài đã thấy khi con mới là phôi thai; sách ngài có ghi hết thảy các phần của nó” (Thi thiên 139:16). Bằng lối thơ ca, Đa-vít nói rằng phôi thai phát triển theo sự hướng dẫn được viết trong “sách” đã có từ trước, hay theo một chương trình. Điều đáng kinh ngạc là những lời này được viết cách đây khoảng 3.000 năm!

Tuy nhiên, mãi đến khoảng năm 1860, nhà sinh vật học người Áo là Gregor Mendel mới khám phá ra những nguyên tắc cơ bản của di truyền học. Sau đó, đến tận tháng 4 năm 2003, các nhà nghiên cứu mới hoàn thành việc sắp xếp bản đồ cấu trúc gen người, gồm mọi thông tin di truyền cần thiết để tạo nên một cơ thể sống. Thông tin di truyền trong gen của chúng ta được sắp xếp theo một cấu trúc, tương tự như các chữ cái và từ mà chúng tạo thành được sắp xếp trật tự trong một cuốn từ điển. Dựa vào thông tin di truyền này, những phần của phôi thai như não, tim, phổi và các chi phát triển theo trình tự chính xác và thời gian nhất định. Thật thích hợp khi bộ gen được các nhà khoa học miêu tả là “sách của sự sống”. Làm thế nào người viết Kinh Thánh là Đa-vít có thể nói chính xác đến thế? Ông đã khiêm tốn thừa nhận: “Thần khí Đức Giê-hô-va phán qua tôi; lời ngài ngự trên lưỡi tôi”. *2 Sa-mu-ên 23:2.

Chính xác khi báo trước về tương lai

Việc biết trước các vương quốc và thành phố sẽ cường thịnh hoặc lụi tàn vào lúc nào, bằng cách nào và đến mức nào là điều rất khó, thậm chí là không thể. Tuy nhiên, Kinh Thánh đã tiên tri về sự sụp đổ của những đế quốc và thành phố hùng mạnh một cách chi tiết. Hãy xem hai ví dụ.

BA-BY-LÔN—SUY TÀN VÀ HOANG VU

Thành Ba-by-lôn cổ xưa là trung tâm của một đế quốc hùng mạnh có ảnh hưởng trên cả Tây Á trong nhiều thế kỷ. Nó từng là thành phố lớn nhất thế giới. Nhưng Đức Chúa Trời đã soi dẫn người viết Kinh Thánh là Ê-sai để báo trước khoảng 200 năm rằng một người tên Si-ru sẽ lật đổ Ba-by-lôn, và nơi đây sẽ hoang vu mãi mãi (Ê-sai 13:17-20; 44:27, 28; 45:1, 2). Những điều này có thật sự xảy ra không?

LỊCH SỬ

Vào tháng 10 năm 539 trước công nguyên (TCN), trong một đêm, Si-ru Đại đế đã chinh phục Ba-by-lôn. Qua thời gian, những kênh đào từng được dùng để tưới vùng đất màu mỡ này đã bị bỏ bê và khô cạn. Vào năm 200 công nguyên, người ta cho rằng nơi đây đã trở nên hoang vu. Ngày nay, Ba-by-lôn chỉ còn lại đống đổ nát. Đúng với những gì Kinh Thánh báo trước, Ba-by-lôn đã “hoàn toàn hoang vu”.—Giê-rê-mi 50:13.

Nhờ đâu mà người viết Kinh Thánh thấy trước những sự kiện lịch sử chính xác như vậy? Kinh Thánh tiết lộ rằng đó là “lời tuyên bố nghịch lại Ba-by-lôn mà Ê-sai con trai A-mô đã thấy trong khải tượng”.—Ê-sai 13:1.

NI-NI-VE—“KHÔ CẰN NHƯ SA MẠC”

Ni-ni-ve, thủ đô của đế quốc A-si-ri, từng được xem là một kỳ quan kiến trúc. Thành phố này tự hào có các con đường rộng lớn, công viên, đền thờ và lâu đài đồ sộ. Tuy nhiên, nhà tiên tri Xô-phô-ni đã báo trước thủ phủ này sẽ “tiêu điều, khô cằn như sa mạc”.—Xô-phô-ni 2:13-15.

Vào thế kỷ thứ bảy TCN, Ni-ni-ve hoàn toàn bị hủy diệt bởi liên minh Ba-by-lôn và Mê-đi. Theo một tài liệu tham khảo, thành bại trận này đã “bị lãng quên trong 2.500 năm”. Người ta thậm chí từng nghi ngờ về sự tồn tại của Ni-ni-ve! Chỉ đến giữa thế kỷ 19, những nhà khảo cổ học mới khai quật được tàn tích của Ni-ni-ve. Ngày nay, nơi này đang đổ nát và bị phá hoại, thế nên Quỹ Di sản Toàn cầu đưa ra cảnh báo: “Những gì còn lại của Ni-ni-ve có thể bị chôn vùi mãi mãi lần nữa”.

Làm thế nào Xô-phô-ni biết trước những thông tin này? Ông nhận thức đây là “lời Đức Giê-hô-va phán với [ông]”.—Xô-phô-ni 1:1.

Kinh Thánh giải đáp các câu hỏi quan trọng

Kinh Thánh giải đáp thỏa đáng các câu hỏi quan trọng trong đời sống. Hãy xem những ví dụ sau đây.

TẠI SAO THẾ GIỚI CÓ QUÁ NHIỀU SỰ GIAN ÁC VÀ ĐAU KHỔ?

Vấn đề liên quan đến sự gian ác và đau khổ được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh. Sách này giải thích:

  1. “Loài người cai trị trên loài người mà gây hại cho nhau”.Truyền đạo 8:9.

    Sự cai trị thiếu sót và bất công của con người gây ra biết bao đau khổ.

  2. “Thời thế và chuyện bất trắc xảy đến cho tất cả”.Truyền đạo 9:11.

    Những chuyện bất ngờ như bệnh nặng, tai nạn và tai ương có thể xảy đến cho bất cứ ai, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào.

  3. “Bởi một người mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết”.Rô-ma 5:12.

    Ban đầu, người đàn ông và người đàn bà đầu tiên được tạo ra hoàn hảo và không phải chết. Nhưng tội lỗi đã “vào thế gian” khi hai người đầu tiên cố tình cãi lời Đấng Tạo Hóa.

Kinh Thánh không chỉ giải thích lý do con người chịu đau khổ. Sách này còn hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ sự gian ác và “lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải huyền 21:3, 4.

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI MỘT NGƯỜI CHẾT?

Kinh Thánh giải thích sự chết là tình trạng hoàn toàn không còn ý thức và hoạt động. Truyền đạo 9:5 nói: “Người sống biết mình sẽ chết, nhưng người chết chẳng biết chi hết”. Khi một người chết, tất cả “tư tưởng biến tan” (Thi thiên 146:4). Vậy mọi hoạt động của não, gồm khả năng xử lý thông tin từ các cơ quan cảm giác, sẽ chấm dứt khi chết. Do đó, một người không thể hoạt động, không có cảm giác hoặc suy nghĩ nữa.

Tuy nhiên, Kinh Thánh không chỉ giải thích về tình trạng của người chết. Sách này còn cho biết về một triển vọng tươi sáng là những người chết sẽ sống lại, như thể thức dậy từ giấc ngủ sâu.—Ô-sê 13:14; Giăng 11:11-14.

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG LÀ GÌ?

Kinh Thánh cho biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo nên loài người (Sáng thế 1:27). Chính vì thế, người đàn ông đầu tiên là A-đam được gọi là “con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:38). Mục đích loài người được tạo nên là để xây đắp tình bạn với Cha trên trời, cũng như hưởng đời sống ý nghĩa và hạnh phúc mãi mãi trên đất. Để đạt được điều đó, loài người được phú cho khả năng tâm linh, tức ước muốn tự nhiên được biết về Đức Chúa Trời. Thế nên, Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình”.—Ma-thi-ơ 5:3.

Ngoài ra, Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc cho những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời!” (Lu-ca 11:28). Kinh Thánh không chỉ giúp chúng ta tìm hiểu về Đức Chúa Trời, mà còn hướng dẫn chúng ta để có đời sống hạnh phúc hơn và có hy vọng trong tương lai.

Tác Giả Kinh Thánh và bạn

Sau khi xem xét bằng chứng, hàng triệu người trên thế giới đã kết luận rằng Kinh Thánh không chỉ là một tác phẩm văn chương cổ. Họ tin chắc Kinh Thánh là lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, là phương tiện mà ngài dùng để liên lạc với con người, trong đó có bạn! Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời mời bạn tìm hiểu về ngài và trở thành bạn ngài. Kinh Thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

Việc tìm hiểu kỹ về Kinh Thánh mở ra một triển vọng tuyệt vời. Đó là gì? Giống như việc đọc một cuốn sách giúp bạn hiểu được phần nào suy nghĩ của tác giả, việc đọc Kinh Thánh cho bạn biết suy nghĩ và cảm xúc của Tác Giả là Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là bạn có thể biết quan điểm và cảm xúc của Đấng Tạo Hóa! Ngoài ra, Kinh Thánh còn tiết lộ về:

Bạn có muốn biết thêm không? Nhân Chứng Giê-hô-va rất vui lòng giúp bạn tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí. Nhờ thế, bạn có thể đến gần Tác Giả Kinh Thánh là Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết.

Bài này thảo luận một số bằng chứng cho thấy Kinh Thánh là sách được Đức Chúa Trời soi dẫn. Để biết thêm thông tin, xin xem chương 2 của sách Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng có thể truy cập www.pr418.com/vi

Bạn cũng có thể xem video Ai là tác giả của Kinh Thánh?, có trên www.pr418.com/vi

Vào mục ẤN PHẨM > VIDEO

^ đ. 10 Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời được biết đến với danh riêng là Giê-hô-va.—Thi thiên 83:18.