Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

VƯỢT QUA NỖI ĐAU MẤT NGƯỜI THÂN

Chặng đường phải vượt qua

Chặng đường phải vượt qua

Các chuyên gia chia quá trình vượt qua nỗi đau mất người thân thành từng giai đoạn, nhưng cách vượt qua nỗi đau của mỗi người mỗi khác. Phải chăng một người không bộc lộ cảm xúc có nghĩa là người ấy ít đau buồn hơn hoặc đang cố kìm nén? Không hẳn thế. Dù việc chấp nhận và thể hiện cảm xúc có thể giúp ích, nhưng đó không phải là cách duy nhất để vượt qua nỗi đau. Mỗi người có cách riêng, tùy vào văn hóa, tính tình, kinh nghiệm sống và nguyên nhân người thân qua đời.

PHẢI TRẢI QUA NHỮNG GÌ?

Có lẽ bạn không biết mình sẽ phải trải qua những gì sau khi mất người thân. Tuy nhiên, phần lớn người ta đều trải qua một số cảm xúc và khó khăn giống nhau, nên bạn có thể hình dung trước. Hãy cùng xem.

Cảm thấy choáng ngợp. Khi mất người thân, phản ứng thông thường của chúng ta là khóc, thương tiếc người quá cố và thay đổi tính khí. Những ký ức và giấc mơ về người đã khuất dễ khiến cảm xúc dâng trào. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu thường là khủng hoảng tinh thần và phủ nhận sự thật. Chị Tiina nhớ lại phản ứng đầu tiên của mình khi chồng là anh Timo đột ngột qua đời: “Tôi như chết lặng, thậm chí không thể khóc. Tôi choáng váng đến mức có những lúc thấy khó thở. Tôi không thể tin điều đã xảy ra”.

Lo lắng, tức giận và cảm thấy có lỗi. Anh Ivan chia sẻ: “Sau khi con trai mất lúc 24 tuổi, có một thời gian vợ chồng tôi rất tức giận! Chúng tôi không ngờ là mình lại nóng nảy như thế. Chúng tôi còn cảm thấy có lỗi, tự dằn vặt là lẽ ra mình nên cố gắng nhiều hơn để giúp con”. Khi vợ qua đời do một căn bệnh nan y, anh Alejandro cũng có cùng tâm trạng. Anh cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ chắc mình là người xấu nên Thượng Đế mới bắt mình phải chịu nỗi đau quá lớn này. Sau đó tôi cảm thấy có lỗi, vì nghĩ như thế chẳng khác gì oán trách ngài về chuyện đã xảy ra”. Anh Kostas, được đề cập trong bài trước, kể lại: “Có vài lần, tôi còn giận cả vợ vì đã bỏ tôi ra đi. Rồi tôi tự trách bản thân vì dù sao thì đây không phải lỗi của vợ mình”.

Rối loạn tâm trí. Khi mất người thân, sẽ có lúc một người suy nghĩ vẩn vơ và thiếu hợp lý. Có người tưởng tượng là nghe giọng nói, cảm nhận hay nhìn thấy người quá cố. Cũng có người khó tập trung và hay quên. Chị Tiina nói: “Có lúc tôi đang nói chuyện nhưng tâm trí lại ở chỗ khác. Nó cứ hướng tôi đến những chuyện liên quan đến cái chết của anh Timo. Chỉ riêng việc không thể tập trung cũng khiến tôi căng thẳng”.

Thu mình lại. Người đau buồn dễ cảm thấy bực bội hoặc lạc lõng. Anh Kostas nói: “Khi ở cùng những cặp vợ chồng, tôi cảm thấy mình là người thừa. Còn khi ở cùng những người độc thân, tôi cũng chẳng thể hòa nhập”. Chị Yolanda, vợ anh Ivan, nhớ lại: “Thật khó chịu khi người khác phàn nàn về vấn đề không đáng kể so với nỗi đau chúng tôi phải trải qua! Cũng có những bậc cha mẹ khoe về con cái họ. Tôi mừng cho họ nhưng không chịu được khi nghe họ kể. Dù biết cuộc sống vẫn tiếp tục nhưng chúng tôi không có tâm trạng cũng như không đủ kiên nhẫn để nghe”.

Sức khỏe sa sút. Những vấn đề thường gặp là thói quen ăn uống bị xáo trộn, dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, và giấc ngủ bị rối loạn. Nhớ lại năm đầu tiên sau khi cha qua đời, anh Aaron kể: “Tôi thường mất ngủ, đêm nào cũng thức giấc vào cùng giờ và nghĩ về cái chết của cha”.

Anh Alejandro nhớ lại là anh đau ốm liên miên nhưng không tìm ra bệnh. Anh nói: “Vài lần tôi đi khám bệnh và bác sĩ cho biết là sức khỏe tôi bình thường. Tôi nghĩ là sự đau buồn đã gây ra những triệu chứng ấy”. Cuối cùng những triệu chứng ấy cũng biến mất. Dù sao, quyết định đi khám bệnh vẫn là điều khôn ngoan. Nỗi đau mất người thân có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến một bệnh càng trầm trọng hơn, thậm chí phát sinh bệnh mới.

Khó làm những việc cần thiết. Anh Ivan kể: “Sau khi con trai qua đời, chúng tôi phải báo tin không chỉ cho người thân và bạn bè mà còn cho nhiều người khác, chẳng hạn như chủ nhà hay chủ nơi con làm việc. Chúng tôi cũng phải làm nhiều thủ tục pháp lý. Khó hơn nữa, chúng tôi phải dọn đồ đạc của con. Tất cả những việc này đòi hỏi sự tập trung trong khi tinh thần và thể chất của chúng tôi đang suy sụp”.

Đối với một số người, điều khó nhất là sau này, khi phải gánh vác những việc mà người quá cố từng đảm nhận. Đó là trường hợp của chị Tiina. Chị giải thích: “Trước đây, anh Timo lo hết chuyện giấy tờ hành chính, chẳng hạn như ngân hàng. Bây giờ, tôi phải lo những việc ấy, nên càng căng thẳng hơn. Tôi sợ mình sẽ làm mọi việc rối tung lên”.

Những khó khăn về tinh thần và thể chất được đề cập ở trên cho thấy quá trình vượt qua nỗi đau mất người thân là chặng đường đầy chông gai. Đúng là nỗi đau ấy rất khủng khiếp nhưng khi biết trước, bạn có thể vượt qua dễ hơn. Cũng hãy nhớ là không phải ai cũng trải qua tất cả những khó khăn trên. Ngoài ra, khi biết những cảm xúc khác nhau của người mất đi người thân là điều bình thường, bạn sẽ vững tâm hơn.

BAO GIỜ MỚI TÌM LẠI ĐƯỢC NIỀM VUI?

Điều gì chờ đón phía trước? Nỗi đau sẽ giảm dần theo thời gian. Nói thế không có nghĩa là vết thương lòng sẽ lành hẳn hoặc bạn quên đi người thân, nhưng nghĩa là những cơn đau nhói sẽ từ từ dịu xuống. Nỗi đau có thể trở lại vào những dịp kỷ niệm hoặc khi ký ức bất chợt ùa về. Tuy nhiên, với thời gian, phần lớn người ta sẽ ổn định tinh thần và trở về với đời sống bình thường, nhất là khi họ có sự hỗ trợ của gia đình hay bạn bè và làm những gì có thể để vượt qua nỗi đau.

Bao lâu mới vượt qua? Một số người vượt qua giai đoạn khó khăn nhất sau vài tháng. Số khác thì cần một hay hai năm mới nguôi ngoai. Cũng có người cần nhiều thời gian hơn nữa. * Anh Alejandro nhớ lại: “Đối với tôi, thời gian đau buồn tột độ kéo dài khoảng ba năm”.

Hãy kiên nhẫn với chính mình. Hãy đối phó với nỗi đau từng ngày một và đừng cố rút ngắn thời gian đau buồn. Hãy nhớ rằng những cơn đau nhói sẽ dần lắng xuống. Tuy nhiên, bạn có thể làm gì ngay bây giờ để xoa dịu nỗi đau và để thời gian đau buồn không kéo dài quá mức cần thiết?

Những cảm xúc khác nhau của người mất đi người thân là điều bình thường

^ đ. 17 Chỉ có một số trường hợp là đau buồn quá mức và kéo dài hơn bình thường, dẫn đến trạng thái được gọi là “đau buồn phức tạp” hay đau buồn kinh niên. Những trường hợp này cần sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.