Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vũ trụ cho biết gì?

Vũ trụ cho biết gì?

Vũ trụ tiếp tục khiến cho các nhà thiên văn học kinh ngạc. Và hiện nay, họ có thiết bị tối tân hơn bao giờ hết để nghiên cứu. Họ khám phá được gì?

Vũ trụ có sự trật tự. Một bài trong tạp chí Astronomy (Thiên văn học) cho biết: “Các thiên hà không nằm lộn xộn trên bầu trời nhưng ở những vị trí theo cấu trúc giống như mạng nhện”. Làm sao có thể được? Các nhà khoa học tin rằng có thể bí quyết nằm ở một loại vật chất vô hình được gọi là vật chất tối. Vật chất tối được miêu tả là “một loại giàn giáo vô hình, giúp... các thiên hà, quần thiên hà và siêu quần thiên hà... được nâng đỡ và xếp theo hàng”.

Làm thế nào vũ trụ lại trật tự đến thế? Có thể nào tự nhiên mà có sự trật tự ấy không? Hãy xem nhận xét của nhà khoa học quá cố Allan Sandage. Ông được xem là “một trong những nhà thiên văn học xuất chúng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất vào thế kỷ 20”, và ông tin có Đấng Tạo Hóa.

Ông nói: “Tôi thấy sự trật tự như thế khó có thể đến từ sự hỗn độn. Phải có một nguồn nào đó đã sắp xếp như vậy”.

Vũ trụ được điều chỉnh chính xác để duy trì sự sống. Hãy xem một lực mà các nhà khoa học gọi là lực tương tác yếu. Lực này giữ cho mặt trời cháy ở tốc độ ổn định. Nếu lực này yếu hơn thì mặt trời đã không được hình thành. Nếu lực này mạnh hơn thì mặt trời đã bị thiêu hủy từ lâu rồi.

Lực tương tác yếu chỉ là một trong những lực được điều chỉnh ở độ chính xác tuyệt đối, và nhờ độ chính xác đó, chúng ta mới có sự sống. Tác giả viết về khoa học là ông Anil Ananthaswamy nói rằng chỉ cần một trong những lực ấy thay đổi một chút thì “các ngôi sao, hành tinh và thiên hà đã không được hình thành. Chắc chắn sẽ không thể nào có sự sống”.

Vũ trụ có ngôi nhà lý tưởng cho nhân loại. Trái đất được trang bị bầu khí quyển thích hợp, lượng nước phù hợp và mặt trăng có kích thước hoàn hảo để giúp trái đất ổn định độ nghiêng. Tạp chí National Geographic (Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ) cho biết: “Mạng lưới gồm địa chất, sinh thái và sinh học làm cho hòn đá kỳ lạ này [trái đất] trở thành nơi duy nhất được biết đến là nơi con người có thể sinh sống”. a

Theo một tác giả, thái dương hệ của chúng ta nằm ở “nơi xa xôi hẻo lánh” trong dải thiên hà. Nhưng chính nhờ vị trí hẻo lánh đó mà trái đất có sự sống. Nếu chúng ta sống gần hơn với các ngôi sao khác, dù là ở tâm của thiên hà hay ở trên các nhánh xoắn ốc, thì các bức xạ sẽ gây nguy hiểm cho sự sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ở vị trí mà một số nhà khoa học gọi là “vùng có thể sống được trong thiên hà”.

Dựa vào kiến thức khoa học của mình về vũ trụ và những định luật trong vũ trụ, nhà vật lý học Paul Davies kết luận: “Tôi không thể tin rằng chúng ta xuất hiện trong vũ trụ bao la này một cách tình cờ, ngẫu nhiên… Sự hiện hữu của chúng ta là có mục đích”. Ông Davies không nói rằng Đấng Tạo Hóa tạo ra vũ trụ và sự sống của con người, nhưng bạn nghĩ sao? Vũ trụ và trái đất dường như được thiết kế để sự sống tồn tại. Có thể nào đó là sự thật không?

a Bài này trong tạp chí National Geographic không có ý muốn nói rằng Đấng Tạo Hóa tạo ra trái đất và con người, nhưng chỉ đưa ra những nhận xét về việc trái đất rất thích hợp để con người sinh sống.