Điều kỳ diệu về nhạn biển Bắc Cực
Trong một thời gian dài, các cuộc nghiên cứu cho biết nhạn biển Bắc Cực bay chặng đường dài 35.200km từ vùng Bắc Cực đến Nam Cực và trở về. Nhưng các cuộc nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng loài chim này thật ra bay xa hơn nhiều.
Người ta đã gắn những thiết bị định vị rất nhỏ trên một số con nhạn biển. Thiết bị này chỉ nặng bằng chiếc kẹp giấy và cho biết chặng đường bay đi và về của nhạn biển trung bình là 90.000km, là chặng đường di trú dài nhất trong các loài. Con nhạn biển bay xa nhất đã chinh phục chặng đường gần 96.000km! Tại sao lại có sự khác biệt so với các cuộc nghiên cứu trước?
Đó là vì nhạn biển Bắc Cực bay theo đường vòng, dù bắt đầu chuyến di trú từ đâu đi nữa. Như hình trên, chúng vượt Đại Tây Dương theo chặng đường hình chữ S. Tại sao? Đơn giản là để tận dụng sức gió.
Trong cuộc đời dài khoảng 30 năm, nhạn biển có thể bay hơn 2,4 triệu km, tương đương với ba hoặc bốn chuyến đi đến mặt trăng và trở về! Một nhà nghiên cứu nhận xét: “Đó quả là một thành tích kỳ diệu đối với con chim chỉ nặng hơn 100gr”. Ngoài ra, sách về lịch sử tự nhiên (Life on Earth: A Natural History) cho biết vì trải qua mùa hè ở cả hai cực nên “mỗi năm nhạn biển thấy nhiều ánh sáng ban ngày hơn bất cứ loài nào”.