XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ
Dạy con khiêm nhường
VẤN ĐỀ
-
Con bạn đang tỏ vẻ kiêu ngạo, và cháu mới mười tuổi!
-
Con bạn muốn được mọi người đối xử đặc biệt.
Bạn tự hỏi: “Sao con mình lại như thế? Mình muốn con tự tin nhưng không đến mức tự cho là giỏi hơn người khác”.
Có thể nào dạy con khiêm nhường mà không khiến chúng trở nên tự ti không?
BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?
Trong những thập niên gần đây, cha mẹ được khuyến khích nên chiều theo ước muốn của con, thường xuyên khen ngợi ngay cả khi con không làm gì đáng khen, và tránh sửa trị hay phạt con. Người ta cho rằng nếu cha mẹ khiến con cảm thấy đặc biệt, chúng sẽ lớn lên với lòng tự trọng. Nhưng kết quả cho thấy gì? Cuốn sách nói về thế hệ cái tôi (Generation Me) cho biết: “Thay vì giúp các em trở thành người dễ hòa nhập và hạnh phúc, trào lưu tự trọng đã tạo ra một quân đoàn mắc chứng tự yêu mình”.
Những đứa trẻ thường được cha mẹ khen vô cớ đã lớn lên mà không biết cách đương đầu với sự thất vọng, phê bình và thất bại. Vì được dạy là chỉ tập trung vào ước muốn của mình nên các em khó có những mối quan hệ lâu bền khi trưởng thành. Hậu quả là nhiều em mắc bệnh trầm cảm và lo âu.
Con trẻ thật sự cảm thấy mình có giá trị không phải nhờ việc thường xuyên được khen là đặc biệt, nhưng qua những kết quả đạt được. Điều này bao gồm nhiều hơn là chỉ tin vào bản thân. Các em cần học, thực hành và cẩn thận rèn luyện những kỹ năng cần thiết (Châm ngôn 22:29). Các em cũng cần quan tâm đến nhu cầu của người khác (1 Cô-rinh-tô 10:24). Tất cả những điều đó đòi hỏi tính khiêm nhường.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Khen khi xứng đáng. Nếu con bạn đạt điểm cao ở trường, hãy khen con. Nhưng nếu con bị điểm kém, đừng tự động đổ lỗi cho giáo viên. Điều đó sẽ khiến con bạn khó học được tính khiêm nhường. Thay vì thế, hãy giúp con biết làm thế nào để có kết quả tốt hơn lần sau. Hãy khen khi con đạt được kết quả tốt.
Sửa trị khi cần thiết. Điều này không có nghĩa là bạn la mắng mỗi khi con phạm lỗi (Cô-lô-se 3:21). Nhưng nên sửa trị khi con phạm lỗi nghiêm trọng. Cũng nên làm thế khi con có những thái độ sai. Nếu không, những thái độ ấy sẽ ăn sâu vào con.
Chẳng hạn, giả sử con bạn có khuynh hướng thích khoe khoang. Nếu không được sửa, con sẽ tự cao và bắt đầu bị người khác xa lánh. Vì thế, hãy giải thích rằng việc khoe khoang sẽ khiến con gây ấn tượng xấu với người khác và rơi vào tình huống xấu hổ (Châm ngôn 27:2). Cũng giải thích rằng một người có quan điểm thăng bằng về bản thân sẽ không “quảng cáo” về khả năng của mình. Khi sửa trị như thế với tình yêu thương, bạn sẽ dạy con khiêm nhường mà không khiến chúng trở nên tự ti.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 23:12.
Chuẩn bị cho con đối phó với thực tế. Chiều theo mọi ước muốn của con có thể khiến chúng cảm thấy mình có quyền hưởng mọi điều. Thế nên, nếu con muốn một thứ nằm ngoài khả năng của bạn, hãy giải thích tại sao cần sống phù hợp với khả năng chi tiêu. Nếu phải hủy một chuyến đi chơi, bạn có thể giải thích rằng cuộc sống cũng có những thất vọng và cho con biết cách bạn đối phó với những thất vọng ấy. Thay vì bảo vệ con khỏi mọi khó khăn, hãy chuẩn bị cho con đương đầu với thử thách mà chúng sẽ gặp khi trưởng thành.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm ngôn 29:21.
Khuyến khích tinh thần ban cho. Hãy chứng tỏ với con rằng “cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Như thế nào? Hãy cùng con lên danh sách những người cần được giúp trong việc mua sắm, di chuyển hoặc sửa chữa. Rồi hãy cho con đi theo khi bạn giúp đỡ một số người như thế. Khi chăm sóc người khác, hãy để con thấy niềm vui và sự thỏa lòng của bạn. Làm thế, bạn đang dạy con khiêm nhường qua cách hiệu quả nhất: gương mẫu của bạn.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Lu-ca 6:38.