Đức tin có thể thay đổi đời sống bạn
Đức tin có thể thay đổi đời sống bạn
“CHẮC CHẮN ta có thể là con người đạo đức dù không tin nơi một Đức Chúa Trời nào cả”. Đó là lời khẳng định của một người theo thuyết bất khả tri. Bà bảo bà đã dưỡng dục con cái theo những tiêu chuẩn đạo đức cao, và đến lượt các con bà, họ cũng nuôi dưỡng con cái theo những tiêu chuẩn cao tương tự—hoàn toàn không cần đức tin nơi Đức Chúa Trời.
Phải chăng điều này có nghĩa là không cần đức tin nơi Đức Chúa Trời? Hiển nhiên, người nói trên đã nghĩ thế. Và sự thật là người không tin nơi Đức Chúa Trời không nhất thiết là người xấu. Sứ đồ Phao-lô nói đến “dân ngoại” không biết đến Đức Chúa Trời nhưng “làm những việc luật-pháp dạy biểu”. (Rô-ma 2:14) Mọi người—kể cả những người theo thuyết bất khả tri—sinh ra đều có một lương tâm. Nhiều người cố làm theo sự sai khiến của lương tâm dù họ không tin nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban cho họ ý thức bẩm sinh về điều phải và điều quấy.
Tuy nhiên, đức tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời—một đức tin dựa trên Kinh Thánh—là một sức mạnh hướng thiện mãnh liệt hơn là sự hướng dẫn độc lập của lương tâm. Đức tin dựa trên Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, rèn luyện lương tâm, khiến lương tâm nhạy bén hơn trong việc phân biệt phải quấy. (Hê-bơ-rơ 5:14) Vả lại, đức tin củng cố tinh thần người ta để giữ được những tiêu chuẩn cao trước những áp lực nặng nề. Thí dụ, trong thế kỷ 20, những chế độ chính trị thối nát lên cầm quyền ở nhiều nước, đã cưỡng chế những người bề ngoài có vẻ đứng đắn phạm những tội ác khủng khiếp. Tuy nhiên, những người có đức tin chân thật nơi Đức Chúa Trời đã không nhượng bộ mà vứt bỏ các nguyên tắc của họ cho dù nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, một đức tin dựa trên Kinh Thánh có thể cải hóa người ta. Nó có thể cứu vớt những người dường như vô phương cứu chữa và giúp người ta tránh được những lỗi lầm nghiêm trọng. Hãy xem xét một vài thí dụ.
Đức tin có thể thay đổi đời sống gia đình
“Nhờ đức tin mà ông bà đã làm được điều tưởng như không thể thực hiện”. Một thẩm phán người Anh đã nói như thế khi phán quyết ai sẽ trông nom con cái của John và Tania. Khi nhà chức trách để ý đến John và Tania, họ chưa chính thức lấy nhau và đời sống gia đình họ thật khủng khiếp. John, vốn nghiện ma túy và mê cờ bạc, đã phạm tội ác để lấy tiền trả cho những tật xấu này. Anh bỏ bê vợ con. Vậy, “phép lạ” nào đã xảy ra?
Một ngày kia, John nghe người cháu trai nói về Địa Đàng. Tò mò, anh hỏi cha mẹ đứa cháu. Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va, và họ giúp John học biết về Địa Đàng từ Kinh Thánh. Dần dần, John và Tania vun trồng đức tin dựa trên Kinh Thánh; đức tin ấy đã thay đổi đời sống của họ. Họ hợp thức hóa hôn nhân mình và khắc phục những tật xấu. Khi thẩm tra gia đình họ, nhà chức trách nhận thấy một điều mà chỉ ít lâu trước đó dường như không thể có được—một gia đình hạnh phúc trong ngôi nhà sạch sẽ, một nơi có thể chấp nhận được để nuôi nấng con cái. Vị thẩm phán đã nói đúng khi qui “phép lạ” này cho đức tin mới của John và Tania.
Cách Anh Quốc hàng ngàn cây số, ở vùng Cận Đông, một người vợ trẻ sắp sửa trở thành con số thống kê đáng buồn. Cô dự định chấm dứt hôn nhân bằng ly dị như hàng triệu người khác. Cô đã có một con nhỏ nhưng chồng cô lại già hơn cô nhiều. Vì lý do đó, họ hàng xúi giục cô ly hôn, và cô đã bắt đầu thủ tục. Tuy nhiên, cô đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi biết chuyện, chị Nhân Chứng đã giải thích quan điểm Kinh Thánh về hôn nhân—thí dụ, hôn nhân do Đức Chúa Trời ban cho nên không được xem thường mà vứt bỏ. (Ma-thi-ơ 19:4-6, 9) Thiếu phụ kia tự nhủ: ‘Kể cũng lạ, bà này là người dưng mà lại cố cứu vãn gia đình mình còn những người thân thì lại muốn phá vỡ nó’. Đức tin mà cô mới nhận được đã giúp cô cứu vãn cuộc hôn nhân.
Phá thai là một tệ nạn đáng buồn ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm có ít nhất 45 triệu bào thai bị người ta cố ý hủy hoại. Mỗi lần phá thai là một thảm kịch. Sự hiểu biết về Kinh Thánh đã giúp một phụ nữ ở Phi-líp-pin tránh khỏi tệ nạn này.
Bà gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, nhận sách mỏng nhan đề Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?, * và bắt đầu học Kinh Thánh. Nhiều tháng sau bà giải thích lý do tại sao bà đã nhận lời học hỏi. Khi Nhân Chứng đến thăm lần đầu, phụ nữ này đang có thai nhưng hai vợ chồng đã quyết định phá thai. Tuy nhiên, hình đứa trẻ chưa chào đời nơi trang 24 của sách mỏng đã động đến lòng người phụ nữ. Kèm theo hình là lời giải thích dựa trên Kinh Thánh, nói rằng sự sống là thánh vì ‘nguồn sự sống ở nơi Chúa’, và điều này đã thuyết phục bà bỏ ý định phá thai. (Thi-thiên 36:9) Giờ đây bà là mẹ của một đứa bé kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Đức tin giúp đỡ những người bị khinh rẻ
Ở Ethiopia, có hai người đàn ông ăn mặc xoàng xĩnh đến tham dự một buổi họp để thờ phượng, do Nhân Chứng Giê-hô-va điều khiển. Tan họp, một Nhân Chứng bày tỏ sự thân thiện và tự giới thiệu với họ. Hai người đàn ông xin của bố thí. Anh Nhân Chứng không cho họ tiền, nhưng cho một thứ tốt hơn. Anh khuyến khích họ vun trồng đức tin nơi Đức Chúa Trời, là điều “quí hơn vàng”. (1 Phi-e-rơ 1:7) Một người đã hưởng ứng và bắt đầu học Kinh Thánh. Điều này đã thay đổi đời sống của anh. Khi đức tin tăng trưởng, anh bỏ hút thuốc, không uống nhiều rượu nữa, từ bỏ lối sống vô luân và bỏ việc dùng lá “khat” (chất kích thích gây nghiện). Anh học cách tự kiếm sống thay vì đi ăn xin và hiện có một đời sống trong sạch, hữu dụng.
Ở Ý, một người đàn ông 47 tuổi bị kết án mười năm tù và bị giam trong bệnh viện tâm thần dưới quyền giám sát của tòa án. Một Nhân Chứng Giê-hô-va được phép vào nhà giam để
giúp đỡ phạm nhân về phương diện thiêng liêng đã dạy ông Kinh Thánh. Ông này tiến bộ nhanh chóng. Đức tin đã thay đổi đời sống của ông đến độ những phạm nhân khác giờ đây tìm đến ông để hỏi ý kiến về cách giải quyết những vấn đề của họ. Đức tin của ông căn cứ vào Kinh Thánh đã khiến người khác kính nể, tôn trọng và ông được nhà chức trách trong trại giam tin cậy.Những năm gần đây báo chí đã tường thuật về những cuộc nội chiến ở Phi Châu. Điều đặc biệt khủng khiếp là những thiên phóng sự về các em trai được huấn luyện làm lính. Những trẻ em này bị tiêm thuốc kích thích, bị làm cho thành tàn bạo, và bị buộc đối xử vô nhân đạo với thân nhân nhằm bảo đảm rằng chúng chỉ trung thành với phe nhóm chúng đang phục vụ. Liệu một đức tin dựa trên Kinh Thánh có đủ sức mạnh để thay đổi đời sống của những người trẻ như thế không? Trong ít nhất hai trường hợp, câu trả lời là có.
Alex là cậu bé giúp lễ trong Giáo Hội Công Giáo ở Liberia. Nhưng khi lên 13, em gia nhập một nhóm tác chiến và trở thành một lính trẻ khét tiếng. Nhằm làm cho mình can đảm trên chiến trường, em quay sang thuật phù thủy. Alex đã chứng kiến nhiều đồng đội bị giết còn mình thì sống sót. Năm 1997 em gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và thấy rằng họ không khinh rẻ em. Thay vì thế, họ giúp em xem Kinh Thánh nói gì về sự hung bạo. Alex rời quân đội. Khi đức tin bắt đầu lớn mạnh, em theo mệnh lệnh của Kinh Thánh: “Phải lánh điều dữ, làm điều lành, tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”.—1 Phi-e-rơ 3:11.
Vào lúc đó, một cựu lính thiếu niên là Samson, đi ngang qua thị trấn Alex đang sống. Em đã từng là thiếu nhi trong ca đoàn nhà thờ nhưng năm 1993 trở thành chiến binh và nghiện ma túy, thực hành ma thuật và sống vô luân. Năm 1997 em giải ngũ. Samson đang trên đường đi đến Monrovia để gia nhập một lực lượng an ninh đặc biệt thì một người bạn thuyết phục em học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Thế là em vun trồng đức tin dựa trên Kinh Thánh. Điều này giúp em can đảm từ bỏ đường lối hiếu chiến. Cả Alex lẫn Samson hiện nay sống bình an và có đạo đức. Ngoài đức tin dựa trên Kinh Thánh, có điều gì khác có thể cải hóa được những con người đã bị làm mất nhân tính như thế không?
Loại đức tin đúng
Đây chỉ là một vài trong rất nhiều thí dụ kể ra để chứng minh sức mạnh của đức tin chân thật dựa trên Kinh Thánh. Dĩ nhiên, không phải người nào chỉ tuyên bố mình tin nơi Đức Chúa Trời đều sống đúng theo những tiêu chuẩn cao trong Kinh Thánh. Thật vậy, một số người vô thần có thể sống tốt hơn một số người tự xưng theo Đấng Christ. Đó là vì đức tin dựa trên Kinh Thánh bao hàm nhiều điều hơn là giản dị cho rằng mình tin nơi Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phao-lô gọi đức tin “là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Vì vậy, đức tin bao hàm sự tin tưởng mãnh liệt—dựa trên chứng cớ không thể chối cãi—vào những điều không nhìn thấy được. Đặc biệt điều ấy bao hàm việc tin chắc, không hề nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, rằng Ngài quan tâm đến chúng ta, và Ngài sẽ ban ân phước cho những ai làm theo ý muốn Ngài. Sứ đồ cũng nói: “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:6.
Chính loại đức tin này đã thay đổi đời sống của John, Tania và những người khác đề cập trong bài này. Đức tin ấy khiến họ tin cậy trọn vẹn nơi Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, để Kinh Thánh hướng dẫn khi quyết định việc gì. Đức tin ấy cũng giúp họ tạm thời chịu hy sinh, không theo đuổi lối sống tuy thoải mái nhưng sai lầm. Dù mỗi kinh nghiệm trên có khác nhau, tất cả những kinh nghiệm này đều bắt đầu giống nhau. Một Nhân Chứng Giê-hô-va học Kinh Thánh với mỗi người này, và họ cảm nghiệm được lẽ thật của những gì Kinh Thánh nói: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Quyền lực của Lời Đức Chúa Trời giúp mỗi người này xây đắp đức tin mạnh mẽ; đức tin đó cải hóa đời sống họ.
Nhân Chứng Giê-hô-va tích cực hoạt động trên hơn 230 xứ và hải đảo. Họ mời bạn học Kinh Thánh. Tại sao? Vì họ tin chắc rằng một đức tin dựa trên Kinh Thánh có thể cải thiện đời sống của bạn rất nhiều.
[Chú thích]
^ đ. 10 Do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Các hình nơi trang 3]
Một đức tin dựa trên Kinh Thánh cải hóa đời sống
[Nguồn tư liệu nơi trang 2]
Title card of Biblia nieświeska by Szymon Budny, 1572