Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em Ba Lan”—Tại sao họ bị bắt bớ?

“Anh em Ba Lan”—Tại sao họ bị bắt bớ?

“Anh em Ba Lan”—Tại sao họ bị bắt bớ?

Vào năm 1638 nghị viện Ba Lan giáng một đòn ác liệt vào một nhóm tôn giáo nhỏ gọi là Anh Em Ba Lan. Một nhà thờ và máy in thuộc về nhóm đó bị phá hủy. Đại học Raków bị đóng cửa, và các giáo sư giảng dạy ở đó bị đày ải.

Hai mươi năm sau, nghị viện áp dụng thêm một biện pháp khắt khe hơn nữa. Họ ra lệnh cho mọi thành viên của nhóm, có lẽ ít nhất 10.000 người, phải rời khỏi xứ. Làm thế nào tình hình lại trở nên nguy kịch đến thế trong một xứ mà lúc bấy giờ được xem là một trong những xứ khoan dung nhất trên khắp Âu Châu? Nhóm Anh Em Ba Lan đã làm gì để phải bị đối xử khắc nghiệt như thế?

VẤN ĐỀ bắt đầu khi sự bất hòa nghiêm trọng xảy ra bên trong Giáo Hội theo phái Tin Lành Calvin ở Ba Lan. Điểm tranh cãi chính là giáo lý Chúa Ba Ngôi. Những người lãnh đạo của một phong trào tiến bộ bên trong giáo hội phủ nhận giáo lý này vì nó không phù hợp với Kinh Thánh. Điều này làm giới lãnh đạo giáo hội tức giận và khiến cho phong trào tiến bộ tách ra.

Phái Tin lành Calvin gọi những người ly khai này là người theo phái Arius, * song những người gia nhập nhóm mới này thì gọi mình là tín đồ Đấng Christ hoặc Anh Em Ba Lan. Họ cũng được gọi là người theo phái Socinus, lấy tên của Laelius Socinus, một người Ý chịu ảnh hưởng của Servetus và có cháu là Faustus Socinus đi đến Ba Lan và trở nên nổi tiếng trong phong trào này.

Lúc đó, một nhà quý tộc Ba Lan là Jan Sienieński tìm cách cho giáo hội mới điều mà ông gọi là “một nơi yên tĩnh, hẻo lánh” để phát triển. Sử dụng đặc quyền mà vua Ba Lan ban cho, Sienieński thiết lập thành phố Raków, mà sau này trở thành trung tâm của phái Socinus ở Ba Lan. Sienieński ban cho người dân Raków một số quyền, trong đó có quyền tự do thờ phượng.

Thành phố mới thu hút thợ thủ công, bác sĩ, dược sĩ, dân thành thị và tầng lớp quý tộc thuộc các giáo phái khác nhau. Ngoài ra, các nhà truyền giáo từ Ba Lan, Lithuania, Transylvania, Pháp và ngay cả Anh lũ lượt kéo đến. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mới đến này đều có cùng niềm tin với người theo phái Socinus; vì thế, trong ba năm sau đó, từ năm 1569 đến năm 1572, Raków trở thành nơi người ta không ngừng tranh luận về thần học. Kết quả là gì?

Một nhà bị chia rẽ

Phong trào phái Socinus tự nó bị chia rẽ, với một bên là những người theo quan điểm cực đoan hơn và bên kia là những người có tư tưởng trung dung hơn. Tuy nhiên, dù họ bất đồng, niềm tin chung của họ rất đặc biệt. Họ bác bỏ Chúa Ba Ngôi; họ không báp têm cho trẻ con; nói chung họ không đi lính và thường không giữ các chức vụ trong chính quyền. * Họ cũng phủ nhận địa ngục là nơi hành hạ. Trong tất cả điều này, họ lờ đi những truyền thống tôn giáo phổ biến.

Cả giới giáo phẩm thuộc phái Tin Lành theo Calvin lẫn giới giáo phẩm Công Giáo mở cuộc phản kháng chống lại nhóm đó, nhưng những người truyền giáo thuộc phái Socinus lợi dụng môi trường khoan dung tôn giáo, được những vua Ba Lan như Sigismund II Augustus và Stephen Báthory đẩy mạnh, để giảng dạy ý tưởng của họ.

Công việc có tính chất bước ngoặc của Budny

Bản dịch Kinh Thánh của phái theo Calvin là bản thông dụng lúc bấy giờ, nhưng không đáp ứng nhu cầu nhiều người đọc. Bản đó không được dịch từ nguyên ngữ mà từ bản Vulgate tiếng La-tinh và một bản tiếng Pháp đương thời. Một thẩm quyền nói: “Sự trung thực và chính xác về ý tưởng đã bị hy sinh để có được văn phong đẹp đẽ”. Nhiều lỗi đã lọt vào. Vì thế, một học giả nổi tiếng tên là Szymon Budny được mời sửa lại bản dịch này. Ông quyết định là dịch một bản mới thì dễ hơn là sửa bản cũ. Ông Budny bắt tay vào dự án này vào khoảng năm 1567.

Khi dịch, Budny phân tích kỹ từng chữ và các biến thể của nó theo một cách mà không ai ở Ba Lan đã từng làm. Chỗ nào gặp khó khăn với tiếng Hê-bơ-rơ thì ông ghi chú cách dịch từng chữ ở lề. Khi cần thiết, ông đặt ra từ mới và cố gắng dùng tiếng Ba Lan dễ hiểu, thông dụng vào thời ông. Mục tiêu của ông là đưa ra cho độc giả một bản dịch Kinh Thánh trung thực và chính xác.

Bản dịch toàn bộ Kinh Thánh của Budny được xuất bản năm 1572. Tuy nhiên, nhà xuất bản cuốn này đã sửa đổi sai lạc bản dịch Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp của ông. Không ngã lòng, Budny bắt tay vào việc sửa lại bản in và trong hai năm ông hoàn tất việc đó. Bản dịch xuất sắc này của ông về Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp hay hơn các bản dịch tiếng Ba Lan trước đây. Ngoài ra, ở nhiều chỗ ông đã khôi phục danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va.

Trong cuối thế kỷ 16 và ba thập niên đầu thế kỷ 17, Raków, thành phố chính của phong trào đó, trở thành một trung tâm tôn giáo và trung tâm tri thức. Ở đó những người lãnh đạo và nhà văn của nhóm Anh Em Ba Lan xuất bản những tờ giấy nhỏ và các tác phẩm của họ.

Họ đẩy mạnh việc giáo dục

Công việc xuất bản của nhóm Anh Em Ba Lan bắt đầu lấy đà vào khoảng năm 1600 khi Raków có máy in. Máy in có thể sản xuất cả những luận thuyết nhỏ lẫn sách lớn trong vài thứ tiếng. Là một trung tâm ấn loát, Raków chẳng bao lâu có thể sánh với những trung tâm ấn loát nổi tiếng nhất Âu Châu. Người ta cho rằng có đến 200 xuất bản phẩm được in ra ở đó trong 40 năm kế tiếp. Một nhà máy giấy gần đó, do nhóm Anh Em Ba Lan làm chủ, cung cấp giấy chất lượng cao cho tài liệu in này.

Chẳng bao lâu nhóm Anh Em Ba Lan thấy cần phải giáo dục các tín hữu và những người khác. Nhằm mục tiêu đó, Đại Học Raków được thành lập vào năm 1602. Các con trai nhóm Anh Em Ba Lan, cũng như Công Giáo và Tin Lành, đều đến đó học. Mặc dù đại học đó là một trường đạo, nhưng tôn giáo không phải là môn duy nhất được dạy. Ngoại ngữ, đạo đức học, kinh tế học, sử học, luật học, lôgic học, khoa học tự nhiên, toán học, y học, và thể dục học cũng là những môn trong chương trình giảng dạy. Đại học này có một thư viện lớn, càng ngày càng lớn thêm, cũng nhờ nhà máy in địa phương.

Bước vào thế kỷ 17, nhóm Anh Em Ba Lan có vẻ như sẽ tiếp tục hưng thịnh. Song, sự kiện lại không phải thế.

Nhà thờ và nhà nước phản công

Zbigniew Ogonowski thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan giải thích: “Vào cuối thập niên thứ ba thế kỷ 17, tình trạng của những người theo phái Arius ở Ba Lan bắt đầu suy thoái nhanh chóng”. Điều này là do hoạt động càng ngày càng táo bạo của hàng giáo phẩm Công Giáo. Hàng giáo phẩm dùng mọi biện pháp khả thi, kể cả phao vu và phỉ báng, để làm mất uy tín nhóm Anh Em Ba Lan. Tình thế chính trị thay đổi ở Ba Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc công kích này. Vua mới của Ba Lan, Sigismund III Vasa, là kẻ thù của nhóm Anh Em Ba Lan. Những người nối ngôi ông, nhất là John II Casimir Vasa, cũng ủng hộ nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo phá quấy nhóm Anh Em Ba Lan.

Vấn đề lên đến đỉnh điểm khi vài sinh viên của Raków bị cho là cố tình xúc phạm đến thánh giá. Sự cố này trở thành cớ để hủy diệt thủ đô của Anh Em Ba Lan. Chủ nhân của Raków bị buộc tội trước tòa nghị viện là ‘truyền bá sự đồi bại’ qua việc ủng hộ Đại Học Raków và máy in ở đó. Nhóm Anh Em Ba Lan bị buộc tội có hành động phá hoại, trác táng và sống vô luân. Nghị viện quyết định là Đại Học Raków phải đóng cửa và máy in và nhà thờ của nhóm Anh Em Ba Lan phải bị phá hủy. Các tín đồ được lệnh phải rời thành phố. Các giáo sư đại học thì bị trục xuất khỏi xứ bằng không sẽ bị tử hình. Một số Anh Em Ba Lan dọn đến những nơi ẩn náu an toàn hơn, như Silesia và Slovakia.

Vào năm 1658, nghị viện ra sắc lệnh là nhóm Anh Em Ba Lan phải bán tài sản và dọn ra xứ ngoài trong vòng ba năm. Sau đó, thời hạn rút ngắn thành hai năm. Sau thời gian này, ai nhận là tin theo phái này sẽ bị xử tử.

Một số người phái Socinus đến định cư ở Hà Lan và tiếp tục việc ấn loát ở đó. Ở Transylvania, một hội thánh hoạt động đến đầu thế kỷ 18. Mỗi tuần có thể có đến ba buổi họp, trong đó họ hát các bài Thi-thiên, nghe thuyết giáo và đọc từ sách giáo lý đã được soạn để giải thích những điều giáo huấn. Nhằm giữ sự thanh sạch của hội thánh, tín hữu được sửa bảo, khuyên răn và nếu cần thiết, bị khai trừ.

Anh Em Ba Lan là học viên Lời Đức Chúa Trời. Họ nhận ra những lẽ thật quý báu nào thì không lưỡng lự chia sẻ với người khác. Tuy nhiên, cuối cùng họ ở rải rác khắp Âu Châu và càng ngày càng thấy khó giữ sự hợp nhất. Cuối cùng, Anh Em Ba Lan không còn nữa.

[Chú thích]

^ đ. 5 Arius (250-336 CN) là một tu sĩ Hy Lạp biện luận rằng Chúa Giê-su thấp kém hơn Cha. Giáo Hội Nghị Nicaea bác bỏ quan điểm của ông vào năm 325 CN.—Xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-6-1989, trang 27.

^ đ. 9 Xin xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-11-1988, trang 19, “Phái Socinus—Tại sao họ bác bỏ Chúa Ba Ngôi?”

[Hình nơi trang 23]

Một căn nhà từng thuộc về một nhà truyền giáo theo phái Socinus

[Các hình nơi trang 23]

Hình trên: Raków ngày nay; phía bên phải là tu viện thành lập năm 1650 để tiệt trừ “phái Arius”; hình dưới: Nơi đây hàng giáo phẩm Công Giáo dựng lên một thập tự giá để kích động xung đột với Anh Em Ba Lan

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

Title card of Biblia nieświeska by Szymon Budny, 1572