Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn nghĩ thế nào về mình?

Bạn nghĩ thế nào về mình?

Bạn nghĩ thế nào về mình?

ÔNG ấy là một người kiêu hãnh. Được đề bạt vào một chức vụ cao trọng trong chính quyền nên ông hả hê trước sự tâng bốc và khâm phục của nhiều người. Nhưng ông rất bực tức khi một viên chức khác không chịu tỏ sự tôn sùng đó đối với ông. Để trả thù, viên chức kiêu căng này âm mưu giết hết những người thuộc cùng dân tộc với kẻ xúc phạm đó trong đế quốc. Thật là một cảm nghĩ hết sức lệch lạc về việc tự cho mình quan trọng!

Kẻ chủ mưu là Ha-man, một viên chức cao cấp tại cung đình Vua A-suê-ru của Phe-rơ-sơ. Và đối tượng ông thù ghét là ai? Một người Do Thái tên là Mạc-đô-chê. Mặc dù việc Ha-man phản ứng với ý diệt chủng là điều quá khích, việc đó cho thấy sự nguy hiểm và hậu quả tác hại của tính kiêu ngạo. Chẳng những tính kiêu ngạo của ông gây ra khủng hoảng cho người khác mà còn khiến ông bị hạ nhục trước công chúng và cuối cùng bị giết.—Ê-xơ-tê 3:1-9; 5:8-14; 6:4-10; 7:1-10.

Những người thờ phượng thật cũng không miễn tính kiêu ngạo

Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta “bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”. (Mi-chê 6:8) Trong Kinh Thánh có nhiều lời tường thuật về những người không giữ một quan điểm khiêm tốn về mình. Điều này gây khó khăn và sầu khổ cho họ. Xem xét vài trường hợp này có thể giúp chúng ta thấy sự rồ dại và nguy hại của lối suy nghĩ thiếu thăng bằng.

Lối suy nghĩ của nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Giô-na đã mất thăng bằng đến độ ông tìm cách bỏ trốn khi Đức Chúa Trời giao cho ông sứ mạng cảnh cáo dân gian ác của thành Ni-ni-ve về sự phán xét của Đức Giê-hô-va. (Giô-na 1:1-3) Sau đó, khi việc rao giảng của ông khiến dân Ni-ni-ve ăn năn thì Giô-na hờn dỗi. Ông quá quan tâm đến uy tín mình là một nhà tiên tri đến độ không màng gì đến mạng sống của hàng ngàn người Ni-ni-ve. (Giô-na 4:1-3) Nếu không khiêm tốn và coi mình quá quan trọng, chúng ta có thể thấy khó giữ một quan điểm công bằng và chính xác về những người và sự kiện xung quanh chúng ta.

Cũng hãy xem xét Ô-xia, từng là một vị vua tốt của Giu-đa. Khi mất thăng bằng trong lối suy nghĩ, ông ngạo mạn cố chiếm đoạt nhiệm vụ của thầy tế lễ. Vì hành động thiếu khiêm tốn và hết sức kiêu ngạo đó, ông đã trả giá đắt là bị bệnh và mất ân huệ của Đức Chúa Trời.—2 Sử-ký 26:3, 16-21.

Các sứ đồ của Chúa Giê-su suýt bị mắc bẫy vì lối suy nghĩ thiếu thăng bằng. Họ trở nên quá quan tâm đến danh vọng và quyền thế cá nhân. Đến lúc bị thử thách gay go, họ bỏ Chúa Giê-su và trốn đi. (Ma-thi-ơ 18:1; 20:20-28; 26:56; Mác 9:33, 34; Lu-ca 22:24) Sự thiếu khiêm tốn và tư tưởng tự đề cao mình suýt nữa làm cho họ quên mất ý định của Đức Giê-hô-va và vai trò của họ liên quan đến ý muốn Ngài.

Hậu quả tai hại của tính tự đề cao

Một quan điểm thiếu thăng bằng về bản thân có thể gây đau khổ và làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với người khác. Thí dụ, chúng ta có thể đang ngồi trong một phòng và để ý thấy một cặp nói thì thầm với nhau rồi cười. Nếu có tính chỉ nghĩ về mình, chúng ta có thể nghĩ sai là họ đang cười mình vì họ nói chuyện quá khẽ. Tâm trí có thể không cho chúng ta nghĩ đến lý do nào khác có thể giải thích cử chỉ của họ. Xét cho cùng, còn ai khác để họ nói? Chúng ta có thể khó chịu và quyết định không bao giờ nói chuyện với cặp đó nữa. Như thế một quan điểm thiếu thăng bằng về giá trị bản thân có thể đưa đến việc hiểu lầm và làm tổn hại mối quan hệ với bạn bè, người trong nhà và người khác.

Những người coi mình quá quan trọng có thể trở thành kẻ khoác lác, luôn khoe khoang về những điều cho là tài năng xuất sắc, thành tích hoặc của cải của mình. Hoặc họ có thể chi phối cuộc nói chuyện, luôn luôn phải chêm vào một điều gì đó về mình. Lối nói chuyện như thế cho thấy sự thiếu tình yêu thương chân thật và có thể làm người khác rất khó chịu. Bởi vậy, người tự phụ thường làm người khác xa lánh mình.—1 Cô-rinh-tô 13:4.

Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có thể bị chế nhạo và bị từ chối khi đi rao giảng. Chúng ta cần nhớ rằng phản ứng như thế thật ra không phải là chống lại cá nhân chúng ta mà là chống lại Đức Giê-hô-va, Nguồn thông điệp của chúng ta. Tuy nhiên, một quan điểm lệch lạc về giá trị bản thân có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Cách đây nhiều năm, một anh cho rằng lời công kích của chủ nhà chĩa vào anh và anh trả đũa lại. (Ê-phê-sô 4:29) Sau đó, anh không bao giờ đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia nữa. Đúng thế, tính tự phụ có thể khiến chúng ta nổi nóng khi đi rao giảng. Chúng ta hãy cố gắng đừng bao giờ để điều đó xảy ra. Thay vì thế, chúng ta hãy khiêm tốn tìm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để giữ lòng quí trọng đúng đắn đối với đặc ân được tham gia thánh chức đạo Đấng Christ.—2 Cô-rinh-tô 4:1, 7; 10:4, 5.

Có một thái độ tự đề cao cũng có thể cản trở chúng ta chấp nhận lời khuyên bảo rất cần thiết. Vài năm trước đây ở một nước Trung Mỹ, một thiếu niên nói một bài giảng trong Trường Thánh Chức Thần Quyền tại hội thánh tín đồ Đấng Christ. Khi giám thị trường học cho cậu vài lời khuyên khá thẳng, người thiếu niên giận dữ ném cuốn Kinh Thánh của anh xuống sàn và giậm chân đi ra khỏi Phòng Nước Trời với ý định không bao giờ trở lại. Nhưng vài ngày sau, anh nén lòng tự ái, hòa thuận lại với anh giám thị trường học, và khiêm nhường chấp nhận lời khuyên của anh. Cuối cùng, người thanh niên này trở nên thành thục trong đạo Đấng Christ.

Thiếu khiêm tốn và coi mình quá quan trọng có thể dẫn tới việc gây tổn hại cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 16:5 cảnh cáo: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”.

Một quan điểm thăng bằng về bản thân

Rõ ràng chúng ta không nên xem mình quá quan trọng. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không nên nghiêm túc về những gì mình làm hoặc nói. Kinh Thánh cho thấy rằng giám thị, tôi tớ thánh chức—thật ra tất cả mọi người trong hội thánh—phải nghiêm trang. (1 Ti-mô-thê 3:4, 8, 11; Tít 2:2) Vậy làm thế nào tín đồ Đấng Christ có thể có và duy trì một quan điểm khiêm tốn, thăng bằng và nghiêm túc về bản thân?

Kinh Thánh cung cấp nhiều gương đầy khích lệ về những người biết giữ một quan điểm thăng bằng về mình. Xuất sắc là gương của Chúa Giê-su Christ về tính khiêm nhường. Để thực hiện ý muốn của Cha ngài và đem lại sự cứu rỗi cho loài người, Con Đức Chúa Trời sẵn sàng rời bỏ địa vị vinh hiển trên trời và trở thành con người thấp kém trên đất. Dù bị sỉ nhục, hành hạ và chết nhục nhã, ngài giữ được sự tự chủ và phẩm cách. (Ma-thi-ơ 20:28; Phi-líp 2:5-8; 1 Phi-e-rơ 2:23) Làm thế nào Chúa Giê-su làm được điều đó? Ngài tin cậy hoàn toàn vào Đức Giê-hô-va và quyết tâm làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su chuyên cần nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời, nhiệt thành cầu nguyện, và gắng hết sức mình trong thánh chức. (Ma-thi-ơ 4:1-10; 26:36-44; Lu-ca 8:1; Giăng 4:34; 8:28; Hê-bơ-rơ 5:7) Noi theo gương Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta có được và giữ một quan điểm thăng bằng về mình.—1 Phi-e-rơ 2:21.

Cũng hãy xem xét gương tốt của con Vua Sau-lơ là Giô-na-than. Vì cha không vâng lời Đức Chúa Trời, Giô-na-than mất cơ hội nối ngôi Sau-lơ. (1 Sa-mu-ên 15:10-29) Giô-na-than có cay đắng về sự tổn hại này không? Ông có trở nên ghen ghét Đa-vít, người thanh niên sẽ cai trị thay thế ông không? Mặc dù lớn tuổi hơn Đa-vít nhiều và có lẽ dày kinh nghiệm hơn, Giô-na-than khiêm tốn và khiêm nhường tuân theo sự sắp đặt này của Đức Giê-hô-va và trung thành ủng hộ Đa-vít. (1 Sa-mu-ên 23:16-18) Có một cái nhìn rõ ràng về ý muốn Đức Chúa Trời và một thái độ sẵn sàng phục tùng ý đó sẽ giúp chúng ta ‘tránh có tư-tưởng cao quá lẽ’.—Rô-ma 12:3.

Chúa Giê-su dạy về giá trị của việc biểu lộ sự khiêm tốn và khiêm nhường. Ngài minh họa điều này bằng cách nói rằng khi môn đồ ngài đến dự một tiệc cưới, họ không nên ngồi “chỗ cao nhứt” vì khách quý hơn có thể đến và họ có thể bị bẽ mặt vì phải xuống ngồi ở chỗ thấp nhất. Làm cho bài học thật rõ nghĩa, Chúa Giê-su nói thêm: “Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”. (Lu-ca 14:7-11) Chúng ta nên làm theo lời khuyên dạy này của Chúa Giê-su và ‘mặc lấy sự khiêm-nhượng’.—Cô-lô-se 3:12; 1 Cô-rinh-tô 1:31.

Ân phước của một quan điểm thăng bằng

Có một tinh thần khiêm tốn và khiêm nhường giúp tôi tớ của Đức Giê-hô-va tìm được niềm vui thật sự trong thánh chức. Khi trưởng lão khiêm nhường “đối đãi ân cần với bầy” thì người khác sẽ thấy dễ đến gần họ hơn. (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28, 29, NW) Rồi mọi người trong hội thánh cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với họ và tìm sự giúp đỡ của họ. Hội thánh có thể nhờ đó gần gũi nhau hơn trong tinh thần yêu thương, đầm ấm và tin cậy.

Không xem mình quá quan trọng giúp chúng ta kết bạn tốt. Tính khiêm tốn và khiêm nhường sẽ giúp chúng ta tránh nảy sinh một thái độ ganh đua và cố làm cho mình sáng chói hơn người khác về việc làm hoặc về vật chất. Hai đức tính tin kính này sẽ giúp chúng ta quan tâm tới người khác nhiều hơn, và nhờ đó chúng ta sẽ ở vào thế tốt hơn để an ủi và nâng đỡ những người cần giúp đỡ. (Phi-líp 2:3, 4) Khi người khác cảm kích trước tình yêu thương và lòng nhân từ thì họ thường có phản ứng tốt. Và chẳng phải mối quan hệ bất vị kỷ như thế trở thành nền tảng để xây đắp tình bằng hữu nồng thắm hay sao? Thật là một ân phước lớn nhờ khiêm nhường không coi mình quá quan trọng!—Rô-ma 12:10.

Một quan điểm thăng bằng về bản thân cũng giúp chúng ta dễ nhận lỗi hơn khi làm mất lòng một người nào. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Nhờ đó mối quan hệ được tốt hơn, đưa đến việc làm hòa và tôn trọng lẫn nhau. Nếu khiêm tốn và khiêm nhường, những người giữ vai trò giám thị, như các trưởng lão đạo Đấng Christ, có cơ hội giúp người khác rất nhiều. (Châm-ngôn 3:27; Ma-thi-ơ 11:29) Người khiêm nhường cũng sẽ thấy dễ tha thứ những ai có lỗi với mình. (Ma-thi-ơ 6:12-15) Người đó sẽ không phản ứng quá gay gắt khi nghĩ rằng mình bị coi thường, và tin tưởng Đức Giê-hô-va sẽ sửa lại những vấn đề nào không thể chỉnh lại bằng cách nào khác.—Thi-thiên 37:5; Châm-ngôn 3:5, 6.

Ân phước lớn nhất nhận được nhờ có một quan điểm khiêm tốn và khiêm nhường về bản thân là được Đức Giê-hô-va ban ơn và chấp thuận. “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (1 Phi-e-rơ 5:5) Mong sao chúng ta không bao giờ rơi vào cạm bẫy đánh giá mình quá cao. Thay vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường nhận thức địa vị mình trong sự sắp đặt mọi sự của Đức Giê-hô-va. Ân phước lớn đang chờ đợi tất cả ai hội đủ điều kiện “bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”.

[Hình nơi trang 22]

Giô-na-than khiêm nhường ủng hộ Đa-vít