Vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va
Vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va
MÔN ĐỒ Gia-cơ viết: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Và người viết Thi-thiên là Đa-vít ca hát: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài”. (Thi-thiên 25:14) Rõ ràng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Tuy vậy, không phải người nào thờ phượng Đức Chúa Trời và vâng theo luật lệ của Ngài đều cảm thấy gần gũi với Ngài.
Còn bạn thì sao? Bạn có mối quan hệ cá nhân mật thiết với Đức Chúa Trời không? Chắc hẳn là bạn muốn gần gũi Ngài hơn. Làm sao chúng ta có thể vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời? Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta? Chương ba của sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh trả lời những câu hỏi này.
Biểu hiện sự nhân từ và chân thật
Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa mở đầu chương ba của sách Châm-ngôn như sau: “Hỡi con, chớ quên sự khuyên-dạy ta, lòng con khá giữ các mạng-lịnh ta; vì nó sẽ thêm cho con lâu ngày, số năm mạng-sống, và sự bình-an”. (Châm-ngôn 3:1, 2) Sa-lô-môn viết lời khuyên này như người cha nói với con mình. Vì được Đức Chúa Trời soi dẫn, nên lời này thật ra đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời và được viết ra cho chúng ta. Ở đây chúng ta được khuyên là hãy giữ theo lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời—luật pháp hoặc sự dạy dỗ của Ngài, và mệnh lệnh của Ngài—được ghi trong Kinh Thánh. Làm thế, chúng ta sẽ được thêm “lâu ngày, số năm mạng-sống, và sự bình-an”. Vâng, ngay cả hiện tại, chúng ta có thể hưởng đời sống bình an và tránh được những sự đeo đuổi có nguy cơ làm chúng ta chết sớm, như kẻ ác thường gặp. Hơn nữa, chúng ta có thể nuôi hy vọng sống đời đời trong một thế giới mới thanh bình.—Châm-ngôn 1:24-31; 2:21, 22.
Sa-lô-môn nói tiếp: “Sự nhân-từ và sự chân-thật, chớ để lìa-bỏ con; hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng con; như vậy, trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, con sẽ được ơn và có sự khôn-ngoan thật”.—Châm-ngôn 3:3, 4.
Trong nguyên ngữ, từ dịch là “sự nhân-từ” cũng có thể dịch là “lòng yêu thương trung tín”, và nó nói lên sự trung thành và đoàn kết. Chúng ta có quyết tâm gắn bó với Đức Giê-hô-va bằng bất cứ giá nào không? Chúng ta có biểu lộ lòng yêu thương nhân từ khi giao tiếp với anh em cùng đạo không? Chúng ta có cố gắng gần gũi với họ không? Trong cách cư xử thường ngày với nhau, chúng ta có giữ ‘phép-tắc nhân-từ ở nơi lưỡi chúng ta’, ngay cả trong những tình huống gay go không?—Châm-ngôn 31:26.
Vì đầy lòng yêu thương nhân từ nên Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ cho”. (Thi-thiên 86:5) Nếu chúng ta đã ăn năn hối lỗi và hiện nay ăn ở ngay lành, thì Kinh Thánh bảo đảm rằng chúng ta sẽ nhận “kỳ thơ-thái” đến từ Đức Giê-hô-va. (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19, 20) Chẳng lẽ chúng ta không nên noi gương Đức Chúa Trời mà tha lỗi cho người khác sao?—Ma-thi-ơ 6:14, 15.
Là “Đức Chúa Trời chân-thật”, Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người muốn đến gần Ngài cũng phải “chân-thật”. (Thi-thiên 31:5) Chúng ta có thể nào trông đợi Đức Giê-hô-va làm Bạn mình nếu chúng ta có cuộc sống hai mặt không —sống cách này khi ở gần bạn bè tín đồ Đấng Christ nhưng lại sống cách khác khi khuất mắt họ—như những “người dối-trá” che giấu thực chất của mình? (Thi-thiên 26:4) Làm như vậy là dại dột biết bao, vì “thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt” Đức Giê-hô-va!—Hê-bơ-rơ 4:13.
Chúng ta nên quí hóa sự nhân từ và chân thật như một dây chuyền vô giá ‘đeo ở cổ chúng ta’, vì nhờ hai đức tính này mà ‘trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, chúng ta sẽ được ơn’. Chúng ta không những phải biểu lộ những đức tính này mà còn phải khắc ghi ‘nơi bia lòng chúng ta’, khiến chúng trở thành một phần hữu cơ của nhân cách chúng ta.
Vun trồng lòng tin cậy triệt để nơi Đức Giê-hô-va
Vị vua khôn ngoan nói tiếp: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.
Đức Giê-hô-va chắc chắn đáng được chúng ta hoàn toàn tin cậy. Là Đấng Tạo Hóa, “quyền-năng Ngài rất cao” và Ngài là Nguồn của ‘sức-mạnh lớn lắm’. (Ê-sai 40:26, 29) Ngài có thể thực hiện mọi điều Ngài định. Vì chính danh Ngài có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”, nên chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài có khả năng thực hiện điều Ngài hứa! Sự kiện “Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối” khiến Ngài chính là hiện thân của sự chân thật. (Hê-bơ-rơ 6:18) Đức tính nổi bật của Ngài là tình yêu thương. (1 Giăng 4:8) Ngài “công-bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn [“trung tín”, NW] trong mọi công-việc Ngài”. (Thi-thiên 145:17) Nếu không thể tin cậy Đức Chúa Trời, thì chúng ta có thể tin cậy ai đây? Dĩ nhiên, muốn vun trồng lòng tin cậy nơi Ngài, chúng ta phải “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” bằng cách áp dụng vào đời sống cá nhân những điều chúng ta học từ trong Kinh Thánh và suy ngẫm về lợi ích khi làm thế.—Thi-thiên 34:8.
Chúng ta có thể ‘nhận-biết Ngài trong các việc làm của mình’ bằng cách nào? Được Đức Chúa Trời soi dẫn, người viết Thi-thiên nói: “[Tôi] cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”. (Thi-thiên 77:12) Vì Đức Chúa Trời vô hình nên chúng ta phải suy ngẫm về những công việc vĩ đại của Ngài và cách Ngài đối xử với dân Ngài nếu muốn vun trồng mối quan hệ mật thiết với Ngài.
Cầu nguyện cũng là một cách quan trọng để nhận biết Đức Giê-hô-va. Vua Đa-vít “hằng ngày” kêu cầu Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 86:13) Đa-vít thường cầu nguyện thâu đêm, như khi phải chạy trốn trong đồng vắng. (Thi-thiên 63:6, 7) Sứ đồ Phao-lô khuyên bảo chúng ta “thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện”. (Ê-phê-sô 6:18) Chúng ta cầu nguyện bao nhiêu lần? Chúng ta có thích giãi bày tâm sự với Đức Chúa Trời không? Khi gặp thử thách nghiêm trọng, chúng ta có van xin Ngài giúp đỡ không? Chúng ta có cầu xin sự hướng dẫn của Ngài trước khi quyết định những vấn đề quan trọng không? Chúng ta gần gũi với Đức Giê-hô-va khi chân thành cầu nguyện. Ngài bảo đảm sẽ nghe lời cầu nguyện và ‘chỉ-dẫn các nẻo của chúng ta’.
Trong khi chúng ta có thể đặt niềm tin cậy triệt để nơi Đức Giê-hô-va mà lại ‘nương-cậy nơi sự thông-sáng của chính mình’ hay của những người lỗi lạc trong thế gian, thì thật là ngu dại biết bao! Sa-lô-môn nói: “Chớ khôn-ngoan theo mắt mình”. Trái lại, ông khuyên: “Hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác: Như vậy, cuống-rốn con sẽ được mạnh-khỏe, và xương-cốt con được mát-mẻ”. (Châm-ngôn 3:7, 8) Sự kính sợ lành mạnh, tức sợ Đức Chúa Trời buồn lòng, nên chi phối mọi hành động, ý nghĩ và tình cảm của chúng ta. Sự kính sợ này sẽ giúp chúng ta tránh làm điều xấu và ngược lại, chúng ta sẽ mạnh khỏe và được mát mẻ về thiêng liêng.
Dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất
Chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời qua cách nào nữa? Vị vua bảo: “Hãy lấy tài-vật và huê-lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 3:9) Tôn vinh Đức Giê-hô-va có nghĩa kính trọng Ngài và ca tụng Ngài trước công chúng bằng cách tham gia và ủng hộ việc công bố danh Ngài. Các tài vật mà chúng ta dùng để tôn vinh Đức Giê-hô-va là thì giờ, tài năng, sức lực và của cải vật chất mình có. Những thứ này phải là huê lợi đầu mùa—những thứ tốt nhất của chúng ta. Vì vậy cách chúng ta dùng tài nguyên cá nhân nên phản ánh niềm quyết tâm ‘tìm-kiếm trước hết nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’, không đúng thế sao?—Ma-thi-ơ 6:33.
Việc lấy tài vật mà tôn vinh Đức Giê-hô-va cũng mang lại phần thưởng. Sa-lô-môn bảo đảm: “Vậy, các vựa-lẫm con sẽ đầy dư-dật, và những thùng của con sẽ tràn rượu mới”. (Châm-ngôn 3:10) Trong khi sự thịnh vượng về thiêng liêng tự nó không đưa đến sự thịnh vượng về vật chất, nhưng việc rộng rãi dùng tài vật để tôn vinh Đức Giê-hô-va mang lại ân phước dồi dào. Việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời là “đồ-ăn” nuôi dưỡng Chúa Giê-su. (Giăng 4:34) Tương tự như thế, việc góp phần rao giảng và đào tạo môn đồ vừa làm vinh hiển Đức Giê-hô-va vừa nuôi dưỡng chúng ta. Nếu bền bỉ trong công việc này, vựa lẫm thiêng liêng của chúng ta sẽ đầy dư dật. Niềm vui của chúng ta—tượng trưng bởi rượu mới—sẽ tràn trề.
Chẳng phải chúng ta cũng trông đợi Đức Giê-hô-va và cầu xin Ngài ban đủ đồ ăn vật chất hằng ngày sao? (Ma-thi-ơ 6:11) Thật ra, mọi điều chúng ta có đều đến từ Cha đầy yêu thương của chúng ta trên trời. Hễ chúng ta dùng tài vật để tôn vinh Ngài bao nhiêu thì Đức Giê-hô-va sẽ đổ thêm ân phước cho chúng ta bấy nhiêu.—1 Cô-rinh-tô 4:7.
Hoan nghênh sự sửa phạt của Đức Giê-hô-va
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sửa phạt trong việc đến gần Đức Giê-hô-va, vua nước Y-sơ-ra-ên khuyên bảo chúng ta: “Hỡi con, chớ khinh điều sửa-phạt của Đức Giê-hô-va, chớ hiềm lòng khi Ngài quở-trách; vì Đức Giê-hô-va yêu-thương ai thì trách-phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu-dấu mình”.—Châm-ngôn 3:11, 12.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không dễ chấp nhận sự sửa phạt. Sứ đồ Phao-lô viết: “Các sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”. (Hê-bơ-rơ 12:11) Sự khiển trách và sửa phạt là những khía cạnh cần thiết của sự luyện tập; rồi sự luyện tập này mang chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Sự sửa trị từ Đức Giê-hô-va—dù chúng ta nhận qua cha mẹ, hội thánh tín đồ Đấng Christ, hay bằng cách suy ngẫm về Kinh Thánh trong lúc học hỏi cá nhân—là cách Đức Chúa Trời biểu lộ lòng yêu thương đối với chúng ta. Hoan nghênh sự sửa trị chứng tỏ chúng ta khôn ngoan.
Cầm giữ sự khôn ngoan và thông sáng
Kế tiếp, Sa-lô-môn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khôn ngoan và thông sáng trong việc vun trồng mối liên lạc gần gũi với Đức Chúa Trời. Ông tuyên bố: “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Vì thà được nó hơn là được tiền-bạc, hoa-lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng... Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh”.—Châm-ngôn 3:13-18.
Nhắc chúng ta nhớ đến sự khôn ngoan và thông sáng thể hiện qua công cuộc sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va, vị vua nói: “Đức Giê-hô-va dùng sự khôn-ngoan lập nên trái đất; nhờ sự thông-sáng mà sắp-đặt các từng trời... Hỡi con, khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt, chớ để nó lìa xa mắt con; thì nó sẽ là sự sống của linh-hồn con, và như đồ trang-sức cho cổ con”.—Châm-ngôn 3:19-22.
Sự khôn ngoan và thông sáng là hai đức tính của Đức Chúa Trời. Chúng ta không những phải vun trồng hai đức tính này mà còn phải cầm giữ bằng cách không bao giờ chểnh mảng việc siêng năng học hỏi Kinh Thánh và áp dụng những gì chúng ta học. Sa-lô-môn nói tiếp: “Con sẽ bước đi vững-vàng trong đường con, và chân con không vấp-ngã”. Rồi ông nói thêm: “Khi con nằm, chẳng có điều sợ-hãi; phải, con sẽ nằm được ngủ ngon giấc”.—Châm-ngôn 3:23, 24.
Đúng vậy, chúng ta có thể bước đi vững vàng và yên tâm ngủ trong khi chờ đợi ngày mà “tai-họa thình-lình” giáng xuống thế gian hung ác của Sa-tan, bất ngờ như kẻ trộm đến. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3; 1 Giăng 5:19) Ngay cả trong cơn đại nạn sắp đến, chúng ta có lời bảo đảm sau: “Chớ sợ sự kinh-khiếp xảy đến thình-lình, cũng đừng kinh-hãi lúc sự tàn-hại giáng trên kẻ ác; vì Đức Giê-hô-va là nơi nương-cậy của con, Ngài sẽ gìn-giữ chân con khỏi mắc bẫy”.—Châm-ngôn 3:25, 26; Ma-thi-ơ 24:21.
Hãy làm điều lành
Sa-lô-môn khuyên nhủ: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”. (Châm-ngôn 3:27) Làm điều lành cho người khác bao gồm việc rộng rãi dùng tài sản để giúp họ, và điều này có nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng chẳng phải việc giúp người khác có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời thật là điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho họ trong “kỳ cuối-cùng” này hay sao? (Đa-ni-ên 12:4) Vậy hiện nay, chính là lúc chúng ta nên sốt sắng thi hành công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
Vị vua khôn ngoan cũng liệt kê một số thực hành phải tránh: “Nhược bằng con có tại nơi con vật kẻ lân-cận cầu-xin, thì chớ nói với người rằng: Hãy đi và trở lại, ngày mai ta sẽ cho ngươi. Chớ lập mưu hại kẻ lân-cận con, vì người ăn-ở bình-yên bên con. Nếu không có làm điều hại cho con, chớ tranh-giành vô-cớ với ai. Chớ phân-bì với kẻ hung-dữ, cũng đừng chọn lối nào của hắn”.—Châm-ngôn 3:28-31.
Tóm tắt những lý do vì sao ông khuyên như vậy, Sa-lô-môn nói: “Vì Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng. Sự rủa-sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác; song Ngài ban phước cho chỗ-ở của người công-bình. Quả thật Ngài nhạo-báng kẻ hay nhạo-báng; nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm-nhường. Người khôn-ngoan sẽ hưởng được sự vinh-hiển; còn sự thăng lên của kẻ ngu-dại sẽ ra điều hổ-thẹn”.—Châm-ngôn 3:32-35.
Nếu muốn hưởng tình bầu bạn với Đức Giê-hô-va, chúng ta không được toan những mưu gian ác. (Châm-ngôn 6:16-19) Chỉ khi nào chúng ta làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời thì chúng ta mới được Ngài ban ân huệ và phước lành. Chúng ta cũng có thể được người khác kính trọng khi họ thấy chúng ta thực hành đường lối khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta hãy từ bỏ lối hành động gian xảo của thế gian hung bạo và gian ác này. Thật vậy, chúng ta hãy theo đuổi con đường ngay thẳng và vun trồng mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va!
[Các hình nơi trang 25]
“Hãy lấy tài-vật mà tôn vinh Đức Giê-hô-va”