Đức Giê-hô-va là nơi nương náu và sức mạnh của tôi
Tự truyện
Đức Giê-hô-va là nơi nương náu và sức mạnh của tôi
DO MARCEL FILTEAU KỂ LẠI
“Nếu cô lấy anh đó, thế nào cô cũng sẽ vào tù”. Người ta nói vậy với người tôi dự tính kết hôn. Tôi xin giải thích tại sao họ lại nói như thế.
KHI tôi sanh ra vào năm 1927, tỉnh Quebec của Canada là thành trì của Công Giáo. Khoảng bốn năm sau, Cécile Dufour, một người truyền giáo trọn thời gian thuộc Nhân Chứng Giê-hô-va, đến nhà thăm chúng tôi tại thành phố Montreal. Vì lý do đó chị thường bị người hàng xóm chúng tôi hăm dọa. Thực tế là chị bị bắt và bị ngược đãi nhiều lần vì rao giảng thông điệp Kinh Thánh. Thế nên chẳng bao lâu chúng tôi biết được sự thật của lời Chúa Giê-su nói: “Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”.—Ma-thi-ơ 24:9.
Lúc bấy giờ, nhiều người nghĩ không thể nào một gia đình Canada Pháp lại bỏ đạo Công Giáo. Mặc dù cha mẹ tôi chưa bao giờ làm báp têm trở thành Nhân Chứng, nhưng chẳng bao lâu cha mẹ kết luận rằng những lời giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo không phù hợp với Kinh Thánh. Vì thế cha mẹ khuyến khích tám người con đọc ấn phẩm do Nhân Chứng xuất bản, và cha mẹ ủng hộ những người con nào quyết định theo lẽ thật Kinh Thánh.
Quyết định theo lẽ thật vào thời buổi khó khăn
Vào năm 1942, trong lúc còn đi học, tôi bắt đầu chú ý nhiều đến việc học hỏi Kinh Thánh. Lúc bấy giờ hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm ở Canada vì họ noi theo gương của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và không dính líu vào chiến tranh giữa các nước. Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:52) Anh cả tôi, Roland, bị đưa đến trại khổ sai vì anh từ chối phục vụ trong quân ngũ trong thời thế chiến, lúc ấy đang diễn ra ác liệt.
(Khoảng thời gian này, cha cho tôi một cuốn sách tiếng Pháp miêu tả sự khổ đau của các Nhân Chứng Đức vì họ từ chối không ủng hộ chiến dịch quân sự của Adolph Hitler. * Tôi được thúc đẩy noi theo những gương can đảm như thế về lòng trung kiên, và tôi bắt đầu dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức tại một nhà tư. Chẳng bao lâu tôi được mời tham gia công việc rao giảng. Tôi chấp nhận lời mời, ý thức rõ là tôi có thể bị bắt giam.
Sau khi cầu xin có nghị lực, tôi gõ cửa đầu tiên. Một phụ nữ tử tế ra mở cửa, và sau khi tự giới thiệu, tôi đọc cho bà lời ghi nơi 2 Ti-mô-thê 3:16: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích”.
“Bà có muốn học biết thêm về Kinh Thánh không?” tôi hỏi.
Bà trả lời: “Tôi muốn”.
Vì thế tôi bảo bà là tôi sẽ dẫn đến một người bạn biết rành Kinh Thánh hơn tôi; và tôi làm thế tuần sau đó. Sau kinh nghiệm đầu tiên đó, tôi cảm thấy tự tin hơn, và tôi biết được rằng chúng ta không thi hành thánh chức bằng sức của riêng mình. Như sứ đồ Phao-lô nói, chúng ta làm với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Quả thật, điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rằng “quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”.—2 Cô-rinh-tô 4:7.
Sau đó, rao giảng trở thành một công việc thường xuyên trong đời sống tôi, và việc bị bắt giam cũng vậy. Thảo nào người ta bảo vợ tương lai của tôi: “Nếu cô lấy anh đó, thế nào cô cũng sẽ vào tù”! Thế nhưng, những kinh nghiệm như thế thật ra không khó khăn lắm. Sau một đêm trong tù, một anh Nhân Chứng thường bảo lãnh chúng tôi ra.
Những quyết định quan trọng
Vào tháng 4-1943, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng điều này bằng cách làm báp têm trong nước. Rồi, vào tháng 8-1944, tôi dự hội nghị lớn lần đầu tiên, ở Buffalo, New York, Hoa Kỳ, ngay bên kia biên giới Canada. Có 25.000 người tham dự, và chương trình khuyến khích tôi muốn làm người tiên phong, tên gọi những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tháng 5-1945, chính quyền bãi bỏ lệnh cấm công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Canada, và tôi bắt đầu tiên phong tháng sau đó.
Tuy nhiên, càng tham gia vào thánh chức nhiều hơn, tôi càng vào tù nhiều hơn. Có lần tôi bị đưa vào một xà lim với anh Mike Miller, một tôi tớ trung thành, lâu năm của Đức Giê-hô-va. Chúng tôi ngồi trên sàn xi-măng và nói chuyện. Cuộc chuyện trò đầy khích lệ về thiêng liêng củng cố tinh thần tôi rất nhiều. Tuy nhiên, sau đó tôi chợt nghĩ: ‘Nói sao nếu có sự hiểu lầm giữa chúng tôi và chúng tôi không nói chuyện với nhau?’ Thời gian ở trong tù với anh thân yêu này dạy tôi một trong những bài học tốt nhất trong đời tôi—chúng ta cần anh em và vì thế phải tha thứ cho nhau và tử tế với nhau. Bằng không, như sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt-mất bởi kẻ khác”.—Vào tháng 9-1945, tôi được mời đến phụng sự ở văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh tại Toronto, Canada, nơi chúng tôi gọi là Bê-tên. Chương trình về thiêng liêng ở đó quả khích lệ và củng cố đức tin. Năm sau đó, tôi được chỉ định làm việc ở nông trại Bê-tên, khoảng 40 kilômét về phía bắc văn phòng chi nhánh. Khi hái dâu với cô Anne Wolynec trẻ tuổi, tôi để ý thấy cô không những đẹp mà còn có lòng yêu thương và sốt sắng đối với Đức Giê-hô-va. Chúng tôi yêu mến nhau và kết hôn vào tháng 1-1947.
Trong hai năm rưỡi kế tiếp, chúng tôi làm tiên phong ở London, Ontario, và sau đó trên Đảo Cape Breton, nơi chúng tôi giúp thành lập một hội thánh. Rồi vào năm 1949, chúng tôi được mời dự khóa 14 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh; ở đó chúng tôi được huấn luyện để trở thành giáo sĩ.
Làm giáo sĩ ở Quebec
Người Canada tốt nghiệp những khóa trước đó của Trường Ga-la-át đã được phái đi mở rộng công việc rao giảng ở Quebec. Vào năm 1950, chúng tôi cùng với 25 người khác thuộc khóa 14 đến làm việc với họ. Hoạt động gia tăng của giáo sĩ dẫn đến sự bắt bớ dữ dội và sự hung bạo của đám đông, do những người lãnh đạo thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã xúi bẩy.
Hai ngày sau khi đến nhiệm sở giáo sĩ đầu tiên tại thành phố Rouyn, Anne bị bắt và đưa vào ghế sau của xe cảnh sát. Đây là kinh nghiệm mới cho Anne, vì Anne xuất thân từ một làng nhỏ ở tỉnh Manitoba, Canada, nơi Anne ít khi nào thấy cảnh sát. Tất nhiên Anne cảm thấy sợ hãi và nhớ lại câu: “Nếu cô lấy anh đó, thế nào cô cũng sẽ vào tù”. Tuy nhiên, trước khi lái xe đi, viên cảnh sát cũng bắt được tôi và đưa tôi vào xe với Anne. Anne kêu lên: “Em thật mừng được thấy anh!” Thế nhưng, Anne bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên, nhận xét: “Thôi, điều này cũng đã xảy đến cho các sứ đồ vì rao giảng về Chúa Giê-su”. (Công-vụ các Sứ-đồ 4:1-3; 5:17, 18) Ngày hôm đó chúng tôi được thả sau khi đóng tiền bảo lãnh.
Khoảng một năm sau vụ đó, khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia trong nhiệm sở mới ở Montreal, tôi nghe tiếng náo loạn ở cuối phố và thấy một đám đông giận dữ đang ném đá. Khi tôi đi đến giúp Anne và cô bạn thì cảnh sát đến nơi. Thay vì bắt giữ những người trong đám đông, cảnh sát bắt giữ Anne và cô bạn! Ở trong tù, Anne nhắc nhở chị Nhân Chứng mới rằng họ đang cảm nghiệm sự thật của lời Chúa Giê-su: “Các ngươi lại sẽ bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ta”.—Ma-thi-ơ 10:22.
Vào một thời điểm, có khoảng 1.700 vụ kiện Nhân Chứng Giê-hô-va đang đợi xét xử ở Quebec. Nói chung, chúng tôi bị buộc tội phân phát ấn phẩm xúi giục nổi loạn hoặc tội phân phát ấn phẩm mà không có giấy phép. Vì thế Ban Pháp Lý của Hội Tháp Canh kiện chính quyền Quebec. Sau nhiều năm tranh đấu về mặt pháp lý, Đức Giê-hô-va cho chúng ta hai thắng lợi lớn trước Tòa Án Tối Cao của Canada. Vào tháng 12-1950, chúng tôi được tuyên cáo vô tội về lời buộc tội ấn phẩm chúng tôi xúi giục nổi loạn, và vào tháng 10-1953, quyền được phân phát ấn phẩm Kinh Thánh không cần giấy phép được khẳng Thi-thiên 46:1.
định. Vì thế chúng tôi thấy một cách rất rõ ràng Đức Giê-hô-va quả thực là “nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân” như thế nào.—Điều đáng chú ý là số Nhân Chứng ở Quebec tăng từ 356 vào năm 1945, khi tôi bắt đầu làm tiên phong, lên hơn 24.000 hiện nay! Quả thực sự việc tỏ ra đúng với lời Kinh Thánh tiên tri: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi”.—Ê-sai 54:17.
Công việc chúng tôi ở Pháp
Vào tháng 9-1959, tôi và Anne được mời đến phụng sự tại nhà Bê-tên ở Paris, Pháp, nơi tôi được chỉ định giám sát việc ấn loát. Trước khi chúng tôi đến vào tháng 1-1960, việc ấn loát là do một công ty thương mại thực hiện. Vì lúc bấy giờ Tháp Canh bị cấm ở Pháp, chúng tôi in tạp chí mỗi tháng dưới hình thức sách nhỏ 64 trang. Sách này được gọi là Thông cáo nội bộ của Nhân Chứng Giê-hô-va, và trong đó có những bài để học trong hội thánh cho tháng đó. Từ năm 1960 đến 1967, số người tham gia công việc rao giảng ở Pháp tăng từ 15.439 lên 26.250.
Cuối cùng phần lớn giáo sĩ được phái đi những nơi khác, một số đến những xứ nói tiếng Pháp ở Phi Châu và những người khác về Quebec. Vì Anne không khỏe và cần giải phẫu, chúng tôi trở về Quebec. Sau ba năm trị bệnh, Anne bình phục. Rồi tôi được giao cho công việc vòng quanh, mỗi tuần đến thăm một hội thánh để khích lệ anh em về thiêng liêng.
Công việc giáo sĩ ở Phi Châu
Vài năm sau, vào năm 1981, chúng tôi vui mừng nhận được nhiệm sở giáo sĩ mới ở Zaire, bây giờ là nước Dân Chủ Cộng Hòa Congo. Dân ở đó rất nghèo và phải chịu đựng nhiều gian khổ. Khi chúng tôi đến đó, có 25.753 Nhân Chứng, nhưng ngày nay con số đó đã tăng đến hơn 113.000 và có 446.362 người dự Lễ Kỷ Niệm sự chết của Đấng Christ trong năm 1999!
Vào năm 1984 chúng tôi nhận được từ chính phủ khoảng 200 hecta đất để xây một văn phòng chi nhánh mới. Rồi, vào tháng 12-1985, một hội nghị quốc tế được tổ chức tại thủ đô Kinshasa, với 32.000 đại biểu từ nhiều nơi trên thế giới đến dự. Sau đó, sự chống đối do hàng giáo phẩm xúi giục đã làm gián đoạn công việc chúng tôi ở Zaire. Vào ngày 12-3-1986, những anh hữu trách được trao cho một lá thư tuyên bố hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va ở Zaire là bất hợp pháp. Tổng thống lúc bấy giờ của nước và nay đã quá cố là Mobutu Sese Seko, đã ký lệnh cấm tất cả hoạt động của chúng ta.
Vì những diễn biến đột ngột đó, chúng tôi phải áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình”. (Châm-ngôn 22:3) Chúng tôi tìm được cách để đưa vào nước giấy, mực, phim, bản kẽm và hóa phẩm từ nước ngoài để in sách báo tại Kinshasa. Chúng tôi cũng phát triển mạng lưới phân phát riêng. Một khi tổ chức xong, hệ thống của chúng tôi hữu hiệu hơn dịch vụ bưu điện của chính phủ!
Hàng ngàn Nhân Chứng bị bắt giữ, và nhiều người bị tra tấn tàn bạo. Thế nhưng, ngoại trừ chỉ vài trường hợp, họ đứng vững trước sự đối xử như thế và giữ lòng trung thành. Tôi cũng bị bắt và thấy tình trạng khủng khiếp mà anh em phải chịu trong tù. Nhiều lần chúng tôi bị cảnh sát chìm và chính quyền ép đủ cách, nhưng Đức Giê-hô-va luôn mở đường ra cho chúng tôi.—2 Cô-rinh-tô 4:8.
Chúng tôi giấu khoảng 3.000 thùng sách báo trong kho hàng của một thương gia. Tuy nhiên, cuối cùng một nhân công báo cho cảnh sát chìm biết, và họ bắt giữ thương gia đó. Trên đường đi đến nhà tù, họ tình cờ gặp tôi đang ở trong xe. Thương gia đó cho họ biết là chính tôi đã dàn xếp với ông để cất sách báo trong kho. Cảnh sát ngừng lại và hỏi cung tôi về điều đó, buộc tội tôi đã để sách báo bất hợp pháp trong kho hàng của ông này.
Tôi hỏi: “Các ông có một cuốn sách đó không?”
Họ trả lời: “Dĩ nhiên, có”.
Tôi hỏi: “Cho tôi xem được không?”
Họ đưa cho tôi một bản và tôi chỉ cho họ thấy trang bên trong ghi rằng: “In tại Hoa Kỳ. Nhà xuất bản Hội Tháp Canh”.
Tôi nhắc họ: “Sách các ông cầm trong tay là sở hữu của Hoa Kỳ và không thuộc về Zaire. Chính phủ các ông ra lệnh cấm liên đoàn hợp pháp của hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va ở Zaire, chứ không cấm Hội Tháp Canh của Hoa Kỳ. Vậy các ông phải rất cẩn thận với sách báo này”.
Họ cho tôi đi vì không có lệnh của tòa để bắt giữ tôi. Tối hôm đó chúng tôi lái hai xe tải đến kho hàng và chở hết sách báo đi. Khi nhà chức trách đến vào ngày hôm sau, họ rất bực bội khi thấy kho hàng trống không. Đến lúc đó họ đi tìm tôi vì bấy giờ họ có lệnh tòa để bắt giữ tôi. Họ tìm thấy tôi, và vì họ không có xe, tôi tự lái đến nhà tù! Một Nhân Chứng khác đi theo tôi để lấy xe đi trước khi họ có thể tịch thu.
Sau tám giờ thẩm vấn, họ quyết định trục xuất tôi. Nhưng tôi đưa cho họ một bản sao của lá thư từ chính phủ xác nhận việc tôi được chỉ định thanh lý tài sản của hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va nay bị cấm ở Zaire. Vì thế họ để tôi tiếp tục hoạt động tại Bê-tên.
Sau bốn năm phụng sự dưới sức ép của sự cấm đoán công việc ở Zaire, tôi bị loét dạ dày có chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng. Các anh quyết định là tôi nên đến Nam Phi để điều trị; chi nhánh ở đó chăm sóc tôi rất chu đáo và tôi đã bình phục. Sau tám năm phụng sự ở Zaire, một kinh nghiệm thực sự đáng nhớ và đáng vui, chúng tôi dọn đến chi nhánh Nam Phi vào năm 1989. Năm 1998 chúng tôi trở về xứ sở và từ lúc đó phụng sự lại tại nhà Bê-tên Canada.
Biết ơn được phụng sự
Khi nhìn lại 54 năm trong thánh chức trọn thời gian, tôi hết sức biết ơn là đã dùng sức lực tuổi trẻ trong công việc cao quí là phụng sự Đức Giê-hô-va. Mặc dù đã phải chịu đựng nhiều hoàn cảnh căng thẳng, nhưng Anne không phàn nàn mà giúp đỡ tôi rất nhiều trong mọi hoạt động của chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi đã có đặc ân giúp nhiều người biết được Đức Giê-hô-va, một số hiện nay phụng sự trọn thời gian. Thật là một niềm vui lớn khi thấy một số con cái họ và ngay cả cháu họ phụng sự Đức Chúa Trời vĩ đại, Đức Giê-hô-va!
Tôi tin chắc rằng không có điều gì mà thế gian đưa ra có thể sánh với đặc ân và ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng tôi. Đành rằng chúng tôi đã phải trải qua nhiều gian nan thử thách, nhưng tất cả những sự đó đều đã xây dựng đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Ngài quả thực chứng tỏ là nguồn sức mạnh lớn, nơi nương náu và sự giúp đỡ sẵn có trong cảnh gian truân.
[Chú thích]
^ đ. 9 Ban đầu cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Đức, nhan đề Kreuzzug gegen das Christentum (Chiến dịch chống đạo Đấng Christ). Nó được dịch ra tiếng Pháp và Ba Lan nhưng không dịch ra tiếng Anh.
[Hình nơi trang 26]
Cùng nhau làm tiên phong vào năm 1947; với Anne ngày nay
[Hình nơi trang 29]
Những người chúng tôi gặp ở Zaire rất thích lẽ thật Kinh Thánh