Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi chúng ta

Hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi chúng ta

Hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi chúng ta

“Tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi”.—HA-BA-CÚC 3:18.

1. Trước khi Ba-by-lôn sụp đổ vào năm 539 TCN, Đa-ni-ên được sự hiện thấy liên quan đến điều gì?

HƠN một thập niên trước khi Ba-by-lôn sụp đổ vào năm 539 TCN, nhà tiên tri Đa-ni-ên, lúc ấy đã lớn tuổi, có một sự hiện thấy hào hứng. Nó báo trước các biến cố thế giới dẫn đến chiến tranh tột đỉnh giữa kẻ thù Đức Giê-hô-va và Vị Vua do Ngài bổ nhiệm, Chúa Giê-su Christ. Đa-ni-ên phản ứng thế nào? Ông nói: “Ta... mê-mẩn, và... rất lấy làm lạ về sự hiện-thấy ấy”.—Đa-ni-ên 8:27.

2. Đa-ni-ên đã chứng kiến cuộc xung đột nào trong sự hiện thấy, và bạn nghĩ gì về việc nó sắp xảy ra?

2 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đang sống vào thời điểm sau Đa-ni-ên rất lâu! Chúng ta phản ứng thế nào khi nhận biết rằng cuộc xung đột mà Đa-ni-ên chứng kiến trong sự hiện thấy—trận chiến Ha-ma-ghê-đôn của Đức Chúa Trời—rất gần kề? Chúng ta phản ứng ra sao khi nhận ra rằng sự gian ác mà lời tiên tri của Ha-ba-cúc phơi bày ra đã lan tràn đến độ Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ hủy diệt kẻ thù của Ngài? Rất có thể cảm nghĩ của chúng ta tương tự như của chính Ha-ba-cúc được diễn tả trong chương 3 của sách tiên tri mang tên ông.

Ha-ba-cúc cầu xin Đức Chúa Trời thương xót

3. Ha-ba-cúc đã cầu nguyện thay cho ai, và những lời của ông có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

3 Chương 3 của sách Ha-ba-cúc là lời cầu nguyện. Theo câu 1, chương này được diễn đạt bằng những bài ca não nùng, những bài hát ai oán hoặc ca thương. Nhà tiên tri cầu nguyện như thể là cho chính mình. Nhưng kỳ thực, Ha-ba-cúc đang cầu thay cho nước được Đức Chúa Trời chọn làm dân Ngài. Ngày nay, lời cầu nguyện của ông có nhiều ý nghĩa đối với dân Đức Chúa Trời, là những người tham gia vào công việc rao giảng về Nước Trời. Ghi nhớ điều này khi đọc chương 3 của sách Ha-ba-cúc, chúng ta thấy những lời trong đó báo trước điều chẳng lành, nhưng cũng khiến chúng ta tràn đầy vui mừng. Lời cầu nguyện, hoặc bài ca não nùng, của Ha-ba-cúc cho chúng ta lý do vững vàng để hớn hở trong Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi chúng ta.

4. Tại sao Ha-ba-cúc lại sợ hãi, và chúng ta có thể chắc chắn Đức Chúa Trời sử dụng quyền năng nào?

4 Như chúng ta đã thấy trong hai bài trước, tình trạng của nước Giu-đa rất tồi tệ trong thời Ha-ba-cúc. Nhưng Đức Chúa Trời không cho phép tình huống này kéo dài. Đức Giê-hô-va sẽ hành động, như Ngài đã làm trong quá khứ. Không lạ gì khi nhà tiên tri kêu lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi đã nghe danh-tiếng Ngài thì tôi sợ-hãi. Hỡi Đức Giê-hô-va!” Ông muốn nói gì? ‘Danh-tiếng của Đức Giê-hô-va’ là lịch sử thành văn ghi lại các hành động oai hùng của Đức Chúa Trời, như tại Biển Đỏ, trong đồng vắng, và tại Giê-ri-cô. Ha-ba-cúc biết rõ các hành động này, và chúng khiến ông sợ hãi vì biết rằng Đức Chúa Trời sẽ lại dùng quyền năng lớn của Ngài để chống lại kẻ thù. Khi thấy sự gian ác của nhân loại ngày nay, chúng ta cũng biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động như Ngài đã làm thời xưa. Điều đó có làm chúng ta sợ sệt không? Dĩ nhiên là có! Tuy thế, chúng ta cầu nguyện như Ha-ba-cúc đã cầu: “Xin Ngài lại khiến công-việc Ngài dấy lên giữa các năm, tỏ ra cho biết giữa các năm; khi Ngài đương giận, xin hãy nhớ lại sự thương-xót”. (Ha-ba-cúc 3:2) Trong thời kỳ Đức Chúa Trời ấn định, “giữa các năm”, cầu xin Ngài đem quyền năng mầu nhiệm ra hành động. Và vào lúc đó, mong sao Ngài nhớ tỏ lòng thương xót những ai yêu mến Ngài!

Đức Giê-hô-va trên đường tiến quân!

5. “Đức Chúa Trời đến từ Thê-man” như thế nào, và điều này cho thấy gì về trận chiến Ha-ma-ghê-đôn?

5 Điều gì sẽ xảy ra khi Đức Giê-hô-va đáp lời cầu xin lòng thương xót? Chúng ta tìm thấy câu trả lời nơi Ha-ba-cúc 3:3, 4. Trước tiên, nhà tiên tri nói: “Đức Chúa Trời đến từ Thê-man, Đấng Thánh đến từ núi Pha-ran”. Hồi thời nhà tiên tri Môi-se, Thê-man và Pha-ran nằm trên đường đi của dân Y-sơ-ra-ên khi băng qua đồng vắng đến Ca-na-an. Khi Y-sơ-ra-ên, một nước lớn, lên đường, thì dường như chính Đức Giê-hô-va tiến lên và không điều gì có thể cản đường Ngài. Ít lâu trước khi qua đời, Môi-se nói: “Đức Giê-hô-va đã đến từ Si-na-i, Ngài từ Sê-i-rơ dấy lên trên dân-chúng, chiếu sáng từ núi Pha-ran, đến từ giữa muôn vàn [thiên sứ] thánh”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:2) Khi Đức Giê-hô-va tấn công các kẻ thù tại Ha-ma-ghê-đôn, thì Ngài sẽ thể hiện một cách tương tự quyền lực vô địch của Ngài.

6. Những tín đồ Đấng Christ tinh tường còn thấy gì khác ngoài sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

6 Ha-ba-cúc cũng tuyên bố: “Vinh-hiển [của Đức Giê-hô-va] bao-phủ các từng trời, đất đầy sự khen-ngợi Ngài. Sự chói-rạng của Ngài như ánh sáng”. Thật là một cảnh tượng lộng lẫy làm sao! Sự thật là loài người không thể nhìn thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà còn sống. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20) Tuy nhiên, đối với những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, con mắt của lòng họ đầy vẻ thán phục khi suy ngẫm về sự huy hoàng của Ngài. (Ê-phê-sô 1:18) Và ngoài sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, những tín đồ Đấng Christ tinh tường còn thấy một điều khác nữa. Ha-ba-cúc 3:4 kết luận như sau: “Những tia sáng ra từ tay Ngài, quyền-năng Ngài giấu trong nơi đó”. Đúng vậy, chúng ta thấy rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng hành động; Ngài dùng cánh tay hữu có sức mạnh và quyền năng.

7. Cuộc tiến công chiến thắng của Đức Chúa Trời có nghĩa gì cho những kẻ phản nghịch chống lại Ngài?

7 Cuộc tiến công chiến thắng của Đức Chúa Trời có nghĩa đại họa cho những kẻ phản nghịch. Ha-ba-cúc 3:5 nói: “Ôn-dịch đi trước mặt Ngài, tên lửa ra nơi chân Ngài”. Vào năm 1473 TCN, khi dân Y-sơ-ra-ên gần đến ranh giới Đất Hứa, nhiều người đã phản nghịch, phạm tội vô luân và thờ hình tượng. Hậu quả là có trên 20.000 người chết vì dịch lệ do Đức Chúa Trời giáng xuống. (Dân-số Ký 25:1-9) Trong tương lai gần đây, khi Đức Giê-hô-va xông ra trận “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, những kẻ phản nghịch chống lại Ngài cũng sẽ gánh chịu hậu quả tương tự vì tội lỗi của họ. Thậm chí một số người có thể chết vì bệnh dịch theo nghĩa đen.—Khải-huyền 16:14, 16.

8. Theo Ha-ba-cúc 3:6, điều gì sẽ xảy ra cho kẻ thù của Đức Chúa Trời?

8 Bây giờ, hãy nghe nhà tiên tri miêu tả sống động về cảnh Đức Giê-hô-va vạn quân đang đánh trận. Nơi Ha-ba-cúc 3:6, chúng ta đọc: “Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đứng và đo đất; Ngài nhìn-xem, làm tan-tác các dân-tộc; các núi hằng còn đều tan-nát, các đồi đời đời đều quì xuống: Các đường-lối Ngài giống như thuở xưa”. Thoạt tiên, Đức Giê-hô-va “đứng”, như một vị tướng lãnh quan sát chiến trường. Những kẻ thù của Ngài run sợ. Họ thấy ai là đối thủ của họ nên kinh hãi, nhảy nháo lên. Chúa Giê-su báo trước rằng lúc đó “mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực”. (Ma-thi-ơ 24:30) Quá muộn rồi, họ sẽ hiểu rằng không ai có thể kháng cự nổi Đức Giê-hô-va. Các tổ chức loài người—ngay cả các tổ chức tưởng chừng bền vững như “các núi hằng còn” và “các đồi đời đời”—sẽ sụp đổ. Lúc đó sự việc sẽ như “các đường-lối” Đức Chúa Trời “thuở xưa”, như cách Ngài hành động thời xưa.

9, 10. Ha-ba-cúc 3:7-11 nhắc chúng ta nhớ điều gì?

9 Đức Giê-hô-va “nổi giận nghịch cùng” kẻ thù Ngài. Nhưng Ngài sẽ dùng vũ khí nào trong trận chiến lớn này? Hãy lắng nghe nhà tiên tri miêu tả những vũ khí đó, ông nói: “Cung Ngài ra khỏi bao; lời thề cùng các chi-phái là lời chắc-chắn. Ngài phân-rẽ đất làm cho sông chảy ra. Các núi thấy Ngài thì đều sợ-hãi; các dòng nước chảy mạnh, vực sâu vang tiếng, rún biển giơ tay lên cao. Mặt trời mặt trăng dừng lại trong nơi ở nó; vì cớ bóng sáng của những tên Ngài, và chớp-nháng của gươm-giáo Ngài chiếu ra”.—Ha-ba-cúc 3:7-11.

10 Trong thời Giô-suê, Đức Giê-hô-va khiến mặt trời và mặt trăng đứng yên, thể hiện quyền năng đáng sợ của Ngài. (Giô-suê 10:12-14) Lời tiên tri của Ha-ba-cúc nhắc chúng ta nhớ lại rằng chính quyền năng đó sẽ được Đức Giê-hô-va sử dụng tại Ha-ma-ghê-đôn. Vào năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài có quyền điều khiển biển sâu của trái đất khi Ngài dùng Biển Đỏ hủy diệt quân đội của Pha-ra-ôn. Bốn mươi năm sau, sông Giô-đanh vào mùa nước lũ cũng không ngăn cản nổi dân Y-sơ-ra-ên đắc thắng tiến vào Đất Hứa. (Giô-suê 3:15-17) Vào thời nữ tiên tri Đê-bô-ra, các trận mưa như thác lũ cuốn trôi các chiến xa của Si-sê-ra, kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. (Các Quan Xét 5:21) Đức Giê-hô-va sẽ sử dụng cùng các lực lượng này như nước lụt, mưa lũ và biển sâu tại Ha-ma-ghê-đôn. Sấm chớp cũng nằm trong tay Ngài, như một ngọn giáo hoặc cái gùi đầy tên.

11. Điều gì sẽ xảy ra khi Đức Giê-hô-va tung ra toàn lực vĩ đại của Ngài?

11 Quả thật, cảnh tượng sẽ hãi hùng khi Đức Giê-hô-va tung ra toàn lực vĩ đại của Ngài. Những lời của Ha-ba-cúc gợi ý rằng chừng đó đêm sẽ biến thành ngày, và ngày sẽ sáng rực đến mức ngay đến ánh sáng mặt trời cũng không bao giờ làm nó sáng hơn được. Lời tiên tri này được soi dẫn, miêu tả Ha-ma-ghê-đôn; dù nó có nghĩa đen hay nghĩa bóng đi nữa, vẫn có một điều chắc chắn—Đức Giê-hô-va sẽ chiến thắng, không để một kẻ thù nào thoát được.

Dân Đức Chúa Trời chắc chắn được cứu rỗi!

12. Đức Chúa Trời sẽ làm gì đối với kẻ thù, nhưng ai sẽ được cứu?

12 Nhà tiên tri tiếp tục miêu tả các hành động của Đức Giê-hô-va khi hủy diệt kẻ thù. Nơi Ha-ba-cúc 3:12, chúng ta đọc: “Ngài nổi giận bước qua đất; và đương cơn thạnh-nộ giày-đạp các dân-tộc”. Song, Đức Giê-hô-va sẽ không hủy diệt bừa bãi. Một số người sẽ được cứu. Ha-ba-cúc 3:13 nói: “Ngài đi ra đặng cứu dân mình, đi ra đặng cứu đấng chịu xức dầu của mình”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu các tôi tớ xức dầu trung thành của Ngài. Sự hủy diệt Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới, lúc đó sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, ngày nay, các nước đang tìm cách tiêu trừ sự thờ phượng thanh sạch. Chẳng bao lâu nữa, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ bị các lực lượng của Gót ở đất Ma-gốc tấn công. (Ê-xê-chi-ên 38:1–39:13; Khải-huyền 17:1-5, 16-18) Cuộc tấn công đó do Sa-tan giật dây sẽ thành công không? Không! Lúc đó Đức Giê-hô-va sẽ giận dữ giày đạp kẻ thù Ngài, nghiền nát chúng dưới chân như người ta đạp lúa trên sân. Nhưng Ngài sẽ giải cứu những người lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Ngài.—Giăng 4:24.

13. Ha-ba-cúc 3:13 sẽ ứng nghiệm như thế nào?

13 Sự hủy diệt hoàn toàn kẻ ác được tiên tri bằng những lời sau: “Ngài [Đức Giê-hô-va] đánh thương đầu kẻ ác, phá nhà nó, làm trần-trụi nền nó cho đến cổ”. (Ha-ba-cúc 3:13) “Nhà” này là hệ thống gian ác đã phát triển dưới ảnh hưởng của Sa-tan Ma-quỉ. Nó sẽ tan tác. “Đầu kẻ ác”, hoặc các lãnh tụ chống lại Đức Chúa Trời, sẽ bị nghiền nát. Toàn bộ cấu trúc sẽ bị phá hủy, đến tận nền móng. Nó sẽ không tồn tại nữa. Thật là một sự giải thoát kỳ diệu!

14-16. Theo Ha-ba-cúc 3:14, 15, điều gì xảy ra cho dân Đức Giê-hô-va và kẻ thù họ?

14 Trong Ha-ma-ghê-đôn, những kẻ tìm cách hủy diệt “đấng chịu xức dầu” của Đức Giê-hô-va sẽ bị hỗn loạn. Theo Ha-ba-cúc 3:14, 15, nhà tiên tri nói với Đức Chúa Trời: “Ngài lấy giáo nó đâm đầu lính-chiến nó, chúng nó đến như trận bão đặng làm tan-tác tôi; chúng nó vui-thích như nuốt kẻ bần-cùng cách kín-giấu. Ngài cỡi ngựa đạp trên biển, trong đống nước lớn”.

15 Khi Ha-ba-cúc nói “lính-chiến... đến như trận bão đặng làm tan-tác tôi”, nhà tiên tri nói thay cho các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Giống như tên cướp đường nằm rình rập, các nước sẽ nhảy bổ tới những người thờ phượng Đức Giê-hô-va hòng hủy diệt họ. Những kẻ thù này của Đức Chúa Trời và của dân Ngài sẽ “vui-thích”, tin chắc rằng sẽ thành công. Các tín đồ trung thành của Đấng Christ trông có vẻ yếu ớt, như “kẻ bần-cùng”. Nhưng khi các lực lượng chống lại Đức Chúa Trời khởi sự tấn công, Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng quay ngược vũ khí lại mà giết hại lẫn nhau. Chúng sẽ dùng vũ khí hay “giáo” tấn công chính binh lính mình.

16 Nhưng còn nữa ở phía chân trời. Đức Giê-hô-va sẽ dùng các lực lượng thần linh siêu phàm để hoàn toàn hủy diệt kẻ thù. Với “ngựa” là đạo quân trên trời dưới quyền thống lãnh của Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va sẽ xông lên đắc thắng băng qua “biển” và “đống nước lớn”, tức khối kẻ thù trong nhân loại đang cuồn cuộn dâng lên. (Khải-huyền 19:11-21) Lúc đó kẻ ác sẽ bị rứt khỏi đất. Thật là sự biểu hiện hùng dũng quyền năng và công lý của Đức Chúa Trời!

Ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến!

17. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng lời của Ha-ba-cúc sẽ ứng nghiệm? (b) Chúng ta có thể giống Ha-ba-cúc như thế nào khi chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va?

17 Chúng ta có thể chắc chắn rằng chẳng bao lâu nữa lời của Ha-ba-cúc sẽ ứng nghiệm. Những lời này sẽ xảy ra không chậm trễ. Bạn phản ứng thế nào khi có sự hiểu biết trước này? Xin hãy nhớ rằng Ha-ba-cúc đã viết dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va sẽ hành động, và sẽ có sự hủy diệt trên trái đất khi điều đó xảy ra. Không lạ gì khi nhà tiên tri viết như sau: “Tôi đã nghe, thì thân-thể tôi run-rẩy, nghe tiếng Ngài thì môi tôi rung-động; sự mục-nát nhập vào xương tôi; và tôi run-rẩy trong chỗ tôi, vì tôi phải nín-lặng để chờ ngày hoạn-nạn, là ngày có dân đến xâm-chiếm chúng tôi”. (Ha-ba-cúc 3:16) Ha-ba-cúc rất run sợ—điều đó dễ hiểu. Nhưng đức tin của ông có nao núng không? Hoàn toàn không! Ông sẵn lòng yên lặng chờ đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Đó không phải là thái độ của chúng ta hay sao? Chắc chắn vậy! Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng lời tiên tri của Ha-ba-cúc sẽ ứng nghiệm. Tuy nhiên, cho đến khi nó ứng nghiệm, chúng ta sẽ kiên nhẫn chờ đợi.

18. Dù rằng Ha-ba-cúc biết sẽ có khó khăn, ông có thái độ nào?

18 Chiến tranh luôn luôn đem lại khó khăn, ngay cả cho kẻ cuối cùng chiến thắng. Thực phẩm có thể thiếu thốn. Tài sản có thể bị mất mát. Mức sống có thể sa sút. Nếu rơi vào hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Ha-ba-cúc có thái độ gương mẫu, vì ông nói: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây ô-li-ve không sanh-sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ-ăn; bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi”. (Ha-ba-cúc 3:17, 18) Là người có óc thực tế, Ha-ba-cúc biết sẽ có khó khăn, có lẽ sự đói kém. Dù vậy, ông không hề mất sự vui mừng trong Đức Giê-hô-va, nhờ Ngài mà ông được cứu rỗi.

19. Nhiều tín đồ Đấng Christ gặp khó khăn nào, nhưng chúng ta có thể chắc chắn về điều gì nếu đặt Đức Giê-hô-va trước hết trong đời sống mình?

19 Ngày nay, ngay cả trước khi Đức Giê-hô-va hành động chống lại kẻ ác, nhiều người chịu khổ não trầm trọng. Chúa Giê-su tiên tri rằng điềm báo hiệu ngài hiện diện trong vương quyền bao gồm chiến tranh, đói kém, động đất và dịch lệ. (Ma-thi-ơ 24:3-14; Lu-ca 21:10, 11) Khi những lời Chúa Giê-su ứng nghiệm, có những nước bị điêu đứng, vì thế nhiều anh em của chúng ta sống ở những nước đó cũng khổ lây. Những tín đồ Đấng Christ khác có thể bị khổ tương tự như vậy trong tương lai. Còn đối với đa số người trong chúng ta, rất có thể “cây vả sẽ không nứt lộc nữa” trước khi sự cuối cùng đến. Tuy nhiên, chúng ta biết tại sao những điều này đang xảy ra và sự hiểu biết này cho chúng ta nghị lực. Hơn nữa, chúng ta có sự ủng hộ. Chúa Giê-su hứa: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33) Lời hứa này không bảo đảm một đời sống đầy đủ tiện nghi, nhưng lời này cam kết rằng nếu chúng ta đặt Đức Giê-hô-va lên trên hết trong đời sống, thì Ngài sẽ bảo vệ chúng ta.—Thi-thiên 37:25.

20. Dù phải chịu khó khăn tạm thời, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

20 Dù phải đối diện với bất cứ khó khăn tạm thời nào, chúng ta sẽ không mất đức tin nơi quyền năng giải cứu của Đức Giê-hô-va. Nhiều anh chị của chúng ta ở Phi Châu, Đông Âu và những nơi khác phải đối diện với những khó khăn cùng cực, nhưng họ vẫn tiếp tục “vui-mừng trong Đức Giê-hô-va”. Mong sao chúng ta sẽ như họ, cũng không ngớt vui mừng như thế. Hãy nhớ rằng Chúa Tối Thượng Giê-hô-va là Nguồn “sức-mạnh” của chúng ta. (Ha-ba-cúc 3:19) Ngài sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Ha-ma-ghê-đôn chắc chắn sẽ đến, và thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa chắc chắn tiếp theo. (2 Phi-e-rơ 3:13) Lúc đó, “sự nhận-biết vinh-quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy-dẫy khắp đất như nước đầy-tràn biển”. (Ha-ba-cúc 2:14) Cho đến thời kỳ tuyệt diệu đó, chúng ta hãy noi gương sáng của Ha-ba-cúc. Chúng ta hãy luôn luôn ‘hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi chúng ta’.

Bạn có nhớ không?

• Lời cầu nguyện của Ha-ba-cúc có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

• Tại sao Đức Giê-hô-va trên đường tiến công?

• Lời tiên tri của Ha-ba-cúc nói gì về sự cứu rỗi?

• Chúng ta nên mong đợi ngày lớn của Đức Giê-hô-va với thái độ nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Bạn có biết Đức Chúa Trời sẽ dùng những lực nào để hủy diệt kẻ ác tại Ha-ma-ghê-đôn không?