Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thành công nhờ bền chí

Thành công nhờ bền chí

Thành công nhờ bền chí

THỜI NAY bền chí đã trở nên một đức tính hiếm hoi. Nhiều người tin rằng thành công tùy thuộc vào sự may mắn thay vì sự bền chí. Ai có thể chỉ trích họ được? Phương tiện truyền thông tràn ngập những khẩu hiệu quảng cáo thấu nhập vào tiềm thức rằng hầu hết mọi điều bạn muốn đều có thể đạt được chỉ cần một ít cố gắng và thêm một ít tiền. Báo chí tung ra hàng khối những câu chuyện về thành đạt chớp nhoáng và những doanh nhân thần đồng, trở thành triệu phú ngay sau khi tốt nghiệp.

Nhà báo Leonard Pitts phàn nàn: “Trong một xã hội quá chú tâm đến bề ngoài, sự thành công xem ra có vẻ quá dễ... Dường như ai ai cũng đạt được, nếu mà họ khôn lanh, có khả năng hay bỗng được Trời cho sáng kiến”.

Bền chí là gì?

Bền chí có nghĩa là ‘bám chặt và giữ vững một mục đích, trạng thái hoặc công trình nào đó bất chấp trở ngại hoặc thất bại’. Điều đó bao hàm việc kiên quyết tiến tới cho dù gặp nghịch cảnh, tỏ ra bền bỉ, không bỏ cuộc. Kinh Thánh nêu bật tầm quan trọng của đức tính này. Thí dụ, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Nhưng trước hết, hãy [“tiếp tục”, NW] tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”, “hãy [“tiếp tục”, NW] gõ cửa, sẽ mở cho”, “bền lòng mà cầu nguyện”, và “điều chi lành thì giữ lấy”.—Ma-thi-ơ 6:33; Lu-ca 11:9; Rô-ma 12:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.

Một khía cạnh quan trọng của tính bền chí là đối phó với những thất bại không thể tránh khỏi. Châm-ngôn 24:16 tuyên bố: “Người công-bình dầu sa-ngã bảy lần, cũng chỗi-dậy”. Thay vì ‘khuất phục’ trước khó khăn hay thất bại, người bền chí ‘chỗi-dậy’, ‘tiếp tục’ và cố gắng lần nữa.

Thế nhưng nhiều người không sẵn sàng đối phó với những khó khăn, thất bại mà họ có thể gặp phải. Vì không vun trồng ý chí kiên trì nên họ dễ dàng bỏ cuộc. Nhà văn Morley Callaghan nhận xét: “Quá nhiều người phản ứng trước thất bại một cách tai hại cho chính họ. Họ rút mình vào sự tủi thân, họ đổ lỗi cho mọi người, họ trở nên cay đắng và... khuất phục”.

Điều này thật đáng tiếc. Ông Pitts nêu rõ: “Chúng ta quên rằng mỗi thử thách đều có cái lợi của nó, vì trong nghịch cảnh hẳn phải có một cái gì quí giá”. Điều quí giá đó là gì? Ông kết luận: “[Người ta] học được rằng thất bại không phải là chuyện sinh tử, cũng không thất bại nào kéo dài mãi mãi. Họ rút tỉa được sự hiểu biết sâu sắc hơn. Họ trở nên sẵn sàng”. Kinh Thánh giản dị nói: “Trong các thứ công-việc đều có ích-lợi”.—Châm-ngôn 14:23.

Dĩ nhiên, làm lại từ đầu sau một thất bại không phải luôn luôn dễ dàng. Đôi khi chúng ta đứng trước những thách đố dường như không thể vượt qua dù chúng ta có cố gắng đến đâu đi nữa. Thay vì tiến đến gần các mục tiêu của chúng ta, chúng dường như mỗi ngày một xa hơn đến độ phai nhòa đi. Chúng ta có thể cảm thấy bị chới với, thiếu khả năng, và trở nên nản chí, ngay cả trầm cảm. (Châm-ngôn 24:10) Dầu vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: “Ta hãy làm điều thiện, không hề mệt mỏi, rồi sẽ tới thời kỳ gặt hái, miễn là ta không thối chí sờn lòng”.—Ga-la-ti 6:9, An Sơn Vị, chúng tôi viết nghiêng.

Điều gì có thể giúp chúng ta bền chí?

Bước đầu tiên giúp bền chí trong một đường lối nhất định là phải lập các mục tiêu có giá trị và có thể đạt được. Sứ đồ Phao-lô chắc chắn hiểu điều này. Ông nói với người Cô-rinh-tô: “Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió”. Phao-lô hiểu nếu muốn những nỗ lực của mình đạt kết quả, ông cần có mục tiêu rõ ràng, giống như người chạy thi tập trung đạt đến mức chót trong cuộc đua. “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”, ông khuyên họ. (1 Cô-rinh-tô 9:24, 26) Chúng ta có thể làm điều này như thế nào?

Châm-ngôn 14:15 nói: “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Điều khôn ngoan là thỉnh thoảng chúng ta đánh giá lại những kế hoạch trong đời sống, tự hỏi mình đang đi về đâu, có cần điều chỉnh gì không. Điều trọng yếu là chúng ta biết rõ điều mình muốn hoàn thành và tại sao. Chúng ta sẽ không có khuynh hướng bỏ cuộc nếu in đậm trong trí mục đích tối hậu. Câu châm ngôn được soi dẫn khuyến giục: “Mắt con hãy ngó ngay trước mặt”, ngõ hầu “lập cho vững-vàng các đường-lối con”.—Châm-ngôn 4:25, 26.

Khi đã vạch ra mục tiêu, bước kế tiếp là phân tích xem phải làm thế nào mới đạt tới đó. Chúa Giê-su hỏi: “Trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí-tổn?” (Lu-ca 14:28) Phù hợp với nguyên tắc này, một chuyên gia tâm lý nhận xét: “Đối với những người thành đạt, một trong những điều tôi ghi nhận được là họ hiểu rõ mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả trong đời sống. Những người thành đạt hiểu rằng nếu muốn đạt được điều gì, họ phải làm đủ mọi thứ cần thiết”. Hiểu rõ những bước cần thiết để thực hiện điều chúng ta muốn làm sẽ giúp chúng ta luôn chú mục. Nếu lỡ thất bại, điều đó cũng giúp chúng ta dễ dàng bắt đầu trở lại. Sự phân tích như thế đã từng là bí quyết để Orville và Wilbur Wright đạt đến thành công.

Vì vậy, khi nếm mùi thất bại, hãy cố hết sức nhìn sự thất bại theo quan điểm tích cực và xem nó như một kinh nghiệm để học hỏi. Hãy phân tích tình thế, tìm xem bạn sai ở điểm nào, và tiếp đến là sửa chữa sai lầm hoặc khắc phục yếu kém. Nói chuyện với người khác cũng có ích vì “nhờ bàn-luận, các mưu-kế được định vững-vàng”. (Châm-ngôn 20:18). Dĩ nhiên, với mỗi nỗ lực, bạn sẽ phát triển thêm tài và kỹ năng, cuối cùng đưa bạn đến thành công.

Khía cạnh trọng yếu thứ ba của sự bền chí là phải hành động nhất quán. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Duy chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta phải đồng đi vậy”. (Phi-líp 3:16) Như một nhà giáo dục có nói, “sự điều độ, sự nhất quán trong một thời gian dài đem lại thành quả đáng kể”. Điều này được minh họa rõ trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng Aesop về con rùa và con thỏ rừng. Con rùa đã thắng cuộc đua dù nó chậm chạp hơn con thỏ nhiều. Tại sao? Bởi vì con rùa tiến tới cách đều đặn, có kỷ luật. Nó không bỏ cuộc nhưng chọn một tốc độ vừa phải mà nó có thể giữ được và rồi giữ lấy tốc độ ấy cho đến khi vượt qua mức chót. Vì người khéo tổ chức, điềm đạm đạt được sự tiến bộ đều đặn, nên người đó duy trì được động lực thúc đẩy làm việc và như vậy ít có cơ may bỏ cuộc hoặc bị loại ra khỏi trường đua. Đúng thế, hãy “chạy cách nào” để bạn đạt mục tiêu.

Lựa chọn những mục tiêu xứng đáng

Dĩ nhiên, muốn sự bền chí có giá trị, chúng ta cần có những mục tiêu xứng đáng. Nhiều người theo đuổi những điều không mang lại hạnh phúc. Nhưng Kinh Thánh nêu rõ: “Kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy... thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”. (Gia-cơ 1:25) Đúng vậy, học tập để hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời như được ghi trong Kinh Thánh là một mục tiêu rất xứng đáng. Tại sao? Chủ yếu là vì luật pháp Đức Chúa Trời dựa trên những tiêu chuẩn hoàn hảo và công bình của Ngài. Là Đấng Tạo Hóa, Ngài biết điều gì tốt nhất cho các tạo vật của Ngài. Thế nên, nếu kiên trì học tập và áp dụng những lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời trong đời sống, chắc chắn chúng ta sẽ được hạnh phúc. Châm-ngôn 3:5, 6 hứa: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va... Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.

Ngoài ra, Chúa Giê-su nói thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su “là sự sống đời đời”. (Giăng 17:3) Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” của hệ thống này. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 24:3-13) Chẳng bao lâu nữa, Nước Đức Chúa Trời, chính phủ công bình của Ngài, sẽ thi hành quyền cai trị trên dân cư khắp đất. (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:10) Chính phủ này sẽ mở đầu một kỷ nguyên thanh bình, thịnh vượng và phúc lộc vô tiền khoáng hậu cho toàn thể nhân loại biết vâng lời. (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 21:4) Công-vụ các Sứ-đồ 10:34 nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai”. Đúng vậy, mọi người được mời vui hưởng những lợi ích này!

Kinh Thánh là một cuốn sách cổ chứa đựng nhiều điều khôn ngoan và đầy ý nghĩa. Muốn hiểu Kinh Thánh cần có thời gian và nỗ lực. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời—và nếu chúng ta kiên trì tìm kiếm sự hiểu biết trong đó—Kinh Thánh có thể mở ra cho chúng ta. (Châm-ngôn 2:4, 5; Gia-cơ 1:5) Công nhận là áp dụng những điều chúng ta học có thể là cả một thách đố. Có thể chúng ta cần điều chỉnh lối suy nghĩ hoặc thói quen của mình. Bạn bè hoặc thân nhân có ý tốt có thể ngay cả chống đối việc chúng ta học Kinh Thánh. Vậy bền chí là thiết yếu. Sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống đời đời cho người nào tỏ ra “bền lòng làm lành”. (Rô-ma 2:7) Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng giúp bạn đạt được mục tiêu này.

Hãy tin chắc rằng bạn sẽ thành công nếu bạn bền chí học biết về Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài và kiên trì áp dụng những điều học được.—Thi-thiên 1:1-3.

[Hình nơi trang 6]

Bạn sẽ thành công nếu bền chí học biết về Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài

[Nguồn tư liệu nơi trang 4]

Culver Pictures