Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết được “ý của Đấng Christ”

Biết được “ý của Đấng Christ”

Biết được “ý của Đấng Christ”

“Ai đã biết ý Chúa [“Đức Giê-hô-va”, “NW”], đặng dạy-dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ”.—1 CÔ-RINH-TÔ 2:16.

1, 2. Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va thấy tiết lộ điều gì về Chúa Giê-su là thích hợp?

CHÚA GIÊ-SU có diện mạo như thế nào? Tóc ngài màu gì? Còn da ngài? Mắt ngài? Ngài cao bao nhiêu? Nặng bao nhiêu? Qua nhiều thế kỷ, có nhiều hình tượng mô tả Chúa Giê-su, có cái vừa phải, có cái gượng gạo khó đúng sự thực. Một số hình miêu tả ngài rất đàn ông và đầy khí lực, trong khi những hình khác lại tả ngài yếu ớt, xanh xao.

2 Tuy nhiên, Kinh Thánh không chú trọng ngoại diện của Chúa Giê-su. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va thấy thích hợp là tiết lộ điều quan trọng hơn nhiều: nhân cách Chúa Giê-su. Lời tường thuật trong Phúc Âm không những thuật lại những gì Chúa Giê-su nói và làm mà còn cho biết tình cảm sâu sắc và lối suy nghĩ đằng sau lời nói và việc làm của ngài. Bốn lời tường thuật được soi dẫn này giúp chúng ta xem kỹ điều mà sứ đồ Phao-lô gọi là “ý của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 2:16) Điều quan trọng là chúng ta quen thuộc với ý nghĩ, tình cảm và nhân cách của Chúa Giê-su. Tại sao? Vì ít nhất hai lý do.

3. Biết rõ ý Đấng Christ có thể cho chúng ta sự hiểu biết nào?

3 Thứ nhất, ý của Đấng Christ cho chúng ta một ý niệm về ý của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su thân thiết với Cha ngài đến độ ngài có thể nói: “Ngoài Cha không ai biết Con là ai; ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là ai”. (Lu-ca 10:22) Như thể Chúa Giê-su nói: ‘Nếu muốn biết Đức Giê-hô-va như thế nào thì hãy nhìn ta’. (Giăng 14:9) Vì vậy, khi chúng ta nghiên cứu những gì sách Phúc Âm cho biết về cách suy nghĩ và cảm xúc của Chúa Giê-su, thì trên thực tế chúng ta đang học biết cách suy nghĩ và cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Sự hiểu biết như thế giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn.—Gia-cơ 4:8.

4. Nếu muốn thực sự hành động như Đấng Christ, chúng ta phải học điều gì trước tiên, và tại sao?

4 Thứ hai, biết được ý của Đấng Christ giúp chúng ta “noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Noi theo Chúa Giê-su không chỉ là vấn đề lặp lại lời ngài và bắt chước việc ngài làm. Vì lời nói và hành động chịu ảnh hưởng của ý nghĩ và tình cảm, việc noi theo Đấng Christ đòi hỏi chúng ta vun trồng cùng một “tâm-tình” như ngài. (Phi-líp 2:5) Nói cách khác, nếu muốn thực sự hành động như Đấng Christ, trước nhất chúng ta phải tập suy nghĩ và cảm xúc giống như ngài, làm hết khả năng chúng ta với tư cách người bất toàn. Vậy với sự giúp đỡ của những người viết Phúc Âm, chúng ta hãy xem xét kỹ ý của Đấng Christ. Trước tiên chúng ta sẽ thảo luận các yếu tố ảnh hưởng cách suy nghĩ và cảm xúc của Chúa Giê-su.

Đời sống của ngài trước khi làm người

5, 6. (a) Những người chúng ta kết giao có thể có tác động nào đến chúng ta? (b) Con đầu lòng của Đức Chúa Trời kết hợp với ai trên trời trước khi xuống đất, và điều này tác động đến ngài như thế nào?

5 Những người thân cận có thể tác động đến chúng ta, ảnh hưởng tốt hay xấu đến ý nghĩ, tình cảm và hành động của chúng ta. * (Châm-ngôn 13:20) Hãy xem xét Chúa Giê-su đã kết hợp với ai trên trời trước khi xuống đất. Sách Phúc Âm Giăng lưu ý đến đời sống của Chúa Giê-su trước khi làm người với tư cách “Lời”, tức Phát Ngôn Viên, của Đức Chúa Trời. Giăng nói: “Ban đầu có Lời, và Lời ở với Đức Chúa Trời, và Lời là thần. Đấng này ban đầu ở với Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:1, 2, NW) Vì Đức Giê-hô-va không có sự bắt đầu, Lời ở cùng với Đức Chúa Trời từ “ban đầu” hẳn nói đến lúc bắt đầu cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 90:2) Chúa Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. Vì thế, ngài hiện hữu trước khi các tạo vật thần linh khác và vũ trụ vật chất được tạo ra.—Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14.

6 Theo một số ước tính khoa học, vũ trụ vật chất đã hiện hữu ít nhất 12 tỉ năm. Nếu những ước tính này có phần nào đúng , thì Con đầu lòng của Đức Chúa Trời được gần gũi với Cha ngài hàng vạn kỷ trước khi A-đam được tạo ra. (So sánh Mi-chê 5:1). Bởi đó, một sự gắn bó trìu mến và sâu sắc phát triển giữa hai Đấng đó. Là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, Con đầu lòng này trước khi làm người đã được miêu tả nói rằng: “Hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài [Đức Giê-hô-va], và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài”. (Châm-ngôn 8:30) Chắc chắn kết hợp mật thiết với Nguồn yêu thương hàng thiên kỷ tác động sâu sắc đến Con của Đức Chúa Trời! (1 Giăng 4:8) Người Con này biết được và phản ánh các ý nghĩ, tình cảm và đường lối của Cha một cách mà không ai khác có thể sánh bằng.—Ma-thi-ơ 11:27.

Đời sống trên đất và ảnh hưởng đối với Chúa Giê-su

7. Con đầu lòng của Đức Chúa Trời cần phải xuống đất vì một trong những lý do nào?

7 Con của Đức Chúa Trời có những điều khác nữa phải học hỏi, vì ý định của Đức Giê-hô-va là trang bị Con Ngài để trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng trắc ẩn, có thể “cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta”. (Hê-bơ-rơ 4:15) Để hội đủ điều kiện thực hiện vai trò này là một trong những lý do Con xuống đất làm người. Là người sống trên đất, Chúa Giê-su ở trong những hoàn cảnh và chịu những ảnh hưởng mà trước đây ngài chỉ thấy từ trên trời. Bây giờ chính ngài có thể trải nghiệm những cảm xúc và tình cảm của loài người. Có những lúc ngài cảm thấy mệt mỏi, khát và đói. (Ma-thi-ơ 4:2; Giăng 4:6, 7) Hơn thế nữa, ngài chịu đựng mọi gian nan và đau khổ. Bởi đó ngài “học-tập vâng lời” và hoàn toàn hội đủ điều kiện để thực hiện vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.—Hê-bơ-rơ 5:8-10.

8. Chúng ta biết gì về đời sống lúc đầu trên đất của Chúa Giê-su?

8 Còn những kinh nghiệm của Chúa Giê-su trong thời gian đầu ở trên đất thì sao? Thời thơ ấu của ngài được ghi chép lại rất vắn tắt. Trên thực tế, chỉ có Ma-thi-ơ và Lu-ca thuật lại những sự kiện xung quanh việc ngài sinh ra. Những người viết Phúc Âm biết rằng Chúa Giê-su đã sống trên trời trước khi xuống đất. Sự hiện hữu trước khi làm người, hơn bất cứ điều gì khác, đã có phần trong việc hình thành nhân cách của ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su hoàn toàn là một con người. Mặc dù hoàn toàn, ngài vẫn phải lớn lên từ thời sơ sinh qua thời thơ ấu và tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành, học tập suốt thời gian đó. (Lu-ca 2:51, 52) Kinh Thánh cho biết vài điều về đời sống ban đầu của Chúa Giê-su, là những điều chắc chắn ảnh hưởng đến ngài.

9. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su sinh ra trong một gia đình nghèo? (b) Có thể Chúa Giê-su đã lớn lên trong hoàn cảnh nào?

9 Bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su sinh ra trong một gia đình nghèo. Chúng ta nhận biết điều này qua lễ vật mà Giô-sép và Ma-ri đem đến đền thờ khoảng 40 ngày sau khi ngài ra đời. Thay vì đem một chiên con làm của-lễ thiêu và một bồ câu con hoặc một cu con làm của-lễ chuộc tội, họ đã đem “một cặp chim cu, hoặc chim bồ-câu con”. (Lu-ca 2:24) Theo Luật Pháp Môi-se, lễ vật này dành cho người nghèo. (Lê-vi Ký 12:6-8) Cuối cùng, gia đình thấp kém này có thêm con. Sau khi Chúa Giê-su sinh ra bằng phép lạ, Giô-sép và Ma-ri có ít nhất sáu người con khác bằng phương pháp tự nhiên. (Ma-thi-ơ 13:55, 56) Vậy Chúa Giê-su đã lớn lên trong một gia đình đông con, có thể trong hoàn cảnh đơn sơ.

10. Điều gì cho thấy Ma-ri và Giô-sép là những người biết kính sợ Đức Chúa Trời?

10 Chúa Giê-su được nuôi dưỡng bởi cha mẹ biết kính sợ Đức Chúa Trời. Mẹ ngài, Ma-ri, là một người đàn bà xuất sắc. Hãy nhớ lại là khi chào hỏi bà, thiên sứ Gáp-ri-ên nói: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi”. (Lu-ca 1:28) Giô-sép cũng là một người thành kính. Hàng năm ông trung thành đi đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua, một cuộc hành trình dài 150 kilômét. Ma-ri cũng đi dự, mặc dù chỉ người nam cần phải đi. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:17; Lu-ca 2:41) Vào một dịp lễ như thế, sau khi tìm kiếm khắp nơi, Giô-sép và Ma-ri thấy Chúa Giê-su, lúc đó 12 tuổi, trong đền thờ ở giữa các thầy thông thái. Chúa Giê-su nói với cha mẹ ngài lúc đó đang lo lắng: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lu-ca 2:49, Tòa Tổng Giám Mục) “Cha”—từ này hẳn có một ý nghĩa nồng hậu và tích cực đối với Chúa Giê-su trẻ tuổi. Một lý do là ngài hiển nhiên được cho biết rằng Đức Giê-hô-va là Cha thật của ngài. Ngoài ra, Giô-sép hẳn là một người cha nuôi tốt đối với Chúa Giê-su. Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã không chọn một người nghiệt ngã hoặc tàn ác để nuôi nấng Con yêu quý của Ngài!

11. Chúa Giê-su đã học nghề gì, và trong thời Kinh Thánh, làm nghề này đòi hỏi điều gì?

11 Trong thời gian ở Na-xa-rét, Chúa Giê-su học nghề thợ mộc, có thể là từ cha nuôi Giô-sép. Chúa Giê-su thành thạo nghề này đến độ chính ngài được gọi là “thợ mộc”. (Mác 6:3) Trong thời Kinh Thánh được viết ra, thợ mộc làm công việc xây nhà, đóng bàn ghế (bao gồm bàn, ghế đẩu và ghế dài), và chế tạo nông cụ. Trong Dialogue With Trypho, Justin Martyr, thuộc thế kỷ thứ hai CN, viết về Chúa Giê-su: “Ngài quen làm nghề thợ mộc khi sống giữa loài người, làm cày và ách”. Công việc như thế không dễ, vì thợ mộc thời xưa có lẽ không thể mua gỗ. Rất có thể, ngài đi ra ngoài, chọn một cây rồi đốn gỗ mang về nhà. Vì thế Chúa Giê-su có lẽ trải qua những thách thức của việc làm lụng kiếm sống, giao dịch với khách hàng và trả các chi tiêu.

12. Điều gì cho thấy Giô-sép chết trước Chúa Giê-su, và sự kiện này đòi hỏi gì nơi Chúa Giê-su?

12 Là con cả, Chúa Giê-su có lẽ giúp chăm lo cho gia đình, nhất là vì Giô-sép hình như qua đời trước Chúa Giê-su. * Tháp Canh của Si-ôn (Anh ngữ) ngày 1-1-1900 nói: “Truyền thống nói rằng Giô-sép qua đời khi Chúa Giê-su còn trẻ, và ngài làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình. Có đoạn trong Kinh Thánh chứng thực điều này, nói rằng chính Chúa Giê-su được gọi là thợ mộc và cũng nhắc đến mẹ cùng anh em ngài, nhưng không nói đến Giô-sép. (Mác 6:3) ... Vậy rất có thể là thời gian mười tám năm dài trong đời của Chúa chúng ta, từ lúc sự kiện [được ghi nơi Lu-ca 2:41-49] xảy ra đến lúc làm báp têm, ngài làm những việc thông thường trong đời sống”. Ma-ri và các con, kể cả Chúa Giê-su, có thể từng trải qua nỗi đau đớn khi người chồng và cha yêu dấu qua đời.

13. Khi Chúa Giê-su bắt đầu làm thánh chức, tại sao ngài có sự hiểu biết, sự thấu hiểu và tình cảm sâu sắc mà không người nào khác có thể có được?

13 Rõ ràng Chúa Giê-su không sinh ra để được sống nhàn hạ. Thay vì vậy, ngài trực tiếp trải nghiệm đời sống của người bình thường. Rồi, vào năm 29 CN, đến lúc Chúa Giê-su thi hành nhiệm vụ đang chờ đợi ngài, mà Đức Chúa Trời đã giao phó. Vào mùa thu năm đó, ngài làm báp têm trong nước và thọ sinh làm Con thiêng liêng của Đức Chúa Trời. ‘Trời mở ra trước mắt ngài’, hiển nhiên cho thấy ngài bấy giờ có thể nhớ lại cuộc sống trên trời trước khi làm người, bao gồm các ý nghĩ và tình cảm của ngài trước kia. (Lu-ca 3:21, 22) Vì vậy, khi Chúa Giê-su bắt đầu làm thánh chức, ngài có sự hiểu biết, sự thấu hiểu và tình cảm sâu sắc mà không người nào khác có thể có được. Với lý do chính đáng, những người viết Phúc Âm viết phần lớn về các sự kiện trong thánh chức của Chúa Giê-su. Mặc dù vậy, họ cũng không thể ghi chép lại hết những gì ngài nói và làm. (Giăng 21:25) Nhưng những gì họ được soi dẫn để ghi chép giúp chúng ta xem xét kỹ ý của người vĩ đại nhất đã từng sống.

Chúa Giê-su là người như thế nào

14. Các sách Phúc Âm tả Chúa Giê-su là người nồng hậu và có tình cảm sâu sắc như thế nào?

14 Qua sách Phúc Âm chúng ta thấy rõ Chúa Giê-su là một người nồng hậu và có tình cảm sâu sắc. Ngài biểu lộ nhiều cảm xúc khác nhau: thương xót người phung (Mác 1:40, 41); đau lòng về những người không đáp ứng (Lu-ca 19:41, 42); phẫn nộ chính đáng với những người đổi bạc tham lam (Giăng 2:13-17). Là người biết thấu cảm, Chúa Giê-su có thể xúc động rơi nước mắt, và ngài không che giấu cảm xúc của mình. Khi bạn yêu dấu của ngài là La-xa-rơ chết, cảnh Ma-ri, em La-xa-rơ, khóc lóc đã làm Chúa Giê-su xúc động đến độ chính ngài cũng rơi nước mắt và khóc trước mặt những người khác.—Giăng 11:32-36.

15. Tình cảm nhân hậu của Chúa Giê-su được thể hiện rõ như thế nào qua cách ngài xem người khác và đối xử với họ?

15 Tình cảm nhân hậu của Chúa Giê-su đặc biệt thể hiện rõ qua cách ngài xem người khác và đối xử với họ. Ngài chú ý giúp người nghèo và người bị áp bức, giúp họ ‘tìm sự yên-nghỉ cho linh-hồn’. (Ma-thi-ơ 11:4, 5, 28-30) Ngài không quá bận rộn đến nỗi không đáp ứng được nhu cầu của người khổ đau, dù đó là một người đàn bà bị xuất huyết lén rờ áo ngài hoặc một người ăn mày mù không chịu im lặng. (Ma-thi-ơ 9:20-22; Mác 10:46-52) Chúa Giê-su chú ý đến những điều tốt nơi người khác và khen họ; song, ngài cũng sẵn sàng khiển trách khi cần thiết. (Ma-thi-ơ 16:23; Giăng 1:47; 8:44) Trong thời mà phụ nữ chỉ hưởng được ít quyền, Chúa Giê-su tôn trọng phẩm cách của họ một cách thăng bằng khi đối xử với họ. (Giăng 4:9, 27) Chúng ta có thể hiểu được tại sao một nhóm đàn bà sẵn sàng dùng của cải họ để giúp ngài.—Lu-ca 8:3.

16. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su có một quan điểm thăng bằng về đời sống và vật chất?

16 Chúa Giê-su có một quan điểm thăng bằng về đời sống. Vật chất không phải là điều quan trọng nhất đối với ngài. Dường như ngài có rất ít về mặt vật chất. Ngài nói rằng ngài “không có chỗ mà gối đầu”. (Ma-thi-ơ 8:20) Đồng thời, Chúa Giê-su giúp người khác vui thêm. Khi dự một tiệc cưới—một dịp vui thường có âm nhạc và ca hát—thì rõ ràng là ngài không đến đó để làm người ta mất vui. Thật ra, Chúa Giê-su làm phép lạ lần đầu tiên ở đó. Khi hết rượu, ngài biến nước thành rượu ngon, một thức uống “khiến hứng chí loài người”. (Thi-thiên 104:15; Giăng 2:1-11) Nhờ đó, tiệc cưới có thể tiếp tục, và cô dâu, chú rể chắc chắn không bị ngượng. Tính thăng bằng của ngài được phản ánh rõ hơn nữa qua sự kiện có rất nhiều dịp khác được đề cập khi Chúa Giê-su làm việc khó nhọc suốt ngày trong thánh chức.—Giăng 4:34.

17. Tại sao việc Chúa Giê-su là một bậc Thầy Lỗi Lạc không phải là điều đáng ngạc nhiên, và những lời dạy dỗ của ngài phản ánh điều gì?

17 Chúa Giê-su là một bậc Thầy Lỗi Lạc. Phần lớn những điều ngài dạy phản ánh hiện thực cuộc sống hàng ngày mà ngài rất quen thuộc. (Ma-thi-ơ 13:33; Lu-ca 15:8) Cách ngài dạy không ai sánh được—luôn luôn rõ ràng, đơn giản và thực tế. Còn quan trọng hơn nữa là điều ngài dạy. Điều ngài dạy phản ánh lòng chân thành mong muốn giúp người nghe quen thuộc với ý nghĩ, tình cảm và đường lối của Đức Giê-hô-va.—Giăng 17:6-8.

18, 19. (a) Chúa Giê-su miêu tả Cha ngài bằng những lời tượng hình sinh động nào? (b) Điều gì sẽ được bàn luận trong bài tới?

18 Thường dùng minh họa, Chúa Giê-su tiết lộ về Cha ngài bằng những lời tượng hình sinh động khó quên được. Nói khái quát về lòng thương xót của Đức Chúa Trời là một việc. Nhưng ví Đức Giê-hô-va như một người cha rộng lượng rất xúc động khi thấy con mình trở về đến độ ông ‘chạy ra ôm lấy cổ con mà hôn’ thì lại là một việc khác. (Lu-ca 15:11-24) Bác bỏ một nền văn hóa cứng nhắc, trong đó những người lãnh đạo tôn giáo khinh khi dân thường, Chúa Giê-su giải thích rằng Cha ngài là một Đức Chúa Trời dễ đến gần, là Đấng ưa lời cầu xin của một người thâu thuế khiêm nhường hơn là lời cầu nguyện phô trương của một người Pha-ri-si khoe khoang. (Lu-ca 18:9-14) Chúa Giê-su miêu tả Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời quan tâm, biết cả khi nào một con chim sẻ bé tí rơi xuống đất. Chúa Giê-su trấn an môn đồ: “Đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29, 31) Cho nên chúng ta có thể hiểu được tại sao người ta kinh ngạc về “giáo huấn” của Chúa Giê-su và họ tìm đến nghe ngài. (Ma-thi-ơ 7:28, 29, Nguyễn Thế Thuấn) Vào một dịp nọ, “một đoàn dân đông” ở lại bên ngài ba ngày, cho dù không có đồ ăn!—Mác 8:1, 2.

19 Chúng ta có thể biết ơn là qua Lời Ngài, Đức Giê-hô-va tiết lộ ý của Đấng Christ! Thế nhưng làm thế nào chúng ta có thể vun trồng và biểu lộ ý của Đấng Christ khi đối xử với người khác? Điều này sẽ được bàn luận trong bài tới.

[Chú thích]

^ đ. 5 Khải-huyền 12:3, 4 cho thấy sự kết hợp có thể ảnh hưởng đến tạo vật thần linh. Trong câu đó, Sa-tan được miêu tả là “con rồng” có thể dùng ảnh hưởng của mình để kéo “các ngôi sao”, tức những người con thần linh, đi theo đường lối phản nghịch của hắn.—So sánh Gióp 38:7.

^ đ. 12 Lần cuối cùng Giô-sép được trực tiếp nhắc đến là khi Chúa Giê-su 12 tuổi được tìm thấy trong đền thờ. Kinh Thánh không nói Giô-sép có mặt tại tiệc cưới ở Ca-na, khi Chúa Giê-su bắt đầu làm thánh chức. (Giăng 2:1-3) Vào năm 33 CN, Chúa Giê-su lúc bị đóng đinh đã giao Ma-ri cho sứ đồ yêu dấu là Giăng chăm sóc. Ngài có thể đã không làm điều đó nếu Giô-sép vẫn còn sống.—Giăng 19:26, 27.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao việc chúng ta quen thuộc với “ý của Đấng Christ” là điều quan trọng?

• Chúa Giê-su kết hợp với ai trước khi làm người?

• Trong cuộc đời trên đất, Chúa Giê-su trực tiếp trải nghiệm hoàn cảnh và ảnh hưởng nào?

• Các sách Phúc Âm cho biết điều gì về nhân cách của Chúa Giê-su?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Chúa Giê-su lớn lên trong một gia đình đông con, rất có thể trong hoàn cảnh đơn sơ

[Các hình nơi trang 12]

Các thầy thông thái rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết và đối đáp của Chúa Giê-su lúc 12 tuổi