Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nghe lời cảnh báo!

Hãy nghe lời cảnh báo!

Hãy nghe lời cảnh báo!

ẦM! Vào ngày 3 tháng 6 năm 1991, với tiếng ầm ầm vang dội, Núi Fugen ở Nhật Bản đã phun ra khí núi lửa và tro. Hỗn hợp cực nóng này tràn xuống dốc núi. Trận phun lửa này đã làm 43 người thiệt mạng. Nhiều người sống sót lại bị phỏng rất nặng. Một số người kêu gào: “Xin làm ơn cho tôi một chút nước”. Lính cứu hỏa và cảnh sát vội ùa đến giúp họ.

MỘT vòm dung nham đã thấy xuất hiện trên đỉnh Núi Fugen khoảng hai tuần trước đó, vì thế chính quyền và cư dân đã cảnh giác đề phòng. Hơn một tuần trước khi tai họa xảy ra, thông cáo di tản khỏi khu vực được loan ra. Chỉ một ngày trước khi núi lửa phun, cảnh sát đã yêu cầu các nhà báo không được đi vào vùng cấm địa. Thế nhưng vào buổi chiều ấy, 43 nạn nhân ở trong vùng nguy hiểm.

Tại sao lại có quá nhiều người liều lĩnh đi vào vùng ấy và ở lại đó? Một số nông dân đã di tản khỏi nhà nhưng trở lại để xem xét tài sản và đồng ruộng của họ. Ba nhà hỏa sơn học đang cố tiến đến gần để nghiên cứu ngọn núi lửa cho thỏa lòng đam mê. Một số phóng viên và nhà nhiếp ảnh dám cả gan vượt qua ranh giới an toàn vì muốn săn tin thời sự nóng hổi về hoạt động của núi lửa. Ba tài xế tắc xi được báo chí thuê đã có mặt tại hiện trường. Cảnh sát và những người cứu hỏa tình nguyện cũng đang thi hành nhiệm vụ. Mỗi người đều có lý do riêng để vào vùng nguy hiểm—và hậu quả là ai nấy đều mất mạng.

Bạn có ở trong vùng nguy hiểm không?

Có thể là không phải tất cả chúng ta đều sống gần một ngọn núi lửa đang hoạt động. Nhưng giả thử chúng ta đang đối diện với một thảm họa toàn cầu, khiến cả trái đất này biến thành một vùng nguy hiểm thì sao? Một cuốn sách đã tỏ ra là nguồn tiên tri đáng tin cậy cảnh báo chúng ta về một tai họa toàn cầu gần đến và mô tả như vầy: “Mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng-động... Mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực”. (Ma-thi-ơ 24:29, 30) Ở đây, các hiện tượng trên trời có tầm vóc vũ trụ được mô tả là ảnh hưởng đến “mọi dân-tộc”. Nói cách khác, lời tiên tri này liên quan đến một tai họa sẽ ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta.

Cuốn sách tiên tri đáng tin cậy này là Kinh Thánh. Điều đáng chú ý là văn cảnh của đoạn Kinh Thánh nói trên miêu tả chi tiết về những việc sẽ dẫn đến tai họa toàn cầu. Giống như vòm dung nham và những dấu hiệu khác của núi lửa đã cho các viên chức ở thành phố Shimabara có đủ lý do để quy định vùng nguy hiểm, Kinh Thánh cho chúng ta lý do để cảnh giác và tự chuẩn bị để sống sót. Chúng ta có thể rút ra một bài học từ thảm họa ở Núi Fugen và nhận ra tầm nghiêm trọng của những gì sắp xảy ra.

[Nguồn tư liệu nơi trang 2]

TRANG BÌA: Yomiuri/Orion Press/Sipa Press

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

Yomiuri/Orion Press/Sipa Press