Tìm kiếm Đức Giê-hô-va với tấm lòng sẵn sàng
Tìm kiếm Đức Giê-hô-va với tấm lòng sẵn sàng
THẦY tế lễ E-xơ-ra của Y-sơ-ra-ên là một nhà nghiên cứu, học giả, ký lục và thầy dạy luật xuất sắc. Đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay, ông cũng là một mẫu mực tuyệt diệu của việc phụng sự hết tâm hồn. Tại sao? Vì ông vẫn giữ sự tin kính với Đức Chúa Trời ngay cả trong khi sống ở Ba-by-lôn, một thành phố đầy dẫy sự thờ thần giả và các quỉ.
Lòng tin kính của E-xơ-ra không phải tự nhiên mà có. Ông đã bỏ công vun đắp nó. Thật vậy, ông nói với chúng ta là ông “đã định chí [“chuẩn bị lòng”, “NW”] tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo”.—E-xơ-ra 7:10, chúng tôi viết nghiêng.
Giống như E-xơ-ra, dân Đức Giê-hô-va ngày nay muốn làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi họ trong khi đang sống trong một thế giới đầy thù nghịch với sự thờ phượng thật. Vì thế, chúng ta hãy xem xét những cách có thể giúp chúng ta cũng chuẩn bị lòng mình, tức con người bề trong—bao gồm tư tưởng, thái độ, ước vọng và động cơ của chúng ta—để “tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo”.
Chuẩn bị lòng chúng ta
“Chuẩn bị” có nghĩa là “sẵn sàng cho một mục đích: đặt vào tình trạng có thể đưa ra sử dụng, ứng dụng, hay thủ sẵn”. Đương nhiên, nếu bạn đã có sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời và đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chắc chắn lòng bạn đã tỏ ra ở trong tư thế sẵn sàng và có thể được so sánh với loại “đất tốt” được Chúa Giê-su nói đến trong ngụ ngôn về người gieo giống.—Ma-thi-ơ 13:18-23.
Tuy nhiên, lòng chúng ta cần được chú ý và tinh luyện thường xuyên. Tại sao? Vì hai lý do. Thứ nhất, vì những xu hướng xấu, giống như cỏ dại trong vườn, có thể dễ dàng bén rễ, đặc biệt là trong những “ngày sau-rốt” này khi trong “không khí” của hệ thống Sa-tan đang tràn ngập hơn bao giờ hết những mầm tư tưởng xác thịt nguy hại. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; Ê-phê-sô 2:2, NW) Lý do thứ hai liên quan đến chính mảnh đất. Nếu không được chăm bón, đất có thể nhanh chóng trở nên khô cằn, chai cứng và không sanh trái. Hoặc đất có thể bị nén lại thành một khối cứng ngắc khi quá nhiều người vô ý dẫm chân lên khu vườn. Đất của lòng chúng ta theo nghĩa bóng cũng tương tự như vậy. Nó có thể trở nên kém màu mỡ nếu thiếu chăm sóc hoặc bị những người không quan tâm đến sức khỏe thiêng liêng của chúng ta chà đạp lên.
Vì thế, việc tất cả chúng ta áp dụng lời khuyên sau đây của Kinh Thánh là điều vô cùng quan trọng: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.—Châm-ngôn 4:23.
Những yếu tố làm “đất” của lòng chúng ta màu mỡ
Chúng ta hãy xem xét vài yếu tố, hoặc đức tính, sẽ giúp làm “đất” của lòng chúng ta màu mỡ để nó có thể thúc đẩy một sự phát triển lành mạnh. Dĩ nhiên, có nhiều điều có thể giúp trau dồi lòng chúng ta, nhưng ở đây chúng ta sẽ xem xét sáu điều: sự ý thức về nhu cầu thiêng liêng, khiêm nhường, thành thật, kính sợ Đức Chúa Trời, đức tin và tình yêu thương.
“Phước cho những người ý thức nhu cầu thiêng liêng”, Chúa Giê-su nói. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Như cơn đói nhắc chúng ta nhớ rằng mình cần ăn, việc ý thức đến nhu cầu thiêng liêng khiến chúng ta khao khát đồ ăn thiêng liêng. Bản chất con người tự nhiên khao khát đồ ăn đó vì nó khiến đời sống họ có ý nghĩa và mục đích. Những áp lực do hệ thống của Sa-tan gây ra hoặc đơn thuần sự lười biếng học hỏi có thể làm yếu đi nhận thức của chúng ta về nhu cầu này. Dù vậy, Chúa Giê-su nói: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 4:4.
Theo nghĩa đen, một sự ăn uống điều độ, thăng bằng và lành mạnh làm tăng sức khỏe cơ thể, và cũng khiến cơ thể có cảm giác thèm ăn khi đến bữa ăn kế tiếp. Theo nghĩa thiêng liêng cũng vậy. Bạn có thể không nghĩ mình là người siêng học nhưng nếu bạn tập thói quen đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và học các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh một cách đều đặn, bạn sẽ thấy sự thích thú gia tăng. Thật vậy, bạn sẽ háo hức mong đến giờ học Kinh Thánh. Vậy nên, đừng bỏ cuộc dễ dàng; hãy nỗ lực phát triển sự ham thích tốt lành đối với đồ ăn thiêng liêng.
Sự khiêm nhường khiến lòng mềm mại
Sự khiêm nhường là một yếu tố quan trọng tạo nên một tấm lòng sẵn sàng vì nó khiến chúng ta dễ dạy và dễ dàng chấp nhận sự khuyên răn và sửa trị yêu thương hơn. Hãy xem xét gương mẫu của Vua Giô-si-a. Dưới triều ông, người ta tìm được một tài liệu có chứa đựng Luật Pháp của Đức Chúa Trời ban cho qua Môi-se. Khi Giô-si-a nghe đọc các lời của Luật Pháp và nhận ra ông cha mình đã đi lệch khỏi sự thờ phượng thanh sạch đến mức nào, ông đã xé áo mình và khóc trước mặt Đức Giê-hô-va. Tại sao Lời Đức Chúa Trời khiến vua xúc động đến thế? Lời tường thuật nói rằng lòng ông “mềm-mại” khiến ông hạ mình xuống khi nghe lời phán của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy tấm lòng khiêm nhường, nhạy cảm của Giô-si-a và ban phước cho ông.—2 Các Vua 22:11, 18-20.
Sự khiêm nhường đã giúp các môn đồ “dốt-nát không học” của Chúa Giê-su có thể hiểu và áp dụng những lẽ thật thiêng liêng trong khi những kẻ ‘khôn-ngoan, sáng dạ’, nhưng chỉ “theo xác-thịt”, thì không thể hiểu được. (Công-vụ các Sứ-đồ 4:13; Lu-ca 10:21; 1 Cô-rinh-tô 1:26) Những kẻ đó đã không sẵn sàng chấp nhận lời Đức Giê-hô-va vì lòng họ đã bị sự kiêu ngạo làm cho cứng cỏi. Thật không lạ gì khi Đức Giê-hô-va ghét sự kiêu ngạo phải không?—Châm-ngôn 8:13; Đa-ni-ên 5:20.
Sự thành thật và kính sợ Đức Chúa Trời
Nhà tiên tri Giê-rê-mi viết rằng “lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9) Sự dối trá này thể hiện qua nhiều cách, chẳng hạn như khi chúng ta tìm cách bào chữa cho những sai lầm mình đã phạm. Nó cũng biểu lộ khi chúng ta cố biện bạch cho những nhược điểm nghiêm trọng trong nhân cách của mình. Tuy nhiên, sự thành thật sẽ giúp chúng ta chiến thắng lòng dối trá bằng cách giúp chúng ta đối diện với bản chất thật của mình để từ đó có thể sửa đổi. Người viết Thi-thiên đã biểu lộ một sự thành thật như thế khi ông cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy dò-xét và thử-thách tôi, rèn-luyện lòng dạ tôi”. Rõ ràng, người viết Thi-thiên đã chuẩn bị lòng ông để đón nhận sự rèn luyện và thử thách của Đức Giê-hô-va, ngay dù điều đó có thể khiến ông phải thừa nhận những nét giống như cặn bã trong nhân cách của mình để có thể khắc phục được.—Thi-thiên 17:3; 26:2.
Sự kính sợ Đức Chúa Trời, bao gồm việc “ghét điều ác”, là một sự giúp đỡ mạnh mẽ cho quá trình tinh luyện. (Châm-ngôn 8:13) Trong khi quí trọng sự nhân từ đầy yêu thương và lòng tốt mà Đức Giê-hô-va biểu lộ, một người thật sự kính sợ Đức Giê-hô-va biết rằng Ngài cũng có quyền ban hành án phạt, ngay cả sự chết, trên những kẻ bất tuân. Đức Giê-hô-va cho thấy rằng những người kính sợ Ngài cũng sẽ vâng lời Ngài khi Ngài nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Chớ chi dân nầy thường có một lòng kính-sợ ta, hằng giữ theo các điều-răn ta như thế, để chúng nó và con-cháu chúng nó được phước đời đời!”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:29.
Hiển nhiên, mục đích của sự kính sợ Đức Chúa Trời không phải là nhằm khiến chúng ta phục tùng vì khiếp sợ, mà nhằm thúc đẩy chúng ta vâng lời Người Cha đầy yêu thương, Đấng mà chúng ta biết rằng luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng ta. Thật vậy, sự kính sợ như thế đem lại sự phấn chấn và vui mừng, được minh chứng hùng hồn qua gương mẫu của chính Chúa Giê-su Christ.—Ê-sai 11:3; Lu-ca 12:5.
Một tấm lòng sẵn sàng giàu đức tin
Một tấm lòng vững mạnh trong đức tin biết rằng bất kỳ điều gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi hoặc hướng dẫn qua Lời Ngài đều luôn luôn đúng và Ê-sai 48:17, 18) Một người có tấm lòng như thế có được sự thỏa mãn và hài lòng sâu xa nhờ áp dụng lời khuyên nơi Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Tuy nhiên, một tấm lòng thiếu đức tin sẽ không muốn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, đặc biệt là khi điều đó đòi hỏi phải có sự hy sinh, chẳng hạn như giản dị hóa đời sống để chú mục vào quyền lợi Nước Trời. (Ma-thi-ơ 6:33) Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để xem một tấm lòng không có đức tin là “dữ”.—Hê-bơ-rơ 3:12.
đem lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta. (Đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va được phản ánh qua nhiều mặt, kể cả những việc riêng chúng ta làm ở nhà. Thí dụ như nguyên tắc ghi nơi Ga-la-ti 6:7: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”. Đức tin của chúng ta nơi nguyên tắc này sẽ được phản ánh qua những điều như loại phim ảnh chúng ta xem, sách chúng ta đọc, thời gian chúng ta dành để học hỏi Kinh Thánh và lời cầu nguyện của chúng ta. Vâng, một đức tin mạnh mẽ, thúc đẩy chúng ta “gieo cho Thánh-Linh”, là một yếu tố then chốt giúp chúng ta sẵn lòng tiếp nhận và vâng theo Lời Đức Giê-hô-va.—Ga-la-ti 6:8.
Tình yêu thương—Đức tính cao quí nhất
Trội hơn tất cả những đức tính khác, tình yêu thương thật sự khiến đất của lòng chúng ta hưởng ứng Lời Đức Giê-hô-va. Vì vậy, khi so sánh nó với đức tin và hy vọng, sứ đồ Phao-lô đã miêu tả tình yêu thương là “điều trọng hơn”. (1 Cô-rinh-tô 13:13) Một tấm lòng yêu thương Đức Chúa Trời tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn sâu xa trong việc vâng lời Ngài; nó chắc chắn không bực dọc trước những sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Cũng cùng một ý tưởng, Chúa Giê-su nói: “Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người”. (Giăng 14:23) Hãy lưu ý rằng tình yêu thương đó được đáp trả. Vâng, Đức Giê-hô-va thiết tha yêu thương những người đến với Ngài bằng tình yêu thương.
Đức Giê-hô-va biết rằng chúng ta bất toàn và thường hay phạm tội nghịch cùng Ngài. Dù vậy, Ngài không tránh xa chúng ta. Điều mà Đức Giê-hô-va tìm kiếm ở tôi tớ Ngài là sự “hết lòng”, tức một tấm lòng thúc đẩy chúng ta sẵn sàng “vui ý” hầu việc Ngài. (1 Sử-ký 28:9) Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va biết rằng chúng ta cần có thời gian và nỗ lực mới có thể vun trồng những đức tính tốt trong lòng mình để từ đó nảy sinh ra bông trái thánh linh. (Ga-la-ti 5:22, 23) Vì thế, Ngài kiên nhẫn với chúng ta, “vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Thi-thiên 103:14) Biểu lộ cùng một thái độ như thế, Chúa Giê-su không bao giờ khắc nghiệt phê phán các môn đồ về những lỗi lầm của họ mà kiên nhẫn giúp đỡ và khuyến khích họ. Tình yêu thương, lòng thương xót và sự kiên nhẫn dường ấy của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không khiến bạn càng yêu mến hai Đấng đó hơn sao?—Lu-ca 7:47; 2 Phi-e-rơ 3:9.
Nếu đôi khi bạn cảm thấy phải đấu tranh mới có thể nhổ tận gốc những thói quen như cỏ dại đã bén rễ sâu, hoặc đập tan những nét cứng như đất sét, đừng ngã lòng hay nản chí. Thay vì thế, hãy tiếp tục cố gắng trau dồi trong khi “bền lòng mà cầu-nguyện”, kể cả thường xuyên nài xin Đức Giê-hô-va ban cho thánh linh. (Rô-ma 12:12) Với sự sẵn lòng giúp đỡ của Ngài, bạn sẽ thành công, như E-xơ-ra, trong việc vun trồng một tấm lòng sẵn sàng “tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo”.
[Hình nơi trang 31]
E-xơ-ra vẫn giữ sự tin kính ngay cả khi ở Ba-by-lôn
[Nguồn tư liệu nơi trang 29]
Garo Nalbandian