Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Nơi Rô-ma 12:19, phải chăng sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng tín đồ Đấng Christ không nên tức giận, khi ông nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”?

Nói đúng ra là không. Ở đây ý sứ đồ Phao-lô nói về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tín đồ Đấng Christ có để mình nóng giận thì cũng không sao. Rõ ràng Kinh Thánh khuyên chúng ta chớ phẫn nộ. Hãy xem xét một số lời khuyên mẫu của Đức Chúa Trời.

“Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận-hoảng; chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác”. (Thi-thiên 37:8) “Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán”. (Ma-thi-ơ 5:22) “Các việc làm của xác-thịt là rõ-ràng lắm: Ấy là gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng, thờ hình-tượng, phù-phép, thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng”. (Ga-la-ti 5:19, 20) “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc, cùng mọi điều hung-ác”. (Ê-phê-sô 4:31) “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. (Gia-cơ 1:19) Hơn thế, sách Châm-ngôn nhắc đi nhắc lại lời khuyên chúng ta đừng tức giận hoặc dễ cáu trước những xúc phạm nhỏ nhặt và lỗi lầm của người ta.—Châm-ngôn 12:16; 14:17, 29; 15:1; 16:32; 17:14; 19:11, 19; 22:24; 25:28; 29:22.

Văn cảnh của Rô-ma 12:19 phù hợp với lời khuyên này. Phao-lô khuyên rằng tình yêu thương của chúng ta phải thành thật, chúng ta hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ mình, cố gắng nghĩ tốt về người khác, chớ lấy ác trả ác và gắng sức hòa thuận với mọi người. Tiếp đến ông thúc giục: “Chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.—Rô-ma 12:9, 14, 16-19.

Đúng vậy, chúng ta chớ nên để sự giận dữ khiến chúng ta có những hành động trả thù. Sự hiểu biết về các tình thế cũng như khái niệm về công lý của chúng ta không hoàn hảo. Nếu để sự nóng giận thúc đẩy mình trả thù, thường thì chúng ta sẽ hành động sai quấy. Điều đó sẽ phục vụ cho mục tiêu của Kẻ Thù Đức Chúa Trời, tức Ma-quỉ. Ở nơi khác Phao-lô viết: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp”.—Ê-phê-sô 4:26, 27.

Cách giải quyết tốt hơn, khôn ngoan hơn, là hãy để Đức Chúa Trời ấn định khi nào và ai sẽ bị báo ứng. Ngài có thể làm thế với sự hiểu biết đầy đủ về các sự kiện và bất cứ sự trừng phạt nào cũng đều phản ánh tính công bình hoàn hảo của Ngài. Chúng ta có thể hiểu đây là điểm mà Phao-lô nêu ra nơi Rô-ma 12:19 khi thấy ông nhắc đến Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35, 41, gồm những lời sau đây: “Sự báo-thù sẽ thuộc về ta, phần đối-trả sẽ qui về ta”. (So sánh Hê-bơ-rơ 10:30). Vì thế, dù tổ hợp từ “của Đức Chúa Trời” không có trong văn bản tiếng Hy Lạp, một số dịch giả hiện đại thêm những chữ này vào Rô-ma 12:19. Điều này khiến ta đọc chẳng hạn như “hãy nhường chỗ cho thịnh nộ (của Thiên Chúa)” (Nguyễn Thế Thuấn); “cứ để cho Thượng Đế báo ứng” (Bản Diễn Ý); “hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó” (Tòa Tổng Giám Mục); “hãy để sự thịnh nộ của Chúa lo liệu”.—Trịnh Văn Căn.

Ngay cả khi bị những kẻ thù của lẽ thật hành hạ hoặc ngược đãi, chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi sự miêu tả về Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà Môi-se đã nghe: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7, chúng tôi viết nghiêng.