‘Đức Chúa Trời ôi! Cầu chúa phát ánh-sáng’
‘Đức Chúa Trời ôi! Cầu chúa phát ánh-sáng’
“Cầu Chúa phát ánh-sáng và sự chân-thật [“lẽ thật”, “NW”] của Chúa ra: Nó sẽ dẫn tôi”.—THI-THIÊN 43:3.
1. Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định Ngài như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA rất quan tâm trong việc tỏ ý định mình ra cho các tôi tớ Ngài. Thay vì tỏ hết lẽ thật ra một lần như tia chớp chói lòa, Ngài soi sáng chúng ta từ từ. Đoạn đường đời chúng ta đi có thể ví như con đường mòn và dài của một người đi bộ. Người bắt đầu từ sáng tinh mơ và thấy được cảnh vật rất ít. Khi mặt trời từ từ bắt đầu ló dạng ở chân trời, người ấy có thể phân biệt một ít đặc điểm xung quanh. Những thứ khác thì thấy mờ mờ. Nhưng khi mặt trời lên dần, người có thể thấy xa hơn. Ánh sáng
thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cung cấp cũng vậy. Ngài cho chúng ta mỗi lần nhận ra một ít điều. Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, cung cấp sự soi sáng về thiêng liêng theo cách tương tự ấy. Chúng ta hãy xem xét cách Đức Giê-hô-va soi sáng dân Ngài vào thời xưa và cách Ngài làm thời nay.2. Đức Giê-hô-va đã soi sáng như thế nào trước thời Đấng Christ?
2 Người viết bài Thi-thiên 43 rất có thể là con cháu của Cô-rê. Là người Lê-vi, họ có đặc ân dạy Luật Pháp Đức Chúa Trời cho dân chúng. (Ma-la-chi 2:7) Dĩ nhiên Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại của họ, và họ trông vào Ngài là Nguồn của mọi sự khôn ngoan. (Ê-sai 30:20, NW) Người viết Thi-thiên cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi!... Cầu Chúa phát ánh-sáng và sự chân-thật [“lẽ thật”, NW] của Chúa ra: Nó sẽ dẫn tôi”. (Thi-thiên 43:1, 3) Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên đường lối Ngài, miễn là họ trung thành với Ngài. Nhiều thế kỷ sau, Đức Giê-hô-va ban cho họ một loại ánh sáng và lẽ thật rất là phi thường. Đức Chúa Trời làm điều đó khi sai Con Ngài xuống trái đất.
3. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thử những người Do Thái bằng cách nào?
3 Khi làm người Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời, quả là “sự sáng của thế-gian”. (Giăng 8:12) Ngài dùng “thí-dụ dạy-dỗ... nhiều điều”—những điều mới—cho người ta. (Mác 4:2) Ngài nói với Bôn-xơ Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”. (Giăng 18:36) Đó là ý tưởng mới cho người La Mã và chắc chắn mới cho dân Do Thái ái quốc, vì họ nghĩ rằng Đấng Mê-si sẽ làm cho Cường Quốc La Mã thần phục và đem nước Y-sơ-ra-ên trở lại thời huy hoàng ngày xưa. Chúa Giê-su đã phản chiếu ánh sáng từ Đức Giê-hô-va, nhưng lời ngài không làm những người lãnh đạo Do Thái đẹp lòng, vì họ “chuộng danh-vọng bởi người ta đến hơn là danh-vọng bởi Đức Chúa Trời đến”. (Giăng 12:42, 43) Nhiều người trong dân chúng chọn bám theo truyền thống loài người hơn là nhận ánh sáng thiêng liêng và lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 43:3; Ma-thi-ơ 13:15.
4. Làm sao chúng ta biết các môn đồ của Chúa Giê-su sẽ tiếp tục gia tăng sự hiểu biết?
4 Tuy nhiên, một ít người có lòng chân thật vui mừng nhận lẽ thật mà Chúa Giê-su đã dạy. Họ tiến tới không ngừng trong sự hiểu biết về ý định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đời sống trên đất của Thầy họ sắp chấm dứt, họ vẫn còn nhiều điều phải học. Chúa Giê-su nói với họ: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi”. (Giăng 16:12) Đúng vậy, các môn đồ sẽ tiếp tục gia tăng sự hiểu biết về lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Ánh sáng tiếp tục chiếu
5. Câu hỏi nào nảy sinh vào thế kỷ thứ nhất, và ai có trách nhiệm giải quyết?
5 Sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, ánh sáng Đức Chúa Trời chiếu rạng rỡ hơn trước nữa. Trong một sự hiện thấy ban cho Phi-e-rơ, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng từ đó trở đi Dân Ngoại có thể trở thành môn đồ Đấng Christ. (Công-vụ các Sứ-đồ 10:9-17) Một sự tiết lộ quan trọng biết bao! Tuy nhiên, có một câu hỏi nảy sinh sau đó: Đức Giê-hô-va có đòi hỏi Dân Ngoại phải cắt bì sau khi họ trở thành tín đồ Đấng Christ không? Câu hỏi đó không được trả lời trong sự hiện thấy, và nó trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong vòng tín đồ Đấng Christ. Nó phải được giải quyết để không làm hại sự hợp nhất quí giá của họ. Vì vậy, tại Giê-ru-sa-lem “các sứ-đồ và các trưởng-lão bèn họp lại để xem-xét về việc đó”.—Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2, 6.
6. Các sứ đồ và trưởng lão đã theo thủ tục nào khi xem xét câu hỏi về việc cắt bì?
6 Làm sao những người hiện diện tại buổi họp đó có thể xác định ý muốn của Đức Chúa Trời đối với Dân Ngoại tin đạo? Đức Giê-hô-va không sai một thiên sứ xuống chủ tọa buổi thảo luận, và cũng không ban cho những người hiện diện sự hiện thấy. Nhưng các sứ đồ và trưởng lão không hoàn toàn bị bỏ mặc mà không được hướng dẫn. Họ xem xét lời chứng của một số tín đồ Do Thái, những người đã thấy cách Đức Chúa Trời bắt đầu giao tiếp với dân các nước, đổ thánh linh trên Dân Ngoại không cắt bì. Họ cũng tìm kiếm sự hướng dẫn của Kinh Thánh. Kết quả là môn đồ Gia-cơ đưa ra lời phát biểu dựa vào câu Kinh Thánh giúp làm sáng tỏ vấn đề. Trong khi họ suy ngẫm về mọi bằng chứng đó, ý muốn Đức Chúa Trời trở nên rõ ràng. Dân các nước Công-vụ các Sứ-đồ 15:12-29; 16:4.
không cần phải cắt bì mới được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Các sứ đồ và trưởng lão không chần chờ nhưng viết ngay quyết định này xuống để các anh em tín đồ Đấng Christ nhờ đó mà được hướng dẫn.—7. Qua cách nào tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất cho thấy họ tiến bộ?
7 Không như những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái bám chặt truyền thống của tổ phụ họ, hầu hết tín đồ Do Thái vui mừng khi nhận được sự hiểu biết mới, đáng chú ý về ý định Đức Chúa Trời liên quan đến dân các nước, cho dù chấp nhận điều đó đòi hỏi họ phải thay đổi quan điểm đối với Dân Ngoại nói chung. Đức Giê-hô-va ban phước cho tinh thần khiêm nhường của họ và “các Hội-thánh được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên”.—Công-vụ các Sứ-đồ 15:31; 16:5.
8. (a) Làm sao chúng ta biết rằng sẽ có thêm ánh sáng sau khi thế kỷ thứ nhất chấm dứt? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi thích hợp nào?
8 Ánh sáng thiêng liêng tiếp tục soi chiếu suốt thế kỷ thứ nhất. Nhưng Đức Giê-hô-va không tiết lộ mọi chi tiết về ý định Ngài cho tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Sứ đồ Phao-lô nói với anh em đồng đức tin vào thế kỷ thứ nhất: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương [“bằng kim loại”, NW], cách mập-mờ”. (1 Cô-rinh-tô 13:12) Loại gương này không có mặt phản chiếu tốt. Vậy thì mới đầu, sự hiểu biết về ánh sáng thiêng liêng bị giới hạn. Sau cái chết của các sứ đồ, ánh sáng mờ đi một thời gian, nhưng gần đây sự hiểu biết về Kinh Thánh lại được dư dật. (Đa-ni-ên 12:4) Đức Giê-hô-va soi sáng dân Ngài ngày nay như thế nào? Và chúng ta nên đáp ứng thế nào khi Ngài mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh?
Ánh sáng ngày càng chiếu rạng rỡ
9. Các Học Viên Kinh Thánh thời ban đầu đã dùng phương cách độc đáo và hữu hiệu nào để học Kinh Thánh?
9 Thời nay, ánh sáng thật đầu tiên khởi chiếu le lói vào 25 năm cuối của thế kỷ 19, khi một nhóm tín đồ Đấng Christ bắt đầu sốt sắng học hỏi Kinh Thánh. Họ phát triển một phương cách thực tiễn để học Kinh Thánh. Người nào đó nêu một câu hỏi; rồi cả nhóm phân tích tất cả các câu Kinh Thánh có liên hệ đến đề tài. Khi câu này có vẻ mâu thuẫn với câu kia, những tín đồ thành thật này cố gắng hòa hợp hai câu lại. Không giống những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, các Học Viên Kinh Thánh (tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ) quyết tâm để Kinh Thánh, chứ
không để truyền thống hoặc giáo điều do loài người đặt ra, hướng dẫn họ. Sau khi xem xét mọi bằng chứng sẵn có trong Kinh Thánh, họ ghi lại những kết luận của họ. Bằng cách đó, sự hiểu biết về nhiều giáo lý căn bản của Kinh Thánh được sáng tỏ.10. Anh Charles Taze Russell viết sách nào rất hữu ích để giúp học hỏi Kinh Thánh?
10 Nổi bật trong vòng các Học Viên Kinh Thánh là anh Charles Taze Russell. Anh viết một bộ sáu cuốn sách rất hữu ích để giúp học hỏi Kinh Thánh có tựa đề là Studies in the Scriptures (Khảo Cứu Kinh Thánh). Anh Russell định viết tập bảy, giải thích những sách Ê-xê-chi-ên và Khải-huyền. Anh nói: “Khi tìm được lời giải, tôi sẽ viết Tập Bảy”. Tuy nhiên, anh nói thêm: “Nếu Chúa cho người khác lời giải, người đó có thể viết”.
11. Thời điểm và sự hiểu biết của chúng ta về ý định Đức Chúa Trời có liên hệ thế nào?
11 Câu trên của anh C. T. Russell cho thấy một yếu tố quan trọng liên hệ đến khả năng của chúng ta trong việc hiểu những đoạn Kinh Thánh nào đó—thời điểm. Anh Russell biết rằng mình không thể bắt ánh sáng chiếu trên sách Khải-huyền, cũng như một người đi bộ không thể thuyết phục mặt trời ló dạng trước giờ đã định.
Tiết lộ—Nhưng theo thời điểm của Đức Chúa Trời
12. (a) Khi nào lời tiên tri Kinh Thánh được hiểu rõ nhất? (b) Thí dụ nào cho thấy rằng khả năng của chúng ta hiểu được lời tiên tri Kinh Thánh tùy thuộc vào thời biểu của Đức Chúa Trời? (Xem cước chú).
12 Như các sứ đồ hiểu nhiều lời tiên tri về Đấng Mê-si chỉ sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, thì tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng hiểu lời tiên tri Kinh Thánh trong chi tiết nhỏ nhất chỉ sau khi nó được ứng nghiệm. (Lu-ca 24:15, 27; Công-vụ các Sứ-đồ 1:15-21; 4:26, 27) Khải-huyền là một sách tiên tri, vì vậy chúng ta chỉ mong hiểu được nó rõ nhất khi những biến cố được miêu tả trong sách này xảy ra. Thí dụ, anh C. T. Russell không thể nào hiểu đúng được ý nghĩa của con thú sắc đỏ sậm tượng trưng được đề cập nơi Khải-huyền 17:9-11, vì những tổ chức mà con thú đó đại diện, tức là Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc, đã không hiện hữu cho tới sau khi anh mất. *
13. Điều gì đôi khi xảy ra khi ánh sáng chiếu trên một đề tài Kinh Thánh nào đó?
13 Khi tín đồ Đấng Christ thời ban đầu biết rằng Dân Ngoại không cắt bì có thể trở thành những anh em tin đạo, sự thay đổi đó dẫn đến một câu hỏi mới liên hệ đến việc dân các nước cần phải chịu cắt bì hay không. Điều này khiến các sứ đồ và trưởng lão xem lại toàn thể vấn đề cắt bì. Ngày nay chúng ta cũng theo mẫu mực đó. Một tia sáng rực rỡ về một đề tài Kinh Thánh đôi khi dẫn các tôi tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, xem lại những đề tài liên hệ, như thí dụ cách đây không lâu cho thấy sau đây.—Ma-thi-ơ 24:45.
14-16. Sự điều chỉnh quan điểm về đền thờ thiêng liêng ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng ta về Ê-xê-chi-ên chương 40 đến 48 như thế nào?
14 Vào năm 1971, sự giải thích về lời tiên tri của sách Ê-xê-chi-ên được in trong sách “The Nations Shall Know That I Am Jehovah”—How? (“Các dân tộc sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va”—Bằng cách nào?) Một chương trong sách đó bàn luận ngắn gọn về sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ. (Ê-xê-chi-ên, chương 40-48) Lúc đó, chương này nhấn mạnh là sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ sẽ được ứng nghiệm trong thế giới mới.—2 Phi-e-rơ 3:13.
15 Tuy nhiên, hai bài được đăng trong Tháp Canh ngày 1-12-1972 ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng ta về sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên. Hai bài này bàn về đền thờ thiêng liêng vĩ đại được sứ đồ Phao-lô miêu tả nơi Hê-bơ-rơ chương 10. Tháp Canh giải thích rằng Nơi Thánh và hành lang trong của đền thờ thiêng liêng liên quan đến tình trạng của những người được xức dầu lúc họ còn trên đất. Khi những chương 40 đến 48 của sách Ê-xê-chi-ên được xem lại nhiều năm sau, Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy rằng cũng như đền thờ thiêng liêng đang hoạt động ngày nay thì đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy trong sự hiện thấy hẳn cũng đang hoạt động ngày nay. Như vậy có nghĩa gì?
16 Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên, ông thấy những thầy tế lễ qua lại hành lang của đền thờ trong khi hầu việc những chi phái khác. Những thầy tế lễ này rõ ràng đại diện cho “chức thầy tế-lễ nhà vua”, những tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 2:9) Tuy nhiên, họ sẽ không phụng sự nơi hành lang của đền thờ trên đất suốt Một Ngàn Năm Cai Trị của Đấng Christ. (Khải-huyền 20:4) Trong hầu hết thời kỳ đó, nếu không phải trọn thời kỳ đó, lớp người xức dầu sẽ phụng sự Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh của đền thờ thiêng liêng, tức là “chính trong trời”. (Hê-bơ-rơ 9:24) Vì người ta thấy những thầy tế lễ qua lại nơi hành lang đền thờ của Ê-xê-chi-ên, nên sự hiện thấy đó chắc hẳn đang được ứng nghiệm ngày nay, trong khi một số những người xức dầu vẫn còn trên đất. Vì thế mà số ra ngày 1-3-1999 của tạp chí này đã phản ảnh sự điều chỉnh quan điểm về đề tài này. Do đó, từ đầu cho đến cuối thế kỷ 20, ánh sáng thiêng liêng đã được chiếu trên lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên.
Hãy sẵn sàng điều chỉnh quan điểm
17. Bạn đã điều chỉnh những gì trong quan điểm cá nhân từ khi biết lẽ thật, và những điều đó có lợi cho bạn như thế nào?
17 Bất cứ người nào muốn có được sự hiểu biết về lẽ thật phải sẵn sàng “bắt hết các ý-tưởng làm tôi vâng-phục Đấng Christ”. (2 Cô-rinh-tô 10:5) Điều đó không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi những quan điểm đó quá cố hữu. Thí dụ, trước khi học lẽ thật của Đức Chúa Trời, có lẽ bạn thích ăn mừng những lễ về tôn giáo với gia đình. Sau khi bắt đầu học Kinh Thánh, bạn nhận thấy rằng những ngày lễ đó thật ra có nguồn gốc ngoại giáo. Mới đầu, bạn có thể không thích áp dụng những gì mình học. Tuy nhiên, cuối cùng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời chứng tỏ mạnh hơn những tình cảm tôn giáo, và bạn ngừng tham dự những lễ không làm vui lòng Đức Chúa Trời. Chẳng phải Đức Giê-hô-va đã ban phước cho quyết định của bạn sao?—So sánh Hê-bơ-rơ 11:25.
18. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi hiểu rõ hơn lẽ thật của Kinh Thánh?
18 Chúng ta luôn luôn được lợi ích bằng cách làm theo đường lối Đức Chúa Trời. (Ê-sai 48:17, 18) Vì vậy, khi được hiểu rõ hơn về một đoạn Kinh Thánh, chúng ta hãy vui mừng về lẽ thật ngày càng tăng tiến! Thật vậy, việc chúng ta tiếp tục được soi sáng khẳng định là chúng ta đi đúng đường. Đó là “con đường người công-bình”, nó “giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. (Châm-ngôn 4:18) Đành rằng hiện tại chúng ta thấy vài khía cạnh của ý định Đức Chúa Trời còn “mập-mờ”, nhưng khi đến đúng thời điểm của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy nét đẹp hoàn toàn của lẽ thật, miễn là chân chúng ta vững bước trên “con đường” đó. Trong lúc này, mong rằng chúng ta vui mừng trong những lẽ thật mà Đức Giê-hô-va đã cho biết rõ ràng, và chờ đợi để được soi sáng về những điều chưa được hiểu rõ.
19. Chúng ta cho thấy mình yêu thích lẽ thật qua cách nào?
19 Làm sao chúng ta có thể cho thấy mình yêu thích ánh sáng đó một cách thực tiễn? Một cách là đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời—hàng ngày nếu có thể được. Bạn có theo một chương trình đọc Kinh Thánh đều đặn không? Tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! cũng cho chúng ta dư dật
thức ăn thiêng liêng lành mạnh. Còn có các sách dày, sách mỏng và những ấn phẩm khác đã được chuẩn bị vì lợi ích của chúng ta. Còn về những báo cáo khích lệ về hoạt động rao giảng Nước Trời được in trong Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên Giám của Nhân Chứng Giê-hô-va) thì sao?20. Có sự liên hệ nào giữa ánh sáng và lẽ thật của Đức Giê-hô-va với việc chúng ta dự buổi họp đạo Đấng Christ?
20 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện ghi nơi Thi-thiên 43:3 một cách tuyệt diệu. Ở cuối câu này, chúng ta đọc: “[Ánh sáng và lẽ thật của Chúa] đưa tôi đến núi thánh và nơi-ở của Chúa”. Bạn có trông mong được thờ phượng Đức Giê-hô-va, cùng với thật nhiều người khác không? Sự dạy dỗ thiêng liêng trong buổi họp là cách quan trọng mà Đức Giê-hô-va cung cấp sự soi sáng ngày nay. Chúng ta có thể làm gì để tăng lòng quí trọng sâu xa đối với những buổi họp đạo Đấng Christ? Chúng tôi mời bạn thành tâm xem xét đề tài này trong bài tới.
[Chú thích]
^ đ. 12 Sau khi anh C. T. Russell mất, ấn phẩm được định là tập bảy của bộ Studies in the Scriptures được chuẩn bị để thử giải thích hai sách Ê-xê-chi-ên và Khải-huyền. Một phần tập đó được dựa vào những lời anh Russell bình luận về hai sách Kinh Thánh ấy. Tuy nhiên, thời điểm để tiết lộ ý nghĩa những lời tiên tri đó chưa đến, và nói chung, lời giải thích nêu ra trong tập đó của bộ Studies in the Scriptures rất mơ hồ. Trong những năm sau, nhờ lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va và những biến chuyển xảy ra trên thế giới, tín đồ Đấng Christ mới hiểu ra ý nghĩa những sách tiên tri này một cách chính xác hơn.
Bạn có thể trả lời không?
• Tại sao Đức Giê-hô-va tỏ ý định Ngài một cách từ từ?
• Các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem giải quyết vấn đề cắt bì như thế nào?
• Các Học Viên Kinh Thánh thời ban đầu học Kinh Thánh bằng cách nào, và tại sao điều đó là độc đáo?
• Hãy giải thích làm sao ánh sáng thiêng liêng được tiết lộ vào đúng thời điểm Đức Chúa Trời.
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 12]
Anh Charles Taze Russell biết rằng ánh sáng sẽ soi trên sách Khải-huyền vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời