Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta

Cách Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta

Cách Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta

“Xin hãy dẫn tôi vào lối bằng-thẳng”.—THI-THIÊN 27:11.

1, 2. (a) Ngày nay Đức Giê-hô-va dẫn dắt dân Ngài như thế nào? (b) Việc tận dụng các buổi họp bao hàm điều gì?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Nguồn ánh sáng và lẽ thật, như chúng ta đã học trong bài trước. Lời Ngài soi đường cho chúng ta khi đi trên lối bằng thẳng. Đức Giê-hô-va dẫn dắt chúng ta bằng cách dạy chúng ta đường lối Ngài. (Thi-thiên 119:105) Như người viết Thi-thiên xưa, với lòng biết ơn chúng ta đáp ứng lại sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ-dạy tôi con đường Ngài;... xin hãy dẫn tôi vào lối bằng-thẳng”.—Thi-thiên 27:11.

2 Một cách mà Đức Giê-hô-va dạy dỗ ngày nay là qua buổi họp của đạo Đấng Christ. Chúng ta có tận dụng sự cung cấp yêu thương này bằng cách (1) đều đặn đến họp, (2) chăm chú lắng nghe chương trình và (3) sẵn sàng tham gia vào những phần dành cho cử tọa phát biểu ý kiến không? Hơn nữa chúng ta có đáp ứng với lòng biết ơn khi nhận được những lời đề nghị mà sẽ giúp chúng ta tiếp tục đi trên “lối bằng-thẳng” không?

Bạn có dự buổi họp đều đặn không?

3. Làm sao một tôi tớ phụng sự trọn thời gian phát triển thói quen tốt về việc đi họp đều đặn?

3 Một số người công bố về Nước Trời dự buổi họp đều đặn từ khi còn bé. Một người rao giảng trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va nhớ lại: “Khi các chị tôi và tôi lớn lên trong thập niên 1930, chúng tôi không phải hỏi cha mẹ xem gia đình có đi họp không. Chúng tôi biết mình sẽ đi trừ phi bị bệnh. Đúng là gia đình chúng tôi không bỏ buổi họp nào”. Như nữ tiên tri An-ne, chị này “chẳng hề” vắng mặt ở nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 2:36, 37.

4-6. (a) Tại sao một số người công bố về Nước Trời không đi họp? (b) Tại sao dự buổi họp là điều tối quan trọng?

4 Bạn có ở trong số những người đều đặn đi dự các buổi họp của đạo Đấng Christ không, hay là bạn đi thất thường? Một số tín đồ nghĩ rằng mình đi đều nhưng đã kiểm lại cho chắc. Trong vài tuần, họ ghi lại mỗi buổi họp họ đã dự. Vào cuối hạn thời gian ấn định, họ xem lại những gì mình ghi thì họ ngạc nhiên về số buổi họp mà mình đã bỏ.

5 Một người có thể nói: ‘Ngày nay người ta gặp nhiều áp lực đến độ không dễ cho họ đi họp đều đặn, điều đó chẳng có gì lạ cả’. Chắc chắn là chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy căng thẳng. Hơn nữa, áp lực chắc chắn sẽ tăng thêm. (2 Ti-mô-thê 3:13) Nhưng chẳng phải điều đó làm cho việc đi họp đều đặn càng thêm quan trọng hơn sao? Không ăn thức ăn thiêng liêng lành mạnh thường xuyên, chúng ta không thể hy vọng kháng cự nổi với áp lực của hệ thống này. Không có sự kết hợp đều đặn chúng ta có thể bị cám dỗ mà bỏ luôn “con đường người công-bình”! (Châm-ngôn 4:18) Đành rằng khi về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, chúng ta có thể không luôn luôn cảm thấy muốn đi họp, nhưng khi đi, bất kể mệt nhọc, chúng ta gặt được lợi ích, và cũng khuyến khích anh em tín đồ tại Phòng Nước Trời.

6 Hê-bơ-rơ 10:25 có ý nói đến lý do quan trọng khác tại sao chúng ta nên đều đặn đi họp. Ở đó sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ Đấng Christ nhóm lại với nhau ‘hễ họ thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy’. Đúng vậy, chúng ta không nên quên sự thật là “ngày Đức Chúa Trời” gần đến. (2 Phi-e-rơ 3:12) Nếu kết luận rằng sự cuối cùng của hệ thống này còn xa, chúng ta có thể bắt đầu để những theo đuổi cá nhân choán đi những hoạt động thiêng liêng cần thiết, như việc dự buổi họp. Rồi, như Chúa Giê-su cảnh cáo, ‘ngày ấy đến thình-lình trên chúng ta’.—Lu-ca 21:34.

Hãy biết lắng nghe

7. Tại sao việc con trẻ chú ý đến buổi họp là điều quan trọng?

7 Chỉ đi họp thôi thì không đủ. Chúng ta còn phải lắng nghe kỹ càng, chú ý đến những điều được nói tại đó. (Châm-ngôn 7:24) Con cái cũng phải lắng nghe. Khi một đứa trẻ đi học, nó phải chú ý nghe thầy cô, dù môn học không hấp dẫn hoặc khó hiểu đối với nó. Thầy giáo biết rằng nếu đứa trẻ cố gắng chú ý, ít nhất nó cũng sẽ rút tỉa được một vài lợi ích trong bài học. Thế thì khuyến khích trẻ con ở tuổi đi học chú ý nghe lời dạy dỗ ở buổi họp hơn là để cho nó ngủ ngay khi buổi họp bắt đầu chẳng phải là điều hợp lý hay sao? Đành rằng trong số những lẽ thật quí báu của Kinh Thánh, có “mấy khúc khó hiểu” nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng học hỏi của trẻ con. (2 Phi-e-rơ 3:16) Đức Chúa Trời không làm thế. Vào thời Kinh Thánh được viết ra, Ngài phán bảo những tôi tớ trẻ của Ngài hãy ‘nghe, tập kính-sợ Đức Giê-hô-va, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy’, một số chắc chắn khó hiểu cho con trẻ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12; so sánh Lê-vi Ký 18:1-30). Đức Giê-hô-va có mong con trẻ ngày nay làm ít hơn thế không?

8. Một số bậc cha mẹ làm gì để giúp con cái chú ý tại buổi họp?

8 Cha mẹ tín đồ Đấng Christ nhận biết rằng nhu cầu thiêng liêng của con cái họ được thỏa mãn phần nào nhờ những gì chúng học tại buổi họp. Vì thế, một số cha mẹ sắp xếp cho con cái ngủ một chút trước buổi họp để khi đến Phòng Nước Trời chúng được tỉnh táo và sẵn sàng học hỏi. Một số bậc cha mẹ có thể giới hạn tối đa hoặc ngay cả khôn ngoan không cho con cái xem truyền hình vào những tối có buổi họp. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Và những cha mẹ đó cố giữ cho con cái không bị xao lãng, khuyến khích chúng nghe và học, tùy theo tuổi và khả năng của chúng.—Châm-ngôn 8:32.

9. Điều gì có thể giúp chúng ta phát triển khả năng lắng nghe?

9 Chúa Giê-su nói với những người trưởng thành: “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:18) Ngày nay điều đó thường dễ nói hơn là làm. Công nhận là việc tích cực lắng nghe cần nhiều cố gắng, nhưng chúng ta có thể phát triển khả năng lắng nghe. Khi bạn lắng nghe một bài giảng về Kinh Thánh hoặc một phần trong buổi họp, hãy cố gắng tách riêng những ý tưởng chính. Đoán trước những gì diễn giả sắp nói đến. Tìm những điểm mà bạn có thể dùng trong thánh chức hoặc áp dụng trong đời sống bạn. Ôn lại trong trí những điểm đang được xem xét. Ghi chú ngắn gọn.

10, 11. Một số cha mẹ giúp con cái để lắng nghe như thế nào, và bạn thấy những phương pháp nào là hữu ích?

10 Thời kỳ tốt nhất để tập thói quen chăm chú lắng nghe là khi còn nhỏ. Dù trước khi biết đọc hay biết viết, một số trẻ chưa đến tuổi đi học được cha mẹ khuyến khích ghi “nốt” trong buổi họp. Chúng làm dấu trên tờ giấy khi những chữ quen thuộc như “Đức Giê-hô-va”, “Chúa Giê-su”, hoặc “Nước Trời” được nhắc đến. Bằng cách này, trẻ con có thể tập chú tâm vào những gì được nói trên bục giảng.

11 Đôi khi ngay cả những em lớn hơn cần được khuyến khích để chú ý. Khi thấy đứa con trai 11 tuổi ngồi mơ màng trong một hội nghị của tín đồ Đấng Christ, người cha bèn đưa cho nó một cuốn Kinh Thánh và bảo nó lật những câu Kinh Thánh mà diễn giả nêu ra. Người cha, đang ghi chú, để ý xem trong lúc con mình cầm Kinh Thánh. Sau đó, nó theo dõi chương trình hội nghị một cách sốt sắng hơn.

Cho mọi người nghe giọng của bạn

12, 13. Tại sao cùng nhau hợp ca trong hội thánh là điều quan trọng?

12 Vua Đa-vít hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ... đi vòng xung-quanh bàn-thờ của Ngài; hầu cho nức tiếng tạ ơn”. (Thi-thiên 26:6, 7) Buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va cho chúng ta cơ hội thật tốt để biểu lộ đức tin mình. Một cách chúng ta có thể làm điều này là cùng nhau hợp ca trong hội thánh. Đây là khía cạnh quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta, nhưng có thể dễ bị bỏ bê.

13 Một số trẻ em chưa biết đọc nhưng thuộc lòng lời của những bài hát Nước Trời sẽ được hát tại buổi họp mỗi tuần. Chúng vui sướng được hát cùng với người lớn. Tuy nhiên khi lớn hơn một chút, chúng có thể ít muốn cùng nhau hát những bài hát Nước Trời. Một số người lớn cũng ngại hát tại những buổi họp. Nhưng ca hát là một phần của sự thờ phượng, cũng như công việc rao giảng là một phần của sự thờ phượng. (Ê-phê-sô 5:19) Chúng ta cố hết sức để ca ngợi Đức Giê-hô-va trong công việc rao giảng. Chẳng lẽ chúng ta không thể tôn vinh Ngài bằng cách cất tiếng—dù du dương hay không—để hết lòng ca hát khen ngợi Ngài hay sao?—Hê-bơ-rơ 13:15.

14. Tại sao tài liệu chúng ta học trong buổi họp hội thánh đáng được chuẩn bị kỹ trước?

14 Chúng ta cũng ca ngợi Đức Chúa Trời khi phát biểu những lời bình luận xây dựng trong những phần của buổi họp cần sự tham gia của cử tọa. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị. Cần có thì giờ để ngẫm nghĩ về khía cạnh sâu sắc của Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô, một học viên ham học Kinh Thánh, nhận biết điều này. Ông viết: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33) Hỡi những người chủ gia đình, bạn hãy giúp mỗi người trong gia đình tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, vì đó là điều trọng yếu. Hãy dành một ít thì giờ trong buổi học Kinh Thánh gia đình để giải thích những điểm khó hiểu và giúp gia đình chuẩn bị cho buổi họp.

15. Những lời đề nghị nào có thể giúp một người bình luận trong buổi họp?

15 Nếu bạn muốn bình luận thường xuyên hơn trong buổi họp, tại sao không chuẩn bị trước những điều bạn muốn nói? Không cần chi tiết dài dòng. Một đoạn Kinh Thánh thích hợp đọc với niềm tin chắc hoặc những lời chọn kỹ nói từ lòng sẽ được quí trọng. Một số người công bố hỏi anh điều khiển buổi học cho mình nói lời bình luận đầu về đoạn nào đó trong bài, như thế họ không bỏ lỡ cơ hội biểu lộ đức tin.

Người thiếu kinh nghiệm trở nên khôn ngoan

16, 17. Một trưởng lão đã cho anh tôi tớ thánh chức lời khuyên nào, và tại sao lời đó hữu hiệu?

16 Tại buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thường được nhắc nhở để đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày. Làm thế giúp tâm thần tươi tỉnh, và cũng giúp chúng ta có quyết định khôn ngoan, sửa đổi những thiếu sót trong nhân cách, kháng cự những cám dỗ và lấy lại sự thăng bằng về thiêng liêng nếu chúng ta bước lệch hướng.—Thi-thiên 19:7.

17 Những trưởng lão có kinh nghiệm trong hội thánh sẵn sàng cho lời khuyên dựa vào Kinh Thánh thích ứng với nhu cầu của chúng ta. Chúng ta chỉ cần “múc lấy” bằng cách đến xin họ cho lời khuyên dựa vào Kinh Thánh. (Châm-ngôn 20:5) Một ngày nọ, một anh tôi tớ thánh chức trẻ đầy nhiệt tình đến hỏi một trưởng lão làm sao anh trở nên hữu dụng hơn trong hội thánh. Anh trưởng lão biết rõ anh trẻ, nên mở Kinh Thánh đến 1 Ti-mô-thê 3:3 (NW), câu này nói rằng một người được bổ nhiệm phải có tính “phải lẽ”. Anh ân cần nêu ra những cách mà anh trẻ có thể biểu lộ tính phải lẽ trong mối quan hệ với người khác. Anh trẻ có bị chạm tự ái qua lời khuyên thẳng thắn đó không? Hoàn toàn không! Anh giải thích: “Anh trưởng lão dùng Kinh Thánh, nên tôi nhận thấy là lời khuyên đó đến từ Đức Giê-hô-va”. Đầy lòng biết ơn, anh tôi tớ thánh chức áp dụng lời khuyên và đang tiến bộ tốt.

18. (a) Điều gì giúp một tín đồ trẻ kháng cự được cám dỗ trong trường? (b) Bạn nhớ đến những đoạn Kinh Thánh nào khi gặp cám dỗ?

18 Lời Đức Chúa Trời cũng có thể giúp những người trẻ “tránh khỏi tình-dục trai-trẻ”. (2 Ti-mô-thê 2:22) Một Nhân Chứng trẻ tốt nghiệp trung học cách đây không lâu đã kháng cự được sự cám dỗ suốt những năm đi học bằng cách suy ngẫm và áp dụng những đoạn Kinh Thánh. Chị thường nghĩ đến lời khuyên ghi nơi Châm-ngôn 13:20: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”. Vì thế, chị thận trọng chỉ làm bạn với những người tôn trọng nguyên tắc Kinh Thánh sâu xa. Chị lý luận: “Tôi chẳng tốt hơn ai cả. Nếu chơi với đám bạn không tốt, tôi sẽ muốn làm vừa lòng chúng, và như vậy có thể dẫn đến vấn đề”. Lời khuyên của Phao-lô ghi nơi 2 Ti-mô-thê 1:8 cũng đã giúp chị. Ông viết: “Con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta,... nhưng hãy... chịu khổ với Tin-lành”. Hòa hợp với lời khuyên đó, chị dạn dĩ chia sẻ niềm tin dựa vào Kinh Thánh với bạn học vào những dịp thích hợp. Khi được chỉ định phần thuyết trình cho cả lớp, chị chọn đề tài nào cho chị cơ hội để làm chứng khéo léo về Nước Đức Chúa Trời.

19. Tại sao một thanh niên không kháng cự được áp lực của thế gian này, nhưng điều gì giúp cậu có được sức mạnh về thiêng liêng?

19 Nếu có bao giờ chúng ta lạc bước ra khỏi “con đường người công-bình”, Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta sửa lại bước mình. (Châm-ngôn 4:18) Một thanh niên ở Phi Châu đích thân học được điều này. Khi một Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm, cậu nhận lời học Kinh Thánh. Cậu thích những điều mình học nhưng chẳng bao lâu thì dính líu với bạn xấu trong trường. Với thời gian, cậu bị lôi cuốn vào đời sống vô luân. Cậu thú nhận: “Lương tâm cứ giày vò tôi, và tôi phải ngưng dự buổi họp”. Sau đó, cậu đi họp trở lại. Cậu thanh niên đó bộc lộ: “Tôi khám phá ra rằng lý do chính của vấn đề là tôi đói về thiêng liêng. Tôi không học hỏi cá nhân. Vì vậy mà tôi không thể kháng cự được sự cám dỗ. Rồi tôi bắt đầu đọc Tháp Canh Tỉnh Thức! Dần dần tôi lấy lại được sức khỏe thiêng liêng và chỉnh đốn lại lối sống. Đây là một cách làm chứng tốt cho những người chú ý đến sự thay đổi của tôi. Tôi đã làm báp têm và bây giờ rất là sung sướng”. Điều gì giúp cậu thanh niên này có được sức mạnh để vượt qua sự yếu đuối của mình? Cậu hồi phục sức mạnh về thiêng liêng bằng cách đều đặn học hỏi Kinh Thánh cá nhân.

20. Làm sao một người trẻ có thể kháng cự sự tấn công của Sa-tan?

20 Hỡi các bạn trẻ, hiện nay bạn đang bị tấn công! Nếu muốn kháng cự được sự tấn công của Sa-tan, bạn phải đều đặn ăn thức ăn thiêng liêng. Người viết Thi-thiên, hẳn là một người trẻ tuổi, đã hiểu được điều đó. Ông cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài cung cấp Lời Ngài, nhờ vậy ‘người trẻ tuổi có thể làm... đường-lối mình được trong-sạch’.—Thi-thiên 119:9.

Đức Chúa Trời dẫn đến đâu, chúng ta sẽ theo đến đó

21, 22. Tại sao chúng ta không nên kết luận rằng đường lối lẽ thật quá khó?

21 Đức Giê-hô-va dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập để vào Đất Hứa. Con đường Ngài chọn có vẻ gian khổ một cách không đáng, theo quan điểm loài người. Thay vì chọn con đường có vẻ dễ đi và thẳng hơn dọc theo Địa Trung Hải, Đức Giê-hô-va dẫn dân Ngài đi đường sa mạc gian nan. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thực ra là nhân từ nên mới làm điều này. Mặc dù ngắn hơn, con đường cập biển sẽ đưa dân Y-sơ-ra-ên qua đất dân Phi-li-tin dữ dằn. Bằng cách chọn con đường khác, Đức Giê-hô-va tránh cho dân Ngài đụng chạm với dân Phi-li-tin quá sớm.

22 Tương tự như vậy, con đường Đức Giê-hô-va dẫn chúng ta đi ngày nay đôi khi có vẻ khó khăn. Mỗi tuần, chúng ta đều có đầy chương trình hoạt động của tín đồ Đấng Christ, bao gồm việc dự buổi họp hội thánh, học hỏi cá nhân và rao giảng. Những đường khác xem ra có vẻ dễ hơn. Nhưng chỉ khi nào đi theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời thì chúng ta mới đến được nơi mà mình cố hết sức để đến. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục tiếp thụ sự chỉ dạy trọng yếu của Đức Giê-hô-va và đi trên “lối bằng-thẳng” mãi mãi!—Thi-thiên 27:11.

Bạn có thể giải thích không?

Tại sao chúng ta đặc biệt cần đều đặn đi dự các buổi họp?

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con cái chú ý đến buổi họp?

Việc chăm chú lắng nghe bao hàm điều gì?

Điều gì có thể giúp chúng ta bình luận tại buổi họp?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16, 17]

Dự các buổi họp của đạo Đấng Christ giúp chúng ta nhớ ngày của Đức Giê-hô-va

[Các hình nơi trang 18]

Có nhiều cách khác nhau để ca ngợi Đức Giê-hô-va tại buổi họp của đạo Đấng Christ