Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su Christ có thể giúp chúng ta như thế nào?

Chúa Giê-su Christ có thể giúp chúng ta như thế nào?

Chúa Giê-su Christ có thể giúp chúng ta như thế nào?

KHI còn ở trên đất, Chúa Giê-su đã làm nhiều việc thật tuyệt diệu để giúp người ta. Điều này rất đúng, nên sau khi kể lại nhiều sự kiện về đời sống của Chúa Giê-su, một người chứng kiến đã nói: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế-gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy”. (Giăng 21:25) Vì Chúa Giê-su đã làm rất nhiều việc ở trên đất, chúng ta có thể hỏi: ‘Ở trên trời, ngài là Đấng Cầu Thay cho chúng ta như thế nào? Hiện nay chúng ta có thể hưởng lợi ích từ lòng nhân từ thương xót của Chúa Giê-su không?’

Câu trả lời làm ấm lòng và vững dạ vô cùng. Kinh Thánh nói rằng Đấng Christ vào “chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 9:24) Ngài đã làm gì cho chúng ta? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “[Đấng Christ] đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời”.—Hê-bơ-rơ 9:12; 1 Giăng 2:2.

Đó thật là một tin mừng! Việc Chúa Giê-su lên trời không chấm dứt công việc tuyệt diệu ngài làm vì lợi ích của loài người, mà trái lại còn khiến ngài có thể làm nhiều hơn nữa cho họ. Đó là vì Đức Chúa Trời với lòng nhân từ thương xót đã chỉ định Chúa Giê-su “làm chức việc nơi thánh”—thầy tế lễ thượng phẩm—“ngồi bên hữu ngai của Đấng tôn-nghiêm trong các từng trời”.—Hê-bơ-rơ 8:1, 2.

“Làm chức-việc nơi thánh”

Ở trên trời, bấy giờ Chúa Giê-su sẽ làm chức việc nơi thánh cho loài người. Ngài sẽ làm công việc giống như thời xưa thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên đã làm vì lợi ích của những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Công việc đó là gì? Phao-lô giải thích: “Thầy tế-lễ thượng-phẩm đã được lập lên là để dâng lễ-vật và hi-sinh; vậy thì Đấng nầy [Chúa Giê-su Christ đã lên trời] cũng cần phải dâng vật gì”.—Hê-bơ-rơ 8:3.

Vật mà Chúa Giê-su hiến dâng có giá trị bội phần so với những gì thầy tế lễ thượng phẩm thời xưa đã dâng. “Nếu huyết của dê đực bò đực” còn có thể mang lại một mức độ tinh sạch thiêng liêng cho người Y-sơ-ra-ên xưa, thì “huống chi huyết của Đấng Christ... sẽ làm sạch lương-tâm anh em khỏi công-việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!”—Hê-bơ-rơ 9:13, 14.

Chúa Giê-su cũng nổi bật là đấng thi hành chức việc nơi thánh vì ngài được ban cho sự bất tử. Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa “số thầy tế-lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức-vụ”. Nhưng còn Chúa Giê-su thì sao? Phao-lô viết: “Ngài... giữ lấy chức tế-lễ không hề đổi-thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn-vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy”. (Hê-bơ-rơ 7:23-25; Rô-ma 6:9) Đúng vậy, ở bên hữu Đức Chúa Trời trên trời, chúng ta có đấng làm chức việc nơi thánh, ‘hằng sống để cầu thay cho chúng ta’. Hãy thử nghĩ xem điều ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay!

Khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, người ta lũ lượt kéo đến xin ngài giúp đỡ, và đôi khi họ phải vượt qua những đoạn đường dài để nhận được lợi ích này. (Ma-thi-ơ 4:24, 25) Ở trên trời, Chúa Giê-su sẵn sàng đến gần mọi người thuộc mọi nước. Từ vị trí thuận lợi ở trên trời với tư cách đấng làm chức việc nơi thánh, ngài luôn luôn có mặt và sẵn lòng.

Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm như thế nào?

Qua sự miêu tả về Chúa Giê-su ghi trong các sách Phúc Âm, chúng ta chắc chắn rõ về tính hay giúp đỡ và lòng nhân từ thương xót của ngài. Ngài đã hy sinh biết bao vì người khác! Đã nhiều lần sự yên tĩnh của ngài bị phá rối khi ngài và các môn đồ rất cần được nghỉ ngơi. Nhưng thay vì cảm thấy bị cướp mất những giây phút yên tĩnh quý báu, thì “Ngài động lòng thương-xót” đoàn dân tìm đến ngài nhờ giúp đỡ. Ngay cả những lúc Chúa Giê-su mệt mỏi, đói và khát, “Ngài tiếp-đãi dân-chúng” và sẵn sàng bỏ bữa ăn nếu có thể giúp những người tội lỗi nhưng chân thành.—Mác 6:31-34; Lu-ca 9:11-17; Giăng 4:4-6, 31-34.

Động lòng trắc ẩn, Chúa Giê-su làm các việc thiết thực để đáp ứng nhu cầu về thể chất, cảm xúc và thiêng liêng của dân chúng. (Ma-thi-ơ 9:35-38; Mác 6:35-44) Hơn thế, ngài còn dạy họ tìm sự khuây khỏa và an ủi lâu dài. (Giăng 4:7-30, 39-42) Thí dụ, lời mời gọi của ngài thật lôi cuốn làm sao: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:28, 29.

Tình yêu thương của Chúa Giê-su đối với nhân loại lớn đến nỗi cuối cùng ngài đã hy sinh mạng sống mình cho loài người tội lỗi. (Rô-ma 5:6-8) Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô lập luận: “Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?... Đức Chúa Jêsus-Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu-nguyện thế cho chúng ta”.—Rô-ma 8:32-34.

Một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cảm thông

Khi làm người, Chúa Giê-su đã nếm trải sự đói, khát, mệt mỏi, thống khổ, đau đớn và cái chết. Những căng thẳng và áp lực mà ngài đã chịu đựng trang bị cho ngài một cách rất độc đáo để phụng sự với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm nhằm giúp nhân loại đau khổ. Phao-lô viết: “[Chúa Giê-su] phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm, hay thương-xót và trung-tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám-dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám-dỗ vậy”.—Hê-bơ-rơ 2:17, 18; 13:8.

Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài có khả năng và sẵn lòng giúp nhân loại đến gần Đức Chúa Trời hơn. Tuy nhiên, có phải điều ấy có nghĩa là ngài phải ra sức thuyết phục một Đức Chúa Trời nghiêm khắc, nhẫn tâm, miễn cưỡng tha tội không? Chắc chắn là không, vì Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng “Chúa [Giê-hô-va] là thiện, sẵn tha-thứ cho”. Kinh Thánh cũng nói: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành-tín công-bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian-ác”. (Thi-thiên 86:5; 1 Giăng 1:9) Quả thật, những lời nói và cử chỉ dịu dàng của Chúa Giê-su phản ánh chính lòng thương xót, tính nhân từ và tình yêu thương của Cha ngài.—Giăng 5:19; 8:28; 14:9, 10.

Chúa Giê-su mang lại sự khuây khỏa cho những người có tội biết ăn năn như thế nào? Bằng cách giúp họ có được niềm vui và sự thỏa lòng trong những nỗ lực chân thành để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Trong lá thư gửi những anh em tín đồ Đấng Christ được xức dầu, Phao-lô tóm tắt lại bằng cách nói: “Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế-lễ thượng-phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. Vì chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn-phước, hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”.—Hê-bơ-rơ 4:14-16.

“Giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”

Nhưng chúng ta có thể làm gì khi phải đối phó với những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của mình—một chứng bệnh nặng, cảm giác tội lỗi giày vò, chán nản quá đỗi và buồn nản? Chúng ta có thể dùng chính sự cung cấp mà ngay cả Chúa Giê-su cũng đều đặn nương cậy—đặc ân cầu nguyện quý giá. Thí dụ, vào đêm trước khi hy sinh mạng sống ngài cho chúng ta, “Ngài cầu-nguyện càng thiết, mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. (Lu-ca 22:44) Đúng vậy, Chúa Giê-su biết cảm giác thế nào khi khẩn thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Ngài “đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân-đức Ngài, nên được nhậm lời”.—Hê-bơ-rơ 5:7.

Chúa Giê-su biết “được nhậm lời” và được thêm sức quan trọng đến mức nào đối với loài người. (Lu-ca 22:43) Hơn thế, ngài đã hứa: “Điều chi các ngươi sẽ cầu-xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân-danh ta mà ban cho các ngươi... Hãy cầu-xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui-mừng các ngươi được trọn vẹn”. (Giăng 16:23, 24) Vì vậy, chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời với lòng tin chắc rằng Ngài sẽ cho phép Con Ngài áp dụng quyền lực và giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc vì lợi ích chúng ta.—Ma-thi-ơ 28:18.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng trong vai trò ngài ở trên trời, Chúa Giê-su sẽ cung cấp loại giúp đỡ cần thiết đúng lúc. Thí dụ, nếu phạm tội và thành thật hối hận, chúng ta có thể được an ủi nhờ lời bảo đảm rằng “chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ, tức là Đấng công-bình”. (1 Giăng 2:1, 2) Đấng Cầu Thay và An Ủi trên trời sẽ cầu xin thay chúng ta, hầu cho những lời cầu nguyện nhân danh ngài và hợp với Kinh Thánh sẽ được nhậm.—Giăng 14:13, 14; 1 Giăng 5:14, 15.

Tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của Đấng Christ

Việc cầu xin Đức Chúa Trời qua Con Ngài bao hàm nhiều hơn thế nữa. Qua giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc, “Đấng Christ đã chuộc” chúng ta và trở thành “Chúa đã chuộc” toàn thể nhân loại. (Ga-la-ti 3:13; 4:5; 2 Phi-e-rơ 2:1) Chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì Đấng Christ làm cho chúng ta bằng cách thừa nhận rằng ngài làm chủ chúng ta và vui mừng đáp lại lời mời: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập-tự-giá mình mà theo ta”. (Lu-ca 9:23) ‘Tự bỏ mình đi’ không đơn thuần nói là có chủ mới. Suy cho cùng, Đấng Christ “đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình”. (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Thế nên, lòng biết ơn về giá chuộc sẽ ảnh hưởng sâu đậm trên quan điểm, mục đích và đời sống chúng ta. Món nợ vĩnh cửu của chúng ta đối với “Đức Chúa Jêsus-Christ, là Đấng liều mình vì chúng ta”, nên thúc đẩy chúng ta học biết nhiều hơn về ngài và Cha yêu thương của ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nên muốn tiến bộ trong đức tin, sống theo những tiêu chuẩn ích lợi của Đức Chúa Trời và “có lòng sốt-sắng về các việc lành”.—Tít 2:13, 14; Giăng 17:3.

Hội thánh Đấng Christ là phương tiện, qua đó chúng ta nhận thức ăn thiêng liêng, sự khích lệ và sự hướng dẫn đúng giờ. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Hê-bơ-rơ 10:21-25) Thí dụ, nếu người nào bệnh về thiêng liêng, họ có thể “mời các trưởng-lão Hội-thánh đến”. Gia-cơ viết thêm lời bảo đảm: “Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha”.—Gia-cơ 5:13-15.

Để minh họa: Một người đàn ông đang thụ án tù ở Nam Phi viết thư cho một trưởng lão hội thánh bày tỏ sự cảm kích đối với “tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện công việc tốt lành do Chúa Giê-su Christ khởi sự; đó là giúp người ta vươn tới Nước Trời”. Rồi ông viết: “Nhận được thư anh tôi hết sức vui mừng. Mối quan tâm của anh đối với sự cứu rỗi thiêng liêng của tôi đã khiến tôi xúc động sâu xa. Tôi càng có thêm lý do để nghe lời kêu gọi của Đức Giê-hô-va mà ăn năn hối lỗi. Suốt 27 năm tôi vấp ngã và lầm lạc trong bóng tối của tội lỗi, sự lừa đảo, những việc làm ăn phi pháp, thực hành vô luân và tôn giáo khả nghi. Sau khi được giới thiệu với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi cảm thấy cuối cùng đã tìm ra con đường—con đường đúng! Tôi chỉ cứ việc đi theo con đường ấy”.

Có nhiều sự giúp đỡ hơn trong tương lai thật gần

Tình trạng thế gian ngày càng suy thoái là bằng chứng rõ ràng chúng ta đang sống trong giai đoạn quyết liệt trước khi “hoạn-nạn lớn” bùng nổ. Hiện nay, một đám đông từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, và mọi tiếng “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. (Khải-huyền 7:9, 13, 14; 2 Ti-mô-thê 3:1-5) Bằng cách thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, họ nhận được sự tha tội và được giúp đỡ để có mối liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời—thực thế, họ trở thành bạn của Ngài.—Gia-cơ 2:23.

Chiên Con, Chúa Giê-su Christ, “sẽ chăn-giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng”. (Khải-huyền 7:17) Bấy giờ Đấng Christ sẽ thi hành nhiệm vụ của ngài trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cho đến khi hoàn tất. Ngài sẽ giúp tất cả những người bạn của Đức Chúa Trời hưởng lợi ích trọn vẹn từ “những suối nước sống”—về phương diện thiêng liêng, thể chất, tinh thần và cảm xúc. Lúc đó những việc Chúa Giê-su bắt đầu vào năm 33 CN và những gì ngài tiếp tục làm ở trên trời kể từ đó đến nay sẽ được thực hiện trọn vẹn.

Vì thế, đừng bao giờ ngừng tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với tất cả những gì Đức Chúa Trời và Đấng Christ đã—và đang làm—cho chúng ta. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn... Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Phi-líp 4:4, 6, 7.

Có một cách quan trọng để tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giê-su Christ, Đấng Cầu Thay cho chúng ta ở trên trời. Vào ngày Thứ Tư, 19 tháng 4 năm 2000, sau khi mặt trời lặn, Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp đất sẽ nhóm lại để dự Lễ Kỷ Niệm sự chết của Đấng Christ. (Lu-ca 22:19) Đây sẽ là cơ hội làm tăng thêm lòng biết ơn của bạn đối với sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. Chúng tôi nồng nhiệt mời bạn đến dự và nghe nói về sự sắp đặt tuyệt diệu của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi qua Đấng Christ, mà nhờ đó bạn có thể hưởng được lợi ích đời đời. Xin vui lòng kiểm lại với Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương về giờ giấc và địa điểm chính xác của buổi nhóm đặc biệt này.

[Hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su biết cảm giác thế nào khi khẩn thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 8]

Đấng Christ sẽ giúp chúng ta đối phó với những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của mình

[Hình nơi trang 9]

Đấng Christ giúp đỡ chúng ta qua các trưởng lão đầy yêu thương