Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khiêm tốn một đức tính dẫn đến sự hòa thuận

Khiêm tốn một đức tính dẫn đến sự hòa thuận

Khiêm tốn một đức tính dẫn đến sự hòa thuận

Thế giới sẽ dễ chịu biết bao nếu như mọi người đều biểu lộ tính khiêm tốn. Người ta sẽ ít đòi hỏi hơn, những thành viên trong gia đình bớt sinh sự cãi nhau, các công ty bớt cạnh tranh và các quốc gia bớt gây chiến hơn. Bạn có thích sống trong một môi trường như thế không?

TÔI TỚ thật của Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang chuẩn bị sống trong thế giới mới Ngài hứa, nơi đó tính khiêm tốn sẽ được mọi người xem là một đức tính và là sức mạnh chứ không phải là sự yếu đuối. (2 Phi-e-rơ 3:13) Thật vậy, ngay bây giờ họ đang phát huy đức tính khiêm tốn. Tại sao? Đặc biệt vì Đức Giê-hô-va đòi hỏi họ phải có đức tính này. Nhà tiên tri của Ngài là Mi-chê đã viết: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”—Mi-chê 6:8.

Tính khiêm tốn có một số nghĩa, chẳng hạn như không tự phụ, hoặc không kiêu căng và ngần ngại khoe khoang về khả năng, thành quả hoặc tài sản của mình. Theo một tác phẩm tham khảo, khiêm tốn còn có nghĩa “giữ trong giới hạn”. Một người khiêm tốn giữ mình trong phạm vi cư xử lịch sự. Người đó cũng thừa nhận những giới hạn về điều mình nên làm và có thể làm. Người đó biết có những điều không thuộc quyền của mình. Chắc chắn chúng ta thích gần những người khiêm tốn. Joseph Addison, một thi sĩ Anh, đã viết: “Không gì dễ thương hơn tính khiêm tốn thật”.

Những người bất toàn không tự nhiên có tính khiêm tốn. Chúng ta phải nỗ lực phát huy đức tính này. Để khuyến khích chúng ta, Lời Đức Chúa Trời miêu tả một số việc xảy ra cho thấy rõ tính khiêm tốn có nhiều hình thức.

Hai vua khiêm tốn

Một trong những tôi tớ trung thành nhất của Đức Giê-hô-va là Đa-vít, khi còn là thanh niên, ông được xức dầu làm vua tương lai của Y-sơ-ra-ên. Sau đó, Đa-vít chịu áp lực nặng nề vì vua đương kim Sau-lơ tìm cách mưu hại, khiến ông phải sống cuộc đời của kẻ chạy trốn.—1 Sa-mu-ên 16:1, 11-13; 19:9, 10; 26:2, 3.

Ngay cả trong những hoàn cảnh ấy, Đa-vít nhận biết rằng ông không thể đi quá giới hạn khi bảo vệ mạng sống mình. Vào một dịp nọ trong đồng vắng, Đa-vít đã không nghe theo lời A-bi-sai hãm hại Vua Sau-lơ khi ông ta đang ngủ, ông nói rằng: “Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, [“Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va”, NW] chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài!” (1 Sa-mu-ên 26:8-11) Đa-vít biết ông không có quyền truất phế Vua Sau-lơ. Như vậy trong trường hợp này, Đa-vít đã biểu lộ tính khiêm tốn bằng cách giữ mình trong phạm vi cư xử thích đáng. Cũng thế, tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay biết rằng “theo quan điểm của Đức Giê-hô-va” có những điều họ không được phép làm, ngay cả khi tính mạng bị lâm nguy.—Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; 21:25.

Sa-lô-môn, con trai Vua Đa-vít, cũng đã biểu lộ tính khiêm tốn khi còn là thanh niên dù cách thể hiện hơi khác. Khi lên ngôi, Sa-lô-môn cảm thấy mình không đủ năng lực gánh vác trọng trách làm vua. Ông cầu nguyện: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! Bây giờ Chúa đã khiến kẻ tôi-tớ Chúa trị-vì kế Đa-vít, là cha tôi; nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng biết phải ra vào làm sao”. Rõ ràng Sa-lô-môn nhận thấy mình thiếu khả năng và kinh nghiệm. Vậy, ông khiêm tốn, không hề biểu lộ tính kiêu ngạo hoặc tự cao chút nào. Sa-lô-môn xin Đức Giê-hô-va ban cho ông sự sáng suốt, và lời yêu cầu đó được nhậm.—1 Các Vua 3:4-12.

Đấng Mê-si và người dọn đường cho ngài

Sau Sa-lô-môn hơn 1.000 năm, Giăng Báp-tít thực hiện việc dọn đường cho Đấng Mê-si. Với tư cách là người dọn đường cho Đấng Xức Dầu, Giăng làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Ông đã có thể khoe khoang về đặc ân của mình. Giăng cũng có thể tìm cách làm cho mình được tôn trọng vì ông là bà con với Đấng Mê-si. Nhưng Giăng nói với người khác rằng ông không xứng đáng ngay cả mở dây giày cho Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su đến trình diện để làm báp têm nơi Sông Giô-đanh, Giăng nói: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao!” Điều này cho thấy Giăng không phải là người khoe khoang. Ông là người khiêm tốn.—Ma-thi-ơ 3:14; Ma-la-chi 4:5, 6. Lu-ca 1:13-17; Giăng 1:26, 27.

Sau khi làm báp têm, Chúa Giê-su bắt tay vào thánh chức trọn thời gian, rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Dù là người hoàn toàn, Chúa Giê-su nói: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì... Ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta”. Hơn thế, Chúa Giê-su không tìm sự tôn kính của loài người, ngài dâng cho Đức Giê-hô-va mọi vinh dự về những việc mình đã làm. (Giăng 5:30, 41-44) Thật khiêm tốn làm sao!

Vậy, rõ ràng những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va—như Đa-vít, Sa-lô-môn, Giăng Báp-tít và ngay cả người hoàn toàn là Chúa Giê-su Christ—đã biểu lộ tính khiêm tốn. Họ đã không khoe khoang, không tự đắc hoặc kiêu ngạo và họ giữ mình trong phạm vi thích đáng. Gương mẫu của họ đủ để thúc đẩy tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va phát huy và biểu lộ đức tính khiêm tốn. Tuy nhiên, vẫn còn lý do khác để làm thế.

Trong thời kỳ hỗn loạn này của lịch sử loài người, sự khiêm tốn là đức tính có giá trị cao đối với tín đồ thật của Đấng Christ. Nó giúp cho một người hòa thuận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, với người đồng loại và với chính bản thân.

Hòa thuận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời

Chỉ có thể hòa thuận với Đức Giê-hô-va nếu chúng ta ở trong giới hạn mà Ngài quy định cho sự thờ phượng thật. Tổ phụ của chúng ta, A-đam và Ê-va, đã vượt quá giới hạn do Đức Chúa Trời đặt ra và trở thành nạn nhân đầu tiên của sự thiếu khiêm tốn. Họ mất vị thế tốt trước mặt Đức Giê-hô-va, đồng thời mất nơi trú ngụ, tương lai và cả sự sống của mình. (Sáng-thế Ký 3:1-5, 16-19) Họ phải trả giá đắt biết bao!

Chúng ta hãy học hỏi từ sự thất bại của A-đam và Ê-va, vì sự thờ phượng thật đặt ra những giới hạn về cách hành động của chúng ta. Thí dụ, Kinh Thánh tuyên bố rằng “những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, kẻ đắm nam-sắc, kẻ trộm-cướp, kẻ hà-tiện, kẻ say-sưa, kẻ chưởi-rủa, kẻ chắt-bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Vì lợi ích của chúng ta, Đức Giê-hô-va khôn ngoan đặt ra những giới hạn, và chúng ta tỏ ra khôn ngoan bằng cách giữ mình trong vòng những giới hạn đó. (Ê-sai 48:17, 18) Châm-ngôn 11:2 nói: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng [“khiêm tốn”, NW]”.

Nếu một tổ chức tôn giáo bảo rằng chúng ta có thể vượt qua những giới hạn này mà vẫn hòa thuận với Đức Chúa Trời thì sao? Tổ chức đó đang cố lừa dối chúng ta. Mặt khác, tính khiêm tốn giúp chúng ta vun trồng mối liên hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Hòa thuận với người đồng loại

Tính khiêm tốn còn khuyến khích mối quan hệ hòa thuận với người khác. Thí dụ, khi cha mẹ nêu gương trong việc thỏa lòng với những nhu cầu thiết yếu và để việc thiêng liêng lên hàng đầu trong cuộc sống, thì sẽ dễ hơn cho con cái có cùng thái độ. Thế thì những người trẻ sẽ dễ thấy thỏa lòng cho dù họ không luôn luôn có được cái mình muốn. Điều này sẽ giúp họ sống giản dị và gia đình sẽ hòa thuận hơn.

Những ai làm giám thị cần đặc biệt cẩn thận khiêm tốn và không lạm dụng uy quyền của mình. Thí dụ, tín đồ Đấng Christ được dặn bảo: “Chớ vượt qua lời đã chép”. (1 Cô-rinh-tô 4:6) Các trưởng lão hội thánh hiểu rõ họ không được cố ép người khác theo sở thích cá nhân của mình. Thay vì thế, họ dùng Lời Đức Chúa Trời làm căn bản để khuyến khích đường lối đúng đắn trong những vấn đề như cách cư xử, ăn mặc, chải chuốt hoặc giải trí. (2 Ti-mô-thê 3:14-17) Khi những thành viên trong hội thánh quan sát thấy các trưởng lão giữ trong giới hạn của Kinh Thánh, điều này làm tăng lòng kính trọng đối với các anh và góp phần vào tinh thần nhiệt tình, yêu thương và hòa thuận trong hội thánh.

Bình an trong lòng

Những ai thực hành sự khiêm tốn nhận phần thưởng là sự bình an trong lòng. Người khiêm tốn không bị tham vọng nung nấu. Điều này không có nghĩa là người đó không nên có những mục tiêu cá nhân. Thí dụ, anh có thể muốn có thêm đặc ân phụng sự, nhưng anh nên chờ đợi Đức Chúa Trời, và nếu anh nhận được đặc ân nào ấy là do Đức Giê-hô-va ban. Anh không xem như chính anh đạt được. Điều này kéo người khiêm tốn đến gần Đức Giê-hô-va hơn, “Đức Chúa Trời của sự bình-an”.—Phi-líp 4:9.

Giả sử đôi khi chúng ta cảm thấy bị bỏ quên. Bị bỏ quên vì chúng ta khiêm tốn không tốt hơn là gợi sự chú ý đến chính mình một cách thiếu khiêm tốn sao? Những người khiêm tốn không bị tham vọng chi phối. Vì vậy, họ bình an với chính mình, điều này có lợi cho tình trạng an lạc về cảm xúc và thể chất.

Phát huy và duy trì tính khiêm tốn

A-đam và Ê-va bị tính thiếu khiêm tốn khuất phục—một nét mà họ đã truyền cho con cháu. Điều gì có thể giúp chúng ta tránh phạm sai lầm như tổ phụ đầu tiên? Làm thế nào chúng ta có thể phát huy tính khiêm tốn?

Để khởi đầu, một sự hiểu biết chính xác về vị thế của mình đối với Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, sẽ giúp chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi xem những thành đạt nào của mình có thể sánh được với những thành tích của Đức Chúa Trời không? Đức Giê-hô-va hỏi Gióp, tôi tớ trung thành của Ngài: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông-sáng, hãy tỏ-bày đi”. (Gióp 38:4) Gióp đã không thể trả lời được. Chẳng phải tri thức, khả năng và kinh nghiệm của chúng ta hạn hẹp giống như thế hay sao? Thừa nhận những giới hạn của mình không phải có ích cho chúng ta hơn sao?

Hơn thế, Kinh Thánh nói: “Đất và muôn vật trên đất, thế-gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va”. Điều này kể cả “hết thảy thú rừng..., các bầy súc-vật tại trên ngàn núi cũng vậy”. Đức Giê-hô-va có thể nói: “Bạc là của ta, vàng là của ta”. (Thi-thiên 24:1; 50:10; A-ghê 2:8) Tài sản phô trương nào của chúng ta có thể so sánh được với tài nguyên của Đức Giê-hô-va? Ngay cả người giàu nhất cũng không có lý do để khoe khoang về những gì mình sở hữu. Cho nên điều khôn ngoan là nghe theo lời khuyên được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô gửi tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma: “Nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”.—Rô-ma 12:3.

Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, mong muốn vun trồng tính khiêm tốn, chúng ta nên cầu nguyện xin bông trái của thánh linh—lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tự chủ. (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22, 23) Tại sao? Vì mỗi đức tính này sẽ giúp chúng ta dễ tỏ ra khiêm tốn hơn. Thí dụ, yêu thương người đồng loại sẽ giúp chúng ta chống khuynh hướng khoe khoang hoặc tự phụ. Còn tính tự chủ sẽ khiến chúng ta thận trọng suy nghĩ trước khi hành động một cách thiếu khiêm tốn.

Hãy cẩn thận! Chúng ta cần thường xuyên cảnh giác đề phòng cạm bẫy thiếu khiêm tốn. Hai vị vua trong số nói trên chẳng phải lúc nào cũng khiêm tốn. Vua Đa-vít đã hành động hấp tấp khi cho kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên, điều này ngược lại ý muốn của Đức Giê-hô-va. Vua Sa-lô-môn trở nên thiếu khiêm tốn đến nỗi tham dự vào sự thờ phượng sai lầm.—2 Sa-mu-ên 24:1-10; 1 Các Vua 11:1-13.

Hễ hệ thống không tin kính này tồn tại bao lâu, việc tỏ ra khiêm tốn đòi hỏi phải thường xuyên cảnh giác bấy lâu. Tuy nhiên, nỗ lực bỏ ra thật đáng công. Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, xã hội loài người sẽ chỉ gồm những người khiêm tốn. Họ sẽ xem tính khiêm tốn là sức mạnh chứ không là sự yếu đuối. Bấy giờ thật tuyệt diệu làm sao khi mọi người và gia đình được ban phước bình an nhờ tính khiêm tốn!

[Hình nơi trang 23]

Chúa Giê-su khiêm tốn quy cho Đức Giê-hô-va công trạng về mọi việc ngài đã làm