Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh có chứa bộ mã bí mật không?

Kinh Thánh có chứa bộ mã bí mật không?

Kinh Thánh có chứa bộ mã bí mật không?

KHOẢNG hai năm sau khi Thủ Tướng Israel Yitzhak Rabin bị ám sát vào năm 1995, một ký giả đã cho rằng nhờ dùng kỹ thuật vi tính, ông đã khám phá ra một lời tiên đoán về biến cố đó ẩn giấu trong nguyên bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Viên ký giả, tên là Michael Drosnin, viết rằng ông đã tìm cách báo trước cho cố thủ tướng biết một năm trước cuộc ám sát nhưng vô hiệu.

Những sách và bài báo khác nay đã được xuất bản cho rằng bộ mã bí mật là bằng chứng tuyệt đối cho thấy Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Có một bộ mã như thế không? Có nên xem bộ mã bí mật là căn bản để tin Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn không?

Một ý tưởng mới chăng?

Ý tưởng cho rằng trong Kinh Thánh có một bộ mã bí mật không phải là điều mới mẻ. Đó là khái niệm trọng tâm trong thuyết thần bí truyền thống Do Thái, hoặc Cabala. Theo các thầy dạy thuyết Cabala, ý nghĩa giản dị của văn bản Kinh Thánh không phải là ý nghĩa thật sự của nó. Họ tin rằng Đức Chúa Trời đã dùng các chữ cái riêng rẽ trong văn bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ làm những ký hiệu; khi hiểu đúng cách thì những ký hiệu này bộc lộ một chân lý cao cả hơn. Theo quan điểm của họ, mỗi chữ cái Hê-bơ-rơ và vị trí của nó trong văn bản Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời sắp đặt với một dụng ý rõ rệt.

Theo Jeffrey Satinover, một nhà nghiên cứu bộ mã Kinh Thánh, thì những người theo thuyết thần bí Do Thái này tin rằng những chữ cái Hê-bơ-rơ dùng để ghi chép lại lời tường thuật về sự sáng tạo nơi Sáng-thế Ký có một quyền lực thần bí lạ thường. Ông viết: “Nói vắn tắt, Sáng-thế Ký không chỉ đơn thuần là một sự miêu tả; đó chính là công cụ dùng trong công cuộc sáng tạo, một chương trình thiết kế trong trí Đức Chúa Trời biểu hiện dưới dạng vật chất”.

Thầy ra-bi theo thuyết Cabala vào thế kỷ 13, Bachya ben Asher ở Saragossa, Tây Ban Nha, có viết về một số thông tin ẩn giấu mà ông đã khám phá ra bằng cách đọc chữ thứ 42 trong mỗi nhóm 42 chữ cái trong một phần của sách Sáng-thế Ký. Phương pháp đọc nhảy chữ cái theo một trình tự nhất định nhằm khám phá ra các thông điệp ẩn giấu này là căn bản của khái niệm bộ mã Kinh Thánh hiện đại.

Máy tính “tiết lộ” bộ mã

Trước thời đại máy tính, khả năng xem xét văn bản Kinh Thánh theo kiểu này rất hạn hẹp. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 1994, báo Statistical Science đăng một bài báo trong đó Eliyahu Rips thuộc trường đại học Do Thái ở Jerusalem và các đồng sự nghiên cứu của ông đã đưa ra một số lời tuyên bố gây chấn động. Họ giải thích rằng bằng cách loại bỏ tất cả khoảng trống giữa các chữ cái trong văn bản Sáng-thế Ký bằng tiếng Hê-bơ-rơ và đọc nhảy chữ theo một trình tự đồng nhất, họ đã tìm thấy tên của 34 thầy ra-bi nổi tiếng được ghi bằng mật mã trong văn bản, cùng với những thông tin khác, như ngày sinh hoặc ngày chết, nằm gần tên của họ. * Sau nhiều lần trắc nghiệm, những nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng thông tin đã được ghi bằng mật mã nơi Sáng-thế Ký không thể nào là một sự ngẫu nhiên về mặt thống kê—đó là bằng chứng cho thấy thông tin được Đức Chúa Trời soi dẫn này đã được cố tình giấu kín dưới dạng mật mã trong Sáng-thế Ký hàng ngàn năm trước.

Dùng phương pháp này, ký giả Drosnin đã thực hiện các cuộc thử nghiệm riêng của mình, nhằm tìm kiếm các thông tin ẩn giấu trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Theo Drosnin, ông đã tìm thấy tên của Yitzhak Rabin ẩn tàng trong văn bản Kinh Thánh bằng một chuỗi cách mỗi 4.772 chữ cái. Nếu sắp xếp văn bản Kinh Thánh theo hàng ngang, mỗi hàng có 4.772 chữ cái, ông thấy tên của Rabin (đọc theo hàng dọc), cắt ngang một dòng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:42, viết theo hàng ngang) mà Drosnin dịch là “kẻ sát nhân sẽ ám sát”.

Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:42 thật ra nói về một kẻ vô ý giết người. Vì thế, nhiều người đã chỉ trích phương pháp võ đoán của Drosnin, cho rằng các phương pháp phản khoa học của ông có thể được dùng để tìm những thông điệp tương tự như thế trong bất kỳ văn bản nào. Nhưng Drosnin giữ vững lập trường của mình, tung ra lời thách thức này: “Khi nào những người chỉ trích tôi tìm thấy một thông điệp về một vụ ám sát Thủ Tướng ghi bằng mật mã trong [cuốn tiểu thuyết] Moby Dick, tôi sẽ tin”.

Bằng chứng của sự soi dẫn chăng?

Giáo Sư Brendan McKay, thuộc Ban Khoa Học Vi Tính tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, đã nhận lời thách thức của Drosnin và ráo riết nghiên cứu bản tiếng Anh của cuốn Moby Dick trên máy vi tính. * Dùng cùng một phương pháp do Drosnin miêu tả, McKay cho rằng ông đã tìm thấy “những lời tiên đoán” về các vụ ám sát Indira Gandhi, Martin Luther King, Jr., John F. Kennedy, Abraham Lincoln và những người khác nữa. Theo lời của McKay, ông đã khám phá ra rằng cuốn Moby Dick cũng “tiên tri” về cái chết của Yitzhak Rabin.

Trở lại văn bản Sáng-thế Ký viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, Giáo Sư McKay và đồng sự cũng đã đặt nghi vấn về kết quả thí nghiệm của Rips và đồng sự. Họ chỉ trích rằng những kết quả này chủ yếu là do phương pháp và cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu, chứ không cho thấy một thông điệp được soi dẫn được ghi bằng mật mã—sự sắp xếp các dữ kiện phần lớn là do sự tùy tiện của các nhà nghiên cứu. Cuộc tranh cãi giữa giới học giả vẫn còn tiếp diễn về điểm này.

Một đầu đề tranh luận khác nảy sinh khi có người cho rằng các thông điệp ghi bằng mật mã ấy đã được cố tình giấu kín trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ “chuẩn” hay “nguyên thủy”. Rips và các đồng sự nghiên cứu với ông nói rằng họ đã thực hiện cuộc tìm kiếm dựa trên “bản văn Sáng-thế Ký chuẩn, thường được nhiều người chấp nhận”. Drosnin viết: “Tất cả Kinh Thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy hiện có đều giống nhau từng chữ cái một”. Nhưng có phải như vậy không? Thay vì có một bản “chuẩn”, thật ra nhiều ấn bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ khác nhau đang được sử dụng ngày nay, dựa trên các bản chép tay cổ khác nhau. Dù thông điệp của Kinh Thánh không khác đi, các bản chép tay không giống nhau từng chữ cái một.

Nhiều bản dịch ngày nay dựa trên bản Leningrad Codex—bản chép tay trọn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ xưa nhất của người Masorete—được sao chép vào khoảng năm 1000 CN. Nhưng Rips và Drosnin đã dùng một bản khác, gọi là Koren. Shlomo Sternberg, một thầy ra-bi theo phái Chính Thống và nhà toán học tại Đại Học Harvard, giải thích rằng bản Leningrad Codex “khác với ấn bản Koren mà Drosnin dùng đến 41 chữ cái chỉ trong phần Phục-truyền Luật-lệ Ký”. Các cuộn sách được tìm thấy gần Biển Chết chứa đựng nhiều phần Kinh Thánh đã được sao chép lại cách đây hơn 2.000 năm. Lối viết chính tả trong các cuộn sách này khác nhiều so với các văn bản của người Masorete sau này. Trong một số cuộn sách, một số chữ cái được thêm vào nhiều lần để chỉ nguyên âm, vì các dấu chấm thay thế nguyên âm lúc đó chưa được chế ra. Các cuộn sách khác lại dùng ít chữ cái hơn. Khi so sánh tất cả các bản Kinh Thánh chép tay hiện có, người ta thấy rằng ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh vẫn y nguyên. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rõ là cách viết chính tả và số lượng các chữ cái trong các bản văn này khác nhau.

Cuộc tìm kiếm một thông điệp ẩn giấu tin là có trong Kinh Thánh lệ thuộc vào một bản văn tuyệt đối còn y nguyên. Chỉ một chữ cái thay đổi cũng hoàn toàn làm lệch lạc chuỗi chữ cái—và thông điệp, nếu thật sự có thông điệp đó. Đức Chúa Trời đã bảo tồn thông điệp của Ngài qua Kinh Thánh. Nhưng Ngài đã không bảo tồn mỗi chữ cái ở trong đó, như thể Ngài bị ám ảnh bởi các vấn đề nhỏ nhặt như những sự thay đổi về chính tả trải qua các thế kỷ. Điều này cho thấy rằng Ngài đã không giấu một thông điệp nào trong Kinh Thánh, có đúng không?—Ê-sai 40:8; 1 Phi-e-rơ 1:24, 25.

Chúng ta có cần đến một bộ mã bí mật trong Kinh Thánh không?

Sứ đồ Phao-lô viết tỏ tường rằng “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Thông điệp rõ ràng và thẳng thắn ghi trong Kinh Thánh không quá khó hiểu hoặc khó áp dụng, nhưng nhiều người cố ý lờ đi. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:11-14) Những lời tiên tri được trình bày công khai trong Kinh Thánh là bằng chứng vững chắc để tin rằng Kinh Thánh được soi dẫn. * Khác với một bộ mã bí mật, những lời tiên tri trong Kinh Thánh không mang tính võ đoán, và không “lấy ý riêng giải nghĩa được”.—2 Phi-e-rơ 1:19-21.

Sứ đồ Phi-e-rơ viết rằng “chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm Ngài [Chúa Giê-su Christ]”. (2 Phi-e-rơ 1:16) Khái niệm về một bộ mã Kinh Thánh bắt nguồn từ thuyết thần bí Do Thái, dùng các phương pháp “khéo đặt-để” làm lu mờ và bóp méo ý nghĩa giản dị của bản văn Kinh Thánh được soi dẫn. Chính Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ lên án rõ ràng một phương pháp thần bí như thế.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:1-5; 18:9-13.

Chúng ta thật sung sướng biết bao vì có được thông điệp và sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh, có thể giúp chúng ta biết về Đức Chúa Trời! Điều này thật hay hơn nhiều so với việc tìm cách biết về Đấng Tạo Hóa bằng cách tìm kiếm những thông điệp ẩn giấu vốn là sản phẩm của sự suy diễn cá nhân và trí tưởng tượng được máy vi tính trợ giúp.—Ma-thi-ơ 7:24, 25.

[Chú thích]

^ đ. 9 Trong tiếng Hê-bơ-rơ, các trị số cũng có thể được thể hiện bằng chữ cái. Do đó, các ngày tháng này được xác định bằng những chữ cái trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ chứ không phải bằng số.

^ đ. 13 Tiếng Hê-bơ-rơ là một ngôn ngữ không có nguyên âm. Nguyên âm được độc giả thêm vào tùy theo văn cảnh. Nếu bỏ qua văn cảnh, ý nghĩa của một từ có thể hoàn toàn thay đổi bằng cách thêm vào các nguyên âm khác nhau. Tiếng Anh có nguyên âm cố định, nên việc tìm kiếm từ như thế bị khó khăn và hạn chế hơn rất nhiều.

^ đ. 19 Để có thêm chi tiết về việc Kinh Thánh được soi dẫn và những lời tiên tri ở trong đó, xin xem sách mỏng Cuốn sách cho muôn dân, do Hội Tháp Canh xuất bản.