Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những kẻ chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công!

Những kẻ chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công!

Những kẻ chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công!

“Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi”.—GIÊ-RÊ-MI 1:19.

1. Giê-rê-mi nhận được sứ mạng nào, và thánh chức ông kéo dài bao lâu?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA bổ nhiệm người trai trẻ Giê-rê-mi làm nhà tiên tri cho các nước. (Giê-rê-mi 1:5) Điều này xảy ra dưới triều vị vua tốt của nước Giu-đa là Giô-si-a. Thánh chức tiên tri của Giê-rê-mi bao gồm giai đoạn hỗn loạn trước khi Ba-by-lôn chinh phục Giê-ru-sa-lem và tiếp tục trong thời gian dân Đức Chúa Trời bị lưu đày.—Giê-rê-mi 1:1-3.

2. Đức Giê-hô-va củng cố Giê-rê-mi như thế nào, và chống lại nhà tiên tri có nghĩa là gì?

2 Chắc chắn Giê-rê-mi đã gặp chống đối khi rao truyền các thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã củng cố Giê-rê-mi để đương đầu với những điều sẽ xảy ra. (Giê-rê-mi 1:8-10) Chẳng hạn những lời này khích lệ tinh thần của nhà tiên tri: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải-cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy”. (Giê-rê-mi 1:19) Chống lại Giê-rê-mi có nghĩa là chống lại Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đức Giê-hô-va có một nhóm tôi tớ làm công việc tiên tri tương tự như Giê-rê-mi. Giống như Giê-rê-mi, họ dạn dĩ rao truyền lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Và thông điệp này ảnh hưởng đến mọi người và mọi nước, một cách tốt hay xấu là tùy theo phản ứng của họ. Cũng như vào thời Giê-rê-mi, có những kẻ chống lại Đức Chúa Trời bằng cách chống đối các tôi tớ của Ngài và các hoạt động mà Đức Chúa Trời giao phó cho họ.

Tôi tớ Đức Giê-hô-va bị tấn công

3. Tại sao tôi tớ Đức Giê-hô-va bị tấn công?

3 Từ đầu thế kỷ 20, dân sự Đức Giê-hô-va đã bị tấn công. Tại nhiều nước những kẻ ác ý đã tìm cách cản trở—đúng vậy, dập tắt—công việc rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Họ đã bị Kẻ Thù chính của chúng ta là Ma-quỉ kích động, tức kẻ “như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Sau khi “các kỳ dân ngoại” chấm dứt vào năm 1914, Đức Chúa Trời phong Con Ngài lên làm Vua mới của trái đất. Ngài bảo Con: “Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch”. (Lu-ca 21:24; Thi-thiên 110:2) Dùng quyền lực của ngài, Đấng Christ đã trục xuất Sa-tan ra khỏi các từng trời và giới hạn hắn vào vùng phụ cận trái đất. Biết thì giờ còn chẳng bao nhiêu, nên Ma-quỉ đổ cơn giận trên những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ và bạn đồng hành của họ. (Khải-huyền 12:9, 17) Các cuộc tấn công liên miên của những kẻ chống lại Đức Chúa Trời mang lại hậu quả gì?

4. Dân Đức Giê-hô-va đã trải qua những thử thách nào vào thời Thế Chiến I, nhưng điều gì đã xảy ra vào những năm 1919 và 1922?

4 Trong Thế Chiến I, những người được xức dầu đã phải đối phó với nhiều cuộc thử thách đức tin. Họ bị chế giễu và vu khống, bị đám đông đuổi theo và đánh đập. Như Chúa Giê-su nói trước, họ “bị mọi dân ghen-ghét”. (Ma-thi-ơ 24:9) Giữa bầu không khí cuồng chiến, các kẻ thù của Nước Đức Chúa Trời dùng mánh khóe đã từng được sử dụng để nghịch lại Chúa Giê-su Christ. Họ quy tội các Nhân Chứng là những kẻ dấy loạn, và đánh thẳng vào tâm điểm của tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời. Vào tháng 5, 1918, chính quyền liên bang gửi trát bắt giam chủ tịch của Hội, J. F. Rutherford và bảy cộng sự viên thân cận của anh. Tám anh này lãnh án nặng và bị giải đến trại tù liên bang tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ. Chín tháng sau, họ được thả ra. Vào tháng 5, 1919, tòa thượng thẩm phán quyết là các bị cáo đã không được xét xử vô tư, nên đã hủy bỏ phán quyết của tòa dưới. Vụ kiện được hoãn lại để xét xử lần nữa, nhưng sau này, chính quyền đã rút lại việc truy tố, vì vậy anh Rutherford và các cộng sự viên đã hoàn toàn được trắng án. Họ tái hoạt động, và tổ chức các hội nghị tại Cedar Point, Ohio, vào năm 1919 và 1922. Như vậy công việc rao giảng đã được đẩy mạnh thêm.

5. Nhân Chứng Giê-hô-va ra sao ở Đức Quốc Xã?

5 Trong thập niên 1930, các chế độ độc tài nổi lên, và ba cường quốc: Đức, Ý và Nhật hợp lại thành phe Trục. Vào đầu thập niên ấy, đặc biệt ở Đức Quốc Xã, dân sự của Đức Chúa Trời đã bị bắt bớ vô cùng dã man. Lệnh cấm đoán được ban hành. Nhà cửa của các Nhân Chứng bị lục soát, những người ở trong nhà bị bắt. Hàng ngàn người đã bị đưa đi các trại tập trung vì không chịu chối bỏ đức tin. Các chính quyền chống lại Đức Chúa Trời và dân Ngài bằng cách nhắm thẳng vào việc càn quét Nhân Chứng Giê-hô-va ra khỏi lãnh địa chuyên chế của họ. * Khi Nhân Chứng Giê-hô-va ra tòa ở Đức để tranh đấu cho quyền lợi của mình, Bộ Tư Pháp của Đức Quốc Xã đã biên soạn một bản cáo trạng dài để bảo đảm rằng Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ không thắng được. Bản đó nói: “Tòa án không thể thất bại chỉ vì các thủ tục pháp lý bề ngoài; nhưng phải tìm cách vượt qua những khó khăn này để thi hành nhiệm vụ quan trọng của mình”. Điều này có nghĩa là không thể nào có một phán quyết công minh. Phe Quốc Xã cứ nhất định cho rằng hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va là chống đối chính phủ, và ‘phá rối cơ cấu Xã Hội Quốc Gia’.

6. Có những cố gắng nào để chận đứng công việc chúng ta trong Thế Chiến II và sau đó?

6 Trong Thế Chiến II, lệnh cấm và hạn chế được ban hành nghịch lại dân Đức Chúa Trời ở Úc, Canada và những nước khác thuộc Khối Liên Hiệp Thịnh Vượng Anh—tại Phi Châu, Á Châu và các hải đảo vùng Biển Caribbean và vùng Thái Bình Dương. Ở Hoa Kỳ, các kẻ thù có uy thế và những kẻ bị tuyên truyền lệch lạc cậy vào “luật-pháp toan sự thiệt-hại”. (Thi-thiên 94:20) Vấn đề chào cờ và các lệnh cấm rao giảng từ nhà này sang nhà kia ở một số cộng đồng đã được tranh tụng ở tòa án, và các quyết định thuận lợi của tòa án tại Hoa Kỳ đã dựng lên một bức tường ủng hộ sự tự do tín ngưỡng. Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, các nỗ lực của kẻ thù đã không thành. Khi chiến tranh kết thúc ở Âu Châu, các lệnh cấm đã bị bãi bỏ. Hàng ngàn Nhân Chứng bị cầm tù trong các trại tập trung được trả tự do, nhưng sự chống đối chưa dừng lại. Ngay sau khi Thế Chiến II kết thúc, Chiến Tranh Lạnh mở màn. Các nước Đông Âu tiếp tục gây áp lực cho dân tộc Đức Giê-hô-va. Các nhà cầm quyền bắt đầu thi hành biện pháp nhằm can thiệp và chận đứng hoạt động rao giảng của chúng ta, cản trở việc lưu hành các ấn phẩm, cấm đoán các cuộc hội họp công cộng. Nhiều người đã bị cầm tù hoặc đày đi các trại lao động.

Tiếp tục công việc rao giảng!

7. Trong những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va đã trải qua kinh nghiệm nào ở Ba Lan, Nga và những nước khác?

7 Sau nhiều thập niên trôi qua, công việc rao giảng Nước Trời được mở ra. Nước Ba Lan, dù còn ở dưới chế độ Cộng Sản, đã cho phép tổ chức các hội nghị một ngày vào năm 1982. Các hội nghị quốc tế được tổ chức ở đó vào năm 1985. Các hội nghị quốc tế đông đảo tiếp theo sau đó vào năm 1989, với hàng ngàn người từ Nga và Ukraine đến dự. Cũng trong năm đó, nước Hung-ga-ri và Ba Lan chính thức thừa nhận Nhân Chứng Giê-hô-va. Bức Tường Berlin sụp đổ vào mùa thu năm 1989. Vài tháng sau, chúng ta được chính thức thừa nhận ở Đông Đức và ít lâu sau đó, một hội nghị quốc tế được tổ chức ở Berlin. Vào đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đã có những nỗ lực nhằm liên lạc trực tiếp với anh em ở Nga. Các anh đã đến tiếp xúc một số nhà chức trách ở Moscow, và vào năm 1991, Nhân Chứng Giê-hô-va được đăng ký theo luật định. Kể từ đó, công việc rao giảng đã bành trướng rộng lớn ở Nga, cũng như ở các nước cộng hòa trước kia nằm trong Liên Bang Xô Viết cũ.

8. Điều gì xảy ra cho dân Đức Giê-hô-va trong 45 năm sau khi Thế Chiến II chấm dứt?

8 Tuy đã lắng dịu ở một số nơi, nhưng sự bắt bớ lại gia tăng ở những nơi khác. Trong 45 năm sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, nhiều nước từ chối chính thức thừa nhận Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta hoặc các hoạt động của chúng ta bị cấm đoán tại 23 nước ở Phi Châu, 9 nước ở Á Châu, 8 nước ở Âu Châu, 3 nước ở Châu Mỹ La-tinh và 4 hải quốc.

9. Tôi tớ Đức Giê-hô-va trải qua điều gì ở Malawi?

9 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Malawi đã trải qua các cuộc bắt bớ man rợ kể từ năm 1967. Vì muốn giữ vị thế trung lập của tín đồ thật của Đấng Christ, anh em ở nước đó đã từ chối mua thẻ đảng viên chính trị. (Giăng 17:16) Sau phiên nhóm của Đảng Quốc Hội Malawi vào năm 1972, các Nhân Chứng lại bị đối xử tàn nhẫn hơn nữa. Các anh em bị đuổi ra khỏi nhà và bị mất việc. Hàng ngàn người phải trốn khỏi nước để tránh bị giết. Nhưng những kẻ chống lại Đức Chúa Trời và dân tộc Ngài có thành công không? Hoàn toàn không! Sau khi tình thế đảo ngược, Malawi báo cáo số công bố cao nhất là 43.767 người vào năm 1999, và đã có hơn 120.000 người dự hội nghị địa hạt tại nước đó. Một văn phòng chi nhánh mới đã được xây tại thủ đô.

Họ tìm cớ

10. Như trong trường hợp của Đa-ni-ên, thời nay những kẻ chống đối dân Đức Chúa Trời đã làm gì?

10 Những kẻ bội đạo, hàng giáo phẩm và những kẻ khác không chịu được khi nghe thông điệp của chúng ta đến từ Lời Đức Chúa Trời. Dưới áp lực của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, những kẻ chống đối tìm cách mà họ cho là hợp pháp để bào chữa cho việc họ chống đối chúng ta. Những thủ đoạn nào đôi khi đã được sử dụng? Thời xưa, những kẻ chủ mưu làm gì để tấn công nhà tiên tri Đa-ni-ên? Chúng ta đọc nơi Đa-ni-ên 6:4, 5: “Các quan thượng-thơ và trấn-thủ bèn tìm cớ kiện Đa-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung-thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu. Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Đa-ni-ên nầy, nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật-pháp Đức Chúa Trời nó”. Ngày nay cũng thế, những kẻ chống đối tìm kiếm một cái cớ. Họ la ầm ĩ về “giáo phái nguy hiểm” và họ chụp mũ Nhân Chứng Giê-hô-va với cái tên ấy. Qua việc tuyên truyền lệch lạc, nói bóng gió và vu cáo giả dối, họ tấn công cách thờ phượng của chúng ta, cũng như việc chúng ta tuân theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời.

11. Một số người chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va đưa ra những điều tuyên bố giả dối nào?

11 Trong một số nước, các phần tử tôn giáo và chính trị không muốn thừa nhận rằng chúng ta thực hành “sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời... chúng ta”. (Gia-cơ 1:27) Dù chúng ta đang thực hiện hoạt động của tín đồ Đấng Christ ở 234 nước, những kẻ chống đối đã tuyên bố rằng chúng ta không phải là “một tôn giáo được công nhận”. Chẳng bao lâu trước một hội nghị quốc tế năm 1998, một nhật báo tại Athens trích dẫn lời tuyên bố của tu sĩ Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cho rằng “[Nhân Chứng Giê-hô-va] không phải là một ‘tôn giáo được công nhận’ ”, dù Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu đã đưa ra phán quyết ngược lại. Vài ngày sau, một nhật báo khác trong cùng thành phố đó tường thuật lại lời một phát ngôn nhân của giáo hội: “[Nhân Chứng Giê-hô-va] không thể nào là ‘một hội thánh Đấng Christ’ được vì họ không có điểm chung nào với đạo liên quan đến Chúa Giê-su Christ”. Điều này quả là kỳ lạ, vì không một nhóm tôn giáo nào khác nhấn mạnh đến việc noi gương Chúa Giê-su hơn là Nhân Chứng Giê-hô-va!

12. Trong trận chiến thiêng liêng, chúng ta phải làm gì?

12 Chúng ta tìm cách dùng pháp lý để bênh vực và củng cố tin mừng. (Phi-líp 1:7, NW) Hơn nữa, chúng ta sẽ không nhượng bộ hoặc bớt giữ vững các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. (Tít 2:10, 12) Giống như Giê-rê-mi, chúng ta cần phải ‘thắt lưng và bảo cho người ta biết mọi sự mà Đức Giê-hô-va truyền cho chúng ta’, không để cho những kẻ chống lại Đức Chúa Trời làm chúng ta khiếp sợ. (Giê-rê-mi 1:17, 18) Lời Thánh của Đức Giê-hô-va đã vạch rõ cho chúng ta đường đúng để theo. Chúng ta đừng bao giờ nên cậy vào “cánh tay xác-thịt” yếu đuối hoặc tìm kiếm “nơi ẩn-náu dưới bóng Ê-díp-tô”, tức là thế gian này. (2 Sử-ký 32:8; Ê-sai 30:3; 31:1-3) Trong trận chiến thiêng liêng, chúng ta phải tiếp tục hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, để Ngài chỉ dẫn các bước của chúng ta và chớ cậy nơi sự thông sáng của mình. (Châm-ngôn 3:5-7) Tất cả công việc của chúng ta đều sẽ “luống công” trừ phi được Đức Giê-hô-va ủng hộ và che chở.—Thi-thiên 127:1.

Bị ngược đãi nhưng không nhượng bộ

13. Tại sao có thể nói cuộc tấn công của Sa-tan chống lại Chúa Giê-su đã thất bại?

13 Gương mẫu bậc nhất về lòng trung thành không chịu nhượng bộ là Chúa Giê-su, Đấng đã từng bị vu cáo là dấy loạn và phá rối trật tự xã hội. Sau khi xét xử, Phi-lát sẵn lòng thả Chúa Giê-su ra. Nhưng đoàn dân đông bị các nhà lãnh đạo tôn giáo xui giục, la hét đòi phải đóng đinh Chúa Giê-su dù ngài vô tội. Thay vì thả Chúa Giê-su, họ yêu cầu thả Ba-ra-ba—một kẻ đã bị tống giam vì tội dấy loạn và giết người! Lần nữa, Phi-lát lại cố khuyên can những kẻ chống đối phi lý nhưng cuối cùng ông ta cũng nhượng bộ trước sự la hét của dân chúng. (Lu-ca 23:2, 5, 14, 18-25) Dù Chúa Giê-su chết trên cây khổ hình, cuộc tấn công ghê tởm nhất của Sa-tan chống lại Con vô tội của Đức Chúa Trời đã thất bại hoàn toàn, vì Đức Giê-hô-va đã cho Chúa Giê-su sống lại và nâng ngài lên bên hữu mình. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần 33 CN, qua trung gian Chúa Giê-su vinh hiển, thánh linh đã được đổ xuống, và hội thánh Đấng Christ được thành lập—“sự sáng tạo mới”.—2 Cô-rinh-tô 5:17, NW; Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4.

14. Khi phần tử tôn giáo Do Thái chống lại môn đồ của Chúa Giê-su thì kết quả ra sao?

14 Ít lâu sau đó, phần tử tôn giáo đe dọa các sứ đồ, nhưng các môn đồ đó của Đấng Christ vẫn không ngừng nói về những điều họ đã thấy và nghe. Môn đồ Chúa Giê-su cầu nguyện: “Xin Chúa xem-xét sự họ ngăm-dọa, và ban cho các đầy-tớ Ngài rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ”. (Công-vụ các Sứ-đồ 4:29) Đức Giê-hô-va đáp lời nài xin của họ bằng cách khiến họ đầy dẫy thánh linh và ban thêm sức để họ tiếp tục dạn dĩ rao giảng. Chẳng bao lâu thì các sứ đồ lại bị cấm rao giảng lần nữa, nhưng Phi-e-rơ và những sứ đồ khác trả lời: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29) Đe dọa, tù đày và đánh đập không thể ngăn cản họ bành trướng hoạt động về Nước Trời.

15. Ga-ma-li-ên là ai, và ông khuyên những người chống đối môn đồ Chúa Giê-su điều gì?

15 Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phản ứng thế nào? “Họ... nghiến-ngầm,... bàn mưu giết các sứ-đồ”. Tuy nhiên, một thầy dạy Luật tên là Ga-ma-li-ên, một người Pha-ri-si, được tất cả dân chúng kính trọng cũng có mặt tại đó. Ông truyền đưa các sứ đồ ra ngoài phòng xét xử của Tòa Công Luận một lát, và khuyên bảo những kẻ chống đối tôn giáo: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy cẩn-thận về điều các ngươi sẽ xử với những người nầy... Nay ta khuyên các ngươi: Hãy lánh xa những người đó, để mặc họ đi. Vì nếu mưu-luận và công-cuộc nầy ra bởi người ta, thì sẽ tự hư đi; nhưng nếu bởi Đức Chúa Trời ra, thì các ngươi phá-diệt những người đó chẳng nổi, và lại là liều mình đánh giặc cùng Đức Chúa Trời”.—Công-vụ các Sứ-đồ 5:33-39.

Vũ khí chế ra nghịch với chúng ta sẽ chẳng thành công

16. Bằng lời riêng, bạn diễn tả sự bảo đảm mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài như thế nào?

16 Lời khuyên của Ga-ma-li-ên là hợp lý, và chúng ta cảm kích khi có những người lên tiếng bênh vực chúng ta. Chúng ta cũng thừa nhận rằng một số thẩm phán có tinh thần không thiên vị đã đưa ra những phán quyết nhằm ủng hộ quyền tự do tín ngưỡng. Dĩ nhiên, việc chúng ta theo sát Lời Đức Chúa Trời làm khó chịu hàng giáo phẩm của các giáo hội tự xưng theo Đấng Christ và những nhà lãnh đạo tôn giáo khác của Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 18:1-3) Dù họ cùng với những người chịu ảnh hưởng của họ chống lại chúng ta, chúng ta có sự bảo đảm này: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi, và ngươi sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét-đoán ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Ấy là phần cơ-nghiệp của các tôi-tớ Đức Giê-hô-va, và sự công-bình bởi ta ban cho họ”.—Ê-sai 54:17.

17. Dù những kẻ chống đối nghịch lại chúng ta, tại sao chúng ta vẫn can đảm?

17 Kẻ thù chống lại chúng ta cách vô cớ, nhưng chúng ta không để mất can đảm. (Thi-thiên 109:1-3) Chúng ta không bao giờ để cho những kẻ ghét thông điệp Kinh Thánh làm chúng ta khiếp sợ để rồi hòa giải đức tin của chúng ta. Dù biết là trận chiến thiêng liêng ngày càng gay go thêm, nhưng chúng ta biết kết cuộc sẽ ra sao. Như Giê-rê-mi, chúng ta sẽ thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri này: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải-cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy”. Đúng vậy, chúng ta biết rằng những kẻ chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công!

[Chú thích]

^ đ. 5 Xem bài “Trung thành và quả cảm trước sự đàn áp của Quốc Xã”, trang 24-28.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao tôi tớ Đức Giê-hô-va bị tấn công?

• Người ta chống đối dân Đức Giê-hô-va qua những cách nào?

• Tại sao chúng ta có thể chắc chắn những người chống lại Đức Chúa Trời sẽ không thành công?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Đức Giê-hô-va bảo đảm với Giê-rê-mi là Ngài ở cùng ông

[Hình nơi trang 18]

Những người sống sót qua trại tập trung

[Hình nơi trang 18]

Đám đông hành hung Nhân Chứng Giê-hô-va

[Hình nơi trang 18]

Anh J. F. Rutherford và các cộng sự viên

[Hình nơi trang 21]

Trong trường hợp của Chúa Giê-su, những kẻ chống lại Đức Chúa Trời đã không thành công