Trung thành và quả cảm trước sự đàn áp của quốc xã
Trung thành và quả cảm trước sự đàn áp của quốc xã
Vào ngày 17 tháng 6 năm 1946, Nữ Hoàng Wilhelmina của Hà Lan gửi một thông điệp chia buồn đến một gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va tại Amsterdam. Mục đích của lá thư là bày tỏ sự thán phục của bà đối với người con trai của gia đình, Jacob van Bennekom, đã bị Quốc Xã hành hình trong Thế Chiến II. Cách đây vài năm, hội đồng thành phố Doetinchem, một thị trấn ở phía đông nước Hà Lan, đã quyết định đặt tên một con đường là Bernard Polman, cũng là một Nhân Chứng Giê-hô-va đã bị hành hình trong chiến tranh.
TẠI SAO Quốc Xã đã chống lại Jacob, Bernard và các Nhân Chứng Giê-hô-va khác tại Hà Lan trong Thế Chiến II? Và điều gì đã giúp những Nhân Chứng này giữ lòng trung thành qua nhiều năm bắt bớ tàn nhẫn và cuối cùng được Nữ Hoàng và người đồng hương kính trọng và thán phục? Để tìm ra lý do, chúng ta hãy ôn lại một số biến cố dẫn đến cuộc chạm trán theo kiểu Đa-vít địch lại Gô-li-át giữa một nhóm nhỏ Nhân Chứng Giê-hô-va và guồng máy chiến tranh Quốc Xã khổng lồ.
Bị cấm đoán—Nhưng lại tích cực hơn bao giờ
Vào ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân đội Quốc Xã thình lình tấn công Hà Lan. Vì ấn phẩm do Nhân Chứng Giê-hô-va phân phát đã phơi bày các hành động gian ác của Quốc Xã và bênh vực Nước Đức Chúa Trời, Quốc Xã đã lập tức tìm cách đình chỉ các hoạt động của Nhân Chứng. Không đầy ba tuần lễ sau khi Quốc Xã xâm chiếm Hà Lan, họ đã ra mật chiếu cấm đoán Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1941, một thiên phóng sự báo chí đã loan tin cấm đoán, buộc tội Nhân Chứng tung ra một chiến dịch “chống lại tất cả các tổ chức của nhà thờ và
nhà nước”. Do đó, việc săn lùng Nhân Chứng càng gắt gao.Điều đáng chú ý là, mặc dù tổ chức khét tiếng Gestapo, hay cảnh sát mật, đã giám sát tất cả các giáo hội, nhưng lại chỉ bắt bớ dữ dội một tổ chức tín đồ Đấng Christ duy nhất. Tiến sĩ Louis de Jong, sử gia Hà Lan, nêu rõ: “Bắt bớ cho đến chết chỉ đánh vào một nhóm tôn giáo—Nhân Chứng Giê-hô-va”.—Het Koninkrik der Nederlanden in de Tweede Wereldoorlog (Vương quốc Hà Lan trong Thế Chiến Thứ Hai).
Tổ chức Gestapo có được sự hợp tác của cảnh sát Hà Lan để phát hiện và bắt giam Nhân Chứng. Ngoài ra, một giám thị lưu động đã vì sợ hãi mà bội đạo và cung cấp tin tức cho Quốc Xã về các anh em cùng đạo trước đây của mình. Vào cuối tháng 4 năm 1941, 113 Nhân Chứng đã bị bắt. Cuộc tấn công dữ dội này có chặn đứng các hoạt động rao giảng không?
Câu trả lời nằm trong tờ Meldungen aus den Niederlanden (Báo cáo từ Hà Lan), một tư liệu mật do Sicherheitspolizei (Cảnh Sát An Ninh) của Đức soạn thảo vào tháng 4 năm 1941. Bản báo cáo nói về Nhân Chứng Giê-hô-va: “Giáo phái bị cấm này đã hoạt động tích cực khắp nước, tổ chức nhóm họp bất hợp pháp, dán truyền đơn mang các khẩu hiệu như ‘Bắt bớ Nhân Chứng của Đức Chúa Trời là một tội ác’, và ‘Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt đời đời và trừng phạt những kẻ bắt bớ ’ ”. Hai tuần sau, cùng nguồn thông tin đó đã tường thuật rằng “mặc dầu Cảnh Sát An Ninh tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt chống lại hoạt động của các Học Viên Kinh Thánh, nhưng hoạt động của họ vẫn tiếp tục gia tăng”. Đúng vậy, bất kể nguy cơ bị bắt giam, các Nhân Chứng vẫn tiếp tục công tác của họ, riêng trong năm 1941 đã phân phát hơn 350.000 ấn phẩm cho công chúng!
Điều gì đã giúp cho một nhóm tuy nhỏ nhưng ngày càng lớn gồm vài trăm Nhân Chứng dũng cảm đương đầu với kẻ thù đáng sợ của mình? Giống như nhà tiên tri trung thành Ê-sai thời xưa, các Nhân Chứng kính sợ Đức Chúa Trời, không sợ loài người. Tại sao? Bởi vì họ tin chắc lời hứa trấn an của Đức Giê-hô-va nói với Ê-sai: “Ta, chính ta, là Đấng yên-ủi các ngươi. Ngươi là ai, mà sợ loài người hay chết?”—Ê-sai 51:12.
Sự quả cảm đáng kính trọng
Vào cuối năm 1941, số Nhân Chứng bị bắt giữ đã tăng tới 241. Tuy nhiên, chỉ một ít người đã nhượng bộ vì sợ loài người. Willy Lages, một cảnh sát mật khét tiếng của Đức, có lần được trích dẫn đã nói rằng “90 phần trăm Nhân Chứng Giê-hô-va không chịu tiết lộ bất cứ điều gì, trong khi
các nhóm tôn giáo khác tỉ lệ phần trăm có nghị lực để giữ im lặng rất nhỏ”. Lời nhận xét của Johannes J. Buskes, một tu sĩ Hà Lan đã bị bỏ tù với một số Nhân Chứng, xác nhận câu nói của Lages. Vào năm 1951, Buskes viết:“Vào lúc đó, tôi rất kính trọng họ vì sự tin cậy của họ nơi Đức Chúa Trời và quyền lực của đức tin họ. Tôi sẽ không bao giờ quên người trẻ—hồi đó anh khoảng 19 tuổi—đã phân phát sách mỏng tiên đoán về sự sụp đổ của Hitler và Đệ Tam Đế Quốc... Đáng lý anh có thể được thả ra trong vòng nửa năm ở tù nếu anh hứa không hoạt động nữa. Anh đã dứt khoát từ chối, và bị kết án khổ sai chung thân ở Đức. Chúng tôi biết rõ điều đó có ý nghĩa gì. Sáng hôm sau khi anh bị dẫn đi, chúng tôi ngỏ lời tạm biệt anh, tôi nói với anh chúng tôi sẽ nhớ đến anh và cầu nguyện cho anh. Câu trả lời duy nhất của anh là: ‘Đừng lo lắng về tôi. Nước Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đến’. Ta không thể nào quên niềm tin vững mạnh như thế, cho dù mình không ngớt phản đối các dạy dỗ của những Nhân Chứng Giê-hô-va này”.
Bất kể sự chống đối tàn nhẫn, số Nhân Chứng tiếp tục gia tăng. Trong khi chỉ có vỏn vẹn 300 người ít lâu trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ, số lượng tăng lên đến 1.379 trong năm 1943. Đáng buồn thay, cũng vào cuối năm đó, 54 trong số hơn 350 Nhân Chứng bị bắt giữ đã chết trong các trại tập trung khác nhau. Tính đến năm 1944, có 141 Nhân Chứng Giê-hô-va người Hà Lan vẫn còn bị giam trong các trại tập trung.
Năm cuối cùng của sự bắt bớ của Quốc Xã
Sau D-day, ngày 6 tháng 6 năm 1944, sự bắt bớ Nhân Chứng bước vào năm cuối cùng. Về mặt quân sự, Quốc Xã và những người cộng tác với họ bị dồn vào thế bí. Điều hợp lý là trong tình thế này Quốc Xã sẽ từ bỏ việc săn lùng các tín đồ Đấng Christ vô tội. Tuy nhiên, trong năm đó, có 48 Nhân Chứng khác bị bắt giữ, và có thêm 68 Nhân Chứng đang ở tù bị mất mạng. Jacob van Bennekom, được đề cập ở trên, là một trong số đó.
Jacob, 18 tuổi, có trong số 580 người đã làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va trong năm 1941. Sau đó không lâu, anh đã bỏ việc làm có lợi nhuận cao bởi vì công việc này buộc phải đánh mất sự trung lập của tín đồ Đấng Christ. Anh nhận công việc là một người đưa tin và bắt đầu làm người truyền giáo trọn thời gian. Trong khi vận chuyển ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, anh bị bắt và bị giam giữ. Vào tháng 8 năm 1944, Jacob đã 21 tuổi, từ một nhà tù ở Rotterdam anh viết thư về cho gia đình:
“Hiện nay con vẫn khỏe và tràn đầy vui mừng... Cho tới nay con đã bị thẩm vấn bốn lần. Hai lần đầu rất gắt gao, và con đã bị đánh đập thậm tệ, nhưng nhờ sức mạnh và ân điển của Chúa, cho tới nay con đủ sức không tiết lộ bất cứ điều gì... Ở đây con đã có thể nói bài giảng, sáu bài cả thảy, có tổng cộng 102 người nghe. Một số trong những người nghe này tỏ ra chú ý nhiều và hứa rằng họ sẽ tiếp tục tìm hiểu ngay khi họ được thả”.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 1944, Jacob bị đưa đi trại tập trung tại thành phố Amersfoort ở Hà Lan. Thậm chí ở tại đó anh vẫn tiếp tục giảng. Bằng cách nào? Một bạn tù với anh nhớ lại: “Các tù nhân đã nhặt lại các mẩu thuốc lá mà các lính gác ném đi và dùng các trang của một cuốn Kinh Thánh làm giấy vấn thành điếu thuốc. Đôi khi Jacob có dịp đọc một vài lời trong một trang Kinh Thánh sắp sửa được dùng để cuộn thành điếu thuốc. Ngay tức thì, anh dùng những lời này làm căn bản để giảng cho chúng tôi. Chẳng bao lâu, chúng tôi đặt cho Jacob một biệt danh ‘Người hùng Kinh Thánh’ ”.
Vào tháng 10 năm 1944, Jacob nằm trong nhóm đông các tù nhân được lệnh đào hố bẫy xe tăng. Jacob từ chối làm công việc này vì lương tâm anh không cho phép ủng hộ nỗ lực chiến tranh. Mặc dù thường xuyên bị lính gác hăm dọa, anh vẫn không nhượng bộ. Vào ngày 13 tháng 10, một sĩ quan đem anh từ nơi biệt giam trở lại công trường. Một lần nữa, Jacob giữ vững lập trường. Cuối cùng, Jacob được lệnh đào mộ cho chính mình rồi bị bắn chết.
Việc săn lùng Nhân Chứng tiếp tục
Lập trường can đảm của Jacob và các Nhân Chứng khác khiến cho Quốc Xã phẫn nộ và mở một cuộc săn lùng khác nhắm vào Nhân Chứng. Một trong những con mồi của họ là Evert Kettelarij, 18 tuổi. Ban đầu, Evert còn thoát khỏi và chạy trốn, nhưng sau đó anh bị bắt giam và bị đánh đập dữ dội buộc anh phải cung cấp tin tức về các Nhân Chứng khác. Anh đã từ chối và bị chuyển đi cưỡng bức lao động tại Đức.
Cùng tháng đó, tháng 10 năm 1944, cảnh sát tìm kiếm anh rể của Evert, Bernard Luimes. Khi họ tìm thấy anh, anh đang ở chung với
hai Nhân Chứng khác—Antonie Rehmeijer và Albertus Bos. Albertus trước đó đã từng trải qua 14 tháng trong một trại tập trung. Tuy nhiên, khi được thả ra, anh sốt sắng bắt đầu rao giảng trở lại. Trước tiên ba người bị Quốc Xã đánh đập tàn nhẫn, và sau đó bị bắn chết. Chỉ sau khi chiến tranh chấm dứt, xác họ mới được tìm thấy và an táng lại. Ít lâu sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều nhật báo địa phương đã tường thuật vụ hành hình này. Một trong các nhật báo này viết rằng ba Nhân Chứng đã nhất quán từ chối phục vụ Quốc Xã khi điều đó đi ngược lại với luật pháp của Đức Chúa Trời và thêm rằng “vì điều này họ đã phải trả giá bằng mạng sống mình”.Trong khi đó, vào ngày 10 tháng 11 năm 1944, Bernard Polman, đã đề cập ở trên, bị bắt giữ và bị đưa đi làm việc cho một dự án quân sự. Anh là Nhân Chứng duy nhất trong số những người bị cưỡng bức lao động và là người duy nhất từ chối làm công việc này. Các lính canh đã thử nhiều biện pháp nhằm khiến anh nhượng bộ. Anh đã bị bỏ đói. Anh cũng bị đánh tàn nhẫn bằng dùi cui, bằng thuổng và báng súng. Ngoài ra, anh còn bị cưỡng bức lội qua nước lạnh giá ngập đến đầu gối, sau đó bị giam trong một tầng hầm ẩm ướt, bị mặc quần áo ướt qua đêm ở đó. Tuy nhiên, Bernard vẫn không nhượng bộ.
Trong thời gian đó, hai người chị của Bernard, không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va, được phép vào thăm anh. Họ đã cố thuyết phục anh đổi ý, nhưng anh không hề lay chuyển. Khi hai người chị hỏi Bernard họ có thể làm gì cho anh, anh đề nghị rằng họ hãy về và học Kinh Thánh. Sau đó những kẻ bắt bớ anh cho vợ anh đang mang thai vào thăm, hy vọng chị sẽ phá tan sức kháng cự của anh. Nhưng sự có mặt và những lời can đảm của chị chỉ củng cố niềm cương quyết của Bernard để trung thành với Đức Chúa Trời. Vào ngày 17 tháng 11 năm 1944, Bernard bị năm người tra tấn bắn anh trước sự chứng kiến của tất cả các người bị cưỡng bức lao động khác. Ngay sau khi Bernard chết, và thân thể của anh đã bị bắn thủng nhiều lỗ rồi, người sĩ quan phụ trách giận điên lên đến nỗi rút súng lục và bắn Bernard xuyên qua cả hai mắt anh.
Mặc dù sự đối xử tàn bạo này làm kinh ngạc các Nhân Chứng biết về sự hành hình, họ vẫn trung thành, không sợ hãi và tiếp tục tiến tới trong hoạt động tín đồ Đấng Christ. Một hội thánh nhỏ Nhân Chứng Giê-hô-va, gần khu vực Bernard bị giết, ít lâu sau cuộc hành hình đã tường thuật: “Tháng này, bất kể thời tiết ẩm ướt và đầy dông tố cùng các khó khăn mà Sa-tan gây ra cho chúng tôi, chúng tôi đã có thể thắng thế nhiều. Số giờ rao giảng tăng từ 429 lên tới 765... Trong khi rao giảng, một anh gặp một ông mà anh có thể làm chứng tốt. Người đàn ông hỏi anh có cùng đức tin với người đã bị bắn không. Khi nghe trả lời rằng có, người đàn ông thốt lên: “Thật là một người phi thường! Thật là một đức tin phi thường! Đó chính là điều mà tôi gọi là anh hùng trong đức tin!’ ”
Được Đức Giê-hô-va nhớ đến
Vào tháng 5 năm 1945, Quốc Xã bại trận và bị đánh bật khỏi Hà Lan. Bất kể sự bắt bớ liên tục trong chiến tranh, số Nhân Chứng Giê-hô-va đã tăng từ vài trăm tới hơn 2.000. Nói về các Nhân Chứng trong thời chiến này, sử gia Tiến Sĩ de Jong thừa nhận: “Trong số họ, đại đa số không chịu chối bỏ đức tin bất kể những sự đe dọa và tra tấn”.
Do đó, một số nhà cầm quyền có lý do tốt để nhớ đến Nhân Chứng Giê-hô-va vì lập trường can đảm khi họ đương đầu với sự thống trị của Quốc Xã. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thành tích tuyệt hảo của các Nhân Chứng trong thời chiến này sẽ được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su ghi nhớ. (Hê-bơ-rơ 6:10) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm đang đến gần của Chúa Giê-su Christ, những Nhân Chứng trung thành và quả cảm này vốn đã dâng hiến đời sống mình phụng sự Đức Chúa Trời sẽ được sống lại từ các mồ tưởng niệm, với triển vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất!—Giăng 5:28, 29.
[Hình nơi trang 24]
Jacob van Bennekom
[Hình nơi trang 26]
Một mẩu báo đăng sắc lệnh cấm Nhân Chứng Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 27]
Phải: Bernard Luimes; dưới: Albertus Bos (trái) và Antonie Rehmeijer; cuối: Trụ sở của Hội tại Heemstede