Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về những kẻ hung bạo không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về những kẻ hung bạo không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về những kẻ hung bạo không?

Lâu nay người ta vẫn hâm mộ và tôn vinh những người hùng, những người nhiều can đảm và có thể chất cường tráng. Chẳng hạn như người anh hùng heracles trong huyền thoại hy lạp cổ đại, còn có tên Hercules đối với người La mã.

HERACLES là một siêu anh hùng trứ danh, người mạnh nhất trong các dũng sĩ. Theo truyền thuyết, ông là một á thần, cha là thần Zeus của người Hy Lạp và mẹ là Alcmene, một người phàm. Các hành động anh hùng của ông bắt đầu trong khi ông hãy còn là một đứa bé nằm trong nôi. Khi một nữ thần ghen tuông phái hai con rắn khổng lồ đến giết Heracles, ông đã bóp cổ chúng. Lớn lên, ông đánh trận, thắng cả quái vật và chiến đấu với tử thần để cứu mạng một người bạn. Ông cũng hủy diệt các thành phố, hãm hiếp phụ nữ, ném một cậu bé từ trên một cái tháp xuống và giết vợ con của mình.

Dù không phải là một người có thật, từ thời xa xưa nhân vật Heracles huyền thoại đã được thể hiện trong các câu chuyện của những nước thời cổ đại được người Hy Lạp biết đến. Người La Mã tôn thờ ông như một vị thần; những người lái buôn và lữ khách cầu khấn ông để được phát đạt và được phù hộ khỏi nguy hiểm. Các câu truyện về hành động dũng cảm của ông đã làm người ta say mê qua hàng ngàn năm.

Nguồn gốc của truyền thuyết

Phải chăng các truyện về Heracles và các anh hùng thần thoại khác có phần xuất phát từ sự việc có thật? Theo một nghĩa nào đó, có thể lắm. Kinh Thánh kể lại rằng vào một thời ban sơ của lịch sử nhân loại, các “thần” và “á thần” đã thật sự hiện diện trên đất.

Môi-se miêu tả thời ấy: “Khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”.—Sáng-thế Ký 6:1, 2.

“Các con trai của Đức Chúa Trời” không phải là người phàm; họ chính là các thiên sứ. (So sánh Gióp 1:6; 2:1; 38:4, 7). Người viết Kinh Thánh là Giu-đe kể lại rằng một số thiên sứ đã “không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình”. (Giu-đe 6) Nói cách khác, họ đã rời bỏ chỗ mình được chỉ định trong tổ chức Đức Chúa Trời ở trên trời vì thích sống với đàn bà đẹp trên đất hơn. Giu-đe nói thêm rằng các thiên sứ phản nghịch này giống như dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, là những kẻ ‘buông theo sự dâm-dục và sắc lạ’.—Giu-đe 7.

Kinh Thánh không cho biết đầy đủ chi tiết về hoạt động của các thiên sứ ngỗ nghịch này. Tuy nhiên, các truyền thuyết cổ Hy Lạp và của các nước khác đã mô tả nhiều thần và nữ thần sinh hoạt giữa loài người bằng thân xác hữu hình hoặc vô hình. Khi hóa thân thành người họ rất đẹp. Họ ăn, uống, ngủ và quan hệ tình dục với nhau và với loài người. Dù lẽ ra họ phải thánh thiện và bất tử, nhưng họ lại dối trá và lường gạt, cãi cọ và đánh nhau, quyến rũ và hãm hiếp. Những câu chuyện thần thoại như thế có thể phản ánh những tình trạng xảy ra trước Trận Nước Lụt được nói đến trong sách Sáng-thế Ký, dù đã bị bóp méo và được tô điểm thêm.

Những người mạnh dạn ngày xưa, tay anh hùng có danh

Các thiên sứ ngỗ nghịch này hóa thân thành người và có quan hệ tình dục với phụ nữ, và các phụ nữ này đã sinh con. Con của họ không phải là những đứa trẻ bình thường. Chúng là Nê-phi-lim, nửa người, nửa thiên sứ. Kinh Thánh tường thuật: “Đời đó và đời sau, có người cao-lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn-ở cùng con gái loài người mà sanh con-cái; ấy những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh”.—Sáng-thế Ký 6:4.

Từ Hê-bơ-rơ “Nê-phi-lim” theo nghĩa đen có nghĩa là “kẻ đánh ngã”, những kẻ dùng bạo lực hạ gục người khác. Bởi vậy, không có gì lạ khi Kinh Thánh kể thêm: “Thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác”. (Sáng-thế Ký 6:11) Những á thần trong huyền thoại, chẳng hạn như Heracles và anh hùng Gilgamesh của Ba-by-lôn, rất giống người Nê-phi-lim.

Xin lưu ý là người Nê-phi-lim đã được gọi là “những người mạnh-dạn” và “tay anh-hùng có danh”. Khác với người công bình Nô-ê sống đương thời, người Nê-phi-lim không quan tâm đến việc làm rạng danh Đức Giê-hô-va. Họ quan tâm đến tên tuổi, vinh quang và tiếng tăm của chính họ. Bằng những hành động dũng mãnh, chắc chắn bao gồm cả bạo lực và việc gây đổ máu, họ gây được tiếng tăm mà họ thèm khát trong thế gian hung ác quanh họ. Họ là những siêu anh hùng vào thời mình—được người ta khiếp sợ, vị nể và dường như không ai thắng nổi họ.

Trong khi người Nê-phi-lim và cha chúng vốn là thiên sứ tự hạ cấp bậc có lẽ rất có tiếng tăm với những người đương thời, nhưng chắc chắn họ không có tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Lối sống của họ đáng ghê tởm. Hậu quả là Đức Chúa Trời đã ra tay hành động nghịch lại các thiên sứ sa đọa. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên-sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói-buộc bằng xiềng nơi tối-tăm để chờ sự phán-xét; nếu Ngài chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi”.—2 Phi-e-rơ 2:4, 5.

Khi trận Nước Lụt toàn cầu xảy ra, các thiên sứ phản nghịch lột bỏ xác phàm và nhục nhã trở lại thế giới thần linh. Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ bằng cách cấm họ hóa thân thành người. Người Nê-phi-lim, tức con cháu siêu nhân của các thiên sứ phản nghịch, đều đã chết hết. Chỉ có Nô-ê và gia đình nhỏ của ông sống sót sau Trận Nước Lụt.

Những người trứ danh thời nay

Ngày nay, thần thánh và á thần không còn sống trên đất nữa. Thế nhưng, bạo lực vẫn tràn lan. Những kẻ trứ danh thời nay được ca tụng trong sách vở, phim ảnh, truyền hình và âm nhạc. Không đời nào họ đưa má bên kia cho người ta vả, yêu kẻ thù mình, tìm kiếm hòa bình, tha thứ hoặc lánh xa bạo lực. (Ma-thi-ơ 5:39, 44; Rô-ma 12:17; Ê-phê-sô 4:32; 1 Phi-e-rơ 3:11) Thay vì thế, những tay anh hùng thời nay được người ta hâm mộ vì sức mạnh và tài ẩu đả, phục hận và lấy bạo lực lớn hơn để thắng bạo lực. *

Quan điểm của Đức Chúa Trời đối với những kẻ thể ấy vẫn không thay đổi kể từ thời Nô-ê. Đức Giê-hô-va không hâm mộ những kẻ ưa chuộng bạo lực, Ngài cũng không vui thích nhìn các hành động anh hùng cá nhân của họ. Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo”.—Thi-thiên 11:5.

Một loại sức mạnh khác

Tương phản rõ ràng với những tay anh hùng hung bạo, Chúa Giê-su Christ là một người hiền hòa, người nổi tiếng nhất đã từng sống. Khi còn ở trên đất, ngài “chẳng hề làm điều hung-dữ”. (Ê-sai 53:9) Khi kẻ thù đến bắt ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê, môn đồ ngài có đeo gươm. (Lu-ca 22:38, 47-51) Họ đã có thể gây ẩu đả để ngài khỏi bị bắt nộp cho người Do Thái.—Giăng 18:36.

Thật thế, sứ đồ Phi-e-rơ đã tuốt gươm ra bảo vệ Chúa Giê-su, nhưng Chúa Giê-su nói với ông: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm”. (Ma-thi-ơ 26:51, 52) Đúng vậy, bạo lực sinh bạo lực, như lịch sử loài người đã nhiều lần chứng minh. Ngoài cơ hội tự vệ bằng vũ lực, Chúa Giê-su còn có phương tiện tự vệ khác nữa. Kế tiếp ngài nói với Phi-e-rơ: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập-tức cho ta hơn mười hai đạo thiên-sứ sao?”—Ma-thi-ơ 26:53.

Thay vì cậy vào bạo lực hoặc sự che chở của thiên sứ, Chúa Giê-su để cho mình bị bắt bởi tay những kẻ sau đó giết ngài. Tại sao? Một lý do là vì ngài biết chưa đến lúc để Cha trên trời của ngài chấm dứt sự gian ác trên đất. Thay vì tự tay giải quyết mọi vấn đề, Chúa Giê-su trông cậy nơi Đức Giê-hô-va.

Đây không phải là lập trường yếu ớt mà là một lập trường đầy nghị lực. Chúa Giê-su đã bày tỏ đức tin mãnh liệt rằng mọi việc sẽ được Đức Giê-hô-va chấn chỉnh vào đúng thời điểm và theo cách của Ngài. Nhờ vâng lời, Chúa Giê-su đã được nâng lên địa vị nổi tiếng đứng hàng nhì, chỉ sau Đức Giê-hô-va mà thôi. Sứ đồ Phao-lô viết về Chúa Giê-su: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập-tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.—Phi-líp 2:8-11.

Đức Chúa Trời hứa chấm dứt bạo lực

Tín đồ thật của Đấng Christ sống theo gương mẫu và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Họ không hâm mộ hoặc bắt chước những người hung bạo nổi tiếng trong thế gian. Họ biết rằng đến kỳ Đức Chúa Trời đã định, những kẻ ấy sẽ bị quét sạch vĩnh viễn, điều đó chắc chắn, y như những kẻ ác thời Nô-ê đã bị hủy diệt.

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của trái đất và nhân loại. Ngài cũng là Đấng Thống Trị chính đáng. (Khải-huyền 4:11) Nếu một vị thẩm phán phàm trần có quyền hợp pháp để đưa ra phán quyết, thì Đức Chúa Trời lại càng có quyền làm điều đó. Lòng tôn trọng của Ngài đối với chính các nguyên tắc công bình của Ngài cũng như lòng yêu thương đối với những ai yêu mến Ngài sẽ thúc đẩy Ngài chấm dứt sự gian ác và những kẻ thực hành sự gian ác.—Ma-thi-ơ 13:41, 42; Lu-ca 17:26-30.

Điều này sẽ dẫn đến hòa bình trường cửu trên đất, nền hòa bình được thiết lập vững chắc trên nền tảng công lý và sự công bình. Điều này đã được nói trước nơi lời tiên tri nổi tiếng về Chúa Giê-su Christ: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền-năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình-an. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền-vững, và lập lên trong sự chánh-trực công-bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!”—Ê-sai 9:5, 6.

Vậy, tín đồ Đấng Christ có lý do chính đáng để nghe theo lời khuyên được soi dẫn cách nay lâu lắm rồi: “Chớ phân-bì với kẻ hung-dữ, cũng đừng chọn lối nào của hắn; vì Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”.—Châm-ngôn 3:31, 32.

[Chú thích]

^ đ. 17 Những tính cách hung bạo xấu xa này thường được thể hiện đậm nét hơn qua các nhân vật hung bạo trong nhiều trò chơi điện tử và phim khoa học viễn tưởng.

[Câu nổi bật nơi trang 29]

NHỮNG TAY ANH HÙNG THỜI NAY ĐƯỢC NGƯỜI TA HÂM MỘ VÌ SỨC MẠNH VÀ KHẢ NĂNG LẤY SIÊU BẠO LỰC ĐỂ THẮNG BẠO LỰC

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Alinari/Art Resource, NY