Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết bao người cần được an ủi!

Biết bao người cần được an ủi!

Biết bao người cần được an ủi!

“Kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp!”—TRUYỀN-ĐẠO 4:1.

BẠN có đang tìm nguồn an ủi không? Bạn có mong chờ lời khuyên giải như một tia sáng chiếu qua đám mây u ám của nỗi tuyệt vọng không? Bạn có khao khát được một chút khuây khỏa hầu làm cuộc đời dễ chịu hơn, một cuộc đời bị hư hại vì đã trải qua đau khổ cùng cực và những kinh nghiệm chua cay không?

Vào một lúc nào đó, chúng ta ai nấy đều rất cần được an ủi và khích lệ vì cuộc sống có quá nhiều chuyện buồn phiền. Tất cả chúng ta đều cần được che chở, được yêu mến và nâng niu. Trong chúng ta một số đang già đi, và họ không hài lòng về điều ấy. Những người khác thất vọng chua cay vì cuộc đời không được như mong ước. Và những người khác nữa lại bàng hoàng trước hồ sơ bệnh lý nhận về từ phòng xét nghiệm.

Hơn nữa, ít ai chối cãi rằng những biến cố trong thời chúng ta đã tạo ra nhu cầu rộng lớn về an ủi và hy vọng. Chỉ trong vòng thế kỷ qua có hơn một trăm triệu người chết trong chiến tranh. * Hầu hết những người ấy để lại một gia đình thương tiếc—cha mẹ, anh chị em, vợ góa, con côi—trong nỗi tuyệt vọng cần được an ủi. Ngày nay, có hơn một tỉ người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Phân nửa dân số thế giới không được chăm sóc đầy đủ về y tế và thiếu thuốc men cần thiết. Hàng triệu trẻ em bị bỏ rơi, sống lang thang trên đường phố của các đại đô thị ô nhiễm, trong số này có nhiều em dùng ma túy và hành nghề mãi dâm. Hàng triệu người sống vất vưởng trong những trại tị nạn kinh khiếp.

Tuy nhiên, những con số—dù kinh khủng đến đâu—cũng không nói lên được nỗi đớn đau phiền muộn mà một số người phải trải qua trong đời. Thí dụ, hãy xem xét trường hợp của chị Svetlana, một phụ nữ trẻ ở vùng Balkan sinh ra trong cảnh nghèo xơ xác. * Chị nói: “Để có tiền, cha mẹ buộc tôi ăn xin hoặc trộm cắp. Đời sống gia đình sa sút đến mức tôi trở thành nạn nhân của sự loạn luân. Tôi làm hầu bàn và mẹ tôi, người lấy hết tiền lương tôi kiếm được, nói rằng bà sẽ tự tử nếu tôi để bị mất việc. Tất cả những điều này đã khiến tôi trở thành gái mãi dâm khi chỉ mới 13 tuổi. Cuối cùng, tôi có thai và phá thai hết một lần. Ở tuổi 15, tôi trông chẳng khác một người 30”.

Laimonis, một thanh niên ở Latvia, kể về những ký ức đen tối đã khiến anh trở nên âu sầu và nói đến nhu cầu cần được an ủi. Lúc 29 tuổi, anh bị tai nạn xe hơi và bị liệt từ bụng trở xuống. Hoàn toàn tuyệt vọng anh tìm đến men rượu. Năm năm sau anh là một con người tàn phế—một kẻ bại liệt nghiện ngập và không có tương lai. Anh biết tìm nguồn an ủi nơi đâu?

Hay hãy nghĩ đến trường hợp của Angie. Chồng chị trải qua ba lần phẫu thuật não khiến anh ấy lúc đầu bị bại liệt một phần. Rồi năm năm sau cuộc phẫu thuật cuối cùng, anh gặp tai nạn xe hơi trầm trọng, một tai nạn lẽ ra có thể làm anh mất mạng. Khi vợ anh bước vào phòng cấp cứu, nhìn thấy chồng nằm hôn mê sau khi bị thương rất nặng ở đầu, chị hiểu rằng một bi kịch đang xảy ra. Tương lai bản thân chị và gia đình sẽ gay go. Làm sao chị có thể tìm được nguồn nâng đỡ và khích lệ?

Đối với Pat, một ngày mùa đông cách đây vài năm dường như bắt đầu cũng bình thường như mọi ngày. Tuy nhiên, ba ngày tiếp theo chị đã không biết gì nữa. Sau này chồng chị cho biết tim chị hoàn toàn ngừng đập sau một cơn đau ngực mãnh liệt. Thoạt tiên, tim chị đập rất nhanh và loạn xạ, và rồi ngưng hẳn. Chị tắt thở. Pat nói: “Thậm chí tôi đã chết lâm sàng”. Nhưng không hiểu sao chị lại sống sót. Về việc nằm viện lâu ngày, chị nói: “Nhiều cuộc xét nghiệm khiến tôi hoảng sợ, đặc biệt khi họ thử nghiệm làm cho các thớ bắp thịt tim của tôi co thắt thật nhanh và thất thường rồi ngưng hoạt động như lần đầu tiên”. Điều gì đã có thể cung cấp cho chị niềm an ủi và khuây khỏa cần thiết trong giai đoạn nguy kịch này?

Joe và Rebecca mất cậu con trai 19 tuổi trong một tai nạn xe hơi. Họ nói: “Chúng tôi chưa bao giờ phải đối phó với bất cứ điều gì thê thảm đến thế. Dù trong quá khứ chúng tôi có thương tiếc cho sự mất mát của người khác, nhưng chúng tôi không thật sự thấy đau xé lòng như hiện nay”. Điều gì có thể xoa dịu nỗi “đau xé lòng”—nỗi phiền muộn tột cùng khi mất đi một người mình yêu quý?

Tất cả những người này và hàng triệu người khác quả thật đã tìm được một nguồn an ủi và khuây khỏa khác thường. Xin vui lòng đọc tiếp để biết làm thế nào chính bạn cũng có thể hưởng lợi ích từ nguồn ấy.

[Chú thích]

^ đ. 5 Không ai biết được con số thương vong chính xác của binh sĩ và thường dân. Thí dụ, vào năm 1998, sách Facts About the American Wars nhận xét về chỉ riêng Thế Chiến II mà thôi: “Hầu hết các nguồn tài liệu đưa ra tổng số người chết trong Thế Chiến II (gồm binh sĩ và thường dân) là 50 triệu, nhưng nhiều người nghiên cứu kỹ về vấn đề này tin rằng con số chính xác cao hơn—đến gấp đôi”.

^ đ. 6 Tên đã được đổi.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]

UNITED NATIONS/PHOTO BY J. K. ISAAC

UN PHOTO 146150 BY O. MONSEN