Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm mới lại hết thảy muôn vật—Như đã tiên tri

Làm mới lại hết thảy muôn vật—Như đã tiên tri

Làm mới lại hết thảy muôn vật—Như đã tiên tri

“Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng:... Những lời nầy đều trung-tín và chân-thật”.—KHẢI-HUYỀN 21:5.

1, 2. Tại sao điều hợp lý là nhiều người ngại nghĩ đến việc tương lai đem lại những gì?

BẠN có bao giờ nói hoặc nghĩ: ‘Ai biết được ngày mai sẽ ra sao’ không? Bạn có thể hiểu tại sao người ta ngại đoán trước tương lai hoặc tin tưởng nơi những người nông nổi cho là họ biết trước được những gì sắp xảy đến. Loài người quả là không có khả năng đoán trước một cách chính xác những gì sẽ xảy ra trong những năm tháng sắp tới.

2 Tạp chí Forbes ASAP dành riêng một số nói về đề tài thời gian. Trong đó, người hướng dẫn chương trình truyền hình về phim tài liệu là Robert Cringely viết: “Cuối cùng rồi thời gian làm bẽ mặt tất cả chúng ta, nhưng không ai bị bẽ mặt nhiều hơn những người tiên đoán. Chúng ta gần như luôn luôn thua cuộc nếu cố chơi trò đoán mò tương lai... Vậy mà những người gọi là chuyên gia cứ tiếp tục tiên đoán”.

3, 4. (a) Một số người có cái nhìn lạc quan nào về thiên kỷ mới? (b) Những người khác có quan điểm thực tế nào về tương lai?

3 Có lẽ bạn nhận thấy rằng vì nghe nói quá nhiều đến thiên kỷ mới, dường như nhiều người nghĩ về tương lai. Vào đầu năm qua, tạp chí Maclean’s nói: “Năm 2000 có thể chỉ là một năm như bất cứ năm nào trên lịch đối với hầu hết người Canada, nhưng nó cũng có thể trùng hợp với một khởi đầu hoàn toàn mới”. Giáo Sư Chris Dewdney của Đại Học York nêu một lý do để lạc quan: “Thiên kỷ mới có nghĩa là chúng ta có thể từ bỏ một thế kỷ thật ghê tởm”.

4 Điều đó nghe như chỉ là một ước vọng hão huyền không? Một cuộc thăm dò ở Canada cho thấy rằng chỉ 22 phần trăm những người được phỏng vấn “tin rằng năm 2000 sẽ mở ra một khởi đầu mới cho thế giới”. Thật thế, gần phân nửa trong số những người được phỏng vấn “chờ đợi một cuộc xung đột khác trên thế giới”—thế chiến—trong vòng 50 năm. Rõ ràng là phần đông người cảm thấy rằng thiên kỷ mới không thể loại trừ các vấn đề của chúng ta, làm mới lại muôn vật. Ông Michael Atiyah, cựu chủ tịch Hội Hoàng Gia Anh, đã viết: “Nhịp độ thay đổi nhanh chóng... báo hiệu là thế kỷ hai mươi mốt sẽ đem lại những thử thách quan trọng cho toàn bộ nền văn minh của chúng ta. Vấn đề dân số gia tăng, nguồn lợi giới hạn, ô nhiễm môi sinh và nghèo khổ lan tràn đã đè nặng trên chúng ta rồi và cần phải đối phó một cách khẩn cấp”.

5. Chúng ta tìm đâu ra những tin đáng tin cậy về những gì sắp đến?

5 Bạn có thể tự hỏi: ‘Vì người ta không thể đoán trước tương lai sẽ ra sao, phải chăng là chúng ta nên làm ngơ trước tương lai?’ Câu trả lời là không! Nói cho cùng, người ta không thể đoán trước một cách chính xác những gì sẽ xảy đến, nhưng chúng ta chớ nên kết luận rằng không ai có khả năng đó. Thế thì ai có thể tiên đoán tương lai và tại sao chúng ta nên lạc quan về tương lai? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi ấy qua bốn lời tiên đoán rõ rệt. Chúng được ghi lại trong cuốn sách mà nhiều người có và đọc nhiều nhất, và cũng là cuốn sách bị nhiều người hiểu lầm và lờ đi—cuốn Kinh Thánh. Dù bạn nghĩ gì về Kinh Thánh và bất luận bạn quen thuộc với Kinh Thánh nhiều đến đâu đi nữa, bạn sẽ được lợi ích khi xem xét bốn đoạn Kinh Thánh căn bản này. Những đoạn này thật sự nói trước về một tương lai tươi sáng. Hơn nữa, bốn lời tiên tri then chốt này cho biết tương lai của bạn cũng như của những người thân sẽ ra sao.

6, 7. Ê-sai tiên tri khi nào, và lời ông tiên đoán đã có sự ứng nghiệm lạ lùng như thế nào?

6 Lời tiên tri thứ nhất, ghi nơi sách Ê-sai, chương 65. Trước khi đọc, bạn hãy ghi nhớ kỹ trong trí bối cảnh—khi nào những điều này được viết ra và nó liên quan đến tình huống nào. Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-sai ghi lại những lời này. Ông sống hơn một thế kỷ trước khi nước Giu-đa bị mất. Nước này bị mất khi Đức Giê-hô-va không còn che chở những người Do Thái bất trung nữa; Ngài để cho người Ba-by-lôn tàn phá Giê-ru-sa-lem và bắt dân thành ấy đi lưu đày. Điều này xảy ra hơn một trăm năm sau khi Ê-sai nói lời tiên đoán đó.—2 Sử-ký 36:15-21.

7 Về bối cảnh lịch sử của sự ứng nghiệm đó, hãy nhớ rằng dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Ê-sai báo trước tên của người Phe-rơ-sơ, lúc ấy chưa được sinh ra—Si-ru—người cuối cùng lật đổ Ba-by-lôn. (Ê-sai 45:1) Si-ru mở đường cho người Do Thái hồi hương vào năm 537 TCN. Lạ lùng thay, Ê-sai đã nói trước về sự phục hưng này, như chúng ta có thể đọc nơi Ê-sai chương 65. Ông tập trung vào cảnh sống mà dân Y-sơ-ra-ên có thể vui hưởng nơi quê nhà.

8. Ê-sai nói trước về tương lai vui mừng nào, và cụm từ nào đặc biệt đáng chú ý?

8 Chúng ta đọc nơi Ê-sai 65:17-19: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. Thà các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên. Thật, ta dựng nên Giê-ru-sa-lem cho sự vui, và dân nó cho sự mừng-rỡ. Ta sẽ vui vì Giê-ru-sa-lem, ta sẽ mừng vì dân ta; tại đó sẽ chẳng còn nghe tiếng khóc-lóc kêu-la nữa”. Chắc chắn là Ê-sai miêu tả những tình trạng tốt hơn là những gì người Do Thái đã trải qua ở Ba-by-lôn. Ông nói trước về sự vui vẻ và mừng rỡ. Bây giờ hãy xem cụm từ “trời mới đất mới”. Đây là lần đầu tiên trong số bốn lần chúng ta thấy cụm từ đó trong Kinh Thánh, và bốn câu này đều có thể trực tiếp liên quan đến tương lai của chúng ta, ngay cả nói trước về tương lai ấy nữa.

9. Dân Do Thái thuở xưa có liên quan đến sự ứng nghiệm nơi Ê-sai 65:17-19 như thế nào?

9 Sự ứng nghiệm lần đầu của Ê-sai 65:17-19 liên quan đến dân Do Thái thuở xưa, như Ê-sai tiên đoán một cách chính xác, là những người đã hồi hương và tái lập sự thờ phượng thanh sạch tại xứ sở họ. (E-xơ-ra 1:1-4; 3:1-4) Dĩ nhiên, bạn biết rằng họ trở lại một quê hương trên trái đất này, chứ không phải một nơi nào đó trong vũ trụ. Biết vậy có thể giúp chúng ta hiểu ý Ê-sai muốn nói qua cụm từ trời mới và đất mới. Chúng ta khỏi phải phỏng đoán, như một số người, về những lời tiên tri mơ hồ của Nostradamus hoặc của những người tiên đoán khác. Chính Kinh Thánh làm sáng tỏ những gì Ê-sai muốn nói.

10. Chúng ta hiểu “đất” mới mà Ê-sai tiên tri như thế nào?

10 Trong Kinh Thánh, “đất” không luôn luôn ám chỉ địa cầu của chúng ta. Thí dụ, Thi-thiên 96:1 nói theo nghĩa đen: “Hỡi cả trái đất, khá hát-xướng cho Đức Giê-hô-va”. Chúng ta biết rằng hành tinh của chúng ta—gồm đất liền và đại dương bao la—không biết hát. Loài người thì biết hát. Đúng vậy, Thi-thiên 96:1 ám chỉ đến dân cư trên đất. * Nhưng Ê-sai 65:17 cũng đề cập đến “trời mới”. Nếu như “đất” tượng trưng cho một xã hội mới trong nước Do Thái, vậy thì “trời mới” là gì?

11. Từ “trời mới” ám chỉ gì?

11 Bộ bách khoa tự điển Cyclopædia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature của McClintock và Strong nói: “Khi nào nói đến quang cảnh của sự hiện thấy có tính cách tiên tri, trời có nghĩa là... toàn bộ các người cầm quyền... trên dân chúng và cai trị họ, cũng như trời theo nghĩa đen ở phía trên trái đất và cai trị đất”. Nói về cụm từ ‘trời và đất’, cuốn Cyclopedia giải thích rằng ‘theo ngôn ngữ tiên tri thì cụm từ này ngụ ý nói về vị thế chính trị của những người thuộc nhiều đẳng cấp khác nhau. Trời tức là nhóm người lãnh đạo; đất là thần dân, những người bị trị’.

12. Dân Do Thái xưa đã nghiệm thấy “trời mới đất mới” như thế nào?

12 Khi người Do Thái trở về quê hương, họ có được cái mà chúng ta có thể gọi là một hệ thống mọi sự mới. Họ có một ban cầm quyền mới. Xô-rô-ba-bên, một hậu duệ của Vua Đa-vít, làm quan trấn thủ, và Giê-hô-sua làm thầy tế lễ cả. (A-ghê 1:1, 12; 2:21; Xa-cha-ri 6:11). Những người này lập thành “trời mới”. Họ cai trị trên ai hay cái gì? “Trời mới” ấy cầm quyền trên “đất mới”, xã hội gồm những người được luyện lọc trở về nguyên quán để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và đền thờ để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì vậy, thật sự có trời mới đất mới trong lần ứng nghiệm liên quan đến dân Do Thái thời đó.

13, 14. (a) Chúng ta nên xem xét cụm từ “trời mới đất mới” ở chỗ nào khác? (b) Tại sao lời tiên tri của Phi-e-rơ đặc biệt đáng chú ý ngày nay?

13 Nhưng chúng ta hãy cẩn thận để khỏi bỏ qua điểm chính. Đây không phải là một bài tập để giải thích Kinh Thánh cũng không phải chỉ nhìn thoáng qua lịch sử xưa. Bạn có thể hiểu điều này bằng cách lật sang chỗ khác trong Kinh Thánh có ghi cụm từ “trời mới đất mới”. Nơi 2 Phi-e-rơ chương 3, bạn sẽ tìm thấy chỗ nói về “trời mới đất mới” và thấy nó liên quan đến tương lai của chúng ta.

14 Sứ đồ Phi-e-rơ viết lá thư của ông hơn 500 năm sau khi người Do Thái hồi hương. Và với tư cách một sứ đồ của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ viết cho môn đồ của Đấng Christ, “Chúa” được nhắc đến nơi 2 Phi-e-rơ 3:2. Nơi câu 4 (NW), Phi-e-rơ nêu lên “sự hiện diện đã được hứa trước” của Chúa Giê-su, điều đó khiến cho lời tiên tri này thích hợp với ngày nay. Rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng kể từ Thế Chiến I, Chúa Giê-su đã hiện diện theo nghĩa là ngài có thẩm quyền cai trị trong Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. (Khải-huyền 6:1-8; 11:15, 18) Điều này mang một ý nghĩa đặc biệt thể theo một điều khác mà Phi-e-rơ báo trước nơi chương này.

15. Lời tiên tri của Phi-e-rơ về “trời mới” được ứng nghiệm thế nào?

15 Chúng ta đọc nơi 2 Phi-e-rơ 3:13: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. Có lẽ bạn đã biết là Chúa Giê-su ở trên trời là Đấng Cai Trị chính trong “trời mới”. (Lu-ca 1:32, 33) Thế nhưng, các câu Kinh Thánh khác cũng cho thấy ngài không cai trị một mình. Chúa Giê-su hứa rằng các sứ đồ và những người giống như họ sẽ có một chỗ ở trên trời. Trong sách Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô miêu tả những người ấy là “kẻ dự phần ơn trên trời gọi”. Và Chúa Giê-su nói rằng những người ấy sẽ ngồi trên ngai trên trời cùng với ngài. (Hê-bơ-rơ 3:1; Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 22:28-30; Giăng 14:2, 3) Điểm then chốt là sẽ có những người khác cùng cai trị với Chúa Giê-su trong trời mới. Vậy Phi-e-rơ muốn nói đến gì khi dùng từ “đất mới”?

16. “Đất mới” nào đã hiện hữu rồi?

16 Cũng như đối với lần ứng nghiệm thời xưa—tức cuộc hồi hương của người Do Thái—lần ứng nghiệm ngày nay của 2 Phi-e-rơ 3:13 liên quan đến những người phục tùng sự cai trị của “trời mới” này. Bạn có thể thấy hàng triệu người ngày nay đang vui mừng phục tùng sự cai trị ấy. Họ hưởng được lợi ích qua chương trình giáo dục của Nước Trời, và họ cố gắng làm theo luật pháp ghi trong Kinh Thánh. (Ê-sai 54:13) Những người này hợp thành nền tảng của “đất mới” theo ý nghĩa là họ hợp thành một xã hội toàn cầu gồm đủ mọi giống dân, tiếng nói và chủng tộc, và họ hợp tác với nhau trong tinh thần phục tùng Vị Vua đương kim là Chúa Giê-su Christ. Điều quan trọng là bạn có thể ở trong số những người này!—Mi-chê 4:1-4.

17, 18. Tại sao những lời nơi 2 Phi-e-rơ 3:13 cho chúng ta lý do để hướng về tương lai?

17 Đừng nghĩ rằng vấn đề đến đây là kết thúc, rằng chúng ta không còn biết gì nữa về tương lai. Thật thế, khi xem xét văn cảnh của 2 Phi-e-rơ chương 3, bạn sẽ thấy những dấu hiệu của một thay đổi lớn sắp xảy ra. Nơi câu 5 và 6, Phi-e-rơ viết về Trận Nước Lụt thời Nô-ê, trận Đại Hồng Thủy đã chấm dứt thế gian hung ác thời đó. Trong câu 7, Phi-e-rơ đề cập đến “trời đất thời bây giờ”, cả giới cầm quyền lẫn quần chúng, được để dành cho “ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”. Điều này xác minh rằng cụm từ “trời mới đất mới” ám chỉ, không phải vũ trụ vật chất, mà là con người và những chính quyền cai trị của họ.

18 Sau đó Phi-e-rơ giải thích rằng ngày của Đức Giê-hô-va sắp đến sẽ đem lại một cuộc thanh lọc qui mô, mở đường cho trời mới và đất mới đề cập đến nơi câu 13. Và hãy nhớ phần cuối của câu ấy—trời mới đất mới là ‘nơi có sự công-bình ăn-ở’. Chẳng phải điều này gợi ý rằng phải có nhiều thay đổi lớn nhằm đem lại tình trạng tốt hơn? Chẳng lẽ điều này không đưa ra triển vọng về những điều thật sự mới mẻ, một thời khi mà người ta sẽ thấy đời sống vui sướng hơn là họ thấy ngày nay hay sao? Nếu bạn có thể nhận thấy điều này thì bạn thông hiểu được những gì Kinh Thánh báo trước, một sự thông hiểu mà tương đối ít người có được.

19. Trong bối cảnh nào sách Khải-huyền nói đến “trời mới đất mới” sắp đến?

19 Nhưng chúng ta hãy bàn rộng hơn. Chúng ta đã xem qua khi cụm từ “trời mới đất mới” xuất hiện nơi Ê-sai chương 65 và một lần khác nơi 2 Phi-e-rơ chương 3. Bây giờ hãy lật đến Khải-huyền chương 21, nơi cụm từ này lại xuất hiện trong Kinh Thánh. Một lần nữa, việc hiểu được bối cảnh sẽ giúp chúng ta. Hai chương trước đó, nơi Khải-huyền chương 19, chúng ta thấy có một trận chiến được miêu tả một cách sống động—nhưng không phải giữa hai quốc gia đối lập. Một bên là “Lời Đức Chúa Trời”. Có lẽ bạn nhận ra đó là một tước hiệu của Chúa Giê-su Christ. (Giăng 1:1, 14) Ngài ở trên trời, và sự hiện thấy này miêu tả ngài cùng các đạo binh thiên sứ. Họ tranh chiến với ai? Chương đó đề cập đến “các vua”, “các tướng” và đủ mọi tầng lớp dân chúng, cả “nhỏ và lớn”. Trận chiến này liên quan đến ngày Đức Giê-hô-va sắp đến, tức sự hủy diệt kẻ ác. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10) Kế đến, Khải-huyền chương 20 bắt đầu bằng cách miêu tả việc loại trừ “con rắn đời xưa, là ma-quỉ, là Sa-tan”. Điều này giúp chúng ta hiểu bối cảnh khi xem xét Khải-huyền chương 21.

20. Khải-huyền 21:1 cho biết sự thay đổi quan trọng nào sắp xảy ra?

20 Sứ đồ Giăng mở đầu với những lời hào hứng: “Tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa”. Dựa trên những điều chúng ta đã thấy trong Ê-sai chương 65 và 2 Phi-e-rơ chương 3, chúng ta có thể chắc chắn rằng đây không có nghĩa là phải thay thế các từng trời theo nghĩa đen và hành tinh Trái Đất cùng với đại dương sâu thẳm. Như các chương trước đó cho thấy, kẻ ác và sự cai trị của họ, kể cả kẻ cai trị vô hình là Sa-tan, sẽ bị loại trừ. Vậy, điều được hứa ở đây là một hệ thống mọi sự mới liên quan đến dân cư trên đất.

21, 22. Giăng cam đoan với chúng ta về những ân phước nào, và việc lau ráo nước mắt có nghĩa gì?

21 Chúng ta được bảo đảm về điều đó khi xem tiếp lời tiên tri kỳ diệu này. Cuối câu 3 nói đến thời kỳ khi mà Đức Chúa Trời sẽ ở cùng nhân loại, hướng sự chú ý nhân từ của Ngài đến những người làm theo ý muốn của Ngài. (Ê-xê-chi-ên 43:7) Giăng viết tiếp câu 4, 5: “Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi. Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung-tín và chân-thật”. Thật là một lời tiên tri làm tinh thần phấn chấn biết bao!

22 Hãy dừng lại để thưởng thức những gì Kinh Thánh báo trước ở đây. ‘Đức Chúa Trời sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng’. Câu này không thể nói đến nước mắt bình thường chảy ra để rửa mắt khi bị cộm, và nó cũng không nói về lệ mừng. Không, nước mắt mà Đức Chúa Trời sẽ lau ráo là nước mắt tuôn ra vì sầu khổ, đau buồn, thất vọng, tổn thương và thống khổ. Làm sao chúng ta biết chắc như thế? Chúng ta thấy lời hứa tuyệt diệu này của Đức Chúa Trời liên kết việc lau ráo nước mắt với việc ‘không có sự chết, than-khóc, kêu-ca và đau-đớn nữa’.—Giăng 11:35.

23. Lời tiên tri của Giăng bảo đảm sự chấm dứt của những tình trạng nào?

23 Chẳng phải điều này chứng tỏ rằng bệnh ung thư, nghẽn mạch máu não, bệnh đau tim và ngay cả sự chết sẽ bị loại trừ hay sao? Có ai trong vòng chúng ta lại không mất một người thân vì bệnh tật, tai nạn hoặc thảm họa không? Ở đây Đức Chúa Trời hứa là sự chết sẽ không còn nữa, điều này gợi cho ta ý tưởng là trẻ con sinh ra trong thời kỳ ấy sẽ không phải đối diện với vấn đề lớn lên rồi già đi—cuối cùng phải chết. Lời tiên tri này cũng có nghĩa là sẽ không còn chứng bệnh suy nhược thần kinh, bệnh loãng xương, bệnh u xơ, bệnh tăng nhãn áp hoặc ngay cả bệnh cườm mắt—mà những người lớn tuổi rất thường hay mắc phải.

24. “Trời mới và đất mới” chứng tỏ sẽ là một ân phước như thế nào, và chúng ta còn xem xét điều gì nữa?

24 Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý rằng sự than khóc, kêu ca sẽ giảm đi khi không còn sự chết, tuổi già và bệnh tật. Nhưng còn về nạn nghèo khổ cùng cực, sự bạo hành trẻ con, và sự kỳ thị gay gắt vì gốc gác và màu da thì sao? Nếu như các tệ nạn trên—rất thông thường ngày nay—còn tiếp diễn, chúng ta hẳn không thể thoát khỏi cảnh than khóc và kêu ca. Vậy, đời sống dưới “trời mới đất mới” sẽ không bị quấy nhiễu bởi những nguyên nhân hiện nay gây biết bao sầu não. Thật là một sự thay đổi lớn thay! Nhưng đến đây, chúng ta chỉ xem qua ba trong bốn lần cụm từ “trời mới và đất mới” xuất hiện trong Kinh Thánh. Còn có thêm một lần nữa và nó phù hợp với những điều chúng ta đã xem xét và nhấn mạnh tại sao chúng ta có lý do để trông mong Đức Chúa Trời làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài là “làm mới lại hết thảy muôn vật”, Ngài làm điều đó khi nào và như thế nào. Bài tới sẽ nói về lời tiên tri đó và nó có thể có nghĩa gì cho hạnh phúc chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 10 Bản dịch The New English Bible dịch Thi-thiên 96:1 như sau: “Hỡi muôn dân trên đất, hãy hát xướng cho CHÚA”. Kinh Thánh Bản Diễn Ý dịch: “Cả thế gian hãy trổi giọng hòa ca”. Điều này phù hợp với sự hiểu biết là qua từ “đất mới” Ê-sai ám chỉ dân tộc của Đức Chúa Trời trong xứ sở họ.

Bạn có nhớ không?

• Trong ba lần nào Kinh Thánh báo trước về “trời mới đất mới”?

• Dân Do Thái xưa có liên quan đến sự ứng nghiệm về “trời mới đất mới” như thế nào?

• Chúng ta hiểu “trời mới đất mới” được Phi-e-rơ đề cập có những sự ứng nghiệm nào?

Khải-huyền chương 21 hướng chúng ta đến một tương lai tươi sáng như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Y như Đức Giê-hô-va báo trước, Si-ru mở đường cho dân Do Thái hồi hương vào năm 537 TCN