Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời

Cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời

Cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời

“Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—CHÂM-NGÔN 3:5, 6.

1. Chúng ta tiếp cận với tri thức loài người ở mức độ chưa từng thấy như thế nào?

HIỆN NAY có hơn 9.000 nhật báo lưu hành trên khắp thế giới. Mỗi năm có chừng 200.000 sách mới xuất bản chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Theo một ước lượng, tới tháng 3 năm 1998, có khoảng 275 triệu trang Web trên Internet. Con số này được cho là gia tăng với tốc độ 20 triệu trang mỗi tháng. Một điều chưa từng thấy trước đây là người ta tìm được thông tin hầu như về bất cứ đề tài nào. Dù tình trạng này có khía cạnh tốt, nhưng tin tức quá thặng dư như thế đã gây ra nhiều vấn đề.

2. Việc có tin tức quá thặng dư có thể sinh ra những vấn đề nào?

2 Một số người đâm ra say mê thông tin, luôn luôn làm thỏa mãn sự thèm khát vô độ về những tin mới nhất trong khi bỏ bê những điều quan trọng hơn. Những người khác thu thập một phần kiến thức về những lãnh vực phức tạp và rồi tự xem mình là chuyên gia. Chỉ dựa vào sự hiểu biết giới hạn, họ đi đến những quyết định quan trọng mà có thể làm hại chính họ và người khác. Và lúc nào cũng có mối nguy là gặp phải tin tức sai hoặc không chính xác. Chúng ta thường không có cách nào để xác minh hàng loạt những tin tức đó là chính xác và hợp lý.

3. Kinh Thánh có những lời cảnh giác nào về việc theo đuổi sự khôn ngoan của loài người?

3 Tò mò là cá tính lâu đời của con người. Mối nguy phí quá nhiều thì giờ trong việc theo đuổi những sự hiểu biết vô ích hoặc thậm chí tai hại đã được nhận thấy trong thời Vua Sa-lô-môn. Ông nói: “Hãy chịu dạy: Người ta chép nhiều sách chẳng cùng; còn học quá thật làm mệt-nhọc cho xác-thịt”. (Truyền-đạo 12:12) Nhiều thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức. Ấy vì muốn luyện-tập tri-thức đó, nên có người bội đạo”. (1 Ti-mô-thê 6:20, 21) Đúng vậy, tín đồ Đấng Christ ngày nay cần tránh tiếp cận với những tư tưởng tai hại.

4. Chúng ta có thể biểu lộ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và sự dạy dỗ của Ngài bằng cách nào?

4 Dân tộc Đức Giê-hô-va cũng nên khôn ngoan nghe theo lời của Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bao hàm việc bác bỏ bất cứ ý tưởng nào mâu thuẫn với Lời Đức Chúa Trời, dù nó phát xuất từ lý luận riêng của mình, hay là của người khác. Để che chở tình trạng thiêng liêng của chúng ta, điều trọng yếu là tập luyện khả năng nhận thức để có thể nhận biết những thông tin tai hại và tránh đi. (Hê-bơ-rơ 5:14, NW) Chúng ta hãy bàn về một số nguồn thông tin đó.

Một thế gian bị Sa-tan áp đảo

5. Một nguồn của tư tưởng tai hại là gì, và ai là hậu thuẫn cho nó?

5 Thế gian là nguồn sinh ra nhiều tư tưởng tai hại. (1 Cô-rinh-tô 3:19) Chúa Giê-su Christ cầu xin với Đức Chúa Trời về môn đồ ngài: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều [“kẻ”, NW] ác”. (Giăng 17:15) Sự kiện Chúa Giê-su xin cho môn đồ được che chở khỏi “kẻ ác” cho ta biết ảnh hưởng của Sa-tan rất mạnh trên thế gian. Sự kiện chúng ta là tín đồ Đấng Christ không tự động che chở chúng ta khỏi ảnh hưởng xấu của thế gian này. Giăng viết: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Nhất là trong phần cuối của ngày sau rốt, chúng ta biết rằng Sa-tan và các quỉ của hắn sẽ làm thế gian tràn ngập với những tin tức tai hại.

6. Sự giải trí của thế gian khiến người ta chai đi về đạo đức như thế nào?

6 Chúng ta cũng biết là một số tin tức tai hại này có vẻ vô hại. (2 Cô-rinh-tô 11:14) Thí dụ, hãy xem sự giải trí của thế gian với những màn trình chiếu trên truyền hình, phim ảnh, âm nhạc và sách báo. Nhiều người đồng ý rằng càng ngày trong càng nhiều trường hợp, vài hình thức giải trí đẩy mạnh những thực hành đồi trụy, chẳng hạn như sự vô luân, hung bạo và lạm dụng ma túy. Lần đầu tiên khi xem một trò giải trí đồi trụy hơn bao giờ hết, khán giả có thể sửng sốt. Nhưng càng xem thì càng có thể làm người ta chai đi. Đối với những trò giải trí đẩy mạnh tư tưởng tai hại, chúng ta đừng bao giờ nên xem là vô hại và chấp nhận được.—Thi-thiên 119:37.

7. Sự khôn ngoan nào của loài người có thể làm xoi mòn sự tin tưởng của chúng ta nơi Kinh Thánh?

7 Hãy xem một nguồn thông tin khác có tiềm năng phá hại—hàng loạt tư tưởng do một số khoa học gia và học giả đăng tải vì muốn thách thức tính xác thực của Kinh Thánh. (So sánh Gia-cơ 3:15). Những tài liệu đó thường xuất hiện trong các tạp chí chính và những sách phổ biến rộng rãi, và có thể xoi mòn sự tin tưởng của chúng ta nơi Kinh Thánh. Một số người tự hào khi dùng những suy đoán này đến suy đoán khác làm yếu đi thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Thời các sứ đồ cũng có mối nguy cơ tương tự như thế, như được thấy rõ qua lời của sứ đồ Phao-lô: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”.—Cô-lô-se 2:8.

Những kẻ thù của lẽ thật

8, 9. Ngày nay sự bội đạo biểu hiện như thế nào?

8 Những kẻ bội đạo có thể đưa ra mối đe dọa khác cho tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô báo trước về sự bội đạo sẽ nảy sinh trong vòng những tín đồ tự xưng theo Đấng Christ. (Công-vụ 20:29, 30; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3) Ứng nghiệm lời này, sau khi các sứ đồ chết, sự bội đạo nghiêm trọng đã dẫn đến sự phát triển của các đạo tự xưng theo Đấng Christ. Ngày nay, không có sự bội đạo nghiêm trọng xảy ra trong vòng dân tộc của Đức Chúa Trời. Nhưng một số người từ bỏ hàng ngũ của chúng ta, và một số những người này rắp tâm phỉ báng Nhân Chứng Giê-hô-va bằng cách tuyên truyền những lời dối trá và xuyên tạc. Một số trong đám còn cộng tác với những nhóm tổ chức chống đối sự thờ phượng thanh sạch. Khi làm thế tức là họ theo phe kẻ bội đạo đầu tiên là Sa-tan.

9 Một số kẻ bội đạo ngày càng dùng nhiều hình thức thông tin đại chúng, kể cả Internet, để tuyên truyền những tin tức giả dối về Nhân Chứng Giê-hô-va. Hậu quả là khi những người chân thật nghiên cứu về tín ngưỡng của chúng ta, họ tình cờ gặp phải sự tuyên truyền bội đạo. Thậm chí một số Nhân Chứng vô tình tiếp cận với những tài liệu tai hại này. Hơn nữa, những kẻ bội đạo đôi khi dự phần vào chương trình truyền hình hoặc phát thanh. Chúng ta nên theo đường lối khôn ngoan nào về vấn đề này?

10. Phản ứng nào là khôn ngoan đối với sự tuyên truyền bội đạo?

10 Sứ đồ Giăng bảo tín đồ Đấng Christ đừng rước những kẻ bội đạo vào nhà. Ông viết: “Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào-hỏi họ. Vì người nào chào-hỏi họ, tức là dự vào công-việc ác của họ”. (2 Giăng 10, 11) Tránh mọi tiếp xúc với những đối thủ này sẽ che chở chúng ta khỏi lối suy nghĩ bại hoại của họ. Để mình tiếp cận với sự dạy dỗ bội đạo qua nhiều phương tiện truyền thông hiện đại cũng tai hại như là rước kẻ bội đạo vào nhà. Đừng bao giờ nên để sự tò mò dụ chúng ta vào đường lối tai hại như thế!—Châm-ngôn 22:3.

Bên trong hội thánh

11, 12. (a) Trong hội thánh thế kỷ thứ nhất, một nguồn nào phát sinh tư tưởng tai hại? (b) Một số tín đồ Đấng Christ không cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời như thế nào?

11 Hãy xem thêm một nguồn tư tưởng khác có thể là tai hại. Dù không cố ý dạy điều sai lầm, một tín đồ Đấng Christ có thể phát triển thói quen nói một cách vô ý tứ. (Châm-ngôn 12:18) Vì bản chất bất toàn, tất cả chúng ta đôi khi phạm tội qua miệng lưỡi. (Châm-ngôn 10:19; Gia-cơ 3:8) Hiển nhiên là trong thời sứ đồ Phao-lô, có một số người trong hội thánh không kiềm chế được miệng lưỡi và dính líu vào những sự tranh luận cãi nhau về từ ngữ. (1 Ti-mô-thê 2:8) Có những người khác xem trọng ý kiến riêng quá đáng và còn dám thách thức thẩm quyền của Phao-lô. (2 Cô-rinh-tô 10:10-12) Tinh thần đó sinh ra những xung đột vô ích.

12 Đôi khi những sự bất đồng ý kiến biến thành “những lời cãi lẽ hư-không”, làm xáo trộn sự bình an trong hội thánh. (1 Ti-mô-thê 6:5; Ga-la-ti 5:15) Về những người gây ra những sự tranh cãi này, Phao-lô viết: “Ví thử có người dạy-dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta và đạo-lý theo sự tin-kính, thì người đó là lên mình kiêu-ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn-hỏi, cãi-lẫy, bởi đó sanh sự ghen-ghét, tranh-cạnh, gièm-chê, nghi-ngờ xấu-xa”.—1 Ti-mô-thê 6:3, 4.

13. Phần đông tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất có hạnh kiểm thế nào?

13 Vui mừng thay, vào thời các sứ đồ, đa số tín đồ Đấng Christ đã trung thành và tập trung vào công việc rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Họ bận rộn chăm sóc “kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ” và giữ mình “cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”, không phí thì giờ tranh cãi vô ích về từ ngữ. (Gia-cơ 1:27) Họ tránh “bạn-bè xấu” ngay cả trong hội thánh Đấng Christ để bảo vệ tình trạng thiêng liêng của họ.—1 Cô-rinh-tô 15:33; 2 Ti-mô-thê 2:20, 21.

14. Nếu chúng ta không thận trọng, việc trao đổi ý kiến bình thường có thể biến thành sự tranh luận tai hại như thế nào?

14 Tương tự như thế, tình trạng được miêu tả trong đoạn 11 không điển hình cho những hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay. Nhưng chúng ta nên nhận biết rằng những sự tranh cãi vô ích đó có thể xảy ra. Dĩ nhiên, bàn luận về những sự tường thuật trong Kinh Thánh hoặc thắc mắc về những khía cạnh của thế giới mới chưa được tiết lộ là chuyện bình thường. Và không có gì sai khi trao đổi ý kiến về những vấn đề cá nhân, chẳng hạn như cách ăn mặc chải chuốt hoặc sự chọn lựa hình thức giải trí. Tuy nhiên, nếu chúng ta đâm ra võ đoán về ý kiến mình và chạm tự ái khi những người khác không đồng ý với mình, hội thánh có thể bị chia rẽ về những vấn đề không quan trọng. Chuyện nhỏ khởi đầu vô hại quả có thể trở thành tai hại.

Gìn giữ điều chúng ta được giao phó

15. “Đạo-lý của quỉ dữ” có thể hại chúng ta về thiêng liêng đến mức nào, và Kinh Thánh cho lời khuyên nào?

15 Sứ đồ Phao-lô cảnh giác: “Đức Thánh-Linh phán tỏ-tường rằng, trong đời sau-rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa-dối, và đạo-lý của quỉ dữ”. (1 Ti-mô-thê 4:1) Đúng vậy, những ý kiến tai hại tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng. Cho nên có thể hiểu tại sao Phao-lô tha thiết khuyên người bạn thân yêu Ti-mô-thê: “Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức. Ấy vì muốn luyện-tập tri-thức đó, nên có người bội đạo”.—1 Ti-mô-thê 6:20, 21.

16, 17. Đức Chúa Trời phó thác điều gì cho chúng ta, và ta nên gìn giữ điều đó như thế nào?

16 Ngày nay chúng ta có thể gặt được lợi ích từ lời cảnh giác yêu thương này như thế nào? Ti-mô-thê được giao phó một điều quí giá để chăm sóc và bảo vệ. Điều đó là gì? Phao-lô giải thích: “Hãy lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus-Christ mà giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích, là sự con đã nhận-lãnh nơi ta. Hãy nhờ Đức Thánh-Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó-thác tốt-lành”. (2 Ti-mô-thê 1:13, 14) Đúng vậy, điều phó thác cho Ti-mô-thê bao hàm “sự dạy-dỗ có ích”, “đạo-lý theo sự tin-kính”. (1 Ti-mô-thê 6:3) Phù hợp với những lời này, tín đồ Đấng Christ ngày nay cương quyết bảo vệ đức tin và những lẽ thật mà họ đã được phó thác.

17 Gìn giữ điều được phó thác đó bao hàm việc vun trồng thói quen học Kinh Thánh và bền lòng cầu nguyện trong khi làm “điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10; Rô-ma 12:11-17) Phao-lô khuyên nhủ thêm: “Hãy... tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại. Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành, bắt lấy [“nắm chặt”, NW] sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt-lành trước mặt nhiều người chứng-kiến”. (1 Ti-mô-thê 6:11, 12) Phao-lô dùng những cụm từ như “đánh trận tốt-lành” và “nắm chặt” cho thấy rõ là chúng ta phải tích cực cương quyết chống cự những ảnh hưởng tai hại về thiêng liêng.

Cần có sự sáng suốt

18. Chúng ta tỏ ra thăng bằng khi tiếp cận với những thông tin ngoài đời như thế nào?

18 Dĩ nhiên, khi vì đức tin mà đánh trận tốt lành thì chúng ta cần có sự sáng suốt. (Châm-ngôn 2:11, NW; Phi-líp 1:9, NW) Thí dụ, nghi ngờ mọi thông tin ngoài đời là điều không hợp lý. (Phi-líp 4:5, NW; Gia-cơ 3:17, NW) Không phải mọi tư tưởng của con người đều mâu thuẫn với Lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su ám chỉ đến việc người bệnh cần hỏi bác sĩ giỏi, một chuyên gia ngoài đời. (Lu-ca 5:31) Dù sự chữa bệnh còn khá thô sơ vào thời Chúa Giê-su, ngài thừa nhận rằng đến nhờ bác sĩ chữa trị mang lại lợi ích nào đó. Tín đồ Đấng Christ ngày nay tỏ ra thăng bằng về những thông tin ngoài đời, nhưng họ kháng cự việc tiếp cận với bất cứ điều gì có thể tai hại cho họ về thiêng liêng.

19, 20. (a) Trưởng lão hành động sáng suốt như thế nào khi giúp đỡ những người nói năng thiếu khôn ngoan? (b) Hội thánh xử lý thế nào với những người một mực ủng hộ giáo lý sai lầm?

19 Sự sáng suốt cũng thiết yếu cho những trưởng lão khi được nhờ đến giúp những người nói năng thiếu khôn ngoan. (2 Ti-mô-thê 2:7, NW) Đôi khi những người trong hội thánh có thể bị thu hút vào sự tranh cãi về chuyện nhỏ nhặt và sự tranh luận có tính chất suy đoán. Muốn bảo vệ sự hợp nhất của hội thánh, trưởng lão nên lập tức đối phó với những vấn đề như thế. Đồng thời, nên tránh gán động lực xấu cho anh em và không quá vội xem họ là những người bội đạo.

20 Phao-lô miêu tả về tinh thần mà trưởng lão cần biểu lộ khi giúp người khác. Ông nói: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại”. (Ga-la-ti 6:1) Nói về những tín đồ trong trạng thái giằng co với những sự nghi ngờ, Giu-đe viết: “Hãy thương xót những người này, là người nghi ngờ, hãy cứu... họ ra khỏi lửa”. (Giu-đe 22, 23, Bản Dịch Mới) Dĩ nhiên, nếu sau khi khuyên nhủ nhiều lần mà người nào đó vẫn một mực ủng hộ giáo lý sai lầm, trưởng lão cần hành động dứt khoát để che chở hội thánh.—1 Ti-mô-thê 1:20; Tít 3:10, 11.

Làm tâm trí tràn đầy những điều đáng khen

21, 22. Chúng ta nên chọn lọc về những điều gì, và chúng ta nên làm tâm trí mình tràn đầy những điều gì?

21 Hội thánh tín đồ Đấng Christ tránh xa những lời tai hại như “chùm-bao ăn lan”. (2 Ti-mô-thê 2:16, 17; Tít 3:9) Phải tránh dù những lời đó phản ảnh sự “khôn ngoan” lừa dối ngoài đời, sự tuyên truyền bội đạo, hoặc những lời thiếu suy nghĩ trong hội thánh. Dù ước muốn lành mạnh ham học biết điều mới có thể có lợi, nhưng sự tò mò không kiềm chế có thể đưa chúng ta tiếp cận với những tư tưởng tai hại. Chúng ta chẳng phải không biết gì về mưu chước của Sa-tan. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Chúng ta biết rằng hắn đang cố hết sức để làm chúng ta xao lãng hầu chậm lại trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.

22 Với tư cách những người hầu việc tốt lành, chúng ta hãy cương quyết ủng hộ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. (1 Ti-mô-thê 4:6) Mong rằng chúng ta khôn ngoan trong việc dùng thì giờ bằng cách chọn lọc tin tức mà chúng ta muốn tìm hiểu. Như thế chúng ta sẽ không dễ lay chuyển bởi những lời tuyên truyền do Sa-tan ảnh hưởng. Đúng vậy, chúng ta hãy tiếp tục nghĩ đến “điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen”. Nếu chúng ta làm lòng và trí mình tràn đầy những điều như thế, Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng chúng ta.—Phi-líp 4:8, 9.

Chúng ta học được gì?

• Sự khôn ngoan ngoài đời có thể tạo ra mối đe dọa cho chúng ta về thiêng liêng như thế nào?

• Chúng ta có thể làm gì để tự che chở khỏi những thông tin tai hại của những kẻ bội đạo?

• Chúng ta nên tránh nói những loại chuyện nào trong hội thánh?

• Chúng ta tỏ sự thăng bằng của tín đồ Đấng Christ như thế nào khi đối phó với những tin tức quá thặng dư ngày nay?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Nhiều sách báo mâu thuẫn với những tiêu chuẩn đạo đức của tín đồ Đấng Christ

[Hình nơi trang 10]

Tín đồ Đấng Christ có thể trao đổi ý kiến mà không trở nên võ đoán