Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chống tham nhũng bằng gươm thánh linh

Chống tham nhũng bằng gươm thánh linh

Chống tham nhũng bằng gươm thánh linh

“[Hãy] mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”.—Ê-phê-sô 4:24.

VÀO thời kỳ cực thịnh, Đế Quốc La Mã là cơ quan quản trị thế giới cao nhất chưa từng thấy của loài người. Pháp chế La Mã hữu hiệu đến độ ngày nay nó vẫn còn là nền tảng luật pháp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, dù lập được thành tích, các quân đoàn La Mã đã không chiến thắng nổi một kẻ thù quỷ quyệt: sự tham nhũng. Cuối cùng, nạn tham nhũng đã đẩy La Mã đến chỗ sụp đổ nhanh chóng.

Sứ đồ Phao-lô là một nạn nhân chịu đau khổ dưới tay các quan chức La Mã tham nhũng. Phê-lít, viên tổng đốc La Mã đã hỏi cung Phao-lô, hiển nhiên biết ông vô tội. Nhưng Phê-lít, một trong những quan tổng đốc tham nhũng nhất trong thời ông ta, đã trì hoãn vụ kiện với hy vọng Phao-lô sẽ đút lót tiền để được thả.—Công-vụ 24:22-26.

Thay vì hối lộ, Phao-lô thẳng thắn nói với Phê-lít về “sự công-bình, sự tiết-độ”. Phê-lít đã không thay đổi đường lối, và Phao-lô thà tiếp tục ở tù còn hơn cố tránh né pháp luật bằng cách hối lộ. Ông đã rao giảng về một thông điệp của lẽ thật và về tính lương thiện, đồng thời ông sống phù hợp với những điều ấy. Ông viết cho những tín đồ người Do Thái: “Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê-bơ-rơ 13:18.

Một lập trường như thế tương phản rõ rệt với các tiêu chuẩn thời ấy. Pallas, anh của Phê-lít, là một trong những người giàu nhất thời xưa và tài sản của ông—tính ra khoảng 45 triệu Mỹ kim—phần lớn tích lũy được do nhận của hối lộ và tống tiền. Tuy nhiên, sự giàu có của ông ta chẳng thấm gì so với hàng tỉ Mỹ kim được cất giấu trong những tài khoản bí mật ở ngân hàng của một số kẻ lãnh đạo tham nhũng trong thế kỷ 20. Rõ ràng chỉ có người ngờ nghệch mới tin rằng các chính phủ ngày nay thắng thế trong trận chiến chống tham nhũng.

Vì nạn tham nhũng đã có từ lâu, chúng ta có phải thừa nhận nó là một phần của bản chất con người hay không? Hoặc có thể làm được gì để ngăn chặn nạn tham nhũng không?

Làm sao có thể ngăn chặn nạn tham nhũng?

Hiển nhiên bước đầu tiên để ngăn chặn tham nhũng là việc thừa nhận đó là hiện tượng tiêu cực và sai trái, vì nó sinh lợi cho những kẻ vô lương tâm và gây tổn hại đến người khác. Chắc chắn trong chiều hướng đó đã có một số tiến bộ. James Foley, phó ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói: “Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng phải trả giá đắt cho sự hối lộ. Của hối lộ ngầm phá sự cai trị tốt, làm hại năng suất và sự phát triển của nền kinh tế, phá hoại thương mại và gây bất lợi cho công dân trên khắp thế giới”. Nhiều người hẳn sẽ đồng ý với ông. Ngày 17 tháng 12 năm 1997, có 34 nước lớn ký kết một “công ước về hối lộ”, nhằm “gây tác động mạnh trên cuộc chiến toàn cầu chống tham nhũng”. Công ước “qui định rằng hễ ai mời nhận, hứa hẹn hoặc đưa ngay của hối lộ cho một công chức nước ngoài hầu tiến hành hoặc cản trở các cuộc thương lượng kinh doanh quốc tế là phạm tội ác”.

Tuy nhiên, việc hối lộ để ký được hợp đồng thương mại trong các nước khác chỉ là đỉnh của tảng băng tham nhũng mà thôi. Để bài trừ tham nhũng toàn diện đòi hỏi bước thứ nhì, một bước khó khăn hơn nhiều: thay đổi lòng người hoặc đúng hơn, thay đổi lòng của nhiều người. Khắp nơi người ta phải học ghét hối lộ và tham nhũng. Chỉ đến lúc ấy việc hối lộ mới biến mất. Muốn đạt được điều này, tạp chí Newsweek nói rằng một số người cảm thấy chính quyền nên “khuyến khích một ý thức phổ thông về đạo đức công dân”. Transparency International, một nhóm người vận động chống tham nhũng ở hành lang (nghị viện), đề nghị những cổ động viên “tiêm ‘hạt giống liêm chính’ ” vào nơi làm việc.

Cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chiến thuộc về đạo đức, không thể thắng chỉ bằng sự ban hành pháp luật hoặc bằng “gươm” trừng phạt hợp pháp. (Rô-ma 13:4, 5) Hạt giống đạo đức và liêm chính phải được gieo vào lòng người ta. Việc này có thể đạt hiệu quả nhất bằng cách dùng Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, mà sứ đồ Phao-lô miêu tả là “gươm của Đức Thánh-Linh”.—Ê-phê-sô 6:17.

Kinh Thánh lên án tham nhũng

Tại sao sứ đồ Phao-lô từ chối dung túng tham nhũng? Vì ông muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Đấng “không thiên-vị ai, chẳng nhận của hối-lộ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17) Hơn nữa, chắc chắn Phao-lô nhớ đến sự dạy dỗ rõ ràng nơi Luật Pháp Môi-se: “Ngươi... chớ thiên-vị ai, cũng chẳng nên nhận của hối-lộ; vì của hối-lộ làm cho mù mắt kẻ khôn-ngoan, và làm rối lời của người công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:19) Tương tự như thế, Vua Đa-vít biết Đức Giê-hô-va ghét sự tham nhũng và ông cầu xin Ngài đừng liệt ông vào hàng những kẻ tội lỗi, “tay hữu họ đầy-dẫy hối-lộ”.—Thi-thiên 26:10.

Những ai thành thật thờ phượng Đức Chúa Trời có thêm lý do để từ bỏ tham nhũng. Vua Sa-lô-môn viết: “Vua nhờ sự công-bình mà làm nước mình vững-bền; nhưng ai lãnh của hối-lộ hủy-hoại nó”. (Châm-ngôn 29:4) Công lý—đặc biệt khi được thực thi từ viên chức cấp cao nhất trở xuống—làm cho vững chắc, trong khi tham nhũng làm suy kiệt một quốc gia. Điều đáng chú ý là tờ Newsweek vạch rõ: “Trong một hệ thống mà ai cũng muốn được chia phần trong việc tham nhũng và biết cách để đoạt lấy nó thì nền kinh tế chỉ suy sụp thôi”.

Ngay khi nền kinh tế không bị suy sụp hoàn toàn, những người yêu chuộng công lý cảm thấy thất vọng khi nạn tham nhũng phát triển đến mức độ không kiểm soát được. (Thi-thiên 73:3, 13) Đấng Tạo Hóa, Đấng đã ban cho chúng ta nỗi khát khao cố hữu về công lý, cũng bị xúc phạm. Trong quá khứ, Đức Giê-hô-va đã can thiệp để trừ tiệt nạn tham nhũng trắng trợn. Thí dụ, Ngài đã thẳng thắn nói với cư dân thành Giê-ru-sa-lem vì sao Ngài bỏ mặc họ trong tay những kẻ thù.

Qua nhà tiên tri Mi-chê, Đức Chúa Trời nói: “Hỡi các trưởng của nhà Gia-cốp, và các ngươi là kẻ cai-trị nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe điều nầy, các ngươi gớm sự chánh-trực, và làm bại-hoại sự bằng-phẳng. Các quan-trưởng xét-đoán vì của hối-lộ, các thầy tế-lễ dạy-dỗ vì tiền-công, còn các kẻ tiên-tri nói tiên-tri vì bạc... Vậy nên, vì cớ các ngươi, Si-ôn sẽ bị cày như ruộng; Giê-ru-sa-lem sẽ trở nên đống đổ-nát”. Nạn tham nhũng đã phá hủy xã hội Y-sơ-ra-ên, cũng như trong nhiều thế kỷ sau, nó đã xoáy mòn La Mã. Đúng như lời Đức Chúa Trời cảnh cáo, khoảng một thế kỷ sau khi Mi-chê viết những lời trên, Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và bỏ hoang.—Mi-chê 3:9, 11, 12.

Tuy nhiên, không người nào hoặc quốc gia nào nhất thiết phải tham nhũng. Đức Chúa Trời khuyến khích kẻ ác từ bỏ lối sống và thay đổi cách suy nghĩ của họ. (Ê-sai 55:7) Ngài muốn mỗi người chúng ta thay thế tính tham lam bằng tính bất vị kỷ và thay tính tham nhũng bằng tính công bình. Đức Giê-hô-va nhắc nhở chúng ta: “Kẻ hà-hiếp người nghèo-khổ làm nhục Đấng tạo-hóa mình; còn ai thương-xót người bần-cùng tôn-trọng Ngài”.—Châm-ngôn 14:31.

Thành công trong việc chống tham nhũng bằng lẽ thật Kinh Thánh

Điều gì có thể thúc đẩy một người thay đổi như thế? Cùng một động lực ấy đã thúc đẩy Phao-lô từ bỏ lối sống của người Pha-ri-si để trở thành môn đồ tích cực của Chúa Giê-su Christ. Ông viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”. (Hê-bơ-rơ 4:12) Ngày nay, lẽ thật Kinh Thánh vẫn khuyến khích ngay cả những ai đã lún sâu vào sự tham nhũng nên có tính lương thiện. Hãy xem xét một trường hợp.

Chẳng lâu sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Alexander, người Đông Âu, gia nhập băng nhóm cướp bóc, tống tiền và nhận của hối lộ. * Anh giải thích: “Nhiệm vụ tôi là tống tiền những thương gia giàu có. Một khi tôi đã được một thương gia tin cậy, các thành viên khác thuộc băng chúng tôi dùng bạo lực đe dọa ông. Rồi thì tôi tình nguyện đứng ra dàn xếp vấn đề—với một giá thật cao. Các ‘khách hàng’ cám ơn tôi về việc giúp họ giải quyết vấn đề, trong khi chính tôi là nguyên nhân gây rắc rối cho họ. Nghe có vẻ lạ, nhưng đây là một khía cạnh của công việc mà tôi thích.

“Tôi cũng thích tiền bạc và sự hào hứng mà lối sống này mang lại cho tôi. Tôi lái xe hơi đắt tiền, sống trong căn hộ xinh xắn và có tiền mua mọi thứ tôi muốn. Người ta sợ tôi và điều này cho tôi cảm giác mình có uy quyền. Bằng một cách nào đó tôi tưởng như không ai dám động đến mình và luật pháp cũng không thể chạm đến tôi. Mọi vấn đề liên quan đến cảnh sát đều có thể giải quyết được nhờ một tay luật sư lão luyện, là người có nhiều phương cách để lẩn trốn hệ thống pháp luật, hoặc biết hối lộ đúng người.

“Tuy nhiên, trong vòng những kẻ sống tùy thuộc vào sự tham nhũng, hiếm khi có lòng trung thành. Một tên trong băng bắt đầu không ưa tôi, và tôi không còn được lòng người khác nữa. Bỗng dưng tôi mất chiếc xe hơi hào nhoáng, mất tiền bạc, mất cô bạn gái hạng sang. Thậm chí tôi còn bị đánh tơi bời. Tình thế đảo ngược này khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc về mục đích của đời sống.

“Vài tháng trước, mẹ tôi đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, và tôi bắt đầu đọc các ấn phẩm của họ. Đoạn Kinh Thánh nơi Châm-ngôn 4:14, 15 thật sự làm tôi suy nghĩ: ‘Chớ vào trong lối kẻ hung-dữ, và đừng đi đường kẻ gian-ác. Hãy tránh đường ấy, chớ đi ngang qua nó; hãy xây-khỏi nó và cứ đi thẳng’. Những đoạn văn như vậy thuyết phục tôi rằng những ai theo đuổi lối sống tội ác chẳng có một tương lai thật. Tôi bắt đầu cầu nguyện Đức Giê-hô-va và xin Ngài hướng dẫn tôi trong đường lối đúng. Tôi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và cuối cùng dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Kể từ đấy tôi sống lương thiện.

“Dĩ nhiên, sống theo những tiêu chuẩn lương thiện có nghĩa là kiếm được ít tiền hơn. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy mình có một tương lai và đời sống có ý nghĩa thật sự. Tôi hiểu rõ lối sống trước đây với tất cả những vẻ xa hoa bề ngoài giống như ngôi nhà xây bằng những quân bài, chỉ chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Trước đây lương tâm tôi không bén nhạy. Giờ đây, nhờ học Kinh Thánh, lương tâm tôi day dứt mỗi khi tôi bị cám dỗ làm chuyện bất lương—dù chỉ là vấn đề nhỏ. Tôi phấn đấu để sống hòa hợp với lời Thi-thiên 37:3 nói rằng: ‘Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành-tín của Ngài’ ”.

“Ai ghét của hối-lộ sẽ được sống”

Như Alexander đã nhận ra, lẽ thật Kinh Thánh có thể thúc đẩy một người khắc phục được sự tham nhũng. Anh đã thay đổi để sống hòa hợp với điều mà sứ đồ Phao-lô nói trong bức thư gửi những người ở thành Ê-phê-sô: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư-hỏng bởi tư-dục dỗ-dành,... phải làm nên mới trong tâm-chí mình, và mặc lấy người [“nhân cách”, NW] mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật. Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân-cận mình, vì chúng ta làm chi-thể cho nhau. Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn”. (Ê-phê-sô 4:22-25, 28) Chính tương lai của loài người tùy thuộc vào những sự thay đổi như thế.

Nếu không kiểm soát được, sự tham lam và nạn tham nhũng có thể hủy hoại trái đất, cũng như đã góp phần vào việc làm sụp đổ Đế Quốc La Mã. Nhưng vui mừng thay, Đấng Tạo Hóa của loài người không để mặc vấn đề cho sự ngẫu nhiên. Ngài quyết định “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. (Khải-huyền 11:18) Đức Giê-hô-va hứa với những ai mong đợi một thế giới không có tham nhũng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có “trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Đành rằng ngày nay sống theo những tiêu chuẩn lương thiện có thể không dễ dàng, nhưng Đức Giê-hô-va cam đoan với chúng ta rằng về lâu về dài “người tham lợi làm rối-loạn nhà mình; còn ai ghét của hối-lộ sẽ được sống”. * (Châm-ngôn 15:27) Giờ đây, bằng cách từ bỏ sự tham nhũng chúng ta biểu lộ lòng chân thành khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”—Ma-thi-ơ 6:10.

Trong khi chờ đợi Nước Trời hành động, mỗi người chúng ta có thể ‘gieo cho mình trong sự công-bình’, bằng cách không dung túng hoặc thực hành tham nhũng. (Ô-sê 10:12) Nếu làm thế, chính đời sống chúng ta sẽ chứng thực sức mạnh của Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Gươm thánh linh có thể chiến thắng sự tham nhũng.

[Chú thích]

^ đ. 20 Tên đã được đổi.

^ đ. 28 Dĩ nhiên có sự khác biệt giữa của hối lộ và tiền boa. Trong khi của hối lộ dùng để làm bại hoại công lý hoặc vì mục đích bất lương khác, tiền boa chỉ là một sự biểu lộ lòng cám ơn về việc được phục vụ. Điều này đã được giải thích trong mục “Độc giả thắc mắc” của Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-10-1986.

[Hình nơi trang 7]

Nhờ Kinh Thánh giúp đỡ, chúng ta có thể vun trồng “nhân cách mới” và tránh xa sự tham nhũng