Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nghe lời thánh linh phán

Hãy nghe lời thánh linh phán

Hãy nghe lời thánh linh phán

“Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!”—Ê-SAI 30:21.

1, 2. Suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã giao tiếp với loài người bằng cách nào?

ĐẢO Puerto Rico là nơi có kính viễn vọng vô tuyến với một ăng-ten đĩa lớn nhất và nhạy nhất thế giới. Trong nhiều thập niên, bằng cách dùng thiết bị to lớn này các khoa học gia hy vọng nhận được những thông điệp từ sự sống ngoài trái đất. Nhưng họ không hề nhận được thông điệp nào như thế. Nhưng trớ trêu thay, có những thông điệp rõ ràng từ bên ngoài lãnh vực loài người mà người nào trong vòng chúng ta cũng có thể nhận được bất cứ lúc nào—không cần dùng đến dụng cụ phức tạp. Những thông điệp này đến từ một Nguồn cao hơn bất cứ sự sống nào ngoài trái đất mà người ta tưởng tượng được. Ai là Nguồn thông tin đó, và ai đang nhận được? Những thông điệp đó nói gì?

2 Kinh Thánh ghi lại nhiều sự tường thuật về những dịp người ta nghe được thông điệp bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Đôi khi những thông điệp này được truyền đi bởi những tạo vật thần linh phụng sự với tư cách là sứ giả của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 22:11, 15; Xa-cha-ri 4:4, 5; Lu-ca 1:26-28) Ba lần người ta nghe chính tiếng nói của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5; Giăng 12:28, 29) Đức Chúa Trời cũng nói qua những tiên tri, nhiều người trong số họ ghi lại những gì Ngài soi dẫn họ nói. Ngày nay chúng ta có Kinh Thánh, sách này ghi lại nhiều điều Đức Chúa Trời phán, cũng như sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và môn đồ ngài. (Hê-bơ-rơ 1:1, 2) Đức Giê-hô-va quả đã truyền đạt tin tức cho loài người.

3. Thông điệp của Đức Chúa Trời có mục đích gì, và chúng ta có trách nhiệm nào?

3 Tất cả thông điệp này được Đức Chúa Trời soi dẫn không cho biết nhiều về vũ trụ vật chất nhưng nhắm vào những vấn đề quan trọng hơn, những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống chúng ta bây giờ và trong tương lai. (Thi-thiên 19:7-11; 1 Ti-mô-thê 4:8) Đức Giê-hô-va dùng những thông điệp để truyền đạt ý muốn của Ngài và hướng dẫn chúng ta. Đó là một cách mà lời nhà tiên tri Ê-sai được ứng nghiệm: “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21) Đức Giê-hô-va không ép chúng ta nghe “tiếng” Ngài. Tùy ý chúng ta nếu muốn theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và đi trong đường Ngài. Vì lý do đó Kinh Thánh khuyên chúng ta nghe theo lời phán của Đức Giê-hô-va. Trong sách Khải-huyền, lời khuyến khích “hãy nghe lời Đức Thánh-Linh phán” xuất hiện bảy lần.—Khải-huyền 2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22.

4. Ngày nay trông mong Đức Chúa Trời trực tiếp giao tiếp với chúng ta từ trên trời có phải là hợp lý không?

4 Ngày nay Đức Giê-hô-va không trực tiếp phán với chúng ta từ lãnh vực trên trời. Ngay cả trong thời Kinh Thánh được viết ra, những sự giao tiếp siêu nhiên này là chuyện hiếm có, đôi khi cách nhau nhiều thế kỷ. Suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va thường giao tiếp với dân Ngài qua những cách gián tiếp. Đó là trường hợp vào thời chúng ta. Hãy xem xét ba cách mà Đức Giê-hô-va giao tiếp với chúng ta ngày nay.

‘Cả Kinh-thánh đều được soi-dẫn’

5. Ngày nay công cụ chính mà Đức Giê-hô-va dùng để giao tiếp với loài người là gì, và qua nó chúng ta có thể được lợi ích như thế nào?

5 Công cụ chính mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với con người là Kinh Thánh. Sách này được Đức Chúa Trời soi dẫn, và mọi điều trong đó có thể chứng tỏ có lợi cho chúng ta. (2 Ti-mô-thê 3:16) Kinh Thánh có nhiều gương của những người có thật đã sử dụng tự do ý chí của họ để quyết định xem có nên nghe lời Đức Giê-hô-va hay không. Những gương đó nhắc nhở chúng ta tại sao nghe lời thánh linh Đức Chúa Trời phán là điều tối quan trọng. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Kinh Thánh cũng chứa sự khôn ngoan thực tiễn, cho chúng ta lời khuyên khi đứng trước những quyết định trong đời sống. Như thể là Đức Chúa Trời ở đằng sau chúng ta, nói những lời này bên tai chúng ta: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!”

6. Tại sao Kinh Thánh cao siêu hơn mọi sách khác?

6 Muốn nghe những gì thánh linh nói qua những trang Kinh Thánh, chúng ta phải đọc Kinh Thánh đều đặn. Kinh Thánh không chỉ là sách viết hay, được nhiều người biết đến, một trong nhiều sách sẵn có ngày nay. Nhưng Kinh Thánh còn được thánh linh soi dẫn và chứa ý tưởng của Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”. Khi đọc Kinh Thánh, nội dung nó thấu vào tư tưởng và động lực trong lòng của chúng ta như lưỡi gươm, tỏ ra cho thấy mức độ chúng ta sống theo ý muốn Đức Chúa Trời.

7. Tại sao việc đọc Kinh Thánh là thiết yếu, và chúng ta được khuyến khích đọc thường xuyên như thế nào?

7 Thời gian trôi qua cùng với những kinh nghiệm êm đềm và khó khăn trong đời sống có thể khiến “tư-tưởng và ý-định trong lòng” của chúng ta thay đổi. Nếu chúng ta không thường xuyên học Lời Đức Chúa Trời, thì những tư tưởng, thái độ và cảm xúc của chúng ta sẽ không còn phù hợp với nguyên tắc của Đức Chúa Trời nữa. Vì vậy, Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Chính anh em hãy [“tiếp tục”, NW] tự xét để xem mình có đức-tin chăng. Hãy [“tiếp tục”, NW] tự thử mình”. (2 Cô-rinh-tô 13:5) Nếu muốn tiếp tục nghe lời thánh linh phán, chúng ta nên làm theo lời khuyên đọc Lời Đức Chúa Trời hàng ngày.—Thi-thiên 1:2.

8. Những lời nào của sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta tự xét mình về việc đọc Kinh Thánh?

8 Một lời nhắc nhở quan trọng cho những người đọc Kinh Thánh là: Hãy dành đủ thì giờ để tiêu hóa những gì bạn đọc! Khi cố gắng làm theo lời khuyên đọc Kinh Thánh hàng ngày, chúng ta không nên đọc vội nhiều chương mà không hiểu ý nghĩa những gì mình đọc. Dù đọc Kinh Thánh đều đặn là trọng yếu, động lực của chúng ta không phải chỉ là cố giữ theo thời khóa biểu; nhưng chúng ta nên có ước muốn thành thật là học biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Về phương diện này, chúng ta nên dùng những lời này của sứ đồ Phao-lô để tự xét mình. Viết cho những tín đồ Đấng Christ cùng đạo, ông nói: “Tôi quì gối trước mặt Cha, tôi cầu-xin Ngài... [cho] Đấng Christ nhân đức-tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu-thương, được hiệp cùng các thánh-đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết, hầu cho anh em được đầy-dẫy mọi sự dư-dật của Đức Chúa Trời”.—Ê-phê-sô 3:14, 16-19.

9. Làm sao chúng ta có thể vun trồng và làm tăng thêm ước muốn được Đức Giê-hô-va dạy dỗ?

9 Đành rằng một số người trong chúng ta có bản tính không thích đọc, trong khi những người khác lại ham đọc, nhưng bất kể khuynh hướng cá nhân, chúng ta có thể vun trồng và làm tăng thêm ước muốn được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng chúng ta nên ham muốn hiểu biết về Kinh Thánh, và ông nhận thấy rằng sự ham muốn đó có thể phải được phát triển. Ông viết: “Hãy [“tập”, NW] ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn”. (1 Phi-e-rơ 2:2, chúng tôi viết nghiêng) Sự tự rèn luyện là thiết yếu nếu chúng ta muốn “tập ham-thích” học hỏi Kinh Thánh. Cũng như chúng ta có thể quen dần và thích món ăn lạ sau khi ăn thử nhiều lần, thái độ của chúng ta đối với việc đọc và học hỏi có thể thay đổi tốt hơn nếu chúng ta tự rèn luyện để có một thói quen đều đặn.

Đồ ăn đúng giờ”

10. Ai hợp thành “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, và ngày nay Đức Giê-hô-va dùng họ như thế nào?

10 Một cách khác mà Đức Giê-hô-va dùng để nói với chúng ta ngày nay được Chúa Giê-su nói rõ nơi Ma-thi-ơ 24:45-47 (NW). Ở đó ngài nói về hội thánh tín đồ Đấng Christ được thánh linh xức dầu—“đầy tớ trung tín và khôn ngoan” được bổ nhiệm để cung cấp “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ”. Mỗi một thành viên của lớp người này là “người nhà” của Chúa Giê-su. Những người này, cùng với “đám đông” thuộc “chiên khác”, nhận được sự khích lệ và hướng dẫn. (Khải-huyền 7:9, NW; Giăng 10:16) Phần nhiều những đồ ăn đúng giờ này đến tay chúng ta qua hình thức những ấn phẩm, chẳng hạn như Tháp Canh, Tỉnh Thức! và những sách báo khác. Thức ăn thiêng liêng khác được phân phát qua hình thức những bài giảng và trình diễn tại các hội nghị địa hạt, hội nghị vòng quanh và buổi họp hội thánh.

11. Chúng ta chứng tỏ mình chấp nhận lời thánh linh phán qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” như thế nào?

11 Những thông tin do “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp có mục đích để củng cố đức tin và luyện tập khả năng nhận thức của chúng ta. (Hê-bơ-rơ 5:14, NW) Lời khuyên đó có thể có tính cách tổng quát để mỗi người áp dụng riêng cho trường hợp của mình. Thỉnh thoảng chúng ta cũng nhận được lời khuyên liên quan tới những khía cạnh rõ rệt về hạnh kiểm của mình. Chúng ta nên có thái độ nào nếu thật sự nghe lời thánh linh phán qua lớp người đầy tớ? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy”. (Hê-bơ-rơ 13:17) Đành rằng mọi người có liên hệ trong sự sắp đặt này là những người bất toàn, nhưng Đức Giê-hô-va thích dùng những người tôi tớ của Ngài, dù bất toàn, để dẫn dắt chúng ta trong thời kỳ cuối cùng này.

Sự hướng dẫn của lương tâm chúng ta

12, 13. (a) Đức Giê-hô-va cho chúng ta một nguồn hướng dẫn nào khác? (b) Lương tâm có thể có tác động tốt nào ngay cả cho những người không có sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời?

12 Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta một nguồn hướng dẫn khác—lương tâm. Ngài tạo ra loài người với một ý thức nội tâm về điều phải và trái. Nó là một phần của bản chất chúng ta. Trong lá thư viết cho người Rô-ma, sứ đồ Phao-lô giải thích: “Dân ngoại vốn không có luật-pháp, khi họ tự-nhiên làm những việc luật-pháp dạy-biểu, thì những người ấy dầu không có luật-pháp, cũng tự nên luật-pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật-pháp dạy-biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương-tâm mình làm chứng cho luật-pháp, còn ý-tưởng mình khi thì cáo-giác mình, khi thì binh-vực mình”.—Rô-ma 2:14, 15.

13 Nhiều người không biết về Đức Giê-hô-va có thể nghĩ và hành động có phần phù hợp với những nguyên tắc của Ngài về điều phải và trái. Như thể là họ nghe một tiếng nói yếu ớt trong nội tâm hướng dẫn họ đi theo đường đúng. Nếu điều này là đúng cho những người không có sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời, thì nó còn đúng hơn cho những người là tín đồ thật của Đấng Christ, tiếng nói nội tâm của họ còn phải mạnh hơn nữa! Chắc chắn, lương tâm người tín đồ Đấng Christ được luyện lọc bởi sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời và hoạt động phù hợp với thánh linh của Đức Giê-hô-va có thể cho sự hướng dẫn đáng tin cậy.—Rô-ma 9:1.

14. Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện có thể giúp chúng ta theo sự hướng dẫn của thánh linh Đức Giê-hô-va như thế nào?

14 Một lương tâm tốt, được Kinh Thánh rèn luyện, có thể nhắc nhở chúng ta về đường lối mà thánh linh muốn chúng ta đi. Đôi khi không có đoạn Kinh Thánh nào hoặc ấn phẩm nào dựa vào Kinh Thánh nói rõ về trường hợp mà chúng ta gặp phải, nhưng lương tâm có thể cảnh giác, báo động chúng ta tránh đường lối có thể là tai hại. Trong những trường hợp đó, lờ đi tiếng nói của lương tâm thì trên thực tế, có thể có nghĩa là lờ đi lời thánh linh Đức Giê-hô-va phán. Mặt khác, bằng cách tập tin cậy lương tâm được rèn luyện của tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể lựa chọn khôn khéo ngay cả khi không có sự hướng dẫn rõ rệt nào trên giấy mực. Tuy nhiên, điều quan trọng để nhớ là khi Đức Chúa Trời không ban cho nguyên tắc, điều lệ hay luật pháp, thì việc bắt buộc anh em cùng đạo theo sự phán đoán của lương tâm chúng ta về những vấn đề hoàn toàn riêng tư là điều không đúng.—Rô-ma 14:1-4; Ga-la-ti 6:5.

15, 16. Điều gì có thể khiến lương tâm của chúng ta lệch lạc, và chúng ta có thể ngăn ngừa điều đó như thế nào?

15 Một lương tâm trong sạch, được Kinh Thánh rèn luyện là món quà tốt đến từ Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 1:17, NW) Nhưng chúng ta phải bảo vệ món quà này khỏi ảnh hưởng bại hoại nếu muốn nó hoạt động đúng đắn như một dụng cụ an toàn về luân lý. Nếu theo những phong tục, truyền thống và tập quán địa phương mâu thuẫn với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, thì lương tâm của chúng ta có thể bị lệch lạc và không thúc chúng ta hướng vào con đường đúng. Chúng ta chứng tỏ không thể phán đoán vấn đề một cách đúng và thậm chí còn có thể tự lừa gạt để tin hành động xấu thật sự là tốt.—So sánh Giăng 16:2.

16 Nếu chúng ta tiếp tục lờ đi những lời cảnh cáo của lương tâm, tiếng nói của nó sẽ trở nên yếu dần cho đến khi chúng ta không còn cảm giác hoặc bị chai về đạo đức. Người viết Thi-thiên nói về những người đó: “Lòng chúng nó dày [“không cảm giác”, NW] như mỡ”. (Thi-thiên 119:70) Một số người lờ đi sự thôi thúc của lương tâm mất đi khả năng suy nghĩ đúng đắn. Họ không còn theo những nguyên tắc của Đức Chúa Trời và không thể có những quyết định đúng. Để tránh tình trạng đó, chúng ta nên nhạy cảm trước sự hướng dẫn của lương tâm tín đồ Đấng Christ ngay cả trong những vấn đề có vẻ nhỏ nhặt.—Lu-ca 16:10.

Hạnh phúc cho những ai nghe và vâng theo

17. Khi chúng ta nghe theo “tiếng đằng sau mình” và làm theo lương tâm được rèn luyện theo Kinh Thánh, chúng ta sẽ được ban phước như thế nào?

17 Khi chúng ta tập lắng nghe được “tiếng đằng sau mình”—như được cung cấp qua Kinh Thánh và đầy tớ trung tín và khôn ngoan—và khi chúng ta nghe theo sự nhắc nhở của lương tâm được rèn luyện theo Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta thánh linh Ngài. Đến lượt, thánh linh sẽ nâng cao khả năng của chúng ta để nhận và hiểu những gì Đức Giê-hô-va bảo chúng ta.

18, 19. Sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va có lợi cho chúng ta trong thánh chức và đời sống cá nhân như thế nào?

18 Thánh linh Đức Giê-hô-va cũng sẽ làm chúng ta dạn dĩ để đương đầu với những tình thế khó khăn bằng sự khôn ngoan và can đảm. Như trong trường hợp của các sứ đồ, thánh linh Đức Chúa Trời có thể kích thích năng lực trí tuệ và giúp chúng ta luôn luôn hành động và nói năng phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 10:18-20; Giăng 14:26; Công-vụ 4:5-8, 13, 31; 15:28) Thánh linh của Đức Giê-hô-va cùng với nỗ lực cá nhân sẽ cho chúng ta thành công khi có những quyết định quan trọng trong đời sống, cho chúng ta sự can đảm để làm theo những quyết định đó. Thí dụ, bạn có thể đang cân nhắc về việc điều chỉnh lối sống để dành thì giờ nhiều hơn cho những việc thiêng liêng. Hay là bạn có thể đương đầu với những sự chọn lựa quan trọng khiến bạn phải thay đổi đời sống, như là việc chọn người hôn phối, cân nhắc có nên nhận việc làm mới hoặc mua nhà không. Thay vì chỉ dựa vào cảm xúc để quyết định, thì chúng ta hãy nghe thánh linh Đức Chúa Trời phán và hành động phù hợp với sự hướng dẫn đó.

19 Chúng ta thật sự quý trọng những lời nhắc nhở tử tế và lời khuyên nhận được từ anh em tín đồ Đấng Christ, kể cả của những trưởng lão. Tuy nhiên, chúng ta không cần luôn luôn đợi người khác lưu ý chúng ta về vấn đề nào đó. Nếu chúng ta biết đường lối khôn ngoan để làm và những gì cần phải điều chỉnh trong thái độ, hạnh kiểm của chúng ta để làm vui lòng Đức Chúa Trời thì chúng ta hãy hành động. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo”.—Giăng 13:17.

20. Những người nghe theo “tiếng đằng sau mình” nhận được ân phước nào?

20 Rõ ràng là muốn biết cách làm vừa lòng Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ không cần phải nghe một tiếng nói từ trời hay là cần được thiên sứ đến thăm. Họ được ban cho Lời được ghi chép của Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn yêu thương qua lớp người được xức dầu trên đất. Nếu họ thận trọng làm theo “tiếng đằng sau mình” và theo sự hướng dẫn của lương tâm được rèn luyện theo Kinh Thánh, họ sẽ thành công trong việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Rồi họ chắc chắn sẽ thấy lời hứa của sứ đồ Giăng được ứng nghiệm: “Ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17.

Ôn lại ngắn gọn

• Tại sao Đức Giê-hô-va giao tiếp với loài người?

• Chúng ta được lợi ích qua chương trình đọc Kinh Thánh đều đặn như thế nào?

• Chúng ta nên đáp ứng sự hướng dẫn của lớp người đầy tớ như thế nào?

• Tại sao chúng ta không nên lờ đi tiếng nói của lương tâm được rèn luyện theo Kinh Thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Loài người không cần những dụng cụ phức tạp để nhận thông điệp của Đức Chúa Trời

[Nguồn tư liệu]

Courtesy Arecibo Observatory/David Parker/Science Photo Library

[Hình nơi trang 15]

Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Kinh Thánh và qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”