Những đám cưới vui vẻ làm vinh hiển Đức Giê-hô-va
Những đám cưới vui vẻ làm vinh hiển Đức Giê-hô-va
Welsh và Elthea kết hôn ở Soweto, nam phi, vào năm 1985. Thỉnh thoảng họ xem lại tập ảnh đám cưới với con gái là Zinzi, và sống lại ngày vui đó. Zinzi thích nhận ra những khách đến dự đám cưới và đặc biệt thích xem hình của mẹ ăn mặc thật đẹp.
LỄ CƯỚI bắt đầu với một bài giảng về hôn nhân được trình bày trong một hội trường công cộng ở Soweto. Kế đến, một ban hợp ca gồm những người trẻ đạo Đấng Christ hát hòa âm bốn bè, những bài ca ngợi Đức Chúa Trời. Sau đó, khách thưởng thức một bữa ăn trong lúc nghe một băng nhạc êm dịu Nước Trời. Trong tiệc cưới không có rượu, nhạc ầm ĩ hoặc khiêu vũ. Thay vì thế, khách đến dự cùng vui với nhau và chúc mừng cặp vợ chồng. Toàn thể nghi thức kéo dài ba tiếng. “Đám cưới đó sẽ luôn mang lại những kỷ niệm vui đối với tôi”, anh Raymond, một trưởng lão đạo Đấng Christ, nhớ lại.
Lúc làm lễ cưới, Welsh và Elthea là những người làm việc tình nguyện tại chi nhánh Nam Phi của Hội Tháp Canh. Họ chỉ có thể làm một đám cưới đơn giản. Một số tín đồ Đấng Christ quyết định ngưng làm thánh chức trọn thời gian và tìm công việc ngoài đời để trả các chi phí của một đám cưới long trọng. Tuy nhiên, Welsh và Elthea không hối tiếc là đã quyết định làm đám cưới đơn giản vì như thế họ có thể tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách người truyền giáo trọn thời gian đến khi sinh Zinzi.
Nhưng nếu một cặp vợ chồng chọn chơi nhạc thế tục và có khiêu vũ trong đám cưới họ thì sao? Nếu họ quyết định đãi rượu hoặc đồ uống có chất rượu thì sao? Nếu họ có tiền để làm đám cưới lớn và long trọng thì sao? Làm thế nào họ có thể nắm chắc rằng đám cưới họ sẽ là một dịp vui mừng, thích hợp với người thờ phượng Đức Chúa Trời? Những câu hỏi như thế cần phải được cân nhắc kỹ, vì Kinh Thánh răn dạy: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”.—1 Cô-rinh-tô 10:31.
Tránh chè chén ồn ào
Khó mà hình dung được một đám cưới buồn bã. Nhưng đi đến thái cực kia và chè chén quá độ còn nguy hiểm hơn nữa. Tại nhiều đám cưới không phải của Nhân Chứng, có những điều diễn ra làm ô danh Đức Chúa Trời. Thí dụ, uống rượu đến độ say sưa là điều thông thường. Đáng buồn thay, điều này cũng xảy ra trong một số đám cưới của tín đồ Đấng Christ.
Kinh Thánh cảnh giác rằng “men say tạo ồn ào”. (Châm-ngôn 20:1, Tòa Tổng Giám Mục) Nếu rượu có thể làm một người ồn ào, hãy tưởng tượng cảnh một đám đông người tụ họp lại và uống quá nhiều! Rõ ràng, những dịp như thế dễ trở thành “say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy”, là những điều Kinh Thánh liệt kê là “những việc do tính xác thịt gây ra”. Những ai có thói quen như thế mà không biết ăn năn sẽ không đủ tư cách để hưởng sự sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời.—Ga-la-ti 5:19-21, TTGM.
Từ Hy Lạp dịch là “chè chén” được dùng để tả đoàn thanh thiếu niên nửa say nửa tỉnh, diễu hành ồn ào trên đường phố, ca hát, nhảy
múa và chơi nhạc. Nếu rượu được uống tùy thích trong một đám cưới, và nếu có nhạc ầm ĩ và khiêu vũ cuồng nhiệt, thì có nguy cơ là tiệc cưới sẽ trở nên giống như một cuộc chè chén ồn ào. Trong một bầu không khí như thế, những người yếu dễ bị cám dỗ và phạm những việc làm xác thịt khác như “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, nóng giận”. Có thể làm gì để ngăn ngừa những việc làm xác thịt như thế phá hoại niềm vui của một đám cưới của tín đồ Đấng Christ? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì về một đám cưới nọ.Đám cưới mà Chúa Giê-su dự
Chúa Giê-su và môn đồ ngài được mời dự một đám cưới ở Ca-na xứ Ga-li-lê. Họ nhận lời mời, và Chúa Giê-su còn giúp vui cho dịp đó. Khi hết rượu, ngài làm phép lạ biến ra thêm rượu thượng hạng. Sau ngày cưới, rượu còn dư chắc hẳn đã được chú rể và gia đình đầy lòng biết ơn để dành dùng.—Giăng 2:3-11.
Có một số điều chúng ta có thể học được từ tiệc cưới mà Chúa Giê-su đã dự. Trước nhất, Chúa Giê-su và môn đồ không đến tiệc cưới mà không được mời. Kinh Thánh nói rõ là họ được mời. (Giăng 2:1, 2) Cũng vậy, trong hai minh họa về tiệc cưới, Chúa Giê-su nhiều lần nói rằng khách có mặt vì họ được mời.—Ma-thi-ơ 22:2-4, 8, 9; Lu-ca 14:8-10.
Tại một số xứ, có tục lệ là mọi người trong cộng đồng được tự do đến dự tiệc cưới dù được mời hay không. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra khó khăn về tài chính. Một cặp sắp cưới nhưng không giàu có, có thể phải mắc nợ để bảo đảm có đủ đồ ăn thức uống cho một đám đông người không giới hạn. Vì thế, nếu một cặp vợ chồng tín đồ sắp cưới quyết định làm đám cưới đơn giản với một số khách nhất định, thì những tín đồ không được mời nên thông cảm và tôn trọng quyết định đó. Một người kết hôn ở Cape Town, Nam Phi, nhớ lại là anh mời 200 người khách đến dự đám cưới. Tuy nhiên, 600 người đã đến, và chỉ một thoáng họ hết đồ ăn. Trong số những khách không được mời là một xe buýt đầy du khách tình cờ đến tham quan Cape Town vào cuối tuần có đám cưới đó. Người hướng dẫn chuyến tham quan này là bà con xa của cô dâu và anh cho rằng mình có quyền đem theo cả nhóm mà không cần phải hỏi ý cô dâu chú rể!
Trừ phi có thông báo là mọi người đều được mời đến tiệc cưới, một tín đồ thật của Chúa Giê-su, nếu không được mời, sẽ tránh dự một tiệc cưới và ăn uống những đồ dành cho những khách được mời. Những người không được mời nhưng rất muốn đến, nên tự hỏi: ‘Liệu việc tôi đến dự tiệc cưới này có cho thấy tôi thiếu tình yêu thương đối với đôi tân hôn không? Liệu tôi có gây phiền phức và làm bữa tiệc mất vui không?’ Thay vì mếch lòng vì không được mời, một tín đồ Đấng Christ có lòng thông cảm có thể yêu thương gửi lời chúc mừng cặp vợ chồng và chúc họ được ân phước của Đức Giê-hô-va. Người đó cũng có thể nghĩ đến việc giúp cặp vợ chồng bằng cách gửi một món quà để góp vui vào ngày cưới của họ.—Truyền-đạo 7:9; Ê-phê-sô 4:28.
Ai chịu trách nhiệm?
Một số nơi ở Phi Châu có tục lệ là bà con lớn tuổi hơn đảm trách việc sắp đặt đám cưới. Cặp vợ chồng sắp cưới có thể cảm thấy biết ơn về điều này, vì như thế họ đỡ phải lo về tài chính. Họ có thể cảm thấy nếu có điều gì xảy ra họ cũng khỏi phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trước khi nhận bất cứ sự giúp đỡ nào của bà con có thiện chí, một cặp sắp cưới nên nắm chắc rằng ý muốn của mình sẽ được coi trọng.
Mặc dù Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời, “từ trên trời xuống”, nhưng không có điều gì cho thấy rằng ngài đứng ra điều hành phần lớn sự việc trong đám cưới tại Ca-na. (Giăng 6:41) Thay vì thế, lời tường thuật Kinh Thánh cho chúng ta biết là một người khác được chỉ định làm “kẻ coi tiệc”. (Giăng 2:8) Và người này chịu trách nhiệm đối với chủ gia đình mới là chú rể.—Giăng 2:9, 10.
Bà con tín đồ Đấng Christ nên tôn trọng người mà Đức Chúa Trời chỉ định làm chủ của gia đình mới. (Cô-lô-se 3:18-20) Anh là người phải gánh trách nhiệm về những điều diễn ra trong đám cưới của anh. Tất nhiên chú rể nên biết điều và, nếu có thể, sắp xếp để hòa hợp với mong muốn của cô dâu, cha mẹ mình và cha mẹ vợ. Tuy nhiên, nếu bà con đòi sắp xếp sự việc trái với ý muốn của cặp vợ chồng sắp cưới thì cặp này có thể phải lịch sự từ chối sự giúp đỡ của họ và tự lo một đám cưới đơn giản. Như vậy sẽ không có điều gì diễn ra làm cho cặp vợ chồng sắp cưới có những ký ức không vui về sau. Thí dụ, trong một đám cưới đạo Đấng Christ ở Phi Châu, một người bà con không tin đạo đảm nhận vai trò phát ngôn trong buổi tiệc, đã nâng cốc cảm tạ tổ tiên!
Đôi khi đôi tân hôn lên đường đi hưởng tuần trăng mật trước khi tiệc cưới kết thúc. Trong trường hợp như thế, chú rể nên sắp xếp để có những người đáng tin cậy lo sao cho mọi điều phù hợp với tiêu chuẩn Kinh Thánh và tiệc cưới kết thúc vào một giờ vừa phải.
Dự tính kỹ và thăng bằng
Hiển nhiên có nhiều đồ ăn ngon trong đám cưới mà Chúa Giê-su dự, vì Kinh Thánh miêu tả đó là một tiệc cưới. Như được đề cập, cũng có nhiều rượu tại đó. Chắc chắn, có âm nhạc thích hợp và nhảy múa đàng hoàng vì đây là một thông tục xã giao của người Do Thái. Chúa Giê-su cho thấy điều này trong minh họa nổi tiếng của ngài về người con phá của. Khi thấy người con ăn năn trở về thì người cha giàu có trong câu chuyện đó vui sướng đến độ ông nói: “Chúng ta hãy ăn mừng”. Theo Chúa Giê-su, tiệc ăn mừng bao gồm “tiếng đàn ca nhảy múa”.—Lu-ca 15:23, 25.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Kinh Thánh không nói đến ca nhạc và nhảy múa trong đám cưới ở Ca-na. Trên thực tế, khi tường thuật về đám cưới, Kinh Thánh không hề nói đến nhảy múa. Hình như trong vòng các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời vào thời Kinh Thánh được viết ra, nhảy múa là phần phụ chứ không phải là phần chính trong đám cưới. Chúng ta có thể học được điều gì từ việc này không?
Trong một số đám cưới đạo Đấng Christ ở Phi Châu, hệ thống âm thanh điện tử rất mạnh được dùng. Âm nhạc có thể chơi lớn đến nỗi khách không thể nói chuyện dễ dàng với nhau. Đôi khi rõ ràng thiếu thức ăn nhưng không hề thiếu những điệu nhảy múa dễ trở nên cuồng nhiệt. Thay vì là tiệc cưới, những dịp như thế có thể chỉ là cớ để liên hoan nhảy múa. Ngoài ra, nhạc ầm ĩ thường thu hút những người không đàng hoàng, những người lạ đến mà không được mời.
Vì lời ghi chép của Kinh Thánh về đám cưới không nhấn mạnh âm nhạc và nhảy múa, vậy chẳng phải điều này nên hướng dẫn cặp vợ chồng sắp cưới trù tính một đám cưới làm vinh hiển Đức Giê-hô-va hay sao? Thế nhưng, khi chuẩn bị cho vài đám cưới gần đây ở miền nam Phi Châu, những người trẻ tín đồ được chọn vào họ nhà gái đã dành nhiều giờ tập dượt những điệu nhảy phức tạp. Trong nhiều tháng, họ dùng quá nhiều thì giờ làm điều đó. Nhưng tín đồ Đấng Christ cần phải “lợi-dụng thì-giờ” cho “những sự tốt-lành hơn”, như việc rao giảng, học hỏi cá nhân và đi dự các buổi họp đạo Đấng Christ.—Ê-phê-sô 5:16; Phi-líp 1:10.
Qua số lượng rượu mà Chúa Giê-su cung cấp, hình như đám cưới tại Ca-na là một đám cưới lớn, long trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn là đám cưới đó không ồn ào và khách không lạm dụng rượu như trong một số đám cưới Do Thái. (Giăng 2:10) Làm thế nào chúng ta có thể biết chắc điều này? Vì Chúa Giê-su Christ có mặt ở đó. Trong tất cả mọi người, Chúa Giê-su hẳn là người thận trọng nhất vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời về bạn bè xấu: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu”.—Châm-ngôn 23:20.
Vì thế, nếu một cặp sắp cưới quyết định đãi rượu hoặc những thức uống có chất rượu trong đám cưới, họ cần sắp đặt để có những Rô-ma 14:21.
người đáng tin cậy kiểm soát nghiêm ngặt việc tiếp rượu. Và nếu quyết định chơi nhạc, họ nên chọn những âm điệu thích hợp và chỉ định một người đáng tin cậy để kiểm tra âm lượng. Không nên để cho khách điều khiển và đưa vào những bản nhạc đáng nghi ngờ hoặc mở âm thanh quá lớn. Nếu có tiết mục khiêu vũ, có thể giới thiệu một cách trang nghiêm, có chừng mực. Nếu bà con không tin đạo hoặc những tín đồ chưa chín chắn có những động tác nhảy thô tục hoặc khêu gợi, thì chú rể có thể phải đổi sang điệu nhạc khác hoặc lịch sự yêu cầu ngưng tiết mục khiêu vũ. Bằng không, đám cưới có thể trở thành một cuộc huyên náo và gây vấp phạm.—Vì có những sự nguy hiểm gắn liền với một số kiểu khiêu vũ hiện đại, nhạc ầm ĩ và uống rượu tự do, nên một số chú rể trong đạo Đấng Christ quyết định không có những phần này trong đám cưới của họ. Một số đã bị chỉ trích về quyết định này, nhưng lẽ ra họ nên được tán dương vì có lòng mong muốn tránh bất cứ điều gì có thể làm ô danh thánh Đức Chúa Trời. Mặt khác, một số chú rể sắp xếp để có âm nhạc thích hợp, thì giờ để khiêu vũ, và đãi rượu một cách điều độ. Trong cả hai trường hợp, chú rể chịu trách nhiệm về những gì anh cho phép diễn ra trong đám cưới của mình.
Tại Phi Châu, một số người không chín chắn xem khinh những đám cưới đàng hoàng của tín đồ Đấng Christ và nói rằng những đám cưới đó giống như đi dự đám tang. Tuy nhiên, đó không phải là một quan điểm thăng bằng. Những việc làm tội lỗi của xác thịt có thể đem lại sự kích thích nhất thời, nhưng lại khiến người tín đồ Đấng Christ bị lương tâm cắn rứt và danh Đức Chúa Trời bị nói phạm. (Rô-ma 2:24) Mặt khác, thánh linh của Đức Chúa Trời đem lại niềm vui thật sự. (Ga-la-ti 5:22) Nhiều cặp vợ chồng đạo Đấng Christ hãnh diện nhìn lại ngày cưới, biết rằng đó là một ngày vui và “chẳng làm cho ai vấp-phạm”.—2 Cô-rinh-tô 6:3.
Welsh và Elthea vẫn còn nhớ nhiều lời khen của bà con không tin đạo đến dự đám cưới. Một người nói: “Chúng tôi chán những đám cưới ồn ào ngày nay. Thật thú vị lần này được dự một đám cưới đàng hoàng lịch sự”.
Điều quan trọng nhất là những đám cưới nào của tín đồ Đấng Christ mà vui vẻ và đàng hoàng lịch sự thì làm vinh hiển Đấng Sáng Lập hôn nhân là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
[Khung/Hình nơi trang 22]
BẢN KIỂM KÊ CHO TIỆC CƯỚI
• Nếu mời một người bà con không tin đạo để nói vài lời, bạn có nắm chắc là người đó không đưa vào một truyền thống trái với đạo Đấng Christ chưa?
• Nếu chơi nhạc, bạn có chọn chỉ những bài thích hợp không?
• Những bản nhạc của bạn có sẽ chơi với âm lượng vừa phải không?
• Nếu có khiêu vũ, điều đó có sẽ diễn ra một cách đàng hoàng không?
• Rượu sẽ được tiếp một cách điều độ không?
• Sẽ có những người đáng tin cậy kiểm soát việc tiếp rượu không?
• Bạn có ấn định một giờ vừa phải để kết thúc tiệc cưới chưa?
• Sẽ có những người đáng tin cậy để bảo đảm trật tự cho đến cuối không?