Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao có quá nhiều tham nhũng?

Tại sao có quá nhiều tham nhũng?

Tại sao có quá nhiều tham nhũng?

“Ngươi chớ nhậm của hối-lộ, vì của hối-lộ làm mờ mắt người thượng-trí, và làm mất duyên-do của kẻ công-bình”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8.

CÁCH nay ba ngàn năm trăm năm, Luật Pháp Môi-se đã kết án việc hối lộ. Qua nhiều thế kỷ kể từ đấy, người ta đã ban hành đầy dẫy luật chống hối lộ. Tuy nhiên, pháp luật không thành công trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng. Hàng triệu vụ hối lộ xảy ra mỗi ngày và hàng tỉ người phải gánh chịu hậu quả.

Nạn tham nhũng lan tràn và tinh vi đến mức đe dọa phá hoại cơ cấu xã hội. Tại một số quốc gia, nếu không hối lộ thì hầu như không làm được việc gì. Hối lộ đúng người sẽ giúp người ta thi đỗ, được cấp bằng lái xe, ký được hợp đồng hoặc thắng một vụ kiện. Arnaud Montebourg, một luật sư ở Paris, than phiền: “Tham nhũng giống như một sự ô nhiễm trầm trọng làm ngã lòng người ta”.

Việc hối lộ đặc biệt lan tràn trong giới thương mại. Một số công ty để riêng ra một phần ba tổng số lợi nhuận chỉ để trả hối lộ cho các viên chức chính quyền tham nhũng. Theo tạp chí Anh The Economist thì 10 phần trăm của 25 tỉ [Mỹ kim] mỗi năm dành trong việc buôn bán vũ khí quốc tế được chi để hối lộ các khách hàng tương lai. Hậu quả trở nên thê thảm vì phạm vi của sự tham nhũng ngày càng gia tăng. Trong suốt thập niên vừa qua, người ta nói đến tư bản kiểu “kéo bè”—tức những thực hành thương mại thối nát, thiên vị một số ít người có đặc quyền và vây cánh—đã phá hoại nền kinh tế của cả quốc gia.

Tất nhiên, người chịu khổ nhiều nhất vì nạn tham nhũng và tình trạng kinh tế bị phá hoại do tệ nạn này sinh ra là những người nghèo—những người hiếm khi có điều kiện để hối lộ ai. Đúng như tờ The Economist phát biểu ngắn gọn, tham nhũng chỉ là một hình thức áp bức”. Kiểu áp bức này có thể loại trừ được không? Hay phải chăng nạn tham nhũng không thể nào tránh được? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải xác định vài nguyên nhân cơ bản của nạn tham nhũng.

Những nguyên nhân nào gây ra nạn tham nhũng?

Tại sao người ta muốn trở thành kẻ tham nhũng thay vì làm người lương thiện? Đối với một số người, ăn hối lộ có thể là cách dễ nhất—hoặc trong thực tế là cách duy nhất—để có được cái mình muốn. Đôi khi, của hối lộ được dùng như một phương tiện thuận lợi để tránh hình phạt. Vì nhận thấy rằng chính trị gia, cảnh sát và quan tòa có vẻ làm ngơ trước nạn tham nhũng hoặc chính họ cũng tham nhũng nữa, nên nhiều người bắt chước theo.

Khi sự tham nhũng gia tăng nhanh, nó dễ được chấp nhận hơn và cuối cùng trở thành chuẩn mực. Những người có đồng lương thấp đến mức đáng thương hại cảm thấy họ không còn sự lựa chọn nào khác hơn. Họ buộc phải đòi hối lộ, nếu muốn có một cuộc sống đầy đủ. Và khi những kẻ đòi hối lộ hoặc trả tiền hối lộ để chiếm lợi thế một cách bất công không bị trừng phạt thì ít ai muốn chống nạn tham nhũng. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nhận xét: “Bởi chẳng thi-hành ngay án-phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”.—Truyền-đạo 8:11.

Có hai mãnh lực thôi thúc nạn tham nhũng: tính ích kỷ và sự tham lam. Vì ích kỷ, kẻ tham nhũng lờ đi nỗi khổ của người khác do hành vi tham nhũng gây ra, và vì tư lợi, họ bào chữa cho việc nhận hối lộ. Càng tích lũy những mối lợi vật chất, kẻ tham nhũng càng trở nên tham lam hơn. Sa-lô-môn đã nhận xét: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi”. (Truyền-đạo 5:10) Đành rằng tham lam có thể có lợi cho việc kiếm ra tiền, nhưng nhất định là nó nhắm mắt làm ngơ trước sự tham nhũng và điều phi pháp.

Một yếu tố khác không nên bỏ sót là vai trò của kẻ cai trị vô hình của thế gian này, kẻ mà Kinh Thánh xác định là Sa-tan Ma-quỉ. (1 Giăng 5:19; Khải-huyền 12:9) Sa-tan tích cực cổ xúy nạn tham nhũng. Của hối lộ lớn nhất được ghi lại là do Sa-tan đề nghị cùng Đấng Christ. ‘Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi tất cả các nước thế-gian nầy’.—Ma-thi-ơ 4:8, 9.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không bị mua chuộc, và ngài dạy cho các môn đồ xử sự một cách tương tự. Những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể là công cụ hữu hiệu để chống nạn tham nhũng ngày nay không? Bài tiếp theo sẽ phân tích câu hỏi này.