Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các sách Phúc Âm—Cuộc tranh luận tiếp diễn

Các sách Phúc Âm—Cuộc tranh luận tiếp diễn

Các sách Phúc Âm—Cuộc tranh luận tiếp diễn

Lời tường thuật trong Phúc Âm về việc Chúa Giê-su Christ ra đời có trung thực không?

Ngài có nói Bài Giảng trên Núi không?

Chúa Giê-su có thật sự sống lại không?

Có thật là ngài đã nói: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” không?—GIĂNG 14:6.

KHOẢNG 80 học giả đã thảo luận những vấn đề như thế tại Khóa Hội Thảo về Chúa Giê-su, được tổ chức mỗi năm hai lần kể từ năm 1985 đến nay. Nhóm học giả này đã trả lời những câu hỏi đó một cách khác thường. Những người tham dự khóa hội thảo bỏ phiếu cho mỗi lời nói qui cho Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm. Phiếu đỏ có nghĩa là lời nói đó thật sự của Chúa Giê-su. Phiếu hồng biểu thị ý kiến cho rằng lời nói đó tương tự như điều mà Chúa Giê-su có thể đã nói. Phiếu xám cho thấy các ý tưởng có thể gần giống ý của Chúa Giê-su, nhưng lời tuyên bố đó không phải do ngài đưa ra. Phiếu đen là hoàn toàn phủ định, cho rằng lời tuyên bố đó đến từ truyền thống sau này.

Theo phương pháp này, những người tham dự Khóa Hội Thảo về Chúa Giê-su đã gạt bỏ tất cả bốn điểm nêu lên dưới dạng câu hỏi trong phần nhập đề bài này. Trên thực tế, họ đã bỏ phiếu đen cho 82 phần trăm những lời được qui cho Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm. Theo ý họ thì chỉ có 16 phần trăm các biến cố kể lại chi tiết về Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm và những sự ghi chép khác là có vẻ xác thật.

Lời phê bình thể ấy về các sách Phúc Âm không phải là mới mẻ. Các sách Phúc Âm đã bị đả kích vào năm 1774 khi một bản thảo dày 1.400 trang của Hermann Reimarus, một giáo sư ngôn ngữ Đông Phương ở Hamburg, Đức Quốc, được xuất bản sau khi ông chết. Trong tác phẩm đó, Reimarus đưa ra những nghi vấn lớn về tính chất lịch sử của các sách Phúc Âm. Kết luận của ông dựa trên sự phân tích về ngữ học và những điều dường như mâu thuẫn tìm thấy trong lời tường thuật của bốn sách Phúc Âm về cuộc đời của Chúa Giê-su. Kể từ dạo đó, những nhà phê bình thường nêu lên những nghi vấn về tính xác thực của các sách Phúc Âm, ít nhiều làm giảm niềm tin của công chúng vào những lời ghi chép này.

Quan điểm chung của giới học giả này là họ xem những lời tường thuật của Phúc Âm như chuyện viễn tưởng tôn giáo do nhiều người truyền lại. Những câu hỏi mà họ thường nêu ra là: Liệu các niềm tin của những người viết bốn sách Phúc Âm có khiến họ tô điểm thêm cho những sự kiện có thật không? Liệu chính sách của cộng đồng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có khiến họ cắt xén hoặc thêm thắt vào tiểu sử Chúa Giê-su không? Các phần nào của Phúc Âm có thể là lời tường thuật trung thực, chứ không phải chuyện hoang đường?

Những người lớn lên trong một xã hội vô thần hoặc duy vật cho rằng Kinh Thánh—kể cả các sách Phúc Âm—là một cuốn sách đầy truyền thuyết và chuyện hoang đường. Những người khác nữa thì thất kinh trước lịch sử đẫm máu, đầy áp bức, chia rẽ và hành vi không tin kính của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Những người đó không thấy có lý do nào để chú ý đến những điều mà các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ cho là thánh thư. Họ nghĩ rằng các tác phẩm đã sản sinh ra một tôn giáo giả hình thì chỉ có thể là chuyện ngụ ngôn vô dụng, không hơn không kém.

Còn bạn thì nghĩ sao? Bạn có nên để cho một số học giả có nghi vấn về tính chất lịch sử của các sách Phúc Âm dấy lên sự hoài nghi trong trí bạn không? Khi nghe người ta vô cớ gán cho những người viết sách Phúc Âm tội sáng tác chuyện hoang đường, bạn có nên để cho điều này làm lung lay niềm tin cậy của bạn nơi những gì họ viết ra không? Lịch sử gian ác của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ có khiến bạn chất vấn về sự đáng tin cậy của các sách Phúc Âm không? Chúng tôi mời bạn xem xét một số sự kiện.

[Hình nơi trang 4]

Các sách Phúc Âm chứa đựng chuyện ngụ ngôn hay sự kiện có thật?

[Nguồn tư liệu]

Chúa Giê-su đi trên biển/Dover Publications

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

Nền, trang 3-5 và 8: Courtesy of the Freer Gallery of Art, Smithsonian Institution, Washington, D.C.