Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các sách Phúc Âm lịch sử hay huyền thoại?

Các sách Phúc Âm lịch sử hay huyền thoại?

Các sách Phúc Âm lịch sử hay huyền thoại?

TRÊN khắp thế giới câu chuyện về Chúa Giê-su người Na-xa-rét—một người trẻ tuổi đã thay đổi đường hướng lịch sử nhân loại—đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội. Câu chuyện này được người ta dạy một cách chính thức và bán chính thức. Nhiều người xem Phúc Âm là nguồn của các chân lý và phương châm vượt thời gian, chẳng hạn như “Ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không”. (Ma-thi-ơ 5:37) Thật vậy, những lời tường thuật của Phúc Âm có thể đã là căn bản cho nhiều sự dạy dỗ của cha mẹ bạn, dù họ là tín đồ Đấng Christ hay không.

Đối với hàng triệu môn đồ thành tâm của Đấng Christ, Phúc Âm miêu tả người mà họ sẵn sàng liều mình chịu khổ và chết. Phúc Âm cũng là nền tảng và nguồn khích lệ lòng can đảm, kiên trì, đức tin và hy vọng. Vậy cần phải có bằng chứng hiển nhiên mới bác bỏ được những lời tường thuật này, mà xem đó là chuyện viễn tưởng; bạn không đồng ý sao? Xét về ảnh hưởng sâu rộng của những lời tường thuật Phúc Âm đối với tư tưởng và hành vi của con người, nếu có người gieo rắc sự nghi ngờ về tính xác thực của Phúc Âm, bạn lại không đòi hỏi người đó trưng bằng chứng xác đáng sao?

Chúng tôi mời bạn xem xét một số câu hỏi gợi ý liên quan đến Phúc Âm. Hãy đích thân xem xét một số nhà nghiên cứu Phúc Âm nghĩ gì về các vấn đề này, dù rằng vài người trong số họ không nhận là tín đồ Đấng Christ. Từ đó bạn có thể rút ra kết luận sáng suốt cho mình.

NHỮNG CÂU HỎI CẦN XEM XÉT

Có thể nào Phúc Âm là một sản phẩm tưởng tượng khéo léo không?

Robert Funk, người sáng lập Khóa Hội Thảo về Chúa Giê-su, nói: “Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng ‘đã trình bày Đấng Mê-si’ phỏng theo giáo lý đạo Đấng Christ, sau khi giáo lý này đã tiến hóa sau cái chết của Chúa Giê-su”. Tuy nhiên, trong khi Phúc Âm được viết ra, nhiều người đã từng nghe Chúa Giê-su nói, đã chứng kiến các hành động của ngài, và đã thấy ngài sau khi ngài sống lại, lúc đó vẫn còn sống. Họ đã không buộc cho những người viết Phúc Âm bất kỳ tội lừa đảo nào.

Hãy xem sự chết và sự sống lại của Đấng Christ. Không chỉ Phúc Âm chứa đựng những sự tường thuật đáng tin cậy về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su mà lá thư thứ nhất sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô xưa cũng tường thuật tương tự. Ông viết: “Trước hết tôi đã dạy-dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận-lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh-thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh-thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ-đồ. Cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ-đồ. Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy”. (1 Cô-rinh-tô 15:3-8) Những nhân chứng đó là những người gìn giữ những sự kiện lịch sử về đời sống của Chúa Giê-su.

Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp không thấy có sự bịa đặt nào mà những nhà phê bình thời nay đưa ra. Thay vì thế, sự bịa đặt xuất hiện trong các văn tự thuộc thế kỷ thứ hai CN. Vậy, vào thời đó một số câu chuyện về Đấng Christ mới được bịa ra khi sự bội đạo nảy nở giữa các cộng đồng đã bị tách ra khỏi hội thánh các sứ đồ.—Công-vụ 20:28-30.

Các sách Phúc Âm có thể nào là huyền thoại không?

Tác giả kiêm phê bình gia C. S. Lewis thấy khó tin rằng Phúc Âm chỉ là huyền thoại. Ông viết: “Là một sử gia về văn học, tôi hoàn toàn tin chắc rằng dù thế nào đi nữa, Phúc Âm không thể là huyền thoại. Phúc Âm không đủ tính nghệ thuật để có thể gọi là truyền thuyết... Chúng ta không biết về phần lớn cuộc đời của Chúa Giê-su; không ai bịa đặt ra một truyền thuyết lại hớ hênh như thế”. Điều cũng đáng chú ý là dù không nhận là tín đồ Đấng Christ, sử gia nổi tiếng H. G. Wells thừa nhận: “Cả bốn [người viết Phúc Âm] đều nhất trí trong lời mô tả một nhân tính rất đậm nét; họ nói lên niềm tin chắc của mình về sự việc có thật”.

Hãy xem trường hợp khi Chúa Giê-su hiện ra cho môn đồ thấy, sau khi ngài sống lại. Người khéo bịa đặt truyền thuyết chắc sẽ mô tả Chúa Giê-su trở lại một cách ngoạn mục, nói một bài giảng trọng đại hoặc tắm mình trong sự huy hoàng rực rỡ. Thay vì thế, những người viết Phúc Âm chỉ giản dị miêu tả ngài đứng trước mặt môn đồ. Rồi ngài hỏi: “Hỡi các con, không có chi ăn hết sao?” (Giăng 21:5) Học giả Gregg Easterbrook kết luận: “Những loại chi tiết này gợi ý rằng câu chuyện có thật, chứ không nhằm thêu dệt huyền thoại”.

Lời buộc tội cho rằng Phúc Âm là huyền thoại cũng không vững; bởi lẽ vào thời viết Phúc Âm, phương pháp dạy dỗ nghiêm ngặt của giới ra-bi vốn thịnh hành. Phương pháp đó theo sát lối học vẹt—một quá trình học thuộc lòng theo kiểu rập khuôn hay lặp lại. Điều này khiến người viết thiên về việc ghi chép chính xác và cẩn thận lời nói và việc làm của Chúa Giê-su, thay vì việc chế ra và tô điểm bản tường thuật.

Nếu là huyền thoại, có thể nào Phúc Âm đã được sưu tập nhanh chóng đến thế sau khi Chúa Giê-su chết không?

Theo bằng chứng hiện có, Phúc Âm đã được viết ra từ năm 41 đến năm 98 CN. Chúa Giê-su mất vào năm 33 CN. Điều này có nghĩa là những câu chuyện về đời sống của ngài đã được sưu tập trong một thời gian tương đối ngắn sau khi ngài kết thúc thánh chức. Điều này gây trở ngại rất lớn cho lập luận nói rằng các lời tường thuật Phúc Âm chỉ là huyền thoại. Huyền thoại cần thời gian để phát triển. Lấy thí dụ chuyện Iliad Odyssey của thi hào Homer thời cổ Hy Lạp. Một số người tin rằng văn bản của hai huyền thoại anh hùng ca này phát triển và trở nên ổn định qua hàng trăm năm. Còn Phúc Âm thì sao?

Trong sách Caesar and Christ, sử gia Will Durant viết: “Sự kiện một vài người tầm thường mà chỉ trong một thế hệ tạo ra được một nhân vật có quyền năng và thu hút được nhiều người đến thế, đặt ra được một đạo lý cao siêu đến thế và một quan điểm về tình huynh đệ của con người đầy khích lệ đến thế, hẳn là một phép lạ khó tin hơn bất cứ phép lạ nào được ghi lại trong các sách Phúc Âm. Sau hai thế kỷ phê bình Kinh Thánh, tiểu sử, tính cách, và sự dạy dỗ của Đấng Christ vẫn tồn tại khá rõ ràng, cấu thành nét hấp dẫn nhất trong lịch sử người phương Tây”.

Phải chăng về sau Phúc Âm đã được thêm bớt cho hợp với nhu cầu của cộng đồng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

Một số nhà phê bình lập luận rằng sự tranh giành quyền lợi trong cộng đồng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã khiến những người viết Phúc Âm thêm bớt vào tiểu sử Chúa Giê-su. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu kỹ về Phúc Âm cho thấy không có một sự sửa đổi nào như thế đã xảy ra. Nếu những lời tường thuật Phúc Âm về Chúa Giê-su đã bị thay đổi do âm mưu của tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất, thì tại sao những lời nhận xét tiêu cực về cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại vẫn tồn tại trong bản văn?

Thí dụ, Ma-thi-ơ 6:5-7 ghi lời Chúa Giê-su phán như sau: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi”. Rõ ràng, đây là một lời lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Chúa Giê-su nói tiếp: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm”. Khi trích dẫn những lời này của Chúa Giê-su, những người viết Phúc Âm không cố lấy lòng để người ta cải đạo. Họ chỉ ghi lại những lời mà Chúa Giê-su Christ đã thật sự nói.

Cũng hãy xem những lời tường thuật Phúc Âm về những người đàn bà viếng mộ Chúa Giê-su và thấy mộ trống không. (Mác 16:1-8) Theo Gregg Easterbrook, “trong đầu óc xã hội Trung Đông cổ, lời chứng của phụ nữ không được xem là đáng tin cậy; chẳng hạn, chỉ cần hai người đàn ông làm chứng là đủ để kết án một phụ nữ phạm tội ngoại tình, trái lại không một lời chứng nào của phụ nữ lại có thể kết án người đàn ông”. Thật thế, ngay đến môn đồ Chúa Giê-su cũng không tin những người đàn bà đó! (Lu-ca 24:11) Vậy không thể nào một câu chuyện như thế đã được cố tình bịa đặt.

Các lá thư và sách Công-vụ không có các dụ ngôn là một lý lẽ hùng hồn minh chứng rằng những lời dụ ngôn ghi trong Phúc Âm không phải do tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thêm vào, mà là do chính Chúa Giê-su nói ra. Ngoài ra, nếu so sánh kỹ lưỡng Phúc Âm với các lá thư, người ta thấy không có việc ai đó đã khéo léo thay đổi và quy cho Chúa Giê-su lời của Phao-lô, cũng như của những người khác viết Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp. Nếu như cộng đồng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã làm điều đó, thì chúng ta hẳn phải tìm thấy ít nhất một vài ý tưởng của các lá thư trong những lời tường thuật Phúc Âm. Vì không thấy một ý tưởng nào như thế, nên chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng tài liệu của Phúc Âm là đúng nguyên gốc và xác thực.

Còn những điều dường như mâu thuẫn trong Phúc Âm thì sao?

Những nhà phê bình lâu nay cho rằng Phúc Âm đầy mâu thuẫn. Sử gia Durant đã tìm tòi xem xét các lời tường thuật Phúc Âm trên quan điểm hoàn toàn khách quan—như là những văn kiện lịch sử. Dù nói rằng trong Phúc Âm có những điều dường như mâu thuẫn, nhưng ông kết luận: “Những sự mâu thuẫn đều là nhỏ nhặt [chi tiết vụn vặt], chứ không quan trọng; về cơ bản ba sách Phúc Âm đầu ăn khớp với nhau một cách đáng kể và phác họa một chân dung nhất quán về Đấng Christ”.

Những điều dường như mâu thuẫn trong các lời tường thuật Phúc Âm thường dễ giải quyết. Để minh họa: Ma-thi-ơ 8:5, 6 nói rằng “một thầy đội đến cùng [Chúa Giê-su], mà xin” ngài chữa bệnh cho một đầy tớ. Nơi Lu-ca 7:3, chúng ta đọc thấy rằng thầy đội “sai mấy trưởng-lão trong dân Giu-đa xin [Chúa Giê-su] đến chữa cho đầy-tớ mình”. Thầy đội đã phái các trưởng lão làm đại diện cho ông. Ma-thi-ơ nói rằng thầy đội đích thân nài xin Chúa Giê-su vì chính ông nhờ các trưởng lão làm người phát ngôn để thỉnh cầu. Đây chỉ là một trong các thí dụ cho thấy rằng có thể giải quyết những điều người ta cho là mâu thuẫn trong các sách Phúc Âm.

Về việc những nhà phê bình cho rằng Phúc Âm không hội đủ tiêu chuẩn để được xem là lịch sử đích thật thì sao? Ông Durant nói tiếp: “Hăng say với những khám phá của mình, những người phê bình Kinh Thánh đã kiểm chứng sự xác thực của Tân Ước theo phương pháp khắt khe đến độ cả trăm danh nhân cổ đại—như Hammurabi, Đa-vít, Socrates—cũng sẽ trở thành những nhân vật thần thoại nếu bị kiểm chứng theo phương pháp này. Bất kể những định kiến và thành kiến về thần học của những người viết Phúc Âm, họ ghi lại nhiều sự việc mà những người bịa đặt chắc đã che giấu—chẳng hạn như việc các sứ đồ tranh nhau địa vị cao trong Nước Trời, việc họ bỏ chạy sau khi Chúa Giê-su bị bắt, việc Phi-e-rơ chối Chúa... Khi đọc những lời tường thuật này, không ai lại có thể hồ nghi tính hiện thực của nhân vật trong cuộc”.

Đạo tự xưng theo Đấng Christ có đại diện cho Chúa Giê-su của Phúc Âm không?

Khóa Hội Thảo về Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng việc khảo cứu Phúc Âm của họ “không câu thúc bởi mệnh lệnh của một hội đồng tôn giáo nào”. Nhưng sử gia Wells nhận thấy rằng có một hố sâu cách biệt giữa những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su được trình bày trong Phúc Âm với những sự dạy dỗ của các đạo tự xưng theo Đấng Christ. Ông viết: “Không có bằng chứng nào cho thấy các sứ đồ của Chúa Giê-su đã nghe nói đến Chúa Ba Ngôi—do chính ngài nói ra... [Chúa Giê-su] cũng không nói một lời nào về việc thờ phượng mẹ ngài là bà Ma-ri, theo danh nghĩa của Isis, Nữ Vương trên trời. Ngài đã không biết đến tất cả những gì mà người ta cho là đặc thù nhất trong việc thờ phượng và thực hành đạo Đấng Christ”. Do đó, một người không thể đánh giá Phúc Âm dựa trên căn bản những sự dạy dỗ của các đạo tự xưng theo Đấng Christ.

BẠN KẾT LUẬN GÌ?

Sau khi xem xét những điểm vừa nêu ra, bạn nghĩ gì? Có bằng chứng thật sự, đầy sức thuyết phục nào cho thấy Phúc Âm chỉ là huyền thoại không? Nhiều người thấy các câu hỏi và nghi vấn nêu ra về tính xác thật của Phúc Âm là khả nghi và không hợp lý. Muốn có nhận định riêng, bạn cần phải đọc Phúc Âm với đầu óc cởi mở. (Công-vụ 17:11) Khi xem xét sự nhất quán, trung thực và chính xác mà Phúc Âm trình bày nhân cách của Chúa Giê-su, bạn sẽ hiểu ra rằng những lời tường thuật này nhất định không phải là một bộ sưu tập chuyện ngụ ngôn. *

Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng Kinh Thánh và áp dụng những lời khuyên trong đó, bạn sẽ thấy Kinh Thánh có thể cải thiện đời sống bạn như thế nào. (Giăng 6:68) Điều này đặc biệt đúng với những lời Chúa Giê-su ghi trong Phúc Âm. Hơn nữa, trong Phúc Âm bạn có thể học biết về tương lai tuyệt diệu đang chờ đón nhân loại biết vâng lời.—Giăng 3:16; 17:3, 17.

[Chú thích]

^ đ. 29 Xem các chương 5 đến 7 của sách Kinh-thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người? và sách mỏng Cuốn sách cho muôn dân. Cả hai đều do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Khung nơi trang 7]

Bằng chứng về việc thuật lại xác thực

CÁCH NAY vài năm, một nhà soạn kịch người Úc trước kia đã từng phê bình Kinh Thánh thú nhận: “Lần đầu tiên trong đời, tôi đã làm điều mà bình thường là bổn phận trước tiên của một phóng viên: kiểm tra các dữ kiện mình có... Và tôi đã vô cùng sửng sốt, vì những gì tôi đang đọc [trong những lời tường thuật Phúc Âm] không phải là huyền thoại và cũng không phải là chuyện tưởng tượng nghe như thật. Đó là sự tường thuật. Những lời tường thuật trực tiếp và gián tiếp về những biến cố phi thường... Việc tường thuật có nét đặc thù, và nét đặc thù đó có trong Phúc Âm”.

Cũng thế, E. M. Blaiklock, giáo sư cổ văn Hy-La tại trường Đại Học Auckland, lập luận: “Tôi tự nhận mình là một sử gia. Phương pháp nghiên cứu cổ văn Hy-La của tôi là phương pháp lịch sử. Và tôi quả quyết với các bạn rằng bằng chứng về đời sống, sự chết và sự sống lại của Đấng Christ được chứng thực là đúng hơn những dữ kiện lịch sử cổ đại”.

[Khung/​Các hình nơi trang 8, 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PHÊ-NI-XI

GA-LI-LÊ

Sông Giô-đanh

GIU-ĐÊ

[Hình]

“Bằng chứng về đời sống, sự được chứng thực là đúng hơn chết và sự sống lại của Đấng Christ những dữ kiện lịch sử cổ đại”​—⁠GIÁO SƯ E. M. BLAIKLOCK

[Nguồn tư liệu]

Hình bản đồ làm nền: Based on a map copyrighted by Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. and Survey of Israel.