Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời về thời kỳ này

Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời về thời kỳ này

Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời về thời kỳ này

“Hỡi con người, hãy hiểu biết; vì sự hiện-thấy đó có quan-hệ với kỳ sau-rốt”.—ĐA-NI-ÊN 8:17.

1. Đức Giê-hô-va muốn mọi người biết gì về thời kỳ này?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA không giữ sự hiểu biết về các biến cố tương lai cho mình Ngài. Thay vì thế, Ngài là Đấng Tiết Lộ bí mật. Thật thế, Ngài muốn tất cả chúng ta biết rằng mình đang tiến sâu vào “kỳ sau-rốt”. Thật là thông tin trọng yếu đối với sáu tỉ người hiện đang sống trên đất!

2. Tại sao người ta quan tâm đến tương lai nhân loại?

2 Có gì đáng ngạc nhiên khi thế gian này gần kết liễu không? Con người có thể đi bộ trên mặt trăng, nhưng tại nhiều nơi trên trái đất này, người ta lại không thể đi dạo ngoài phố mà không sợ hãi. Con người có thể có máy móc tối tân đầy nhà, nhưng lại không thể đẩy lui được làn sóng gia đình tan vỡ. Con người có thể tạo ra thời đại thông tin, nhưng lại không thể dạy người ta sống hòa bình với nhau. Các thất bại này xác nhận vô số bằng chứng trong Kinh Thánh là chúng ta đang sống trong kỳ sau rốt.

3. Khi nào những chữ “kỳ sau-rốt” được dùng lần đầu tiên trên trái đất?

3 “Kỳ sau-rốt”, những lời đầy ấn tượng này được thiên sứ Gáp-ri-ên dùng lần đầu cách đây khoảng 2.600 năm. Một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời lấy làm khiếp đảm khi nghe Gáp-ri-ên nói: “Hỡi con người, hãy hiểu biết; vì sự hiện-thấy đó có quan-hệ với kỳ sau-rốt”.—Đa-ni-ên 8:17

Đây là “kỳ sau-rốt”!

4. Kinh Thánh gọi kỳ sau rốt bằng những từ nào khác?

4 Trong Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới, cụm từ “kỳ sau-rốt” và “kỳ định cuối-cùng” xuất hiện sáu lần trong sách Đa-ni-ên. (Đa-ni-ên 8:17, 19; 11:35, 40; 12:4, 9) Các từ này liên quan đến “ngày sau-rốt” mà sứ đồ Phao-lô đã tiên tri. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Giai đoạn này cũng được Chúa Giê-su Christ gọi là sự “hiện diện” của ngài trong quyền Vua trên trời.—Ma-thi-ơ 24:37-39, NW.

5, 6. Những ai đã ‘đi qua đi lại’ trong kỳ cuối cùng, và họ có kết quả nào?

5 Đa-ni-ên 12:4 nói: “Còn như ngươi, hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối-cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”. Nhiều điều mà Đa-ni-ên viết đã được giữ bí mật và đóng ấn qua nhiều thế kỷ để người ta không hiểu được. Nhưng còn ngày nay thì sao?

6 Trong kỳ cuối cùng này, nhiều tín đồ trung thành của Đấng Christ đã ‘đi qua đi lại’ trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Kết quả là gì? Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va cho những cố gắng của họ, họ có dư dật sự hiểu biết chính xác. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã ban cho các Nhân Chứng được xức dầu sự thông hiểu nhằm giúp họ hiểu rằng Chúa Giê-su Christ đã lên ngôi Vua ở trên trời vào năm 1914. Phù hợp với những lời sứ đồ Phi-e-rơ ghi nơi 2 Phi-e-rơ 1:19-21, những người được xức dầu và bạn đồng hành trung thành của họ ‘chú ý đến lời tiên tri’ và tuyệt đối chắc chắn rằng đây là kỳ cuối cùng.

7. Một số tường thuật nào làm sách Đa-ni-ên độc đáo?

7 Sách Đa-ni-ên độc đáo qua nhiều cách khác. Sách kể lại một vị vua dọa xử tử những nhà thông thái của ông vì họ không thể tiết lộ và giải được giấc mơ làm ông bối rối, nhưng nhà tiên tri của Đức Chúa Trời lại giải được! Ba chàng thanh niên vì từ chối thờ một pho tượng khổng lồ nên bị quăng vào một lò lửa hực, được hun nóng đến cực độ, vậy mà họ vẫn sống sót, không mảy may bị cháy sém. Trong một buổi dạ tiệc, hàng trăm người trông thấy một bàn tay viết những chữ huyền bí trên tường của cung điện. Những kẻ âm mưu độc ác xúi quăng một cụ già vào hang sư tử, nhưng cụ lại ra khỏi nơi đó, không một vết trầy. Có bốn con thú trong một sự hiện thấy, và chúng được gán cho ý nghĩa tiên tri kéo dài đến tận kỳ cuối cùng.

8, 9. Sách Đa-ni-ên có lợi cho chúng ta như thế nào, nhất là ngày nay, trong kỳ cuối cùng?

8 Rõ ràng là sách Đa-ni-ên chứa đựng hai lối viết rất khác biệt nhau. Lối thứ nhất là tường thuật, lối kia là tiên tri. Cả hai đều xây dựng đức tin của chúng ta. Phần tường thuật cho chúng ta thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban phước cho những ai giữ sự trung kiên đối với Ngài. Phần tiên tri xây dựng đức tin của chúng ta vì cho thấy Đức Giê-hô-va biết trước dòng lịch sử qua nhiều thế kỷ—ngay cả nhiều thiên kỷ nữa.

9 Nhiều lời tiên tri khác nhau do Đa-ni-ên ghi lại, hướng sự chú ý đến Nước Đức Chúa Trời. Khi quan sát sự ứng nghiệm của những lời tiên tri ấy, đức tin của chúng ta được củng cố, và đồng thời càng tin chắc rằng chúng ta đang sống trong kỳ cuối cùng. Nhưng một số nhà phê bình công kích Đa-ni-ên, nói rằng những lời tiên tri trong sách mang tên ông thật sự được viết ra sau khi các biến cố đã xảy ra. Nếu những lời này là đúng, tất sẽ dấy lên một số nghi vấn nghiêm trọng về những gì sách Đa-ni-ên báo trước về kỳ cuối cùng. Phần tường thuật của sách này cũng bị những kẻ hoài nghi chất vấn. Vậy chúng ta hãy cùng nghiên cứu.

Đưa ra phiên xử!

10. Sách Đa-ni-ên bị buộc tội theo nghĩa nào?

10 Hãy tưởng tượng bạn đang có mặt tại tòa án và dự một phiên xử. Ủy viên công tố nhất mực cho rằng bị cáo phạm tội lừa đảo. Sách Đa-ni-ên bị đặt trong một tình trạng tương tự như vậy. Sách này cho thấy nó là một công trình xác thật do một nhà tiên tri Hê-bơ-rơ sống vào thế kỷ thứ bảy và thứ sáu TCN viết ra. Nhưng những nhà phê bình cho rằng sách này lừa đảo. Vậy trước hết chúng ta hãy xem phần tường thuật của sách này có phù hợp với sự kiện lịch sử hay không.

11, 12. Điều gì xảy ra cho lời cáo cho rằng Bên-xát-sa chỉ là một nhân vật tưởng tượng?

11 Giả sử chúng ta xem xét một vụ từng được gọi là trường hợp thiếu một vua. Đa-ni-ên chương 5 cho thấy rằng Bên-xát-sa làm vua cai trị nước Ba-by-lôn khi thành ấy bị lật đổ năm 539 TCN. Những nhà phê bình chất vấn điểm này vì tên của Bên-xát-sa không thấy ghi ở nơi nào khác ngoài Kinh Thánh. Ngược lại, các sử gia xưa nhận diện Na-bô-nê-đô là vị vua chót của Ba-by-lôn.

12 Tuy nhiên, vào năm 1854, người ta khai quật lên được một số ống hình trụ nhỏ bằng đất sét từ nơi tàn tích của thành U-rơ cổ xưa thuộc Ba-by-lôn, nay nằm ở I-rắc. Các tài liệu viết bằng chữ hình nêm này gồm có một bài cầu nguyện, trong đó Vua Na-bô-nê-đô nhắc đến “Bel-sar-ussur, trưởng nam ta”. Thậm chí những nhà phê bình phải đồng ý: Đây chính là Bên-xát-sa nói đến trong sách Đa-ni-ên. Vậy rốt cuộc người ta đã tìm ra được vị vua này, dù trong các hồ sơ thế tục trước đó không đề cập đến ông. Đây chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy rằng những lời do Đa-ni-ên viết ra đều xác thực. Bằng chứng này cho thấy rằng sách Đa-ni-ên chắc chắn là một phần của Lời Đức Chúa Trời, và đáng được chúng ta cẩn thận chú ý ngay bây giờ, trong kỳ cuối cùng.

13, 14. Nê-bu-cát-nết-sa là ai, và ông đặc biệt tôn sùng thần nào?

13 Lồng trong sách Đa-ni-ên có các lời tiên tri liên quan đến diễn tiến của các cường quốc thế giới và hành động của một số vua chúa. Một trong các vua chúa này có thể được gọi là một chiến sĩ, đã dựng nên một đế quốc. Khi còn là thái tử nước Ba-by-lôn, ông và quân đội của ông đã đánh tan lực lượng của Pha-ra-ôn Nê-cô nước Ai Cập tại Cạt-kê-mít. Nhưng có một nguồn tin buộc vị thái tử đắc thắng phải giao phó cuộc hành quân càn quét lại cho các viên tướng của ông. Hay tin cha là Nabopolassar đã chết, chàng thanh niên Nê-bu-cát-nết-sa lên nối ngôi năm 624 TCN. Trong 43 năm trị vì, ông dựng lên một đế quốc bao gồm các lãnh thổ một thời do A-si-ri chiếm đóng và nới rộng bờ cõi cho đến tận xứ Sy-ri và Pha-lê-tin, xuống tận biên giới Ai Cập.

14 Nê-bu-cát-nết-sa đặc biệt tôn sùng Marduk, thần chính của Ba-by-lôn. Vua qui mọi chiến công cho thần Marduk. Ở Ba-by-lôn, Nê-bu-cát-nết-sa xây dựng và tô điểm các đền thờ thần Marduk và nhiều thần thánh khác của Ba-by-lôn. Pho tượng vàng mà vị vua Ba-by-lôn này đã dựng lên trong đồng bằng Đu-ra có thể là để hiến dâng cho thần Marduk. (Đa-ni-ên 3:1, 2) Dường như Nê-bu-cát-nết-sa đã dựa rất nhiều vào bói toán khi lập kế hoạch điều quân.

15, 16. Nê-bu-cát-nết-sa đã làm gì cho Ba-by-lôn, và điều gì xảy ra khi ông khoe về sự to lớn của nó?

15 Nhờ hoàn tất bức tường kiên cố dày hai lớp mà cha ông đã khởi sự xây cất, Nê-bu-cát-nết-sa biến kinh đô nước ông thành gần như bất khả xâm phạm. Theo lời kể lại là để làm hài lòng hoàng hậu người Mê-đi vốn nhung nhớ các ngọn đồi và cánh rừng ở quê nhà, Nê-bu-cát-nết-sa cho xây vườn treo—một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Ông biến Ba-by-lôn thành đô thị có vách tường bao bọc lớn nhất thời đó. Và ông hãnh diện biết bao về trung tâm thờ phượng giả này!

16 Một ngày kia, Nê-bu-cát-nết-sa khoe khoang: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng... sao?” Tuy nhiên, theo Đa-ni-ên 4:30-36, “lời chưa ra khỏi miệng vua”, thì vua thành điên dại. Trong bảy năm vua không còn đủ tư cách để cai trị; ông ăn rau cỏ, y như Đa-ni-ên đã báo trước. Rồi vua được phục hồi lại vương quốc. Bạn có biết ý nghĩa tiên tri của những điều này không? Bạn có thể giải thích làm thế nào sự ứng nghiệm chính của lời tiên tri này đem chúng ta đến tận kỳ cuối cùng không?

Gom lại những điểm chính của lời tiên tri

17. Bạn miêu tả như thế nào về giấc mơ có tính cách tiên tri mà Đức Chúa Trời cho Nê-bu-cát-nết-sa thấy trong năm thứ hai của triều đại ông?

17 Chúng ta hãy gom lại một số điểm chính của lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên. Vào năm thứ hai dưới triều Vua Nê-bu-cát-nết-sa trên cương vị nhà thống trị thế giới theo lời tiên tri trong Kinh Thánh (606/605 TCN), Đức Chúa Trời khiến ông có một giấc mơ khủng khiếp. Theo Đa-ni-ên chương 2, giấc mơ liên quan đến một pho tượng khổng lồ có đầu bằng vàng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt và bàn chân bằng sắt trộn lẫn đất sét. Các phần khác nhau của pho tượng này tượng trưng cho điều gì?

18. Đầu bằng vàng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng của pho tượng tượng trưng cho gì?

18 Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời nói với Nê-bu-cát-nết-sa: “Hỡi vua,... vua là cái đầu bằng vàng”. (Đa-ni-ên 2:37, 38) Nê-bu-cát-nết-sa đứng đầu một vương triều cai trị khắp Đế Quốc Ba-by-lôn. Đế Quốc ông bị Mê-đi Phe-rơ-sơ, tượng trưng bởi ngực và hai cánh tay của pho tượng, lật đổ. Kế đến là Đế Quốc Hy Lạp được tượng trưng bằng bụng và đùi bằng đồng. Cường quốc này đã bắt đầu như thế nào?

19, 20. A-léc-xan-đơ Đại Đế là ai, và ông đã đóng vai trò nào trong việc biến Hy Lạp thành cường quốc thế giới?

19 Vào thế kỷ thứ tư TCN, một thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc làm ứng nghiệm lời tiên tri Đa-ni-ên. Ông sinh năm 356 TCN, và sau này thế giới gọi ông là A-léc-xan-đơ Đại Đế. Khi cha ông là Philip bị ám sát năm 336 TCN, chàng thanh niên 20 tuổi A-léc-xan-đơ thừa kế ngai vàng xứ Ma-xê-đoan.

20 Vào đầu tháng 5 năm 334 TCN, A-léc-xan-đơ khởi sự một chiến dịch chinh phục. Lúc ấy quân đội của ông tuy nhỏ nhưng thiện chiến, gồm 30.000 bộ binh và 5.000 kỵ binh. Cùng năm đó, tại Sông Granicus ở tây bắc Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), A-léc-xan-đơ chiến thắng trận đầu tiên đánh lại người Phe-rơ-sơ. Đến năm 326 TCN, nhà chinh phục dẻo dai này đã khuất phục được người Phe-rơ-sơ và đã tiến quân đến tận Sông Ấn Hà ở phương đông, nay thuộc nước Pakistan. Nhưng ông lại thua trận chót khi ở Ba-by-lôn. Vào ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN, A-léc-xan-đơ đầu hàng trước kẻ thù lợi hại nhất là sự chết, chỉ mới vỏn vẹn được 32 tuổi và 8 tháng. (1 Cô-rinh-tô 15:55) Tuy nhiên, nhờ các cuộc chinh phục của ông mà Hy Lạp đã trở thành cường quốc thế giới, y như lời tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước.

21. Ngoài Đế Quốc La Mã, các ống chân sắt của pho tượng trong giấc mơ cũng tượng trưng cho cường quốc nào khác?

21 Các ống chân bằng sắt của pho tượng khổng lồ tượng trưng cho gì? Đó là La Mã cứng như sắt đã nghiền nát và triệt tiêu Đế Quốc Hy Lạp. Vì không xem trọng Nước Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su Christ rao báo, nên La Mã đã xử tử ngài trên cây khổ hình vào năm 33 CN. Trong nỗ lực dẹp tan đạo thật Đấng Christ, La Mã bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, các ống chân sắt của pho tượng trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa không chỉ tượng trưng cho Đế Quốc La Mã mà còn tượng trưng cho cái chồi chính trị của nó nữa—Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ.

22. Làm thế nào pho tượng trong giấc mơ giúp chúng ta hiểu rằng mình đang sống trong giai đoạn chót của kỳ cuối cùng?

22 Cuộc nghiên cứu kỹ chứng tỏ rằng chúng ta sống trong giai đoạn chót của kỳ cuối cùng, vì chúng ta đã tới chân bằng sắt và đất sét của pho tượng trong giấc mơ. Một số chính phủ hiện nay giống như sắt hoặc độc đoán, trong khi những chính phủ khác giống như đất sét. Bất kể tính chất dễ nứt của đất sét, chất mà “giống loài người” được tạo thành, giới cai trị giống như sắt đã buộc lòng để cho thường dân góp ý trong những chính phủ cai trị họ. (Đa-ni-ên 2:43; Gióp 10:9) Dĩ nhiên, giới cai trị độc đoán và thường dân không dính vào nhau được, không hơn gì sắt và đất sét. Nhưng Nước Đức Chúa Trời sắp sửa kết liễu thế gian này chia rẽ về chính trị.—Đa-ni-ên 2:44.

23. Bạn miêu tả thế nào về giấc mơ và những sự hiện thấy của Đa-ni-ên trong năm đầu của triều Bên-xát-sa?

23 Chương 7 của lời tiên tri Đa-ni-ên gây nhiều chú ý cũng dẫn chúng ta đến thời kỳ cuối cùng. Chương này kể lại một biến cố xảy ra vào năm đầu của triều vua Ba-by-lôn là Bên-xát-sa. Bấy giờ ở tuổi thất tuần, Đa-ni-ên “thấy chiêm-bao, và những sự hiện-thấy trong đầu mình”. Những sự hiện thấy ấy làm ông khiếp sợ biết bao! Ông thốt lên: “Nầy, có bốn hướng gió trên trời xô-xát trên biển lớn. Đoạn, bốn con thú lớn từ biển lên; con nọ khác con kia”. (Đa-ni-ên 7:1-8, 15) Thật là những con thú đáng chú ý làm sao! Con thứ nhất là sư tử có cánh, và con thứ hai giống như con gấu. Rồi đến lượt con beo bốn cánh bốn đầu! Con thú thứ tư mạnh lạ thường có răng lớn bằng sắt và mười sừng. Có một cái sừng “nhỏ” ở giữa mười sừng ấy mọc lên, có “những mắt y như mắt người” và “một cái miệng nói những lời xấc-xược”. Thật là những con vật ghê tởm!

24. Theo Đa-ni-ên 7:9-14, Đa-ni-ên thấy gì trên trời, và sự hiện thấy này ám chỉ điều gì?

24 Các sự hiện thấy của Đa-ni-ên kế đến chuyển hướng sang những việc trên trời. (Đa-ni-ên 7:9-14) Ông thấy “Đấng Thượng-cổ”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, ngồi trên ngôi vinh hiển làm Đấng Phán Xét. “Ngàn ngàn hầu-hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài”. Phán xét nghịch lại các con thú, Đức Chúa Trời tước quyền cai trị khỏi tay chúng và hủy diệt con thú thứ tư. Ngài giao quyền cai trị lâu bền trên “các dân, các nước, các thứ tiếng” cho “một người giống như con người”. Điều này ám chỉ thời kỳ cuối cùng và việc đăng quang của Con người, tức Chúa Giê-su Christ, vào năm 1914.

25, 26. Khi đọc sách Đa-ni-ên, chúng ta có thể có những câu hỏi nào, và ấn phẩm nào có thể giúp trả lời?

25 Những người đọc sách Đa-ni-ên chắc chắn có những câu hỏi. Chẳng hạn, bốn con thú nơi Đa-ni-ên chương 7 tượng trưng cho gì? Phải giải thích lời tiên tri về “bảy mươi tuần-lễ” nơi Đa-ni-ên 9:24-27 ra sao? Còn về Đa-ni-ên chương 11 và sự tranh chiến của “vua phương bắc” và “vua phương nam” thì sao? Chúng ta có thể chờ đợi hai vua này làm gì trong thời kỳ cuối cùng?

26 Đức Giê-hô-va đã ban sự thông sáng về các vấn đề này cho các tôi tớ được xức dầu trên đất, họ được gọi là “các thánh của Đấng Rất Cao” theo Đa-ni-ên 7:18. Hơn nữa, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã sắp đặt để chúng ta có sự thông sáng nhiều hơn về lời được soi dẫn của nhà tiên tri Đa-ni-ên. (Ma-thi-ơ 24:45) Điều này sẵn có qua một sách mới phát hành, nhan đề là Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! Ấn phẩm này dày 320 trang có hình đẹp mắt, thảo luận toàn thể nội dung sách Đa-ni-ên. Sách xem xét mỗi lời tiên tri xây dựng đức tin và mỗi lời tường thuật do nhà tiên tri yêu dấu Đa-ni-ên ghi lại.

Ý nghĩa thật cho ngày nay

27, 28. (a) Có điều gì đúng về sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên? (b) Chúng ta đang sống vào thời kỳ nào, và chúng ta nên làm gì?

27 Hãy nghĩ đến điểm quan trọng này: Ngoại trừ một ít chi tiết, tất cả lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên đều được ứng nghiệm rồi. Thí dụ, hiện nay chúng ta thấy tình hình thế giới được hình dung bởi bàn chân của pho tượng trong Đa-ni-ên chương 2. Dây xích nơi gốc cây trong Đa-ni-ên chương 4 được tháo ra khi Chúa Giê-su Christ, Vua Mê-si, lên ngôi vào năm 1914. Đúng vậy, như Đa-ni-ên chương 7 báo trước, Đấng Thượng Cổ lúc ấy ban quyền cai trị cho Con người.—Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 16:27–17:9.

28 Giai đoạn 2.300 ngày nơi Đa-ni-ên chương 8 cũng như thời kỳ 1.290 ngày và 1.335 ngày nơi chương 12 cũng đều đã trôi qua theo dòng thời gian. Một cuộc nghiên cứu sách Đa-ni-ên chương 11 cho thấy rằng cuộc xung đột giữa “vua phương bắc” và “vua phương nam” đã đạt đến hồi cuối. Tất cả những điều này thêm vào các bằng chứng của Kinh Thánh rằng chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn chót của kỳ cuối cùng. Nghĩ đến thời kỳ đặc biệt này, chúng ta nên cương quyết làm gì? Chắc chắn, bạn hãy chú ý đến lời tiên tri của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Chúa Trời muốn tất cả nhân loại biết gì về thời kỳ này?

• Sách Đa-ni-ên có thể xây dựng đức tin chúng ta như thế nào?

• Pho tượng trong giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa có những đặc điểm nào, và chúng tượng trưng cho điều gì?

• Điều gì đáng chú ý về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên?

[Câu hỏi thảo luận]