Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con”

“Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con”

“Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con”

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA nói với nhà tiên tri Sa-mu-ên: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. (1 Sa-mu-ên 16:7) Cũng tập trung vào tấm lòng, người viết Thi-thiên Đa-vít hát: “Chúa [Đức Giê-hô-va] có xét lòng con, thăm con giữa đêm trường, có thử con bằng lửa, cũng chẳng thấy điều gian”.—Thi-thiên 17:3, Tòa Tổng Giám Mục.

Đúng vậy, Đức Giê-hô-va xét lòng để xem chúng ta thật sự là người như thế nào. (Châm-ngôn 17:3) Vậy vì lý do chính đáng, Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa khuyên: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. (Châm-ngôn 4:23) Làm thế nào chúng ta có thể giữ lòng mình? Châm-ngôn chương 4 cho chúng ta câu trả lời.

Hãy nghe lời khuyên dạy của cha

Chương 4 của Châm-ngôn mở đầu bằng những lời này: “Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên-dạy của một người cha, khá chú ý vào, hầu cho biết sự thông-sáng; vì ta ban cho các con một đạo-lý tốt-lành; chớ lìa-bỏ lời dạy-dỗ của ta”.—Châm-ngôn 4:1, 2.

Lời khuyên cho giới trẻ là hãy nghe lời dạy dỗ tốt lành của cha mẹ tin kính, nhất là của cha. Theo Kinh Thánh, người cha có trách nhiệm cung cấp cho gia đình về nhu cầu vật chất và thiêng liêng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; 1 Ti-mô-thê 5:8) Không có sự hướng dẫn đó thì khó khăn hơn biết bao cho một người trẻ tiến đến sự trưởng thành! Vậy chẳng phải một em trẻ nên chấp nhận sự khuyên dạy của cha với lòng tôn kính hay sao?

Nhưng nếu một người trẻ không có cha dạy bảo thì sao? Thí dụ, Jason, một em 11 tuổi, mồ côi cha lúc lên bốn. * Khi một trưởng lão đạo Đấng Christ hỏi em khía cạnh nào trong đời sống em có nhiều khó khăn nhất, Jason trả lời ngay: “Em cảm thấy thiếu cha. Đôi khi em rất buồn về điều này”. Tuy nhiên, có sẵn lời khuyên đầy an ủi cho những người trẻ thiếu sự dẫn dắt của cha mẹ. Jason và những người khác giống như em có thể tìm được lời khuyên như của một người cha, từ các trưởng lão và những người thành thục khác trong hội thánh đạo Đấng Christ.—Gia-cơ 1:27.

Nhớ lại sự giáo dục của chính mình, Sa-lô-môn nói tiếp: “Khi còn thơ-ấu, ta là con trai của cha ta, một đứa con một của mẹ ta yêu-mến”. (Châm-ngôn 4:3) Vị vua này hiển nhiên nhớ lại sự giáo dục thời thơ ấu với niềm vui thích. Là người “con trai” ghi nhớ lời khuyên dạy của cha, Sa-lô-môn lúc còn trẻ hẳn đã có một mối quan hệ trìu mến, thân thiết với cha là Đa-vít. Hơn nữa, Sa-lô-môn là “con một”, tức con rất yêu dấu. Điều thật quan trọng biết bao là một đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có bầu không khí ấm cúng và con cái có thể nói chuyện cởi mở với cha mẹ!

Tiếp thu sự khôn ngoan và sự thông sáng

Nhớ lại lời khuyên yêu thương của cha, Sa-lô-môn thuật lại: “Cha ta có dạy ta rằng: Lòng con khá ghi-nhớ các lời ta; hãy gìn-giữ mạng-lịnh ta, thì con sẽ được sống. Khá cầu lấy sự khôn-ngoan, khá cầu lấy sự thông-sáng, chớ quên, chớ xây-bỏ các lời của miệng ta; đừng lìa-bỏ sự khôn-ngoan, ắt người sẽ gìn-giữ con; hãy yêu-mến người, thì người sẽ phù-hộ con. Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn-ngoan; hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông-sáng”.Châm-ngôn 4:4-7.

Tại sao sự khôn ngoan lại là “điều cần-nhứt”? Sự khôn ngoan có nghĩa là sử dụng sự hiểu biết và sự thông sáng một cách có lợi. Sự hiểu biết—biết hoặc quen thuộc những sự kiện thu thập qua sự quan sát và kinh nghiệm hoặc qua việc đọc sách và học hỏi—là điều cần yếu cho sự khôn ngoan. Nhưng nếu chúng ta không có khả năng sử dụng nó một cách hữu ích, thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ không có giá trị. Chúng ta không những phải đều đặn đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh mà “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp, mà còn phải cố gắng áp dụng những gì chúng ta học được từ các sách đó.—Ma-thi-ơ 24:45.

Tiếp thu sự thông sáng cũng là thiết yếu. Không có nó, chúng ta có thật sự thấy được các sự kiện liên hệ với nhau và hiểu rõ vấn đề đang xem xét không? Nếu không có sự thông sáng, làm thế nào chúng ta có thể nhận thức những lý do của sự việc và hiểu thấu sự vật và có sự sáng suốt? Đúng thế, để có thể suy luận và đi đến kết luận đúng, chúng ta cần có sự thông sáng.—Đa-ni-ên 9:22, 23.

Sa-lô-môn tiếp tục thuật lại lời cha: “Hãy tôn-tặng sự khôn-ngoan, thì sự khôn-ngoan sẽ thăng con lên, làm cho con được vinh-hiển, khi con hoài-niệm đến. Sự khôn-ngoan sẽ đội trên đầu con một dây hoa-mĩ, và ban cho con một mão triều thiên vinh-quang”. (Châm-ngôn 4:8, 9) Sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời sẽ che chở những ai sẵn sàng tiếp nhận nó. Ngoài ra, nó làm người đó được vinh hiển và đẹp thêm lên. Vậy bằng mọi cách chúng ta hãy tiếp thu sự khôn ngoan.

“Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy”

Lặp lại lời dạy dỗ của cha, vị vua Y-sơ-ra-ên này kế đó nói: “Hỡi con, hãy nghe và tiếp-nhận các lời ta; thì năm tháng của đời con sẽ được thêm nhiều lên. Ta đã dạy-dỗ con đường khôn-ngoan, dẫn con đi trong các lối ngay-thẳng. Khi con đi, bước chân con sẽ không ngập-ngừng, và khi con chạy, con sẽ không vấp-ngã. Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy chớ buông ra; khá gìn-giữ nó, vì là sự sống của con”.Châm-ngôn 4:10-13.

Là con trai hiếu kính cha mình, Sa-lô-môn hẳn xem trọng giá trị của việc sửa dạy yêu thương, là việc dạy dỗ và sửa sai. Không có sự sửa dạy thăng bằng, làm thế nào chúng ta có thể trông mong tiến tới sự thành thục về thiêng liêng hoặc hy vọng cải thiện phẩm chất đời sống chúng ta? Nếu không học từ những lỗi lầm hoặc không sửa lại những ý tưởng sai, thì chúng ta quả thực sẽ tiến bộ rất ít về thiêng liêng. Sự sửa dạy đúng mực đưa đến hạnh kiểm tin kính và như thế giúp chúng ta “đi trong các lối ngay-thẳng”.

Một cách sửa dạy khác cũng đưa đến ‘năm tháng của đời chúng ta được thêm nhiều lên’. Như thế nào? Chúa Giê-su Christ nói: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn; ai bất-nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất-nghĩa trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Chẳng phải rèn luyện mình trong việc nhỏ thì sẽ dễ hơn cho chúng ta rèn mình trong việc lớn, là điều mà chính sự sống của chúng ta có thể tùy thuộc vào hay sao? Thí dụ, rèn luyện mắt không “ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn” thì chắc chúng ta sẽ không rơi vào sự vô luân. (Ma-thi-ơ 5:28) Tất nhiên, nguyên tắc này áp dụng cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Nếu chúng ta rèn luyện trí óc mình để “bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng” thì ít có nguy cơ chúng ta sẽ phạm tội nặng qua lời nói hoặc qua hành động.—2 Cô-rinh-tô 10:5, Nguyễn Thế Thuấn.

Phải công nhận sự sửa dạy thường khó chấp nhận và có vẻ gò bó. (Hê-bơ-rơ 12:11). Thế nhưng, vị vua khôn ngoan bảo đảm rằng nếu chúng ta nắm chắc điều sửa dạy, đường lối chúng ta sẽ giúp chúng ta tiến bộ. Giống như sự rèn luyện đúng cách giúp một người chạy đua chạy với tốc độ nhanh nhất mà không ngã hoặc bị thương tích, nắm chắc sự sửa dạy giúp chúng ta tiếp tục đi đều bước trên con đường dẫn đến sự sống mà không vấp ngã. Tất nhiên chúng ta phải cẩn thận về đường lối mình chọn.

Tránh xa “lối kẻ hung-dữ”

Với một tinh thần khẩn trương, Sa-lô-môn răn: “Chớ vào trong lối kẻ hung-dữ, và đừng đi đường kẻ gian-ác. Hãy tránh đường ấy, chớ đi ngang qua nó; hãy xây-khỏi nó và cứ đi thẳng. Vì nếu chúng nó không làm điều ác, thì ngủ không đặng; bằng chưa gây cho người nào vấp-phạm, thì giấc-ngủ bị cất khỏi chúng nó. Vì chúng nó ăn bánh của sự gian-ác, và uống rượu của sự hung-hăng”.—Châm-ngôn 4:14-17.

Sa-lô-môn muốn chúng ta tránh xa đường lối kẻ hung dữ, là kẻ dưỡng thân bằng việc làm đồi bại. Làm điều ác thì giống như việc ăn uống đối với họ. Họ không ngủ được trừ phi làm điều hung bạo. Chính nhân cách của họ là đồi bại! Chúng ta có thể nào giữ lòng mình khi giao du với họ không? Điều thật dại dột là “đi đường kẻ gian-ác” bằng cách tiếp cận với sự hung bạo trình chiếu trong nhiều sự giải trí trong thế gian ngày nay! Cố gắng vun trồng lòng thương xót rõ ràng không phù hợp với việc tiếp nhận những cảnh xấu xa, có tác động làm chai cứng, trên truyền hình hoặc phim điện ảnh.

Hãy ở trong ánh sáng

Vẫn so sánh với một con đường, Sa-lô-môn tuyên bố: “Nhưng con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. (Châm-ngôn 4:18) Việc nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh và cố gắng áp dụng những gì Kinh Thánh nói vào đời sống có thể ví như việc bắt đầu một cuộc hành trình vào sáng sớm lúc trời còn tối. Khi bầu trời tối đen sáng lên thành xanh sẫm, chúng ta khó thấy được vật gì. Nhưng khi trời dần dần hửng sáng, chúng ta từ từ thấy được sự vật xung quanh. Cuối cùng, mặt trời chiếu sáng, và chúng ta thấy rõ mọi vật. Đúng vậy, lẽ thật dần dần trở nên rõ hơn khi chúng ta kiên nhẫn và chuyên cần học hỏi Kinh Thánh. Nuôi dưỡng lòng về thiêng liêng là thiết yếu nếu chúng ta muốn che chở lòng khỏi sự suy luận sai lầm.

Ý nghĩa của những lời tiên tri Kinh Thánh cũng ngày càng rõ thêm. Lời tiên tri Kinh Thánh trở nên dễ hiểu đối với chúng ta khi thánh linh Đức Giê-hô-va tỏa ánh sáng trên những lời đó và khi lời tiên tri được ứng nghiệm qua biến cố thế giới hoặc qua kinh nghiệm của dân Đức Chúa Trời. Thay vì nôn nóng suy đoán sự ứng nghiệm, chúng ta cần đợi cho ‘sự sáng càng sáng thêm lên’.

Còn về những người bác bỏ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời bằng cách từ chối không đi trong ánh sáng thì sao? Sa-lô-môn nói: “Còn nẻo kẻ gian-ác vẫn như tăm-tối; chúng nó chẳng biết mình vấp-ngã vì đâu”. (Châm-ngôn 4:19) Kẻ gian ác thì giống như một người vấp ngã trong bóng tối mà không biết cái gì làm mình vấp ngã. Ngay cả khi kẻ không tin kính có vẻ hưng thịnh nhờ sự không công bình của họ, sự thành công đó chỉ tạm thời mà thôi. Nói về những kẻ như thế, người viết Thi-thiên hát: “Chúa thật đặt chúng nó tại nơi trơn-trợt, khiến cho chúng nó hư-nát”.—Thi-thiên 73:18.

Hãy luôn cảnh giác

Vua Y-sơ-ra-ên nói tiếp: “Hỡi con, hãy chăm-chỉ về các lời ta, khá nghiêng tai nghe những bài giảng-thuyết ta. Các lời ấy chớ để xa khỏi mắt con, hãy giữ lấy nơi lòng con. Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó, và sự khỏe-mạnh cho toàn thân-thể của họ. Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.Châm-ngôn 4:20-23.

Chính gương của Sa-lô-môn xác nhận giá trị của lời khuyên giữ tấm lòng. Đành rằng ông “là con trai” biết vâng lời của cha trong thời thơ ấu và trung thành với Đức Giê-hô-va nhiều năm sau khi trưởng thành, thế nhưng Kinh Thánh thuật lại: “Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu [ngoại bang] của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người”. (1 Các Vua 11:4) Nếu không luôn cảnh giác, thì ngay cả lòng tốt nhất cũng có thể bị cám dỗ làm điều sai trái. (Giê-rê-mi 17:9) Chúng ta phải ghi nhớ “nơi lòng” những lời nhắc nhở trong Lời Đức Chúa Trời. Điều này bao hàm sự hướng dẫn cung cấp nơi chương 4 của sách Châm-ngôn.

Hãy xem xét tình trạng của lòng

Chúng ta có giữ được lòng không? Làm thế nào chúng ta có thể biết tình trạng của con người bên trong? Chúa Giê-su Christ nói: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. (Ma-thi-ơ 12:34) Ngài cũng nói: “Từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, tà-dâm, dâm-dục, trộm-cướp, làm chứng dối, và lộng-ngôn”. (Ma-thi-ơ 15:19, 20) Đúng vậy, lời nói và hành động của chúng ta tiết lộ rất nhiều về con người bên trong của chúng ta.

Sa-lô-môn khuyên chúng ta một cách thích hợp: “Con hãy dẹp ra sự gian-tà của miệng, và bỏ cách xa con sự giả-dối của môi. Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con. Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi, và lập cho vững-vàng các đường-lối con, chớ xây qua bên hữu hay bên tả; hãy dời chân con khỏi sự ác”.Châm-ngôn 4:24-27.

Chiếu theo lời khuyên của Sa-lô-môn, chúng ta cần phải xem xét lời nói và hành động của mình. Nếu muốn giữ lòng và làm vui lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải tránh miệng gian tà và sự giả dối. (Châm-ngôn 3:32) Vì vậy, chúng ta phải cầu nguyện và suy nghĩ về những gì mà lời nói và hành động của chúng ta tiết lộ về mình. Rồi chúng ta hãy tìm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để sửa lại bất cứ nhược điểm nào mà chúng ta phát hiện.—Thi-thiên 139:23, 24.

Trên hết mọi sự, mong sao ‘mắt chúng ta ngó ngay trước mặt’. Chúng ta hãy tập trung sự chú ý vào mục tiêu hết lòng phụng sự Cha trên trời của chúng ta. (Cô-lô-se 3:23) Khi cá nhân bạn theo đuổi con đường ngay thẳng như thế, mong sao Đức Giê-hô-va ban cho bạn sự thành công trong “các đường-lối” của bạn, và mong sao Ngài ban ân phước dồi dào cho bạn vì bạn nghe theo lời khuyên được soi dẫn là “cẩn-thận giữ tấm lòng” của bạn.

[Chú thích]

^ đ. 7 Không phải tên thật.

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Bạn có tránh sự giải trí mang tính cách hung bạo không?

[Hình nơi trang 21]

Được lợi ích từ lời khuyên của những người có kinh nghiệm

[Hình nơi trang 23]

Sự rèn luyện không làm bạn chậm lại

[Hình nơi trang 24]

Hãy kiên trì học hỏi Kinh Thánh