Xây dựng đức tin qua việc học hỏi Kinh Thánh tại ấn độ
Chúng ta là kẻ giữ đức tin
Xây dựng đức tin qua việc học hỏi Kinh Thánh tại ấn độ
TRẢI dài từ dãy Núi Himalaya hùng vĩ, phủ đầy tuyết ở phía Bắc cho đến vùng bờ biển bốc hơi của Ấn Độ Dương ở phía Nam, Ấn Độ là một vùng đất đa dạng về mặt địa lý và tôn giáo. Đất nước này có dân số trên một tỷ người, trong số đó khoảng 83 phần trăm theo Ấn Độ Giáo, 11 phần trăm Hồi Giáo và phần còn lại chủ yếu là người Sikh, Phật Giáo, Jain và những người mang danh là tín đồ Đấng Christ. Tất cả đều được tự do thờ phượng. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) viết: “Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Ấn”.
Tuy nhiên, có hơn 21.200 Nhân Chứng Giê-hô-va tại Ấn Độ được miêu tả nổi bật là sống đúng với niềm tin của tín đồ Đấng Christ. Giống như các bạn đồng đức tin của họ ở những nơi khác trên thế giới, các Nhân Chứng ở Ấn Độ xem việc giúp người lân cận xây dựng một đức tin vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, là một đặc ân. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Hãy xem làm thế nào một gia đình ở Chennai, thuộc miền nam Ấn Độ, đã có được sự hiểu biết về lẽ thật Kinh Thánh.
Trước khi tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va, gia đình này là thành viên tích cực trong các phong trào phép lạ của Công Giáo, cho rằng họ có thể thấy những sự hiện thấy, nói tiếng lạ và chữa bệnh. Họ rất nổi tiếng trong nhà thờ và cộng đồng, có người còn gọi một số thành viên trong gia đình này là “swami”, có nghĩa là “chúa”. Một ngày nọ, có một anh Nhân Chứng đến thăm gia đình và dùng Kinh Thánh chỉ cho họ thấy Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, chứ không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng như phần đông người ta vẫn tin. Anh Nhân Chứng cũng chỉ cho họ thấy danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va và Đức Giê-hô-va có ý định biến trái đất thành một địa đàng xinh đẹp.—Thi-thiên 83:18; Lu-ca 23:43; Giăng 3:16.
Vì kính trọng Lời Đức Chúa Trời và thích những điều mình được nghe, những người trong gia đình đã đồng ý có một cuộc học hỏi Kinh Thánh đều đặn với Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này khiến họ bị những người quen trong nhà thờ chế giễu. Dù sao, gia đình này vẫn cương quyết tiếp tục học Kinh Thánh. Khi đã gia tăng sự hiểu biết và có đức tin mạnh mẽ hơn, họ liền từ bỏ những thực hành tôn giáo sai lầm của mình. Ngày nay, ba người trong gia đình này là Nhân Chứng sốt sắng, còn người mẹ thì khi có dịp là chị làm tiên phong phụ trợ.
Đức tin để vượt qua cảnh tàn tật
Sunder Lal, một thanh niên sống tại một ngôi làng ở Punjab, đã cần phải có rất nhiều đức tin và sự can đảm để chia sẻ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời cho người khác. (Ma-thi-ơ 24:14) Một phần là vì anh đã từ bỏ niềm tin đa thần của gia đình và làng của mình để thờ phượng Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Một lý do khác nữa là vì Sunder Lal đã mất đôi chân.
Cuộc sống của Sunder Lal trôi qua bình thường cho đến năm 1992. Hồi đó anh làm phụ tá cho một bác sĩ và cùng gia đình thờ cúng rất nhiều thần thánh theo sự hướng dẫn của một thầy đạo (guru) mà họ chọn. Rồi một đêm nọ, anh bị té khi băng qua đường ray xe lửa. Một chiếc xe lửa chạy ngang qua người anh đã cắt lìa cả hai chân anh cho đến đùi. Mặc dù sống sót, nhưng tinh thần của Sunder Lal suy sụp. Việc anh trở nên bi quan
chán nản đến tột độ, thậm chí muốn tự tử cũng là điều dễ hiểu. Gia đình rất cố gắng giúp đỡ anh, nhưng tương lai của anh dường như vô vọng.Rồi một Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm Sunder Lal và dùng Kinh Thánh cho anh biết Đức Chúa Trời hứa sẽ biến trái đất thành một địa đàng vui tươi và đem lại sức khỏe hoàn hảo cho tất cả những ai yêu mến và kính sợ Ngài. Sunder Lal đồng ý học Kinh Thánh, và chăm chỉ học trong suốt một năm. Anh được mời tham dự các buổi họp và cuối cùng đã chịu ngồi lên xe đạp để một người bạn chở đi. Chuyến đi khiến anh đau đớn nhưng phần thưởng thì thật lớn. Những điều anh đã học trong buổi học hỏi cá nhân được khẳng định khi anh gặp gỡ những người thật sự tin tưởng vào các lời hứa trong Lời Đức Chúa Trời và sống phù hợp với những sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
Sunder Lal bắt đầu chia sẻ tin mừng với những người láng giềng của anh, và vào năm 1995 anh đã làm báp têm. Lúc đầu, anh thường làm thánh chức bằng cách lê người từ nhà này sang nhà kia trong làng. Nhưng bây giờ anh đã có một món quà do các anh chị em thiêng liêng tặng—một chiếc xe ba bánh được trang bị đặc biệt để “đạp” bằng tay. Nhờ có chiếc xe ba bánh này, bây giờ anh ít phụ thuộc vào người khác hơn, và có thể một mình đi 12 kilômét để đến dự các buổi họp. Đôi khi anh phải đạp xe dưới trời mưa như thác đổ và có khi lại phải đi dưới trời nóng bức lên đến hơn 43°C.
Ngoài việc tham dự các buổi họp, Sunder Lal còn hướng dẫn nhiều học hỏi Kinh Thánh với những người khác muốn được giúp đỡ để xây dựng đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Trên thực tế, đã có bảy người từng học hỏi Kinh Thánh với anh nay đã làm báp têm, ngoài ra còn có ba người khác do anh làm chứng và các anh Nhân Chứng khác hướng dẫn học hỏi cũng đã làm báp têm.
Theo Kinh Thánh, “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2) Nhưng một sự học hỏi Lời Đức Chúa Trời đều đặn có thể giúp những người “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” xây dựng đức tin vững chắc. (Công-vụ 13:48) Sự học hỏi đó cũng khiến mắt họ ngời lên tia hy vọng về một tương lai tuyệt diệu—một tương lai mà ngày càng có nhiều người Ấn Độ đang đặt đức tin vào.
[Bản đồ nơi trang 30]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
AFGHANISTAN
PAKISTAN
NEPAL
BHUTAN
TRUNG QUỐC
BANGLADESH
MYANMAR
LÀO
THÁI LAN
VIỆT NAM
CAMBODIA
SRI LANKA
ẤN ĐỘ
[Nguồn tư liệu]
Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.