Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có tin những điều không thể thấy chăng?

Bạn có tin những điều không thể thấy chăng?

Bạn có tin những điều không thể thấy chăng?

KHI một người nói: ‘Tôi chỉ tin những gì tôi thấy’, điều này không hoàn toàn chính xác. Thật ra, tất cả chúng ta đều tin vào những điều mình không thể thấy.

Thí dụ, ở trường có lẽ bạn đã từng thực hiện thí nghiệm chứng minh sự hiện hữu của từ trường. Thí nghiệm đó có thể là như thế này: Rải bột sắt lên một tờ giấy. Sau đó, đặt tờ giấy trên một thanh nam châm. Khi tờ giấy rung, thì như thể có ma thuật, bột sắt liền tụ lại gần hai cực của thanh nam châm, tạo thành hình từ trường. Nếu đã làm thí nghiệm đó, có phải bạn đã thật sự thấy từ trường không? Không, nhưng tác động của từ trường trên bột sắt hiện rõ trước mắt bạn, và đó là bằng chứng thuyết phục cho thấy từ trường hiện hữu.

Chúng ta sẵn sàng chấp nhận nhiều điều khác mà mắt không thấy. Khi ngắm nhìn một bức họa đẹp hoặc chiêm ngưỡng một tượng điêu khắc sắc sảo, chúng ta không hề nghi ngờ về sự hiện hữu của họa sĩ hoặc nhà điêu khắc. Vậy, khi chăm chú nhìn xem một thác nước hoặc ngắm mặt trời lặn, chẳng lẽ chúng ta lại không xúc động để, ít nhất, thử suy nghĩ liệu đó có thể là tác phẩm của một Họa Sĩ hoặc một Nhà Điêu Khắc Vĩ Đại nào đó chăng?

Tại sao một số người không tin

Mỉa mai thay, một số người không còn tin vào Đức Chúa Trời nữa vì cớ những điều họ được dạy trong nhà thờ. Đó là trường hợp của một người đàn ông Na Uy được dạy rằng Đức Chúa Trời thiêu đốt kẻ ác trong một địa ngục nóng bỏng. Ông ta đã không thể hiểu nổi Đức Chúa Trời gì lại đi hành hạ người ta như thế, và vì vậy ông trở thành người vô thần.

Tuy nhiên, sau đó ông đồng ý xem xét Kinh Thánh với sự giúp đỡ của một Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông ngạc nhiên khi biết rằng Kinh Thánh không hề dạy người ác bị hành hạ trong địa ngục nóng bỏng. Kinh Thánh ví cái chết như một giấc ngủ. Dưới mồ, chúng ta không còn cảm thấy đau đớn; chúng ta không còn biết gì nữa cả. (Truyền-đạo 9:5, 10) Ông cũng học được là những người bị Đức Chúa Trời xét là gian ác không thể sửa chữa được sẽ bị ở trong mồ mả đời đời. (Ma-thi-ơ 12:31, 32) Còn những người chết khác sẽ được sống lại vào đúng kỳ định của Đức Chúa Trời, với triển vọng được sống đời đời trong khung cảnh địa đàng. (Giăng 5:28, 29; 17:3) Đây là một sự giải thích hợp lý, phù hợp với lời tuyên bố của Kinh Thánh rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Người đàn ông có lòng thành thật này đã tiếp tục học hỏi Lời Đức Chúa Trời, và dần dần đã bắt đầu yêu mến Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.

Những người khác thì phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương vì sự bất công và đau khổ lan tràn. Họ có đồng quan điểm với một người đàn ông Thụy Điển, ông từng chỉ trời hỏi: “Làm sao có thể có một Đức Chúa Trời toàn năng, đầy ơn lành ở trên đó, trong khi lại có quá nhiều sự thối nát và gian ác dưới đây?” Vì không ai có thể giải đáp thắc mắc này, nên ông ta cũng trở thành người vô thần. Sau đó, ông bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông biết được rằng Lời Đức Chúa Trời cung cấp câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi muôn thuở đó: Tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác? *

Người đàn ông có lòng thành thật này đã hiểu ra rằng sự kiện gian ác tồn tại tự nó không chứng tỏ là Đức Chúa Trời không hiện hữu. Để minh họa: Một người có thể chế tạo ra con dao với mục đích để cắt thịt. Một khách hàng có thể mua con dao về sử dụng, nhưng không phải để cắt thịt mà để giết người. Sự kiện con dao bị sử dụng sai mục đích chắc chắn không thể phủ định sự hiện hữu của người làm ra nó. Tương tự, việc trái đất đã không được sử dụng đúng mục đích không có nghĩa là không có một Đấng đã tạo ra nó.

Kinh Thánh dạy rằng công việc của Đức Chúa Trời là hoàn hảo. “Ấy là Đức Chúa Trời... vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Đức Chúa Trời ban cho con người nhiều điều tốt lành nhưng một số những món quà này đã bị lạm dụng, gây ra nhiều đau khổ không kể xiết. (Gia-cơ 1:17) Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt mọi sự đau khổ. Sau đó, “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp,... và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:11, 29.

Người đàn ông Thụy Điển được nêu trên đã xúc động khi nhìn thấy sự đau khổ của người đồng loại. Thật ra, sự quan tâm đầy yêu thương của ông đối với người khác đã xác nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tại sao?

Đối với phần nhiều người, khi không tin vào Đức Chúa Trời, họ chỉ có một sự lựa chọn khác là tin vào thuyết tiến hóa. Những người ủng hộ thuyết tiến hóa dạy về “sự sinh tồn của giống loài thích nghi tốt nhất”—có nghĩa là loài người và loài vật phải đấu tranh trong vòng chủng loại của mình để sinh tồn. Loài thích nghi tốt nhất sẽ tồn tại; còn loài yếu nhất chết. Họ gọi đó là qui luật tự nhiên của mọi loài. Nhưng nếu đó là qui luật “tự nhiên”, loài yếu phải chết đi để nhường chỗ cho loài mạnh, thì làm sao chúng ta lý giải được việc một số người mạnh, như người đàn ông Thụy Điển này, đã xúc động trước sự đau khổ của người đồng loại?

Tìm hiểu về Đức Chúa Trời

Chúng ta không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời vì Ngài không có hình hài như loài người. Dù vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta tìm hiểu về Ngài. Một cách có thể giúp chúng ta biết Ngài là quan sát các công việc lạ lùng của Ngài—những “bức họa” và “tác phẩm điêu khắc” của sự sáng tạo. Nơi Rô-ma 1:20, Kinh Thánh nói: “Những sự trọn lành của [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”. Thật vậy, như việc nghiên cứu một bức họa hoặc một tác phẩm điêu khắc có thể giúp bạn hiểu tính cách của họa sĩ, việc suy ngẫm về các công trình tuyệt vời của Đức Chúa Trời có thể giúp bạn hiểu rõ hơn cá tính của Ngài.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể giải đáp mọi băn khoăn trong cuộc sống chỉ bằng cách ngắm nhìn các công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi đó bằng cách tra xem Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Chính nhờ đọc Kinh Thánh với đầu óc cởi mở mà hai người đàn ông được nói đến ở trên đã đi đến kết luận: Đức Chúa Trời hiện hữu và Ngài quan tâm đến những gì xảy ra cho chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 8 Để biết thêm lý do tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác, xin xem sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, chương 10, do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Nguồn tư liệu nơi trang 28]

J. Hester and P. Scowen (AZ State Univ.), NASA