Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khuyến khích khóa 108 của Trường Ga-la-át thi hành thánh chức

Khuyến khích khóa 108 của Trường Ga-la-át thi hành thánh chức

Khuyến khích khóa 108 của Trường Ga-la-át thi hành thánh chức

KINH THÁNH thường dùng chữ “thánh chức” để chỉ sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Từ này đến từ chữ gốc Hy Lạp có nghĩa là phụng sự Đức Chúa Trời. (Rô-ma 9:4, NW) Số 5.562 người tham dự chương trình mãn khóa 108 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh đã nghe các anh diễn giả cho lời khuyên thực tế nhằm giúp những người tốt nghiệp thi hành thánh chức phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời một cách làm Ngài hài lòng. *

Anh Theodore Jaracz, một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, đã chủ tọa lễ mãn khóa. Chương trình mở đầu với bài hát 52, “Danh của Cha chúng ta”. Câu thứ hai của bài hát đó nói: “Chúng con tìm cách làm thánh danh vô song của Cha”. Những lời này nói lên ước vọng thiết tha của các học viên tốt nghiệp (đến từ 10 nước) là ứng dụng những điều họ đã được huấn luyện khi tới nhiệm sở giáo sĩ tại 17 nước khác nhau.

Trong lời mở đầu, anh Jaracz lưu ý đến khóa học hỏi Kinh Thánh kỹ lưỡng kéo dài năm tháng nhằm chuẩn bị các học viên phụng sự ở hải ngoại. Khóa này đã giúp họ “xem-xét mọi việc”, tức nghiên cứu cẩn thận những điều họ đã học trước đây dưới ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, và “điều chi lành thì giữ lấy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Anh khuyến khích họ luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, Lời Ngài và nhiệm sở của họ. Điều gì sẽ giúp họ làm mọi điều này?

Lời khuyên thực tế về thánh chức

Anh Lon Schilling, một thành viên của Ủy Ban Điều Hành Bê-tên, nói về đề tài “Thử nghiệm tính phải lẽ của bạn—Kết quả ra sao?” Anh nêu bật giá trị của tính phải lẽ, vì tính này phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 3:17, NW) Người có tính phải lẽ thì không cứng rắn, không thiên vị, nhưng ôn hòa, nhân từ và nhẫn nại. Anh Schilling nói: “Những người phải lẽ rất thăng bằng khi cư xử với người khác. Họ không cực đoan”. Điều gì có thể giúp một giáo sĩ có tính phải lẽ? Họ phải có cái nhìn khiêm tốn về chính mình, lợi dụng cơ hội lắng nghe và học nơi người khác, và sẵn sàng xem xét quan điểm của người khác miễn là không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh.—1 Cô-rinh-tô 9:19-23.

“Đừng quên ăn!” là nhan đề lý thú của bài giảng kế tiếp, do anh Samuel Herd trình bày; anh cũng là thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Anh nêu lên giá trị của một chế độ ăn uống thiêng liêng điều độ nếu muốn gìn giữ sức khỏe để thi hành thánh chức. Anh Herd nói: “Anh chị sẽ sớm gia tăng sinh hoạt thiêng liêng khi lao vào nhiệm sở rao giảng và dạy dỗ. Vì vậy, anh chị cần phải ăn thêm đồ ăn thiêng liêng để duy trì sức mạnh của mình”. Đều đặn ăn uống về thiêng liêng sẽ giúp người giáo sĩ tránh nhớ nhà và đâm ra buồn nản về thiêng liêng. Nó cũng sẽ giúp người đó cảm thấy thỏa lòng và càng quyết tâm kiên trì trong nhiệm sở thánh chức của mình.—Phi-líp 4:13.

Một giảng viên Ga-la-át, anh Lawrence Bowen, khuyến khích những học viên tốt nghiệp “Hãy trở lại từ đầu”. Ý anh là gì? Anh mời cử tọa lật câu Châm-ngôn 1:7: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự tri-thức”. Anh diễn giả giải thích: “Bất cứ điều nào bác bỏ sự kiện căn bản về sự hiện hữu của Đức Giê-hô-va không thể nào xem là sự tri thức thật sự và cũng không thể đưa đến sự hiểu biết chính xác”. Anh Bowen ví những chi tiết trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, như những miếng trong một trò chơi ráp hình. Khi ráp lại hết với nhau, nó thành cái hình. Càng nhiều miếng, hình ảnh càng lớn, rõ và chúng ta càng quí hóa. Điều này có thể giúp mọi người chúng ta thi hành thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời.

Anh Wallace Liverance, giám học Trường Ga-la-át, kết thúc loạt bài giảng này. Chủ đề của anh là “Dâng của-lễ cảm tạ Đức Chúa Trời”. Anh lưu ý lời tường thuật khi Chúa Giê-su chữa lành mười người bị bệnh phung. (Lu-ca 17:11-19) Chỉ một người duy nhất đã trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời và cám ơn Chúa Giê-su. Anh Liverance bình luận: “Dĩ nhiên, chín người kia vui sướng được chữa lành. Họ rất hài lòng, nhưng dường như họ chỉ muốn được thầy tế lễ xưng là trong sạch”. Sự tẩy sạch về thiêng liêng nhờ học biết lẽ thật, cùng với lòng cảm tạ, nên thúc đẩy một người cảm ơn Đức Chúa Trời về lòng tốt lành của Ngài. Anh khuyến khích các học viên khóa 108 Trường Ga-la-át hãy suy ngẫm về mọi việc làm tốt lành của Đức Chúa Trời rồi để cho thánh chức và những sự hy sinh của họ phản ánh lòng cảm tạ Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 50:14, 23; 116:12, 17.

Kinh nghiệm và phỏng vấn cho biết cách thi hành thánh chức

Anh Mark Noumair, cũng là giảng viên Ga-la-át, điều khiển phần kế tiếp của chương trình. Phần này kể lại các kinh nghiệm rao giảng của lớp trong thời gian huấn luyện. Trung bình, mỗi học viên đã thi hành thánh chức trọn thời gian khoảng 12 năm trước khi nhập học Trường Ga-la-át. Trong khi dự trường học, họ đã bắt đầu khá nhiều học hỏi Kinh Thánh với những người có quá trình khác nhau, cho thấy các học viên biết uyển chuyển, “trở nên mọi cách cho mọi người”.—1 Cô-rinh-tô 9:22.

Sau phần kể lại kinh nghiệm của học viên, các anh Charles Molohan và William Samuelson phỏng vấn một số thành viên gia đình Bê-tên và giám thị lưu động đã từng học Trường Ga-la-át. Một anh được phỏng vấn, Robert Pevy, phụng sự ở Phi-líp-pin sau khi tốt nghiệp khóa 51 của Trường Ga-la-át. Anh nhắc nhở khóa 108: “Khi nào có vấn đề gì, mọi người đều đề nghị giải pháp riêng của họ. Lúc nào cũng có một người thông minh hơn mình, một người có ý kiến hay hơn mình. Nhưng nếu tìm tòi trong Kinh Thánh và cố gắng nắm vững quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề đó, thì không ai có thể cho giải pháp tốt hơn. Đó luôn luôn là giải pháp đúng”.

Để kết thúc chương trình thiêng liêng xuất sắc này, anh John Barr, một thành viên của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, nói về đề tài “Thi hành thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va sao cho vừa lòng Ngài”. Anh cho thấy công việc rao giảng có thể phản ánh thánh chức như thế nào để giúp những người có lòng ngay thẳng thờ phượng Đức Chúa Trời sao cho vừa lòng Ngài. Sau khi đọc những lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 4:10, anh Barr nói: “Muốn thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va, chúng ta phải xa lánh mọi hình thức tinh vi của sự thờ hình tượng, chẳng hạn như sự thèm thuồng, ước muốn làm giàu và sự tự đề cao. Chúng ta vui mừng biết bao khi nghĩ rằng trải qua nhiều năm từ đầu thập niên 1940, các giáo sĩ đã lập thành tích tuyệt hảo về lãnh vực này! Và chúng tôi biết chắc rằng các anh chị tốt nghiệp khóa 108 của Trường Ga-la-át sẽ noi theo gương tốt của họ. Anh chị sẽ thi hành thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va, Đấng duy nhất đáng được thờ phượng”.

Đó là một cao điểm tích cực cho chương trình xây dựng ấy. Rồi đến lúc nghe những lời chúc mừng từ khắp thế giới, trao bằng, và đọc lá thư của lớp cám ơn Hội về chương trình huấn luyện. Lớp tốt nghiệp được khuyến khích biểu lộ tính kiên trì tột bực trong nhiệm sở và trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tất cả mọi người trong cử tọa, kể cả quan khách từ 25 nước, đã dự phần ca hát và cầu nguyện để kết thúc chương trình.

[Chú thích]

^ đ. 2 Chương trình này diễn ra ngày 11-3-2000 và xuất phát từ Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, New York.

[Khung nơi trang 23]

THỐNG KÊ KHÓA 108

Các học viên đến từ: 10 nước

Họ được phái đến: 17 nước

Sĩ số: 46

Tuổi trung bình: 34

Trung bình ở trong lẽ thật: 16 năm

Trung bình làm thánh chức trọn thời gian: 12 năm

[Hình nơi trang 24]

Khóa tốt nghiệp thứ 108 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải ở mỗi hàng.

(1) Amadori, E.; Cook, O.; Byrne, M.; Lee, A. (2) Newsome, D.; Pederzolli, A.; Bigras, H.; Kato, T.; Gatewood, D. (3) Eade, D.; Eade, J.; Wells, S.; Jamison, J.; Gonzales, M.; Gonzales, J. (4) Kato, T.; Lohn, D.; Niklaus, Y.; Preiss, S.; Foster, P.; Ibarra, J. (5) Amadori, M.; Manning, M.; James, M.; Boström, A.; Gatewood, B.; Newsome, D. (6) Foster, B.; Jamison, R.; Hifinger, A.; Koffel, C.; Koffel, T.; Byrne (7) Hifinger, K.; Manning, C.; Cook, J.; Boström, J.; Lohn, E.; Pederzolli, A. (8) James, A.; Wells, L.; Preiss, D.; Niklaus, E.; Lee, M.; Ibarra, P.; Bigras, Y.