Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao nên khắc phục tính cầu toàn?

Tại sao nên khắc phục tính cầu toàn?

Tại sao nên khắc phục tính cầu toàn?

Bạn có luôn luôn cố gắng làm hết sức mình không? Rõ ràng là nếu làm như thế, bạn có thể mang lại lợi ích cho chính mình và những người chung quanh qua nhiều cách. Mặt khác, một số người đã đi đến chỗ cực đoan và trở thành người cầu toàn. Thế nào là người cầu toàn?

MỘT ý nghĩa của chữ “cầu toàn” là “thái độ không hài lòng với bất cứ điều gì chưa hoàn hảo”. Rất có thể bạn đã gặp những người có thái độ đó. Bạn có thể thấy những yêu sách cực đoan mà họ đòi hỏi nơi người khác có thể gây ra nhiều phiền toái, tạo một bầu không khí bất mãn và chán nản. Phần đông những người thăng bằng đều nhìn nhận rằng tính cầu toàn theo nghĩa là đòi hỏi quá đáng và không hợp lý trong mọi khía cạnh của đời sống thật ra là điều không đáng chuộng. Đó là một cái gì cần phải khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ khi xem xét thái độ của chính mình, chúng ta có thể khó nhận ra khuynh hướng cầu toàn đó ở bản thân, và vì vậy việc khắc phục tính đó là cả một thách đố.

Ông Nelson là người có nhiều trọng trách và phải giải quyết nhiều vấn đề. Ông thường xuyên phân tích các thống kê, và đối với ông sản lượng là trên hết. Người ta thường cho rằng cần phải có tính cầu toàn thì mới thành công trên thương trường đầy cạnh tranh. Dù một số người có thể quí tính hiệu quả của ông Nelson, nhưng tính cầu toàn đã khiến ông gặp nhiều vấn đề về thể chất, như nhức đầu và căng thẳng thần kinh. Bạn có thấy mình giống ông Nelson không?

Những người trẻ cũng mắc phải tính cầu toàn. Hồi còn nhỏ, chị Rita ở Rio de Janeiro thích đi học. Chị cố gắng không tỏ ra quá tham vọng, nhưng khi không được điểm cao nhất chị vô cùng khổ sở. Chị Rita nói: “Từ hồi còn nhỏ tôi tự so sánh mình với những người có rộng thì giờ trong khi tôi luôn luôn căng thẳng và hối hả làm mọi việc. Không bao giờ tôi cảm thấy mình có thì giờ để nghỉ ngơi vì luôn luôn có chuyện cần phải làm”.

Khi còn là một cô bé, chị Maria thường khóc tức tưởi mỗi khi mình không thể vẽ đẹp như người khác. Ngoài ra, khi cố hoàn chỉnh trong nghệ thuật âm nhạc, chị thường trở nên căng thẳng và lo lắng thay vì thưởng thức âm nhạc hoặc giọng hát của mình. Một cô gái khác người Brazil, tên là Tânia đã cố tỏ ra khiêm tốn và tránh ganh đua, thừa nhận là mình vẫn đặt tiêu chuẩn quá cao cho mình, ở trường học cũng như ở nhà. Chị cảm thấy nếu bài làm của chị không hoàn hảo thì người ta sẽ không thích chị cho lắm. Hơn nữa, chị Tânia đôi khi trông đợi quá nhiều nơi người khác, điều này khiến chị thất vọng và buồn bã.

Dù tài ba, siêng năng và một tinh thần tự hài lòng về chính mình là quan trọng, nhưng những cảm nghĩ tiêu cực, như sợ thất bại, có thể phát sinh từ việc đặt ra những mục tiêu mà mình khó có thể đạt được. Cha mẹ hoặc những người khác có thể đặt ra một tiêu chuẩn hoàn hảo trong việc học hành hoặc trong thể thao khiến người trẻ thấy khó đạt được. Thí dụ, mẹ anh Ricardo mong mỏi rất nhiều ở anh, muốn anh đậu bằng bác sĩ, chơi dương cầm và biết nói nhiều thứ tiếng. Bạn có thể thấy là quan điểm như thế, nếu áp dụng đến mức cực đoan, có thể dẫn đến nhiều vấn đề và thất vọng không?

Tại sao nên tránh tính cầu toàn?

Người ta chuộng việc làm phải có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn chính xác và xuất sắc. Bởi vậy người ta phải tranh nhau mới tìm được việc làm. Một yếu tố khác khiến nhiều người phải cố gắng ngày một nhiều thêm là nỗi lo sợ mất kế sinh nhai. Một số công nhân trở nên giống như một vận động viên chịu hy sinh đến cùng để lập một kỷ lục mới. Rồi, khi đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, anh ta cảm thấy phải tập luyện nhiều hơn nữa, thậm chí có lẽ dùng đến hóa chất để giúp làm tốt hơn và—anh ta hy vọng—thắng cuộc. Thay vì theo đuổi sự xuất sắc một cách thăng bằng, tính cầu toàn khiến người ta “đâm ra sợ thất bại” hoặc “nhất định phải là nhân vật số một”.—Theo cuốn The Feeling Good Handbook.

Ta phải nhìn nhận rằng một số người cảm thấy là họ luôn luôn có thể trau dồi thêm nghệ thuật hoặc thành tích thể thao của mình. Dù vậy, theo Tiến Sĩ Robert S. Eliot, “tính cầu toàn là mong mỏi điều không bao giờ trở thành hiện thực”. Ông nói thêm: “Nó bao hàm cảm giác tội lỗi, sự phòng thủ và sợ bị chế giễu”. Bởi vậy, vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói thật chí lý: “Ta cũng thấy mọi công-lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh-ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 4:4.

Bạn có thể làm gì nếu có khuynh hướng là người cầu toàn? Có phải càng cố gắng hết sức bạn càng thấy thất vọng không? Bạn có thích bớt khó tính đi và được thoải mái hơn không? Thế nào là người hoàn hảo? Bạn có ao ước vừa tận dụng tiềm năng của mình vừa tránh tính cầu toàn không? Hãy tưởng tượng xem nếu con người bất toàn có thể dùng các khả năng của mình do Đức Chúa Trời ban cho để khám phá những điều mới mẻ nhằm phục vụ quyền lợi cho người khác, thì nhân loại còn có thể đạt được biết bao thành tựu khác nữa trong tình trạng hoàn toàn và dưới sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời!

[Hình nơi trang 4]

Cha mẹ và người khác có thể đòi hỏi sự hoàn hảo mà những người trẻ khó có thể đạt được