Bạn có rút tỉa được lợi ích từ các gương tốt không?
Bạn có rút tỉa được lợi ích từ các gương tốt không?
“ANH EM trở nên gương tốt cho hết thảy tín-đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai”. Sứ đồ Phao-lô viết những lời này cho các tín đồ Đấng Christ trung thành sống ở Tê-sa-lô-ni-ca. Gương mẫu mà họ đã nêu cho anh em cùng đức tin đáng được khen ngợi. Thậm chí chính những người Tê-sa-lô-ni-ca đã hưởng ứng gương của Phao-lô và các bạn đồng sự. Phao-lô nói: “Đạo Tin-lành chúng tôi đã rao-truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền-phép, Đức Thánh-Linh và sức-mạnh của sự tin-quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu-thương đối với anh em là thể nào. Anh em cũng đã bắt chước tôi”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-7.
Đúng vậy, Phao-lô đã không chỉ thuyết giảng suông. Chính cuộc đời ông đã là một bài giảng—một gương mẫu về đức tin, sự nhịn nhục và hy sinh. Vì lý do này, Phao-lô và các đồng sự của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người Tê-sa-lô-ni-ca, thúc đẩy họ chấp nhận lẽ thật “giữa lúc nhiều sự khốn-khó”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Phao-lô và anh em đồng sự là ảnh hưởng tích cực duy nhất cho những người tin đạo ấy. Gương chịu đựng đau khổ của các anh em khác cũng là một niềm khích lệ. Phao-lô viết cho những người ở thành Tê-sa-lô-ni-ca: “Hỡi anh em, anh em thật đã trở nên người bắt chước các Hội-thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê, là các Hội-thánh trong Đức Chúa Jêsus-Christ: anh em đã chịu khổ bởi người đồng-xứ mình, cũng như chính các Hội-thánh ấy chịu khổ bởi người Giu-đa”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:14.
Chúa Giê-su Christ—Gương Mẫu tuyệt hảo
Dù bản thân Phao-lô đã nêu gương mẫu đáng noi theo nhưng ông không quên chỉ rõ Chúa Giê-su Christ là gương mẫu bậc nhất mà tín đồ Đấng Christ nên noi theo. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6) Đấng Christ đã và vẫn là Gương Mẫu tuyệt hảo của chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”.—1 Phi-e-rơ 2:21.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã kết thúc đời sống làm người của ngài cách nay gần 2.000 năm. Giờ đây, với tư cách một tạo vật thần linh bất tử, ngài “ở nơi sự sáng không thể đến gần được”. Trong thể ấy, “chẳng có người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được” ngài. (1 Ti-mô-thê 6:16) Vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt chước ngài? Có một cách là qua việc học hỏi bốn sự tường thuật trong Kinh Thánh về cuộc đời của Chúa Giê-su. Các sách Phúc Âm cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về cá tính, đời sống và “tâm-tình” của ngài. (Phi-líp 2:5-8) Ngoài ra, ta có thể thông hiểu rõ hơn về ngài bằng cách cẩn thận học hỏi sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, thảo luận những biến cố trong đời sống của Chúa Giê-su với chi tiết đáng ghi nhớ và theo thứ tự thời gian. *
Gương hy sinh của Chúa Giê-su đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên sứ đồ Phao-lô. Ông nói với tín đồ Đấng Christ ở Cô-rinh-tô: “Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh-hồn anh em”. (2 Cô-rinh-tô 12:15) Thật là một thái độ giống như Đấng Christ! Khi suy ngẫm về gương mẫu hoàn hảo của Đấng Christ, chúng ta cũng nên được thúc đẩy bắt chước ngài trong đời sống của mình.
Thí dụ, Chúa Giê-su dạy chúng ta nên nương cậy nơi lời hứa về việc Đức Chúa Trời cung cấp vật chất. Nhưng ngài còn làm hơn thế nữa. Ngài đã biểu lộ đức tin và sự tin chắc nơi Đức Giê-hô-va trong đời sống hàng ngày. Ngài nói: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu”. (Ma-thi-ơ 6:25; 8:20) Sự lo lắng vật chất có chế ngự lối suy nghĩ và hành động của bạn không? Hay cuộc sống bạn minh chứng rằng bạn tìm kiếm Nước Trời trước hết? Và bạn có thái độ nào về việc phụng sự Đức Giê-hô-va? Thái độ ấy có giống như Gương Mẫu của chúng ta là Chúa Giê-su không? Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su không chỉ nói về lòng sốt sắng mà lại còn chứng tỏ ngài nhiệt tình sốt sắng trong nhiều dịp. (Giăng 2:14-17) Hơn nữa, Chúa Giê-su đã nêu gương tốt thay khi biểu lộ tình yêu thương! Ngài đã hy sinh sự sống mình cho môn đồ! (Giăng 15:13) Bạn có bắt chước Chúa Giê-su bằng cách biểu lộ tình yêu thương đối với anh em tín đồ không? Hay bạn để cho sự bất toàn của một số người cản trở tình yêu thương của bạn đối với họ?
Trong việc phấn đấu noi theo gương mẫu của Đấng Christ, chúng ta sẽ thường thiếu sót. Nhưng chắc chắn Đức Giê-hô-va hài lòng về những nỗ lực của chúng ta để “mặc lấy Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Rô-ma 13:14.
“Làm gương tốt cho cả bầy”
Ngày nay trong hội thánh có những người làm gương cho chúng ta không? Chắc chắn có! Những anh được bổ nhiệm vào những vị trí có trách nhiệm phải đặc biệt nêu gương. Phao-lô bảo Tít, người phục vụ cho các hội thánh ở Cơ-rết và bổ nhiệm các giám thị, rằng mỗi trưởng lão được bổ nhiệm phải là người “không chỗ trách được”. (Tít 1:5, 6) Tương tự thế, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên “các bậc trưởng-lão” hãy trở nên “gương tốt cho cả bầy”. (1 Phi-e-rơ 5:1-3) Còn những người phụng sự với tư cách tôi tớ thánh chức thì sao? Họ cũng phải “khéo làm chức-vụ mình”.—1 Ti-mô-thê 3:13.
Dĩ nhiên, mong đợi mỗi trưởng lão hay tôi tớ thánh chức khéo léo một cách xuất chúng trong mỗi khía cạnh của thánh chức đạo Đấng Christ là điều không thiết thực. Phao-lô nói với tín đồ ở Rô-ma: “Chúng ta có các sự ban-cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta”. (Rô-ma 12:6) Trong nhiều khía cạnh, có những anh trội hơn người khác. Mong đợi các trưởng lão sẽ nói và làm mọi sự một cách hoàn hảo là không hợp lý. Kinh Thánh nói nơi Gia-cơ 3:2: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. Tuy nhiên, dù bất toàn các trưởng lão vẫn có thể giống như Ti-mô-thê “lấy lời nói, nết làm, sự yêu-thương, đức-tin và sự tinh-sạch mà làm gương cho các tín-đồ”. (1 Ti-mô-thê 4:12) Khi các trưởng lão làm như vậy, những người trong bầy sẽ sẵn lòng áp dụng lời khuyên nơi Hê-bơ-rơ 13:7: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình,... hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ”.
Những gương khác thời nay
Trong vài thập niên vừa qua, vô số người đã nêu gương tốt. Nói gì về hàng ngàn giáo sĩ đã hy sinh, “bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa” để hoàn thành nhiệm vụ đạo Đấng Christ tại những cánh đồng hải ngoại? (Ma-thi-ơ 19:29) Cũng hãy xem xét trường hợp của những giám thị lưu động và vợ họ, những người đàn ông và đàn bà tình nguyện phục vụ tại các trụ sở Hội Tháp Canh và những người tiên phong phục vụ cho các hội thánh. Những gương ấy có thúc đẩy người khác không? Một người truyền giáo đạo Đấng Christ ở Châu Á nhớ lại một giáo sĩ tốt nghiệp khóa thứ tám của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Anh nói anh giáo sĩ trung thành này “sẵn sàng đương đầu với những bầy muỗi và không khí ẩm ướt ngột ngạt.... Điều gây ấn tượng hơn nữa là, dù xuất thân từ Anh Quốc, anh nói được tiếng Hoa và tiếng Mã Lai”. Gương tốt này đạt hiệu quả nào? Anh này nói: “Sự điềm đạm và tự tin của anh ấy đã truyền cho tôi ước muốn mai sau trở thành giáo sĩ”. Không lạ gì khi anh này quả đã trở thành một giáo sĩ.
Cuốn Watch Tower Publications Index liệt kê nhiều tự truyện đã đăng trong tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! Những mẩu chuyện này nói về những cá nhân đã hy sinh nghề nghiệp, mục tiêu thế gian, vượt qua những yếu kém, thay đổi nhân cách toàn diện, giữ được thái độ tích cực trong việc đương đầu với nghịch cảnh, và thể hiện đức tính siêng năng, nhịn nhục, trung thành, khiêm nhường và tinh thần hy sinh. Một độc giả đã viết về những mẩu chuyện này: “Khi đọc những điều người khác đã từng trải, tôi trở nên một tín đồ Đấng Christ khiêm nhường và biết ơn nhiều hơn. Điều này cũng giúp tôi không ích kỷ, nghĩ quá nhiều về chính mình”.
Ngoài ra, đừng quên những gương tốt trong hội thánh của bạn: những người chủ gia đình luôn chăm sóc cho gia đình cả về phương diện vật chất lẫn thiêng liêng; những chị—kể cả những người mẹ đơn chiếc—phải đối phó với những áp lực trong việc nuôi dạy con cái mà vẫn tích cực tham gia vào thánh chức; những người lớn tuổi và khuyết tật vẫn tiếp tục trung thành mặc dù ngày càng yếu đi và sức khỏe kém. Bạn không cảm động trước những gương mẫu như thế hay sao?
Công nhận là thế gian đầy gương xấu. (2 Ti-mô-thê 3:13) Tuy nhiên, hãy xem xét lời khuyên của Phao-lô gửi cho tín đồ Đấng Christ sống ở miền Giu-đê. Sau khi kể lại hạnh kiểm gương mẫu của nhiều người đàn ông và đàn bà có đức tin thời xưa, sứ đồ Phao-lô thúc giục họ: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên... lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. (Hê-bơ-rơ 12:1, 2) Ngày nay, tín đồ Đấng Christ cũng được ‘đám mây lớn’ làm gương tốt vây lấy—cả thời xưa lẫn thời nay. Bạn có thật sự rút tỉa được lợi ích từ họ không? Có, nếu bạn cương quyết là người không “bắt-chước điều dữ, nhưng bắt-chước điều lành”.—3 Giăng 11.
[Chú thích]
^ đ. 6 Do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Câu nổi bật nơi trang 20]
Mong đợi mỗi trưởng lão hay tôi tớ thánh chức khéo léo một cách xuất chúng trong mỗi khía cạnh của thánh chức đạo Đấng Christ là điều không thiết thực
[Các hình nơi trang 21]
Trưởng lão phải “làm gương tốt cho cả bầy”