Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời

Gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời

Gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời

“Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi”.—TRUYỀN-ĐẠO 11:6.

1. Ngày nay tín đồ Đấng Christ gieo giống theo nghĩa nào?

NÔNG NGHIỆP đóng vai trò quan trọng trong xã hội Do Thái ngày xưa. Khi còn trên đất, Chúa Giê-su đã ở trong Đất Hứa, vì vậy ngài đưa những đề tài về trồng trọt vào minh họa của ngài. Thí dụ, ngài ví việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời với việc gieo giống. (Ma-thi-ơ 13:1-9, 18-23; Lu-ca 8:5-15) Cho đến ngày nay, dù chúng ta sống trong xã hội chuyên về nông nghiệp hay không, việc gieo giống thiêng liêng là việc quan trọng nhất mà tín đồ Đấng Christ đang làm.

2. Việc rao giảng của chúng ta quan trọng như thế nào, và ngày nay chúng ta làm một số điều gì để thực hiện được công việc đó?

2 Tham gia vào việc gieo hạt giống lẽ thật của Kinh Thánh là một đặc ân lớn trong thời kỳ cuối cùng này. Rô-ma 10:14, 15 nói rõ tầm quan trọng của công việc này: “Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao-giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” Điều quan trọng hơn bao giờ hết là xúc tiến việc thực hiện sứ mệnh Đức Chúa Trời giao phó với thái độ tích cực. Vì lý do đó, Nhân Chứng Giê-hô-va miệt mài với việc sản xuất và phân phối Kinh Thánh và những ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh trong 340 thứ tiếng. Để chuẩn bị tài liệu này, cần có 18.000 người tình nguyện tại trụ sở trung ương và các văn phòng chi nhánh nhiều nước. Và gần sáu triệu Nhân Chứng tham gia vào việc phân phối ấn phẩm về Kinh Thánh trên khắp thế giới.

3. Việc gieo giống lẽ thật về Nước Trời thực hiện được điều gì?

3 Công việc này đem lại kết quả nào? Như thời ban đầu của đạo Đấng Christ, nhiều người ngày nay đón nhận lẽ thật. (Công-vụ 2:41, 46, 47) Tuy nhiên, con số đông người công bố mới báp têm không quan trọng bằng việc làm chứng vĩ đại, vì việc này đã góp phần làm thánh danh Đức Giê-hô-va và biện minh cho Ngài là Đức Chúa Trời có một và thật. (Ma-thi-ơ 6:9) Hơn nữa, sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời đang cải thiện đời sống của nhiều người đồng thời có thể dẫn họ đến sự cứu rỗi.—Công-vụ 13:47.

4. Các sứ đồ quan tâm đến độ nào đối với những người họ rao giảng?

4 Các sứ đồ hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của tin mừng mang lại sự sống, và họ có tình thương sâu đậm đối với những người họ rao giảng. Điều này được thấy rõ qua lời của sứ đồ Phao-lô khi viết: “Vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8) Khi biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với mọi người, Phao-lô và những sứ đồ khác noi theo Chúa Giê-su và thiên sứ trên trời, những đấng có quan hệ rất nhiều đến công việc cứu mạng này. Chúng ta hãy ôn lại vai trò quan trọng mà những tôi tớ trên trời của Đức Chúa Trời có trong việc gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời, và hãy xem gương họ khích lệ chúng ta làm tròn vai trò mình như thế nào.

Chúa Giê-su—Đấng Gieo lẽ thật về Nước Trời

5. Chúa Giê-su chủ yếu bận rộn trong công việc nào khi còn ở trên đất?

5 Chúa Giê-su, một người hoàn toàn, có quyền cung cấp nhiều điều tốt về phương diện thể chất cho những người sống vào thời ngài. Thí dụ, ngài có thể xóa hết nhiều khái niệm sai lầm y học vào thời đó, hoặc ngài có thể dạy cho người ta hiểu biết thêm về những ngành khoa học khác. Nhưng từ lúc đầu trong thánh chức, ngài nói rõ sứ mệnh ngài là rao giảng tin mừng. (Lu-ca 4:17-21) Và lúc gần cuối thánh chức, ngài giải thích: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Vì vậy ngài bận rộn trong việc gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời. Dạy dỗ những người đương thời về Đức Chúa Trời và ý định Ngài quan trọng hơn bất cứ sự giáo dục nào khác mà Chúa Giê-su có thể ban cho họ.—Rô-ma 11:33-36.

6, 7. (a) Trước khi lên trời, Chúa Giê-su cam kết điều gì, và ngài thực hiện như thế nào? (b) Thái độ của Chúa Giê-su đối với việc rao giảng ảnh hưởng bạn như thế nào?

6 Chúa Giê-su ám chỉ chính mình là Đấng Gieo lẽ thật về Nước Trời. (Giăng 4:35-38) Ngài rải hạt giống tin mừng mỗi khi có dịp. Thậm chí lúc hấp hối trên cây khổ hình, ngài vẫn công bố tin mừng về địa đàng trong tương lai. (Lu-ca 23:43) Hơn nữa, ngay lúc sắp chết trên cây khổ hình, ngài vẫn quan tâm sâu đậm đến việc rao giảng tin mừng. Trước khi lên trời, ngài truyền các sứ đồ tiếp tục gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Rồi Chúa Giê-su đưa ra một lời hứa đáng chú ý. Ngài nói: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

7 Qua lời này, Chúa Giê-su cam kết hỗ trợ, điều khiển và gìn giữ công việc rao giảng tin mừng “luôn cho đến tận-thế”. Mãi đến thời kỳ chúng ta, Chúa Giê-su tiếp tục chú ý đến công việc rao giảng. Ngài là Đấng Lãnh Đạo của chúng ta, đảm trách việc gieo lẽ thật về Nước Trời. (Ma-thi-ơ 23:10, NW) Với tư cách Đầu hội thánh tín đồ Đấng Christ, ngài chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về công việc này trên khắp thế giới.—Ê-phê-sô 1:22, 23; Cô-lô-se 1:18.

Thiên sứ rao truyền tin mừng

8, 9. (a) Các thiên sứ đã thành thật chú ý đến các sinh hoạt loài người như thế nào? (b) Có thể nói chúng ta ở trên sân khấu cho thiên sứ xem theo ý nghĩa nào?

8 Khi Đức Giê-hô-va tạo ra trái đất, các thiên sứ “đồng hát hòa nhau, và... cất tiếng reo mừng”. (Gióp 38:4-7) Kể từ lúc đó, những tạo vật trên trời này rất chú ý đến các sinh hoạt của loài người. Đức Giê-hô-va đã dùng họ chuyển đạt những điều Ngài phán với loài người. (Thi-thiên 103:20) Điều này đặc biệt đúng khi nói đến việc rao truyền tin mừng trong thời kỳ này. Trong sự mặc khải, sứ đồ Giăng thấy một “vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc. Người cất tiếng lớn nói rằng: Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến”.—Khải-huyền 14:6, 7.

9 Kinh Thánh nhắc đến thiên sứ “là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 1:14) Trong khi thiên sứ hăng hái làm phận sự giao phó cho họ, họ có dịp quan sát chúng ta và công việc chúng ta. Như thể ở trên một sân khấu mà mọi người đều nhìn thấy, chúng ta làm công việc trước mắt khán giả trên trời. (1 Cô-rinh-tô 4:9, NW) Biết rằng không phải một mình chúng ta gieo lẽ thật về Nước Trời quả là điều đáng suy nghĩ và khích lệ thay!

Hăng hái làm tròn vai trò chúng ta

10. Lời khuyên thực tiễn nơi Truyền-đạo 11:6 có thể áp dụng cho công việc rao giảng của chúng ta như thế nào?

10 Tại sao Chúa Giê-su và thiên sứ rất chú ý đến công việc chúng ta? Chúa Giê-su cho biết một lý do khi nói: “Ta nói cùng các ngươi,... thiên-sứ của Đức Chúa Trời... sẽ mừng-rỡ cho một kẻ có tội ăn-năn”. (Lu-ca 15:10) Chúng ta cũng thành thật chú ý đến mọi người. Vì vậy, chúng ta làm hết sức để rải hạt giống lẽ thật về Nước Trời khắp mọi nơi. Lời nơi Truyền-đạo 11:6 có thể áp dụng cho công việc của chúng ta. Câu Kinh Thánh này khuyên chúng ta: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt”. Đành rằng khi một người chấp nhận thông điệp thì có hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn người không muốn nghe, nhưng như các thiên sứ, chúng ta vui mừng dù chỉ “một kẻ có tội” chấp nhận thông điệp cứu rỗi.

11. Dùng ấn phẩm dựa vào Kinh Thánh có thể hữu hiệu như thế nào?

11 Công việc rao giảng tin mừng bao hàm nhiều khía cạnh. Một trợ giúp quan trọng cho công việc này là ấn phẩm dựa vào Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong vài phương diện, những ấn phẩm này cũng giống như hạt giống được rải khắp mọi nơi. Chúng ta không biết chúng sẽ giúp được ai. Đôi khi một ấn phẩm có thể qua nhiều tay trước khi một người nào đó đọc. Chúa Giê-su và thiên sứ còn có thể khiến cho sự việc đó xảy ra trong một số trường hợp vì lợi ích của những người có lòng ngay thẳng. Hãy xem xét vài kinh nghiệm cho thấy cách Đức Giê-hô-va khiến cho đạt được kết quả bất ngờ và tuyệt diệu bằng cách dùng ấn phẩm chúng ta để lại cho người ta.

Công việc của Đức Chúa Trời thật

12. Một tạp chí cũ đã giúp một gia đình biết Đức Giê-hô-va như thế nào?

12 Vào năm 1953, Robert, Lila cùng con cái từ thành phố lớn dọn đến một căn nhà xiêu vẹo ở nông trại vùng quê Pennsylvania, Hoa Kỳ. Sau khi dọn vào được ít lâu, Robert quyết định làm một phòng tắm đằng sau cầu thang. Sau khi dỡ nhiều tấm ván ra, anh phát hiện đằng sau tường, chuột đã trữ sẵn giấy vụn, vỏ quả óc chó cùng những mảnh vụn khác. Rồi nằm ngay giữa những thứ đó là một tờ tạp chí The Golden Age (Thời Đại Hoàng Kim). Robert đặc biệt chú ý đến bài nói về cách nuôi dạy con cái. Anh cảm kích trước sự chỉ dẫn rõ ràng, dựa vào Kinh Thánh được nêu ra trong tạp chí đến độ anh nói với Lila rằng họ sẽ theo “đạo Thời Đại Hoàng Kim”. Chỉ trong vòng vài tuần, Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà họ, nhưng Robert bảo họ rằng gia đình anh chỉ chú ý đến “đạo Thời Đại Hoàng Kim” thôi. Các Nhân Chứng giải thích rằng tờ Thời Đại Hoàng Kim bây giờ có tên mới là Tỉnh Thức! Robert và Lila bắt đầu đều đặn học hỏi Kinh Thánh với các Nhân Chứng và cuối cùng họ làm báp têm. Rồi họ gieo lẽ thật cho con cái và gặt nhiều kết quả. Ngày nay, hơn 20 người trong gia đình này, kể cả bảy con của họ, là tôi tớ đã báp têm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

13. Điều gì khiến cặp vợ chồng ở Puerto Rico chú ý đến Kinh Thánh?

13 Khoảng 40 năm trước, cặp vợ chồng người Puerto Rico, William và Ada, không chú ý đến việc học Kinh Thánh. Mỗi lần Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa, họ giả vờ đi vắng. Một ngày nọ, William đến chỗ bán đồ cũ mua một món đồ về sửa nhà. Lúc ra về, anh để ý thấy một cuốn sách màu xanh lá mạ nằm trong thùng rác to. Đó là sách Religion (Tôn Giáo), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản vào năm 1940. William đem sách về và hứng thú đọc về sự khác biệt giữa tôn giáo thật và giả. Lần sau, khi Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm, William và Ada vui vẻ lắng nghe thông điệp và bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với họ. Nhiều tháng sau họ làm báp têm tại Đại Hội Quốc Tế Ý Định Đức Chúa Trời vào năm 1958. Từ đó đến nay, họ đã giúp hơn 50 người trở thành anh em tín đồ Đấng Christ.

14. Như một kinh nghiệm cho thấy, ấn phẩm dựa vào Kinh Thánh có thể làm được gì?

14 Karl lúc 11 tuổi có tính hơi tinh nghịch, và dường như luôn lâm vào tình trạng rắc rối. Cha anh là một mục sư Giám Lý Hội người Đức dạy anh rằng những người ác sau khi chết bị lửa đốt trong địa ngục. Vì vậy anh Karl rất sợ địa ngục. Một ngày nọ vào năm 1917, anh chú ý thấy một tấm giấy ngoài đường và nhặt lên. Khi đọc những dòng chữ in trên giấy, câu hỏi này đập ngay vào mắt anh: “Địa ngục là gì?” Đây là tờ giấy mời công chúng đến nghe bài giảng về đề tài địa ngục, do Học Viên Kinh Thánh—ngày nay là Nhân Chứng Giê-hô-va—bảo trợ. Khoảng một năm sau, sau nhiều buổi học hỏi Kinh Thánh, anh Karl làm báp têm, và trở thành một Học Viên Kinh Thánh. Vào năm 1925, anh được mời đến làm việc tại trụ sở trung ương quốc tế—nơi mà anh vẫn còn phụng sự. Một sự nghiệp của người tín đồ Đấng Christ kéo dài gần tám thập niên bắt đầu với một tờ giấy nhặt ngoài đường.

15. Đức Giê-hô-va có thể làm gì khi Ngài thấy thích hợp?

15 Đành rằng loài người chúng ta không thể xác định thiên sứ có quan hệ trực tiếp đến những kinh nghiệm này hay không, và nếu có thì quan hệ đến độ nào, nhưng chúng ta nên tin chắc rằng Chúa Giê-su và thiên sứ có vai trò tích cực trong công việc rao giảng và Đức Giê-hô-va có thể hướng dẫn sự việc khi Ngài thấy thích hợp. Những kinh nghiệm này và nhiều kinh nghiệm tương tự cho thấy lợi ích các ấn phẩm đem lại sau khi chúng ta để lại cho người ta.

Chúng ta được giao cho một kho tàng

16. Chúng ta rút tỉa được điều gì qua những lời nơi 2 Cô-rinh-tô 4:7?

16 Sứ đồ Phao-lô nói về “kho tàng... trong bình đất”. Kho tàng này là sứ mệnh rao giảng mà Đức Chúa Trời ban cho, và chậu đất là những người mà Đức Giê-hô-va giao phó cho kho tàng này. Vì những người đó bất toàn và có giới hạn, nên Phao-lô nói tiếp rằng họ được giao cho sứ mệnh này vì “sức lực vượt quá mức bình thường bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Đúng vậy, chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va ban sức mạnh cần thiết để giúp chúng ta thực hiện công việc trước mắt.

17. Khi gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời, chúng ta sẽ gặp điều gì, và dù vậy tại sao chúng ta nên giữ thái độ tích cực?

17 Thường thì chúng ta phải hy sinh. Có thể là khó hay là bất tiện khi rao giảng trong một số khu vực. Có những vùng mà phần nhiều người có vẻ cực kỳ lãnh đạm, thậm chí chống đối nữa. Có thể chúng ta dành nhiều nỗ lực trong những vùng xem ra không kết quả. Nhưng không có nỗ lực nào là uổng phí khi quá nhiều người bị lâm nguy. Hãy nhớ rằng, những hạt giống bạn gieo có thể đem hạnh phúc cho người ta bây giờ cũng như sự sống đời đời trong tương lai. Những lời nơi Thi-thiên 126:6 nhiều lần chứng tỏ là đúng: “Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui-mừng, mang bó lúa mình”.

18. Chúng ta luôn để tâm đến thánh chức như thế nào, và tại sao chúng ta nên làm thế?

18 Chúng ta hãy nắm mọi cơ hội thích hợp để gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời một cách rộng rãi. Dù chúng ta trồng và tưới hạt giống, mong rằng chúng ta đừng bao giờ quên rằng chính Đức Giê-hô-va làm cho lớn lên. (1 Cô-rinh-tô 3:6, 7) Nhưng như Chúa Giê-su và thiên sứ thực hiện phần việc của họ, Đức Giê-hô-va cũng đòi hỏi chúng ta phải làm đầy đủ thánh chức mình. (2 Ti-mô-thê 4:5) Mong rằng chúng ta luôn luôn để tâm đến sự dạy dỗ, đến thái độ và đến lòng hăng hái mình trong thánh chức. Tại sao? Phao-lô trả lời: “Vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”.—1 Ti-mô-thê 4:16.

Chúng ta học được gì?

• Việc gieo giống của chúng ta sinh kết quả tốt trong những phương diện nào?

• Ngày nay Chúa Giê-su Christ và các thiên sứ có liên quan đến việc rao giảng tin mừng như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên rộng rãi khi gieo hạt giống lẽ thật về Nước Trời?

• Khi gặp sự lãnh đạm hoặc chống đối trong thánh chức, điều gì thúc đẩy chúng ta bền chí?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Như các nông dân thời xưa ở Y-sơ-ra-ên, ngày nay tín đồ Đấng Christ rải hạt giống lẽ thật về Nước Trời một cách rộng rãi

[Hình nơi trang 16, 17]

Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất và phân phối rất nhiều ấn phẩm dựa vào Kinh Thánh trong 340 thứ tiếng