Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hăng hái rao truyền tin mừng

Hăng hái rao truyền tin mừng

Hăng hái rao truyền tin mừng

“Phải có lòng sốt-sắng [“nhờ thánh linh”, “NW”]; phải hầu việc Chúa”.—RÔ-MA 12:11.

1, 2. Là người rao giảng về tin mừng, tín đồ Đấng Christ cố giữ thái độ nào?

MỘT thanh niên cảm thấy mừng rỡ về việc làm mới của mình. Ngay ngày đầu, anh nóng lòng trông đợi chủ chỉ dẫn công việc. Anh mong được bắt tay vào việc đầu tiên và xem trọng công việc. Anh hăng hái làm hết sức mình.

2 Tương tự như thế, tín đồ Đấng Christ chúng ta có thể xem mình là những công nhân mới. Vì chúng ta có hy vọng sống đời đời, nên có thể nói là chúng ta chỉ mới bắt đầu làm cho Đức Giê-hô-va. Chắc chắn Đấng Tạo Hóa có nhiều việc cho chúng ta làm, sẽ khiến chúng ta bận rộn muôn đời. Nhưng sứ mệnh đầu tiên chúng ta nhận được là rao truyền tin mừng về Nước Trời của Ngài. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4) Chúng ta cảm thấy thế nào về nhiệm vụ này? Như thanh niên nói trên, chúng ta muốn làm hết sức mình, với lòng sốt sắng, vui vẻ—đúng vậy, với sự hăng hái!

3. Cần phải làm gì để trở thành người rao giảng tin mừng thành công?

3 Đương nhiên giữ thái độ tích cực như thế có thể khó. Ngoài công việc rao giảng, chúng ta còn có nhiều trách nhiệm khác nữa, một số những trách nhiệm đó có thể làm chúng ta nặng trĩu về thể xác và tình cảm. Thường thì chúng ta xoay xở để chu toàn những trách nhiệm này trong khi lưu ý đầy đủ đến việc rao giảng, nhưng đây có thể là một sự phấn đấu dai dẳng. (Mác 8:34) Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng tín đồ Đấng Christ cần phải cố gắng hết sức mới được thành công.—Lu-ca 13:24.

4. Sự lo lắng hàng ngày có thể ảnh hưởng thế nào đến quan điểm về thiêng liêng của chúng ta?

4 Với nhiều việc để làm, đôi khi chúng ta dễ cảm thấy mình bị lấn át hoặc trĩu nặng. “Sự lo-lắng đời nầy” có thể bóp nghẹt lòng sốt sắng cũng như sự quí trọng của chúng ta đối với các hoạt động thần quyền. (Lu-ca 21:34, 35; Mác 4:18, 19) Vì bản chất bất toàn của con người, chúng ta có thể bỏ “lòng kính-mến ban đầu”. (Khải-huyền 2:1-4) Trong vài phương diện, có thể chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va một cách chiếu lệ. Kinh Thánh khích lệ chúng ta như thế nào để giữ được lòng sốt sắng trong việc rao giảng?

Như “lửa đốt-cháy” trong lòng mình

5, 6. Sứ đồ Phao-lô xem đặc ân rao giảng như thế nào?

5 Thánh chức mà Đức Giê-hô-va giao cho chúng ta vô cùng quý giá, không được xem thường. Sứ đồ Phao-lô xem việc rao giảng tin mừng là đặc ân rất lớn, và ông xem mình không đáng được giao cho trách nhiệm đó. Ông nói: “Phải, ân-điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh-đồ, để rao-truyền cho dân ngoại sự giàu-có không dò được của Đấng Christ, và soi sáng cho mọi người biết sự phân-phát lẽ mầu-nhiệm, từ đời thượng-cổ đã giấu-kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật”.—Ê-phê-sô 3:8, 9.

6 Thái độ tích cực của Phao-lô về thánh chức là một gương tốt cho chúng ta. Trong thư gửi người Rô-ma, ông nói: “Tôi cũng sẵn lòng rao Tin-lành cho anh em”. Ông không hổ thẹn về tin mừng. (Rô-ma 1:15, 16) Ông có thái độ đúng và ông hăng hái thực hiện thánh chức mình.

7. Trong thư gửi người Rô-ma, Phao-lô dặn họ tránh điều gì?

7 Sứ đồ Phao-lô nhận biết rằng giữ thái độ sốt sắng là điều cần thiết, nên ông khuyên tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma: “Hãy siêng-năng mà chớ làm biếng [“la cà”, NW]; phải có lòng sốt-sắng [“nhờ thánh linh”, NW]; phải hầu việc Chúa”. (Rô-ma 12:11) Từ Hy Lạp được dịch là “la cà” hàm ý “lờ đờ, uể oải”. Dù có thể không thật sự la cà khi rao giảng, nhưng tất cả chúng ta cần tinh ý nhận ra bất cứ triệu chứng khởi đầu nào của sự uể oải về thiêng liêng và điều chỉnh thái độ cho thích hợp nếu nhận thấy chính mình có những triệu chứng đó.—Châm-ngôn 22:3.

8. (a) Điều gì giống như “lửa đốt-cháy” trong lòng Giê-rê-mi, và tại sao? (b) Chúng ta rút tỉa được bài học nào qua kinh nghiệm của Giê-rê-mi?

8 Thánh linh Đức Chúa Trời cũng có thể giúp chúng ta khi chán nản. Thí dụ, có lần tiên tri Giê-rê-mi bị chán nản, và ông muốn ngưng công việc tiên tri. Thậm chí ông nói: “Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa”. Đây có phải là bằng chứng cho thấy Giê-rê-mi bị yếu kém trầm trọng về thiêng liêng không? Không. Sự thật là tình trạng thiêng liêng vững vàng của Giê-rê-mi, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và lòng sốt sắng của ông dành cho lẽ thật đã thêm sức cho ông tiếp tục nói tiên tri. Ông giải thích: “Trong lòng tôi [lời Đức Giê-hô-va] như lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt-mỏi vì nín-lặng, không chịu được nữa”. (Giê-rê-mi 20:9) Đương nhiên là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cũng có lúc bị chán nản. Nhưng khi họ cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, Ngài sẽ đọc được lòng họ và ban thánh linh dồi dào cho họ nếu, như Giê-rê-mi, họ ghi tạc lời Ngài trong lòng.—Lu-ca 11:9-13; Công-vụ 15:8.

“Chớ dập tắt Thánh-Linh”

9. Điều gì có thể ngăn trở thánh linh hoạt động vì lợi ích chúng ta?

9 Sứ đồ Phao-lô khuyên người Tê-sa-lô-ni-ca: “Chớ dập tắt Thánh-Linh”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) Thật vậy, những hành động và thái độ trái nghịch với nguyên tắc Đức Chúa Trời có thể ngăn trở thánh linh hoạt động vì lợi ích chúng ta. (Ê-phê-sô 4:30) Tín đồ Đấng Christ ngày nay có nhiệm vụ rao giảng tin mừng. Chúng ta xem trọng đặc ân này. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người không biết Đức Chúa Trời tỏ ra khinh bỉ công việc rao giảng của chúng ta. Nhưng khi một tín đồ Đấng Christ cố tình bỏ bê thánh chức, thì hậu quả có thể là người đó làm dập tắt thánh linh của Đức Chúa Trời.

10. (a) Quan điểm của người đồng loại có thể ảnh hưởng chúng ta thế nào? (b) Quan điểm cao trọng nào về thánh chức chúng ta được nói nơi 2 Cô-rinh-tô 2:17?

10 Một số người ngoài hội thánh đạo Đấng Christ có thể xem thánh chức chúng ta chỉ là việc phân phát sách báo. Những người khác lầm lẫn kết luận rằng chúng ta đi từ nhà này sang nhà kia chỉ để quyên tiền. Nếu để quan điểm tiêu cực đó ảnh hưởng đến thái độ chúng ta thì nó có thể làm giảm hiệu quả của chúng ta trong thánh chức. Thay vì để lối suy nghĩ đó ảnh hưởng mình, chúng ta hãy có quan điểm như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có đối với thánh chức chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nói lên quan điểm cao quý đó khi ông tuyên bố: “Chúng tôi chẳng giả-mạo [“bán dạo”, NW] lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác; nhưng chúng tôi lấy lòng chân-thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ”.—2 Cô-rinh-tô 2:17.

11. Điều gì giúp tín đồ Đấng Christ thời ban đầu giữ lòng sốt sắng dù bị bắt bớ, và gương họ ảnh hưởng chúng ta như thế nào?

11 Chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su chết, môn đồ ngài ở Giê-ru-sa-lem đã trải qua thời kỳ bắt bớ. Họ bị đe dọa và bị cấm rao giảng. Nhưng Kinh Thánh nói rằng họ “đều được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”. (Công-vụ 4:17, 21, 31) Lời Phao-lô viết cho Ti-mô-thê nhiều năm sau cho thấy tâm thần tích cực mà tín đồ Đấng Christ nên giữ. Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình thương-yêu và dè-giữ. Vậy, con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu-hổ; nhưng hãy cậy quyền-phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin-lành”.—2 Ti-mô-thê 1:7, 8.

Chúng ta có bổn phận gì với người đồng loại?

12. Lý do chính của việc chúng ta rao giảng tin mừng là gì?

12 Để có thái độ đúng đối với thánh chức, chúng ta phải có động lực đúng. Tại sao chúng ta rao giảng? Lý do chính được thấy qua lời người viết Thi-thiên: “Những người thánh Ngài cũng sẽ chúc-tụng Ngài. Họ sẽ nói về sự vinh-hiển nước Chúa, thuật lại quyền-năng của Chúa. Đặng tỏ ra cho con loài người biết việc quyền-năng của Chúa, và sự vinh-hiển oai-nghi của nước Ngài”. (Thi-thiên 145:10-12) Đúng vậy, chúng ta rao giảng để công khai ca ngợi Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài trước mọi người. Thậm chí dù ít người nghe, chúng ta vẫn trung thành công bố thông điệp cứu rỗi để ca ngợi Đức Giê-hô-va.

13. Những điều gì thúc đẩy chúng ta nói cho người khác biết về hy vọng cứu rỗi?

13 Chúng ta cũng rao giảng vì lòng yêu thương người đồng loại cũng như để tránh nợ máu. (Ê-xê-chi-ên 33:8; Mác 6:34) Liên quan đến điều này, Phao-lô nhắc đến những người ở ngoài hội thánh tín đồ Đấng Christ như sau: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã-man, cả người thông-thái lẫn người ngu-dốt”. (Rô-ma 1:14) Ông cảm thấy rằng mình mắc nợ mọi người nên phải rao truyền tin mừng cho họ, vì Đức Chúa Trời muốn cho “mọi người được cứu-rỗi”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Ngày nay chúng ta cũng có tình yêu thương giống như vậy đối với người đồng loại và có bổn phận với họ. Tình yêu thương cho nhân loại khiến Đức Giê-hô-va sai Con Ngài xuống trái đất để chết cho họ. (Giăng 3:16) Đó là một sự hy sinh to lớn. Chúng ta noi theo tình yêu thương của Đức Giê-hô-va khi dành thì giờ và năng lực nói cho người khác biết tin mừng cứu rỗi dựa vào sự hy sinh của Chúa Giê-su.

14. Kinh Thánh miêu tả thế nào về thế gian ở ngoài hội thánh tín đồ Đấng Christ?

14 Nhân Chứng Giê-hô-va xem người đồng loại là những người có triển vọng trở thành anh em tín đồ Đấng Christ. Chúng ta phải dạn dĩ rao giảng, nhưng dạn dĩ không phải là hung hăng. Sự thật là Kinh Thánh có dùng những từ mạnh khi nói về thế gian nói chung. Chính chữ “thế gian” được Phao-lô dùng theo nghĩa tiêu cực khi nói về “sự khôn ngoan của thế gian” và “sự ham muốn thế gian”. (1 Cô-rinh-tô 3:19, NW; Tít 2:12, NW) Phao-lô cũng nhắc nhở tín đồ người Ê-phê-sô rằng ngày trước họ “chết” về thiêng liêng vì họ đã “theo hệ thống mọi sự trên thế gian này”. (Ê-phê-sô 2:1-3, NW) Những lời này và lời khác giống vậy phù hợp với câu sứ đồ Giăng nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”.—1 Giăng 5:19.

15. Về những người ở ngoài hội thánh đạo Đấng Christ, chúng ta không nên làm gì và tại sao?

15 Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những lời đó nói về thế gian nói chung tách biệt khỏi Đức Chúa Trời, chứ không nói về mỗi người. Tín đồ Đấng Christ không dám phán đoán trước mỗi người sẽ phản ứng thế nào khi được nghe rao giảng. Họ không có căn cứ khi nói người nào là dê. Chúng ta không nói được kết cuộc sẽ ra sao khi Chúa Giê-su đến phân chia “chiên” và “dê”. (Ma-thi-ơ 25:31-46) Chính Chúa Giê-su là đấng được bổ nhiệm để phán xét, chứ không phải chúng ta. Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy rằng một số người thậm chí dính líu nhiều vào hành động tệ hại nhất nhưng đã nhận thông điệp Kinh Thánh, thay đổi, rồi trở thành tín đồ Đấng Christ sống trong sạch. Vì vậy, dù có thể không tìm những người nào đó làm bạn, chúng ta không ngại nói với họ về hy vọng Nước Trời khi có dịp. Kinh Thánh nói đến những người, dù chưa tin đạo, nhưng “có lòng hướng thiện để nhận sự sống đời đời”. Rốt cuộc họ trở thành những người tin đạo. (Công-vụ 13:48, NW) Chúng ta không hề biết được ai có lòng hướng thiện đến khi mình làm chứng cho họ—có lẽ nhiều lần. Ghi nhớ điều này, chúng ta lấy lòng “mềm-mại” và “kính-sợ” đối xử với những người chưa chấp nhận thông điệp cứu rỗi, hy vọng rằng một số người đó có thể hưởng ứng thông điệp sự sống.—2 Ti-mô-thê 2:25; 1 Phi-e-rơ 3:15.

16. Một lý do khiến chúng ta muốn phát triển “nghệ thuật giảng dạy” là gì?

16 Phát triển khả năng dạy dỗ sẽ giúp chúng ta hăng hái rao truyền tin mừng. Thí dụ: Một trò chơi hay môn thể thao hào hứng có thể là vô vị cho người không biết chơi, nhưng với người biết chơi thì rất là thích thú. Tương tự như thế, tín đồ Đấng Christ nào phát triển “nghệ thuật giảng dạy” thì có thêm niềm vui khi đi rao giảng. (2 Ti-mô-thê 4:2, NW; Tít 1:9) Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Làm sao chúng ta có thể phát triển khả năng dạy dỗ?

17. Làm sao chúng ta có thể “tập ham thích” sự hiểu biết về Kinh Thánh, và sự hiểu biết đó có lợi cho thánh chức như thế nào?

17 Một cách là tiếp thụ thêm sự hiểu biết chính xác. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta: “Hãy [“tập”, NW] ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn”. (1 Phi-e-rơ 2:2) Theo bản năng, một em bé mạnh khỏe ham muốn bú sữa. Tuy nhiên, một tín đồ Đấng Christ có thể cần “tập ham thích” sự hiểu biết về Kinh Thánh. Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách vun trồng thói quen học và đọc thường xuyên. (Châm-ngôn 2:1-6) Chúng ta cần sự cố gắng và kỷ luật tự giác nếu muốn trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời khéo léo, nhưng những cố gắng như thế đem lại phần thưởng. Sự vui thích đến từ việc xem xét Lời Đức Chúa Trời sẽ làm chúng ta sốt sắng nhờ thánh linh Đức Chúa Trời, hăng hái chia sẻ những gì mình học với người khác.

18. Các buổi họp đạo Đấng Christ trang bị chúng ta thế nào để giảng dạy lời lẽ thật cho đúng?

18 Những buổi họp của đạo Đấng Christ cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp chúng ta khéo dùng Lời Đức Chúa Trời. Khi những câu Kinh Thánh được đọc trong bài giảng công cộng và những buổi họp khác, chúng ta nên lật Kinh Thánh đọc theo. Chúng ta nên khôn ngoan chăm chú theo dõi các phần trong buổi họp, kể cả những phần liên quan riêng đến việc rao giảng. Đừng bao giờ nên xem nhẹ giá trị của những trình diễn, có lẽ bằng cách để mình bị xao lãng. Lần nữa, chúng ta cần có kỷ luật tự giác và tập trung tư tưởng. (1 Ti-mô-thê 4:16) Các buổi họp đạo Đấng Christ xây dựng đức tin, giúp chúng ta tập ham thích Lời Đức Chúa Trời, và rèn luyện chúng ta hăng hái công bố tin mừng.

Có thể tin cậy Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta

19. Tại sao đều đặn tham gia vào công việc rao giảng là điều thiết yếu?

19 Tín đồ Đấng Christ “sốt sắng nhờ thánh linh” và hăng hái rao truyền tin mừng cố gắng tham gia đều đặn vào thánh chức. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Đành rằng hoàn cảnh khác nhau, và không phải mọi người đều có thể dành cùng một số giờ để làm công việc cứu mạng này, nhưng tổng số giờ chúng ta dành vào công việc rao giảng có lẽ không quan trọng bằng việc chúng ta nói thường xuyên với người khác về hy vọng của mình. (Ga-la-ti 6:4, 5; 2 Ti-mô-thê 4:1, 2) Rao giảng nhiều chừng nào thì chúng ta hiểu tầm quan trọng của công việc này nhiều chừng nấy. (Rô-ma 10:14, 15) Chúng ta sẽ tăng lòng thương xót và tình đồng loại khi thường gặp những người chân thật đang than thở khóc lóc và những người vô hy vọng.—Ê-xê-chi-ên 9:4; Rô-ma 8:22.

20, 21. (a) Công việc nào còn ở trước mặt chúng ta? (b) Đức Giê-hô-va nâng đỡ những cố gắng chúng ta như thế nào?

20 Đức Giê-hô-va giao phó tin mừng cho chúng ta. Đây là sứ mệnh đầu tiên mà chúng ta nhận được, với tư cách là “bạn cùng làm việc” với Ngài. (1 Cô-rinh-tô 3:6-9) Chúng ta hăng hái hết sức làm tròn trách nhiệm Đức Chúa Trời giao cho. (Mác 12:30; Rô-ma 12:1) Vẫn còn nhiều người có lòng hướng thiện trên thế gian đang đói khát lẽ thật. Còn có nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va nâng đỡ trong khi thực hiện đầy đủ thánh chức mình.—2 Ti-mô-thê 4:5.

21 Đức Giê-hô-va cho chúng ta thánh linh Ngài và trang bị chúng ta bằng “gươm của Đức Thánh-Linh”, Lời Đức Chúa Trời. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể mở miệng nói năng “tự-do mọi bề, bày-tỏ lẽ mầu-nhiệm của đạo Tin-lành”. (Ê-phê-sô 6:17-20) Mong rằng những lời sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca cũng nói về chúng ta: “Tin-lành chúng tôi đã rao-truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền-phép, Đức Thánh-Linh và sức-mạnh của sự tin-quyết nữa”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5) Thật vậy, chúng ta hãy rao truyền tin mừng với sự hăng hái!

Ôn lại ngắn gọn

• Vì sự lo lắng đời này, lòng sốt sắng của chúng ta đối với việc rao giảng có thể ra sao?

• Lòng ham muốn rao truyền tin mừng phải giống “lửa đốt-cháy” trong lòng của chúng ta như thế nào?

• Chúng ta nên tránh thái độ tiêu cực nào đối với việc rao giảng?

• Nói chung, chúng ta nên xem những người khác đạo như thế nào?

• Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ lòng sốt sắng trong việc rao giảng như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 9]

Tín đồ Đấng Christ noi theo lòng sốt sắng của Phao-lô và Giê-rê-mi

[Các hình nơi trang 10]

Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại thúc đẩy chúng ta hăng hái trong công việc rao giảng